Khao khát định nghĩa vật liệu xanh
Theo bà Nguyễn Hoàng Phương Nga, Thành viên Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Trung Đô, xu hướng xanh là xu hướng tất yếu, nhưng vẫn còn thiếu các tiêu chí cụ thể để xác nhận tính 'xanh' của sản phẩm…
Kinh tế xanh đang dần trở thành xu hướng trên thế giới, và ngành vật liệu xây dựng không nằm ngoài đường chạy này. Các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng đã tự nhận thức được và theo đuổi cuộc đua.
Dù vậy, để cán đích, cầm nắm được chiếc cúp “xanh” không hề dễ dàng. Nhằm hiểu rõ hơn về những khó khăn của doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, Tạp chí Thương gia đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Hoàng Phương Nga, Thành viên Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Trung Đô (TRUNGDOSJC).
Cuộc trò chuyện này, đã nêu lên những trở ngại trong quá trình phát triển xanh, trở ngại trong việc cấp chứng chỉ xanh cho doanh nghiệp vật liệu xây dựng, dẫn đến những sự bất lợi trong việc cạnh tranh với sản phẩm của doanh nghiệp nước ngoài. Bà Nga đã đề xuất những giải pháp để thúc đẩy quá trình phát triển ngành vật liệu theo xu hướng xanh.
Hiện nay, vật liệu xanh đang trở thành xu hướng mới trong ngày xây dựng. Vậy một doanh nghiệp lớn như Trung Đô đã có sự chuẩn bị như thế nào để theo đuổi dòng vật liệu này?
Trong những năm gần đây, ngành vật liệu xây dựng đã chứng kiến sự thay đổi rõ rệt trong yêu cầu của khách hàng. Ví dụ trong lĩnh vực vật liệu ốp lát granit, cách đây 5 năm, các kích thước gạch 40x40cm hay 60x60cm rất được ưa chuộng, nhưng giờ đây, người tiêu dùng lại ưu tiên các kích thước lớn hơn như 120x120 hay 120x240cm.
Đi kèm với xu hướng này là sự gia tăng nhu cầu về vật liệu xây dựng xanh và thân thiện với môi trường. Chính vì vậy, khi đầu tư vào công nghệ, công ty Trung Đô đặc biệt chú trọng lựa chọn các dây chuyền sản xuất hiện đại, nhằm giảm phát thải, tiết giảm chi phí và tận dụng tối đa nguyên liệu giảm và tái sử dụng phế thải trong quá trình sản xuất.
Đồng thời, Trung Đô duy trì tư duy tiết kiệm nhiên liệu trong suốt quá trình sản xuất, góp phần tích cực vào việc giảm phát thải, cam kết hướng tới sản xuất xanh, sản phẩm xanh. Hiện tại, công ty đang sử dụng dây chuyền sản xuất hiện đại nhập khẩu từ Ý, không chỉ giúp giảm thiểu dầu thủy lực mà còn giảm chi phí nhiên liệu, năng lượng trong các công đoạn của dây chuyền sản xuất. Đồng thời Trung Đô cũng đang đi đầu trong việc sử dụng năng lượng tái tạo.
Việc lựa chọn vị trí xây dựng dây chuyền sản xuất gần mỏ nguyên liệu đã giúp giảm thiểu cung đường vận chuyển, giảm phát thải CO2 trong quá trình vận chuyển. Trung Đô theo đuổi ý tưởng sản xuất xanh, sản phẩm xanh cả trong quá trình sản xuất lẫn trong sử dụng tại các công trình xây dựng, không gây phát thải, ô nhiễm trong công trình, cải thiện điều kiện sống và làm việc.
Có thể nói rằng xanh là mong muốn, khát vọng của Trung Đô, nhưng việc nhận được chứng chỉ sản phẩm xanh vẫn là một thách thức. Trung Đô đang nỗ lực tìm hiểu và xác lập quy trình chứng nhận để khẳng định sản phẩm của Trung Đô là sản phẩm xanh, và điều này là một phần quan trọng trong hành trình phát triển bền vững của công ty. Đáng tiếc hiện nay ở Việt Nam chưa có cơ quan đánh giá, công nhận sản phẩm vật liệu xây dựng xanh.
Thưa bà, ngoài việc khó khăn trong việc cấp chứng chỉ vật liệu xanh, doanh nghiệp còn gặp những trở ngại nào khác không?
Có chứ! Bên cạnh các khó khăn về việc cấp chứng chỉ xanh như đã nói ở trên, Trung Đô, các nhà sản xuất gạch granit nhân tạo trong cả nước còn gặp phải khó khăn rất lớn, đó là cạnh tranh giá với sản phẩm cùng loại của các quốc gia khác.
