'Nhiều sản phẩm Việt chất lượng tốt, giá thấp hơn cả hàng Trung Quốc'

'Năm ngoái, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đến Ninh Ba để giới thiệu sản phẩm. Tôi thấy chất lượng tốt, giá thành thấp, doanh nghiệp Trung Quốc cũng không làm được', đại diện Hệ sinh thái thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới tại Trung Quốc chia sẻ.

Sản phẩm tốt nhưng chưa biết cách làm thương hiệu

Lâu nay, so sánh giữa hàng Việt với hàng Trung Quốc, hầu hết mọi người đều cho rằng hàng Việt "chào thua" về mức độ cạnh tranh giá cả.

Thế nhưng, tại Tọa đàm “TMĐT xuyên biên giới – Kỷ nguyên bứt phá” diễn ra chiều 26/11 tại Hà Nội, ông Wu Quanxin, đại diện Hệ sinh thái TMĐT xuyên biên giới tại Trung Quốc lại chia sẻ thông tin khá bất ngờ: “Năm ngoái, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đến Ninh Ba để giới thiệu, quảng bá sản phẩm TMĐT. Tôi thấy hàng Việt chất lượng cao, giá thành thấp, rất nhiều doanh nghiệp Trung Quốc cũng không làm được như vậy”.

Đánh giá cao ưu điểm của hàng Việt, song ông Wu Quanxin đưa ra lời khuyên, kinh doanh trên sàn TMĐT phải không ngừng đổi mới. Doanh nghiệp Việt cần liên tục đầu tư R&D sản phẩm mới và phải làm tốt hơn nữa việc xây dựng thương hiệu trên thị trường quốc tế.

Bởi thực tế hiện nay, đi sâu vào thị trường nội địa Trung Quốc, hàng Việt xuất hiện rất ít, chủ yếu hàng nhập khẩu từ Thái Lan, Indonesia, Malaysia…

Ông Bernard Wong, Chủ tịch Liên minh TMĐT xuyên biên giới (ACBC Global) cảm thấy tiếc khi Việt Nam có nhiều sản phẩm tốt nhưng chưa biết cách làm thương hiệu, chẳng hạn như các loại trái cây. Sản phẩm dù chất lượng tốt nhưng thiếu thương hiệu thì cũng khó phát huy hết tiềm năng của hàng Việt xuất khẩu trực tuyến.

Bà Lê Hoàng Oanh, Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số - Bộ Công Thương: "Không ít doanh nghiệp Việt phải thông qua thương hiệu nước ngoài để tiếp cận thị trường ngoại". Ảnh: Cục TMĐT& Kinh tế số.

Bà Lê Hoàng Oanh, Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số - Bộ Công Thương: "Không ít doanh nghiệp Việt phải thông qua thương hiệu nước ngoài để tiếp cận thị trường ngoại". Ảnh: Cục TMĐT& Kinh tế số.

Trước đó, tham luận tại Diễn đàn chủ đề “TMĐT xuyên biên giới: Cơ hội xuất khẩu cho sản phẩm Việt Nam” diễn ra sáng cùng ngày, bà Lê Hoàng Oanh, Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số - Bộ Công Thương cũng đề cập hiện trạng không ít doanh nghiệp Việt phải thông qua thương hiệu nước ngoài để tiếp cận thị trường ngoại. Xây dựng và nâng cao nhận diện thương hiệu ở thị trường nước ngoài là một trong những việc cần đặc biệt quan tâm nếu doanh nghiệp Việt muốn kinh doanh TMĐT xuyên biên giới hiệu quả.

“Sản phẩm Việt gắn với thương hiệu quốc gia, đảm bảo “Hàng Việt Nam, chất lượng toàn cầu”, không chỉ giúp từng doanh nghiệp phát triển mà còn nâng cao vị thế Việt Nam trên bản đồ kinh tế thế giới”, ông Nguyễn Xuân Thanh Tùng, Tổng Thư ký Hội đồng Doanh nhân Việt - Trung nhận định.

Người Việt có khả năng đa nhiệm khi làm TMĐT

Dù còn những hạn chế, bất cập, thế nhưng doanh nghiệp Việt đã và đang bắt nhịp rất nhanh với xu hướng kinh doanh TMĐT xuyên biên giới.

Ông Loki Trần, Nhà sáng lập, CEO GIP Fulfillment (chuyên cung cấp dịch vụ hoàn tất đơn hàng cho các đối tác kinh doanh online) cho biết, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam đã có thành công nhất định khi đưa hàng Việt sang thị trường Đông Nam Á qua kênh TMĐT xuyên biên giới.

