Khát vọng hòa bình

Chiến tranh có thể rèn người ta theo 2 hướng: Hoặc làm cho ta cứng rắn và vô tình hoặc làm cho ta dễ xúc cảm, dễ yêu thương...

Các em học sinh hào hứng giao lưu với nhà văn Vũ Hùng. Ảnh: docsachcungcon.com.

Các em học sinh hào hứng giao lưu với nhà văn Vũ Hùng. Ảnh: docsachcungcon.com.

“Tôi được chiến tranh rèn theo hướng thứ 2. Trong văn học tôi theo đuổi chủ nghĩa nhân đạo” - Đó là tâm sự của nhà văn Vũ Hùng về công việc viết văn, được lưu trong cuốn “Cuối đời nhìn lại”.

Điều này đều được nhiều người cùng xác nhận để bày tỏ niềm yêu mến với tác giả - một cây bút bước ra từ quân ngũ và đem tài năng văn học, học vấn sâu rộng cùng tấm lòng yêu quý thiên nhiên, trẻ thơ tạo nên những trang văn đẹp đẽ, nhân hậu. Nguyên Tổng Biên tập NXB Kim Đồng Lê Thị Dắt - người từng biên tập sách của Vũ Hùng cho rằng, những trang viết của ông “làm dịu lòng người đọc giữa nhịp sống hối hả của cuộc sống hiện đại, gây dựng cho trẻ em nhân cách sống cao đẹp và tính hướng thiện”.

Theo bà, ba mươi năm trong quân ngũ đã cho tác giả một vốn sống sâu sắc. Ông có con mắt quan sát thiên nhiên và muông thú rất tinh tế. Nhà phê bình Nguyễn Vân Thanh cũng nhận xét, dù có cốt truyện đơn giản nhưng tác phẩm của ông luôn để lại những ấn tượng sâu sắc, khó quên. Đáng quý hơn cả là: “Văn chương của ông dạy các em giá trị của cái đẹp, lòng nhân hậu”.

Có thể thấy điều đó được thể hiện xuyên suốt trong những: “Mùa săn trên núi”, “Sống giữa bầy voi”, “Giữ lấy bầu mật”, “Sao sao”, “Chú ngựa đồng cỏ”, “Người quản tượng và con voi chiến sĩ”… Và nhất là truyện dài “Con culi của tôi” dù viết về chiến tranh nhưng sau những trang văn còn khắc họa một cách chân thực, sinh động về sự gian khổ, khốc liệt thì luôn là khát vọng hòa bình, độc lập, tự do.

 Bộ sách văn học thiếu nhi của Vũ Hùng được nhận giải Vàng – Sách hay, Giải thưởng Sách Việt Nam 2016. Ảnh: Bình Thanh.

Bộ sách văn học thiếu nhi của Vũ Hùng được nhận giải Vàng – Sách hay, Giải thưởng Sách Việt Nam 2016. Ảnh: Bình Thanh.

Hiểm nguy rình rập

“Con culi của tôi” xoay quanh nhân vật “tôi”, là đài trưởng của một đơn vị quân báo chiến đấu ở mặt trận Lào trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Chính bởi đặc thù thường xuyên phải di chuyển ngang dọc các cánh rừng của dãy Trường Sơn, nên bên cạnh việc đề phòng quân địch, đơn vị quân báo cũng liên tục thót tim với những tình huống phải đối mặt với các loài thú, đặc biệt là thú dữ.

Chẳng hạn như vào một đêm mùa Đông giá buốt, lạnh lẽo “giữa một cánh rừng hoang trên lưng Trường Sơn”, nhân vật “tôi” cùng với các đồng đội của mình đã phải trải nghiệm “một đêm khủng khiếp nhất trong đời”. Khi toàn đội quân báo đang chìm trong giấc nồng sau một ngày dài hành quân đầy mệt nhọc, thì bỗng nhiên “có một vật gì dài và nặng trườn ngang người chúng tôi trên lớp chăn, từ người nọ qua người kia”. Nỗi kinh hoàng của toàn lán tăng lên cực điểm khi phát hiện ra “vật gì dài và nặng”, ấy là “một con rắn rất dài, đúng hơn là một con trăn”, hay cụ thể hơn là một con trăn đất đang đi tìm nơi qua đêm ấm áp.

Thậm chí, ngay cả khi đã được ở nhờ trong làng của những người thợ săn Xêk, các mối đe dọa vẫn không hề giảm đi khi hàng đêm cọp lởn vởn quanh nhà nhằm tìm bắt gia súc, hay rắn độc vẫn có thể chui vào và ẩn náu trong ba lô bất cứ lúc nào.