Việt Nam là nước có vị trí địa lý gần Trung Quốc và Ấn Độ, là hai cường quốc sản xuất vật liệu xây dựng. Nói về giá thì khó có một quốc gia nào vượt mặt. Dưới góc nhìn là một doanh nghiệp Việt ở trong ngành có những khó khăn thật sự, có thể Nhà nước chưa hình dung ra.
Tôi đã đặt chân sang Ấn Độ và ngỡ ngàng với những công xưởng sản xuất gạch đá bên đó. Từ cơ sở vật chất, môi trường sản xuất, nhân công rất đơn giản, thô sơ, như Việt Nam của mình 20 năm trước.
Bởi ở Ấn Độ không thực thi những quy định nghiêm ngặt về môi trường và an toàn lao động như Việt Nam (lao động, môi trường, an sinh xã hội, phòng cháy chữa cháy…). Doanh nghiệp sản xuất ở đây không phải bỏ ra những chi phí nêu trên, nên giá thành rẻ là điều hiển nhiên.
Trong bối cảnh kinh doanh tại Việt Nam ngày càng tuân thủ các quy chuẩn chặt chẽ, vấn đề phòng cháy, chữa cháy là một trong những yếu tố đòi hỏi chi phí đáng kể cho doanh nghiệp. Hệ thống phòng cháy, chữa cháy tại các nhà máy ở Việt Nam phải đáp ứng yêu cầu nghiêm ngặt, có độ phức tạp và chi phí cao sánh ngang với các quốc gia tiên tiến như Mỹ và châu Âu.
Thực tế, mọi chi phí trên đều được cộng vào giá thành sản phẩm, khiến việc duy trì mức giá cạnh tranh, đặc biệt trong ngành vật liệu xây dựng Việt Nam, gần như không thể sánh ngang với Ấn Độ. Thêm vào đó, hàng nhập khẩu từ Ấn Độ vào Việt Nam chỉ chịu mức thuế từ 0 - 5%, tạo thêm lợi thế về giá cho sản phẩm Ấn Độ trên thị trường trong nước.
Theo số liệu Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường Bộ Xây dựng, tại Việt Nam trong giai đoạn 2014 – 2020, lượng phát thải khí nhà kính do quá trình sản xuất vật liệu xây dựng tăng từ 60,33 triệu tấn lên 95,95 triệu tấn và quá trình tiêu thụ điện trong tòa nhà là 38,01 triệu tấn lên 61,72 triệu tấn.
Hiện Trung Quốc đang gặp nhiều thách thức thương mại với các quốc gia khác, họ đã gia tăng xuất khẩu sang Việt Nam, cung cấp hàng hóa với mức giá cạnh tranh nhằm duy trì sản xuất và đảm bảo chi phí cho nhân công. Đáng chú ý là các doanh nghiệp Trung Quốc được hưởng hỗ trợ từ nhà nước, giúp họ tự tin khi tham gia thị trường quốc tế.
Điều này đồng nghĩa rằng các sản phẩm của nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam không tuân thủ luật cạnh tranh, nhưng Việt Nam chưa khắc phục được việc bán phá giá sản phẩm của nước ngoài, doanh nghiệp Việt Nam, dù có tiềm năng, cần nhiều hỗ trợ hơn để tăng sức cạnh tranh và phát triển bền vững trên thị trường trong nước cũng như quốc tế.
Là thành viên của Hiệp hội Gốm sứ Việt Nam, công ty Trung Đô tích cực tham gia vào vụ kiện chống bán phá giá đối với hàng hóa từ Ấn Độ, một bước quan trọng để tạo nên môi trường cạnh tranh công bằng cho các doanh nghiệp trong nước. Tuy nhiên, quá trình theo đuổi vụ kiện đòi hỏi nhiều thời gian và nguồn lực, trong khi tại một số quốc gia, chính phủ có thể áp thuế tạm thời để bảo vệ thị trường nội địa, ngay cả trước khi hoàn tất điều tra.
Trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu, Trung Đô luôn chú trọng tối ưu chi phí sản xuất để duy trì chất lượng sản phẩm với giá thành hợp lý nhất. Các chi phí vận hành và trung gian là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến giá bán ra, do đó việc tuân thủ quy trình sản xuất tối ưu và đảm bảo hồ sơ hợp lệ là ưu tiên hàng đầu.