“Kỹ năng của nhân sự làm TMĐT của Việt Nam khá tốt. Khi chúng tôi đào tạo TMĐT tại Philippines, 1 người thường chỉ có thể tập trung làm 1 kỹ năng như thiết kế hoặc làm nội dung… Còn nhân sự của Việt Nam có khả năng làm đa nhiệm hơn. Rất nhiều đối tác ở Đông Nam Á cho biết rất bất ngờ về kỹ năng làm TMĐT của người Việt”, ông Loki Trần chia sẻ.

Báo cáo khảo sát của Bộ Công Thương năm 2023 cho thấy, 53% doanh nghiệp tham gia xuất khẩu thông qua sàn TMĐT, 47% có sử dụng website hoặc ứng dụng tự xây. Khoảng 60% doanh nghiệp cho biết giá trị hàng hóa xuất nhập khẩu thông qua TMĐT xuyên biên giới chiếm khoảng 10-30% tổng giá trị hàng hóa xuất nhập khẩu của doanh nghiệp.

TMĐT là phương thức hữu hiệu để có thể đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu. Ảnh: Bình Minh

TMĐT là phương thức hữu hiệu để có thể đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu. Ảnh: Bình Minh

Hầu hết doanh nghiệp Việt Nam ghi nhận TMĐT là 1 phương thức hữu hiệu để có thể đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu.

Theo báo cáo của Metric dựa trên khảo sát các sàn TMĐT ở Việt Nam như Shopee, Tiki, Lazada, Sendo, TikTokShop…, trong 9 tháng đầu năm 2024, doanh số TMĐT xuyên biên giới của Việt Nam đạt 227.000 tỷ đồng, tăng 37,66% so với cùng kỳ năm ngoái; tổng sản lượng 2.430 triệu sản phẩm, tăng trưởng gần 50%.

“Con số tăng trưởng cực kỳ ấn tượng. Bởi vì mới chỉ tính 9 tháng đầu năm. Vào mùa Mega cuối năm, con số còn tăng trưởng tốt hơn nhiều”, bà Thư Vũ, Giám đốc Doanh thu Metric nhận xét.

2 thị trường TMĐT xuyên biên giới đầy tiềm năng với hàng Việt

Theo bà Anna Nguyễn, Phó Chủ tịch Liên minh TMĐT xuyên biên giới (ACBC Global), các thị trường Đông Nam Á, Ấn Độ, Trung Đông… đang nổi lên như những trung tâm TMĐT xuyên biên giới mới với tầng lớp trung lưu kỹ thuật số.

Hàn Quốc và Trung Quốc là 2 thị trường TMĐT xuyên biên giới đầy tiềm năng với hàng Việt.

Tại Hàn Quốc, xu hướng nhập khẩu qua TMĐT xuyên biên giới phát triển mạnh do nhu cầu tiêu dùng đa dạng, sự tiện lợi của các nền tảng trực tuyến, và sự hỗ trợ chính sách từ chính phủ, cùng cơ sở hạ tầng logistics hiện đại.

Người dân Hàn Quốc ngày càng ưa chuộng hơn những sản phẩm tiêu dùng quốc tế, chú trọng sản phẩm cao cấp và rất thích hàng đặc sản của các quốc gia.

Theo thông tin từ tọa đàm, Hàn Quốc và Trung Quốc là 2 thị trường TMĐT xuyên biên giới đầy tiềm năng với hàng Việt. Ảnh: Bình Minh

Theo thông tin từ tọa đàm, Hàn Quốc và Trung Quốc là 2 thị trường TMĐT xuyên biên giới đầy tiềm năng với hàng Việt. Ảnh: Bình Minh

Tại Trung Quốc, TMĐT xuyên biên giới những năm gần đây chứng kiến sự bùng nổ mạnh mẽ của các nền tảng như Tmall Global, JD Worldwide, Kaola (thuộc Alibaba), Pinduoduo, Temu… Các nền tảng này cho phép người tiêu dùng Trung Quốc có thể dễ dàng mua sắm các sản phẩm ngoại nhập từ thực phẩm, mỹ phẩm... tới thời trang, công nghệ...

Người tiêu dùng Trung Quốc ngày càng ưa chuộng các sản phẩm nhập khẩu. Những sản phẩm nổi bật gồm: mỹ phẩm, chăm sóc sức khỏe, thực phẩm, đồ uống, đặc sản vùng miền, dược phẩm và vitamin…

Chính phủ Trung Quốc tạo điều kiện thuận lợi cho hàng nhập khẩu thông qua TMĐT xuyên biên giới, đơn giản hóa nhiều thủ tục hải quan và quy trình thanh toán quốc tế.

