Khát vọng bảo vệ bầu trời

Trò chuyện với chúng tôi, nhiều phi công hay nhắc chi tiết, với một phi công, có 3 chuyến bay không thể quên trong cuộc đời. Đó là chuyến bay đầu tiên trên trời, chuyến bay đơn đầu tiên và chuyến hạ cánh cuối cùng trong tuổi bay. Đối với những phi công tham gia bay trên bầu trời TPHCM nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, lại là một lần bay sẽ mãi mang theo suốt cuộc đời...

Bay trong ngày tháng hòa bình...

Chúng tôi tranh thủ trò chuyện với Đại tá Lê Toàn Thắng khi anh vừa hoàn thành buổi huấn luyện bay từ 5 giờ, tại sân bay quân sự Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) một ngày đầu tháng 4. Đại tá Lê Toàn Thắng là Chủ nhiệm An toàn bay của Trung đoàn 917, Sư đoàn 370, Quân chủng Phòng không - Không quân.

Sinh vào năm 1975, năm đánh dấu sự kiện lịch sử trọng đại - Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước nên anh được ông nội đặt tên là Lê Toàn Thắng. Khi nhận nhiệm vụ luyện tập đội hình bay, chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (nhiệm vụ A50), anh càng thêm xúc động và tự hào với cái tên được ông nội đặt cho.

“Lần đầu tiên được bay qua trung tâm thành phố, dù đã có kinh nghiệm bay hơn 1.000 giờ tôi vẫn rất hồi hộp. Cảm giác được bay trong hòa bình không gì hạnh phúc bằng, điều mà ông cha đã hy sinh để giành lấy cho chúng ta hôm nay”, anh Lê Toàn Thắng chia sẻ.

 Các phi công trao đổi, rút kinh nghiệm sau khi hoàn thành nhiệm vụ huấn luyện bay. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Các phi công trao đổi, rút kinh nghiệm sau khi hoàn thành nhiệm vụ huấn luyện bay. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Cũng sinh ra vào năm đặc biệt 1975, Đại tá Vi Xuân Hùng, Chủ nhiệm An toàn bay của Trung đoàn 927, Sư đoàn 371, Quân chủng Phòng không - Không quân, mang trong mình khát khao chinh phục bầu trời. Lớn lên trong gia đình có truyền thống quân đội, đặc biệt có cha là phi công - Thượng tá Vi Xuân Dũng, từng tham gia chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị, rồi tiếp tục tham gia chiến đấu ở chiến trường miền Nam.

“Nhận nhiệm vụ, tôi nghĩ ngay đến ba mình. Vậy là tôi sẽ được bay trên chiến trường xưa ba đã từng bay, bay qua nơi các đồng chí, đồng đội của ba đã chiến đấu và anh dũng hy sinh”, Đại tá Vi Xuân Hùng xúc động nói.

Đại tá Vi Xuân Hùng từng tham gia bay biểu diễn chào mừng Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2024. Từ nơi đơn vị anh đóng chân (tỉnh Bắc Giang) vào TPHCM thực hiện nhiệm vụ, bản thân anh cùng đồng đội ngoài niềm xúc động, tự hào còn khá hồi hộp và lo lắng. Để đội hình bay phối hợp nhịp nhàng đòi hỏi người chỉ huy và phi công phải kết hợp nhuần nhuyễn từ mặt đất đến trên không.

“TPHCM nhìn từ trên cao thật sự rất đẹp. Tôi sẽ cùng các đồng chí, đồng đội cố gắng luyện tập thật tốt, bay an toàn để có những cánh bay đẹp nhất, bảo vệ vững chắc bầu trời của Tổ quốc thân yêu”, Đại tá Vi Xuân Hùng chia sẻ.

Thế hệ tiếp nối

Cách đây hơn 10 năm, máy bay của Thượng tá, liệt sĩ Hoàng Quốc Việt, giảng viên dạy bay đã không may gặp nạn và hy sinh. Giờ đây, con trai của Thượng tá Hoàng Quốc Việt là Thượng úy Hoàng Quốc Đạt, Trung đoàn 940, Trường Sĩ quan Không quân, đã trở thành phi công trẻ vinh dự bay trong đội hình A50. Anh cũng là phi công trẻ 2 lần được chọn bay đơn trong những máy bay thế hệ mới, trong đó có dòng máy bay chiến đấu YAK 130.