Một khó khăn khác trong cạnh tranh với sản phẩm nước ngoài chính là sự nhận biết và khả năng đánh giá chất lượng sản phẩm của người tiêu dùng trong nước. Sản phẩm của Trung Đô đã đạt đến đẳng cấp chất lượng cao hơn và xứng đáng nhận được sự hâm mộ của người tiêu dùng nhưng điều này chưa được đón nhận rộng rãi. Đã có nhiều công trình cao cấp lựa chọn sản phẩm của Trung Đô, và xu hướng này ngày càng tăng lên nhưng vẫn còn đòi hỏi thời gian.
Dù khó khăn là vậy, thời gian qua, Trung Đô tiếp tục mở rộng nhà máy tại Nghệ An để sản xuất sản phẩm mới với dây chuyền công nghệ hiện đại, hạn chế phát thải không, thưa bà?
Dự án tại xã Nghi Văn, huyện Nghi Lộc là nhà máy mới nhất Công ty Trung Đô. Trong kế hoạch sẽ có 5 nhà máy tại dự án gồm: 2 nhà máy sản xuất tấm lớn với công nghệ hiện đại, 1 nhà máy sản xuất tấm nhỏ và ngói gốm sứ tráng men và 2 nhà máy sản xuất gạch đất nung. Dự án nằm ở thế đất rất là thuận lợi, gần khu công nghiệp VSIP Nghệ An nên hệ thống giao thông vận tải hiện đại.
Bên cạnh đó, sản xuất theo mô hình tập trung, thì doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí nhân lực. Trước hết, cán bộ, công nhân viên thu về một mối nên những thứ liên quan đến chi phí quản lý nhân sự được tối ưu.
Các nhà máy ở đây được đầu tư công nghệ hiện đại, tăng năng suất lao động. Tuy nhiên, xu thế hiện đại này, không phải là đầu tư mỗi công nghệ, mà còn nằm ở tiết kiệm nhiên liệu, sản xuất xanh.
Với kế hoạch này, sẽ tạo nên một chuỗi sản xuất, khu liên hợp sản xuất vật liệu trong 10 – 15 năm tới. Tất nhiên trong tình hình kinh tế suy thoái như hiện nay, thì dự tính sẽ hoàn thành chậm hơn.
Mong bà có thể chia sẻ kế hoạch đầu tư vào nghiên cứu và phát triển để tạo ra những sản phẩm mới, thân thiện với môi trường hơn trong tương lai?
Như đã chia sẻ, nhà máy sản xuất tấm lớn của chúng tôi là đơn vị đầu tiên ở Việt Nam ứng dụng công nghệ Continua+ hiện đại từ hãng Sacmi (Ý). Nhờ công nghệ tiên tiến này, sản phẩm Slabstone của chúng tôi khắc phục được các hạn chế của đá tự nhiên và đá nhân tạo khác, mang đến những ưu điểm vượt trội như khả năng chịu lực cao, kháng khuẩn, chống phai màu, chịu nhiệt, chống thấm, gần như không hút ẩm, giữ nguyên hoa văn, độ tươi màu của sản phẩm trong công trình xây dựng, sản phẩm có tính chống hóa chất và axit, cùng khả năng vệ sinh dễ dàng.
Có thể nhắc lại một thách thức không nhỏ vào thời điểm lựa chọn công nghệ đầu tư, khi lần đầu tiếp cận công nghệ này, tập đoàn cung cấp công nghệ Sacmi Italy yêu cầu nguyên liệu đầu vào phải được nhập khẩu 100% từ họ để đảm bảo chất lượng và tính đồng nhất cho sản phẩm.
Do đó, ban đầu Trung Đô chưa quyết định đầu tư, mà thay vào đó, Trung Đô tập trung nghiên cứu, phát triển nguồn nguyên liệu trong nước. Quá trình này không hề đơn giản, đòi hỏi sự nỗ lực và kiên trì để đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe về kết cấu, độ phẳng, độ cứng, và độ bền của tấm gạch. Chúng tôi đã đưa mẫu nguyên liệu qua Sacmi kiểm tra, từng bước đáp ứng các chỉ số kỹ thuật để cuối cùng tự chủ được nguồn cung, sẵn sàng sản xuất những sản phẩm đạt chất lượng quốc tế.
Câu hỏi đặt ra: Vì sao Trung Đô không nhập nguyên liệu từ đối tác Ý mà phải tự nghiên cứu nguồn nguyên liệu sản xuất? Đơn giản là vì nhập khẩu sẽ khiến chi phí tăng cao và công ty phải phụ thuộc gần như hoàn toàn vào đối tác. Việc chủ động nguồn nguyên liệu trong nước giúp chúng tôi duy trì giá thành sản phẩm cạnh tranh hơn. Tuy nhiên, dù đã "tự cung, tự cấp" nguyên liệu, doanh nghiệp vẫn gặp nhiều thách thức khi cạnh tranh với các sản phẩm từ Ấn Độ và Trung Quốc.