“Chúng tôi đang kết nối sản phẩm Việt Nam có chất lượng và truy xuất rõ nguồn gốc từ các vùng miền, dự kiến xuất khẩu sang Trung Quốc, Hàn Quốc, Đông Nam Á... Trong đó ưu tiên lựa chọn sản phẩm có câu chuyện hay về các nhà sản xuất tâm huyết và có kiến thức chuyên sâu; sản phẩm mang tính bền vững, chất lượng tốt, chế biến sâu, xuất khẩu bằng chính thương hiệu Việt, và phải đảm bảo ổn định về sản lượng cung cấp”, bà Anna Nguyễn thông tin.

Doanh nghiệp nhỏ không nên tự xây sàn TMĐT

Hiện có nhiều doanh nghiệp mong muốn đẩy mạnh xuất khẩu TMĐT xuyên biên giới bằng cách tự xây và tự quảng bá sàn TMĐT.

Cục trưởng Lê Hoàng Anh khuyến cáo không nên làm vậy mà nên tham gia các sàn TMĐT đã có uy tín để không phải đầu tư quá nhiều vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật, nhân lực chuyên trách hậu cần, vận hành…

“Ở mỗi thị trường thường có 1 sàn TMĐT điển hình. Tiếp cận những sàn này chính là phương thức hữu hiệu đối với doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa hoặc siêu nhỏ vốn nhiều hạn chế về nguồn lực”, bà Oanh nói.

Ông Liu Liang, đại diện Sở Thương mại tỉnh Vân Nam, Chủ tịch Hiệp hội TMĐT tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, lưu ý: TMĐT xuyên biên giới có nhiều mảng phải đầu tư lớn mới làm được. Bởi TMĐT xuyên biên giới không phải sàn thông thường mà gồm rất nhiều thành phần như logistics và các dịch vụ đi kèm.

Để có thể phát huy lợi thế của TMĐT xuyên biên giới, bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số khuyến nghị doanh nghiệp Việt nên tham gia các chương trình hỗ trợ của Chính phủ như Chương trình Phát triển TMĐT quốc gia. Đồng thời, nên tận dụng lợi thế công nghệ số như ứng dụng AI (trí tuệ nhân tạo) trong marketing sản phẩm xuất khẩu; Tích cực tìm kiếm đối tác logisitcs phù hợp với chi phí thấp tại thị trường muốn thâm nhập…

Bàn về tiềm năng đưa hàng Việt ra thế giới qua kênh TMĐT, ông Nguyễn Xuân Thanh Tùng, Tổng Thư ký Hội đồng Doanh nhân Việt - Trung cho rằng, những sản phẩm như nông sản, thực phẩm hữu cơ, dược liệu, hàng thủ công mỹ nghệ… ngày càng được ưa chuộng. Người tiêu dùng quốc tế đánh giá cao chất lượng, tính độc đáo và giá trị văn hóa của hàng Việt.

Tuy nhiên, để cạnh tranh, sản phẩm phải có sự chuyên nghiệp từ bao bì, hình ảnh đến mô tả sản phẩm phù hợp ngôn ngữ và thị hiếu của từng thị trường.

Mặt khác, doanh nghiệp Việt nên đầu tư vào kho bãi ở thị trường mục tiêu để giảm chi phí vận chuyển, rút ngắn thời gian giao hàng.

4 mô hình TMĐT xuyên biên giới phổ biến:

- B2C: Doanh nghiệp có thể bán hàng trực tiếp đến người tiêu dùng ở nước ngoài thông qua các nền tảng TMĐT, ví dụ: AliExpress (của Alibaba), Tmall Global, Amazon Global, JD Worldwide...

- B2B: Doanh nghiệp bán sản phẩm cho doanh nghiệp khác ở nước ngoài, thường là giao dịch lớn. Điển hình như Alibaba.com kết nối nhà cung cấp Trung Quốc với các doanh nghiệp trên toàn thế giới.

- C2C: Các cá nhân bán hàng trực tiếp cho người tiêu dùng trên thế giới thông qua nền tảng trực tuyến, chẳng hạn eBay, Etsy (bán sản phẩm thủ công, đồ vintage hoặc các sản phẩm độc đáo).

- D2C: các thương hiệu, nhà sản xuất bán sản phẩm trực tiếp cho người tiêu dùng mà không cần thông qua các kênh phân phối trung gian.

Bình Minh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/nhieu-san-pham-viet-chat-luong-tot-gia-thap-hon-ca-hang-trung-quoc-2345973.html
Zalo