Hiểu được nỗi lòng của nhân vật “tôi”, người thợ săn Xêk đã tặng món quà dù nhỏ nhưng lại vô cùng ý nghĩa - đó là chú culi rất có ích trong việc đánh hơi loài thú dữ - vốn là kẻ thù của loài vật “xinh xắn và nhút nhát” này. Kể từ khi theo chân nhân vật “tôi”, chú culi ấy đã liên tiếp lập “chiến công” khi bảo vệ toàn đội quân báo khỏi những mối nguy hiểm về đêm, từ việc phát giác con rắn lục lén chui vào chiếc túi dết của đội trưởng, cho tới đánh hơi thấy con báo đốm đang nhẹ nhàng trườn bò trên ngọn cây gần đó, sẵn sàng nhảy bổ xuống kết liễu một trong hai người lính canh gác.

Trên dãy Trường Sơn những năm tháng chiến tranh khốc liệt, bộ đội vừa chiến đấu giữa bom đạn vừa tìm cách sinh tồn giữa tự nhiên, và có cả những tình bạn với loài vật vô cùng đáng nhớ đáng yêu như thế.

Nhưng, ngay khi nỗi lo về mối nguy hiểm đến từ rừng già mới tạm lắng xuống nhờ chú culi, toàn đội quân báo lại phải căng mình chống chọi với quân địch. Tuy nhân vật “tôi” không phải là người lính trực tiếp cầm súng xung phong nơi trận địa, nhưng độc giả vẫn có thể tưởng tượng nên sự tàn khốc, gian khổ của chiến trường. Đó là sự bất lợi về liên lạc khi đội quân báo đã hành quân cách Sư đoàn quá xa: “Vào lúc trời trong, tín hiệu vang vang như tiếng chim, nhưng chỉ sau một vài giờ khi trời tụ mây, sóng điện bắt đầu lịm đi, tín hiệu nghe chỉ còn thoang thoảng như tiếng gió thổi trong vòm lá”. Hay đó là sự nguy hiểm luôn rình rập khi “hình như địch đã phát hiện được hướng chiến dịch của liên quân Lào - Việt. Một chiếc máy bay Potex-34 với hai tầng cánh vuông, được gọi là máy bay bà già, bỗng xuất hiện và bay vè vè quanh chỗ chúng tôi luôn đóng quân”.

Thậm chí, ở điện đài mà “tôi” túc trực bỗng xuất hiện thêm cả điện đài của địch làm việc với “tần số rất mạnh”, “ở tần số nào tôi cũng nghe thấy họ”, thể hiện rằng cả quân ta và quân địch đang ở rất gần nhau. Và như một hệ quả tất yếu, những trận đụng độ đã xảy ra, gây ra tổn thất cho cả hai phía: Nếu như về phía quân ta đã bắt sống được tù binh để tra hỏi thông tin, thì đổi lại, Minh - người bạn thân nhất của nhân vật “tôi” đã ra đi mãi mãi khi cố gắng ngăn trinh sát địch lần theo dấu vết của trinh sát ta.

 Truyện dài “Con culi của tôi” có thông điệp sâu sắc muốn gửi gắm tới thế hệ trẻ hôm nay. Ảnh: Bình Thanh.

Truyện dài “Con culi của tôi” có thông điệp sâu sắc muốn gửi gắm tới thế hệ trẻ hôm nay. Ảnh: Bình Thanh.

Mong chờ hòa bình

Tác giả Vũ Hùng rất khéo léo lồng ghép những giây phút nghỉ ngơi thảnh thơi hiếm hoi xen giữa các chuyến hành quân và các trận chiến cân não của nhân vật “tôi” và toàn đội quân báo. Tuy chỉ chiếm một phần tương đối nhỏ nhưng qua lời nói, hành động của các nhân vật, độc giả như cảm nhận được niềm mong chờ, khát khao được tự do, độc lập đến cháy bỏng trong mỗi người.

Đó là khoảng thời gian toàn đội quân báo vượt qua dãy Trường Sơn sừng sững để đặt chân tới vùng giải phóng của nước bạn Lào đã khắc họa nên những điều tuyệt vời nhất mà độc lập, tự do đem lại cho con người. Cuộc sống của họ trở nên dễ chịu hơn phần nào: Toàn đội quân báo được thả lỏng, được sống thoải mái cùng những người dân làng mà không cần phải lo nghĩ về việc quân địch có thể bất thần ập đến bất kì lúc nào.