Chủ động nguồn nguyên liệu là niềm tự hào của Trung Đô, vì nếu không có nguyên liệu nội địa chất lượng, nhà máy sẽ khó tồn tại và cạnh tranh trên thị trường. Với công nghệ hiện đại mà chúng tôi áp dụng, dây chuyền sản xuất chỉ cần một số lượng nhân công rất hạn chế. Điều này đôi khi tạo ra những thách thức khi làm việc với các cơ quan địa phương, do nhu cầu tạo việc làm cho cộng đồng.
Vậy bà có đề xuất, kiến nghị gì để tháo gỡ khó khăn nhằm thúc đẩy mô hình sản xuất giảm phát thải cũng như phát triển hơn nữa vật liệu xanh tại Việt Nam?
Nhìn một cách tích cực, Chính phủ Việt Nam đã có những bước tiến mạnh mẽ trong cải cách thủ tục pháp lý. Đây là cơ hội quý giá để doanh nghiệp Việt có thể phát triển trong một môi trường cạnh tranh công bằng và minh bạch. Chúng tôi tin rằng trong môi trường này, sự thành công sẽ phụ thuộc vào năng lực thực sự của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, khi học hỏi từ nước ngoài, Việt Nam cần có sự chọn lọc để không rập khuôn cứng nhắc, tránh gây khó khăn cho doanh nghiệp. Chẳng hạn, quy định về phòng cháy chữa cháy đang được áp dụng khá máy móc, không hoàn toàn phù hợp với thực tế ngành. Với nhà máy sản xuất đá nung kết, sản phẩm chủ yếu là gạch, không dễ cháy như những ngành khác, nhưng hồ sơ lại đòi hỏi những quy định rất khắt khe.
Quy định chặt chẽ là điều cần thiết, nhưng để thực sự hiệu quả, các quy định cần phù hợp với thực tế ngành. Sự linh hoạt sẽ giúp doanh nghiệp không bị áp lực nặng nề và vẫn đảm bảo an toàn.
Cơ quan quản lý Nhà nước cần có những chỉ đạo kịp thời về chính sách nhập khẩu gạch từ nước ngoài để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam cạnh tranh hiệu quả hơn. Dù gạch chỉ là một phần nhỏ trong thương mại với Ấn Độ và Trung Quốc, nhưng việc này cho thấy sự cần thiết của sự quan tâm từ Nhà nước.
Trước đây, Việt Nam từng đứng trong top 3 quốc gia xuất khẩu gạch ceramic, nhưng hiện tại không còn nằm trong top 5. Với số lượng nhà máy tương đương và thậm chí nhiều hơn, chúng ta cần xem xét cơ chế phát triển của doanh nghiệp nước ngoài để tìm ra giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp nội địa.
Việc nhập khẩu gạch từ Trung Quốc và Ấn Độ vẫn có thể diễn ra, nhưng cần thiết lập hàng rào kỹ thuật về chất lượng và quy trình nhập khẩu để đảm bảo rằng khoảng 50% hàng hóa từ Ấn Độ không đạt tiêu chuẩn và phải quay đầu, đồng thời cần tuân thủ luật cạnh tranh quốc tế, loại bỏ các hình thức hỗ trợ về mặt tài chính cho doanh nghiệp.
Hiện nay, Việt Nam khá dễ dãi trong việc nhập khẩu hàng hóa, trong khi doanh nghiệp nội địa phải đối mặt với nhiều quy định khắt khe. Do đó, Bộ Công Thương và Bộ Xây Dựng cần xác định rõ ràng tiêu chí giữa gạch nhập khẩu và gạch sản xuất trong nước, nhằm tạo ra một môi trường cạnh tranh công bằng.
Về phát triển vật liệu xanh, Việt Nam đang trong giai đoạn nâng cao nhận thức. Chính vì vậy, chúng ta cần có hướng dẫn cụ thể về vật liệu xanh. Các bộ, ngành nên nghiên cứu các loại hàng hóa và phân bổ cho các doanh nghiệp, xác định ngành hàng nào nên theo bộ tiêu chí xanh nào. Đề nghị sớm có bộ tiêu chí chứng nhận công nghệ xanh, sản phẩm vật liệu xây dựng xanh.
Hơn nữa, Nhà nước cần kiểm soát và hợp tác với các đơn vị cung cấp chứng chỉ xanh chất lượng và uy tín, từ đó đưa ra các gợi ý cho doanh nghiệp về quy chuẩn cần tuân thủ. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và chi phí nghiên cứu, đồng thời phát triển các sản phẩm vật liệu xanh hiệu quả hơn.-