 Chỉ huy hướng dẫn các phi công bay biên đội theo mô hình trên bản đồ tại sân bay Biên Hòa (Đồng Nai). Ảnh: HOÀNG HÙNG

Chỉ huy hướng dẫn các phi công bay biên đội theo mô hình trên bản đồ tại sân bay Biên Hòa (Đồng Nai). Ảnh: HOÀNG HÙNG

Chia sẻ về những khó khăn khi hợp luyện tại sân bay Biên Hòa, Thượng úy Hoàng Quốc Đạt cho biết, thời gian đầu chưa quen điều kiện khí hậu, đặc biệt là phải phối hợp cùng các loại máy bay khác… nên anh và đồng đội phải dành 10 tiếng/ngày chuẩn bị công tác bay. Bên cạnh đó, các phi công trẻ tích cực học tập mỗi ngày, đặc biệt là học hỏi từ các phi công cấp 1, người trực tiếp điều khiển máy bay.

Trong chuyến tàu đặc biệt chở đoàn công tác thực hiện nhiệm vụ A50 có Thiếu úy quân nhân chuyên nghiệp Bùi Thị Lan Chăm, nhân viên thư viện Trung đoàn 935 - vợ của Thiếu tá Nguyễn Ngọc Khánh, Phi đội trưởng Phi đội 2, Trung đoàn 935, Quân chủng Phòng không - Không quân. Cả hai vợ chồng đã xa gia đình nhiều tháng trời để thực hiện nhiệm vụ A50.

Thiếu tá Nguyễn Ngọc Khánh nhớ lại câu nói khi vợ anh nhận nhiệm vụ huấn luyện cho ngày đại lễ: “Đây là vinh dự cả đời, không biết bao lâu mới được đi một lần. Nếu bỏ lỡ thì em tiếc lắm". Thế là anh và vợ đón bà ngoại vào trông con trai 6 tuổi để vợ chồng anh đi thực hiện nhiệm vụ A50.

Ngày bay thử trên bầu trời TPHCM, Thiếu tá Nguyễn Ngọc Khánh không khỏi lo lắng xen lẫn xúc động, bởi khu vực trung tâm thành phố có nhiều công trình cao tầng, các cột ăng ten nên cả đội luôn tập trung cao độ và tuyệt đối không để xảy ra sai sót. Khi nhìn thấy người dân thành phố hào hứng chụp hình, quay clip và đăng tải lên mạng xã hội với những bài viết đầy xúc động, tự hào, Thiếu tá Nguyễn Ngọc Khánh tự nhủ những chuyến bay sau phải tốt hơn, chính xác và an toàn hơn nữa…

Theo Đại tá Phi công cấp 1 Nguyễn Thế Dũng, Chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn Không quân 371, người trực tiếp điều khiển máy bay tiêm kích Su-30MK2 tham gia nhiệm vụ A50 cho biết, đây là nhiệm vụ quan trọng với sự tham gia của nhiều phi công, nhân viên kỹ thuật, cán bộ thuộc các chuyên ngành cùng nhiều máy bay, trang thiết bị, khí tài. Đây không chỉ là một nhiệm vụ chính trị quan trọng, mà còn là niềm vinh dự, tự hào lớn lao của cán bộ, chiến sĩ Quân chủng Phòng không - Không quân khi được góp phần vào ngày lễ trọng đại của đất nước.

Một ngày cuối tháng 12-2024, Thượng úy Hoàng Quốc Đạt nhận nhiệm vụ huấn luyện diễu binh, diễu hành. Hôm đó, anh đã đứng trước ban thờ cha mình - Thượng tá, liệt sĩ Hoàng Quốc Việt, giảng viên dạy bay, rất lâu: “Ba à, con sắp đi bay trên sân bay mới, lần đầu tiên thực hiện nhiệm vụ rất lớn được Đảng, Nhà nước giao cho, lần đầu tiên được bay trên vùng trời của TPHCM. Ba vui lắm phải không ba”.

THU HOÀI

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/khat-vong-bao-ve-bau-troi-post791003.html
Zalo