Nhân vật “tôi” cùng với con culi cũng có cho riêng mình những kỉ niệm không bao giờ quên trong mấy ngày ngắn ngủi dừng chân tại đây. Chẳng hạn, khi “tôi” tham gia vào trò chơi của đám trẻ làng: Chúng đã lấy mũi tên bắn trúng tổ ong, để dòng mật ngọt ngào cứ chảy dọc theo chiếc mũi tên ấy, và người bên dưới chỉ đơn giản khéo léo chọn vị trí đứng để hứng trọn vẹn dòng mật chảy xuống. Trong lần thử đầu tiên, tuy không được thành công mỹ mãn vì “mật rơi nhoe nhoét trên tóc và trên mặt”, nhưng “tôi” vẫn có được niềm vui khi được vui chơi cùng những người dân hồn nhiên, yêu thích vui đùa hơn sự nghiêm túc, đứng đắn.

Hay như kỉ niệm tắm sông giữa nhân vật “tôi”, con culi và tiểu đội phó trinh sát Minh. Ở đó, lần đầu độc giả được biết tới quá khứ của cả nhân vật “tôi” và Minh: Cả hai đều từng là những cậu bé ngây thơ, hồn nhiên, hàng ngày cắp sách tới trường. Khi được sống trong bầu không khí độc lập, hòa bình, tự do là được sống theo cách riêng, được quyền làm những gì họ muốn, được hưởng những gì có quyền được hưởng, mà không cần phải bận tâm, lo nghĩ về ngày mai.

Chiến tranh không chỉ gây tổn thất về mặt vật chất, mà nó còn trực tiếp lấy đi những nhu cầu cá nhân tưởng chừng như cơ bản nhất của con người. Xuyên suốt tác phẩm, hầu như lúc nào độc giả cũng cảm nhận được sự u ám, lo lắng từ nhân vật “tôi” và toàn đội quân báo khi phải đối đầu từ quân địch cho tới các hiểm họa nơi rừng già, đi cùng với đó là những mất mát, tổn thất không thể tránh khỏi. Không chỉ thế, sự ra đi của những người nơi đầu chiến tuyến còn để lại nỗi đau cho người thân đang ngày đêm ngóng chờ họ trở về đoàn tụ… Bởi vậy, bất kì cuộc chiến tranh nào, dù nhìn ở góc độ, phương diện nào đều rất vô nghĩa và phi nhân đạo.

Chính vì vậy, thế hệ trẻ cần trân trọng và biết ơn những người đã chiến đấu giành lại bầu không khí hòa bình, độc lập, tự do mà mình đang được sống, học tập, trưởng thành. Đó là thành quả kết tinh từ biết bao mồ hôi, xương máu, công sức của thế hệ đi trước đã dũng cảm đứng lên đấu tranh giành lại nền độc lập, tự chủ của đất nước. Đồng thời, đi cùng với niềm tự hào và lòng trân trọng ấy còn là trách nhiệm tiếp nối, phát huy truyền thống yêu nước, để dải đất hình chữ S này mãi mãi hòa bình, trường tồn.

Với lời văn đầy sinh động, chân thực, giàu hình ảnh, tác giả Vũ Hùng giúp độc giả như được chứng kiến sự khó khăn, gian khổ của những người lính trong chiến tranh qua nhân vật “tôi” cùng với chú culi bé nhỏ. Không chỉ thế, đây còn là lời nhắc nhở, thông điệp sâu sắc mà tác giả muốn gửi gắm tới thế hệ trẻ hôm nay về lòng yêu nước, tự tôn dân tộc, bảo vệ vững chắc chủ quyền và dựng xây quê hương đất nước mạnh giàu.

Nhà văn Vũ Hùng (1931 - 2022) sinh tại làng Láng (Cầu Giấy, Hà Nội). Năm 1950 ông nhập ngũ, sau đó tốt nghiệp Khoa Thông tin Trường Lục quân Trần Quốc Tuấn và công tác 30 năm trong quân đội. Ông từng là phóng viên trang khoa học của Báo Quân đội Nhân dân, biên tập viên các NXB Ngoại văn, Văn học, Vụ trưởng Vụ Đối ngoại, Bộ Văn hóa.

Ông là tác giả của hơn 40 đầu sách cho thiếu nhi, nhiều cuốn được dịch ra tiếng Anh, Pháp, Trung Quốc… Ông được giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1982 và 1988.

Ông nhận giải Vàng - Sách hay, Giải thưởng Sách Việt Nam 2016 cho Bộ sách văn học thiếu nhi (12 cuốn) của Hội Xuất bản Việt Nam, giải Sự nghiệp Văn học của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2018 cho 18 tác phẩm văn học thiếu nhi.

Bình Thanh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/khat-vong-hoa-binh-post727056.html
Zalo