Kháng thể tiêu diệt vi rút gây sốt xuất huyết trong vòng 6 tiếng
Hãy tưởng tượng một ngày khi bệnh nhân sốt xuất huyết có thể bước vào phòng khám đa khoa, được chẩn đoán chủng sốt xuất huyết rồi tiêm kháng thể, sau đó về nhà nghỉ ngơi và biết rằng vi rút sẽ bị tiêu diệt trong vòng 6 tiếng.
Những người này sau đó có thể sinh hoạt bình thường. Bất kỳ con muỗi Aedes nào đốt họ sẽ không lây bệnh cho những người còn lại trong gia đình.
Phó giáo sư Paul MacAry cùng nhóm nghiên cứu đến từ Trường Y Yong Loo Lin (Đại học quốc gia Singapore) đã đạt được đột phá để hiện thực hóa tưởng tượng trên.
Năm 2012, nhóm phân lập một kháng thể người sau khi xem xét hàng trăm triệu kháng thể lấy từ bệnh nhân mắc sốt xuất huyết chủng 1.
“Chúng tôi phát hiện kháng thể này dường như tiêu diệt được vi rút chỉ trong vài tiếng mặc dù nồng độ thấp hơn các kháng thể khác rất nhiều”, phó giáo sư MacAry cho biết.
Đến nay nhóm nghiên cứu không chỉ phân lập thành công kháng thể đối phó đủ 4 chủng sốt xuất huyết, mà còn có thể tạo ra chúng với số lượng lớn. Kháng thể chuẩn bị trải qua thử nghiệm lâm sàng.
Theo phó giáo sư MacAry: “Chúng tôi đang trong quá trình gọi vốn dùng để thiết lập dây chuyền sản xuất và thử nghiệm lâm sàng”. Thử nghiệm loại kháng thể đầu tiên dự kiến bắt đầu sau 18 - 24 tháng.
Kháng thể mới mang lại lợi ích cho không chỉ Singapore. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xác định số người mắc sốt xuất huyết toàn cầu đã tăng lên đáng kể, khoảng một nửa dân số thế giới có nguy cơ mắc bệnh.
Mỗi năm ước tính có khoảng 100 - 400 triệu ca mắc, 80% là trường hợp nhẹ và không triệu chứng. Trường hợp nặng có thể bị sốc hoặc nguy hiểm đến tính mạng. Loạt triệu chứng như đau đầu dữ dội, đau sau mắt và nôn mửa cũng đủ khiến nhiều người phải nhập viện. Do có đến 4 chủng sốt xuất huyết, một người có thể mắc bệnh đến 4 lần.
Phó giáo sư MacAry tự tin khẳng định kháng thể do nhóm của ông phát triển sẽ là liệu pháp trị sốt xuất huyết hiệu quả nhất.
Dù hiện tại vắc xin ngừa cả 4 chủng đã ra đời, nhưng đến nay vẫn chưa có liệu pháp cụ thể nào cho bệnh này. Bệnh nhân chỉ được điều trị triệu chứng như dùng nước muối truyền dịch bù đắp lượng nước cơ thể bị mất hay paracetamol giảm đau đầu. Sau đó, họ phải chờ hệ thống miễn dịch tự chiến đấu.
“Chúng tôi cố gắng ngăn bệnh diễn biến nặng. Kháng thể của chúng tôi có thể được truyền vào máu bệnh nhân. Nó sẽ tìm kiếm, trói buộc và tiêu diệt vi rút”, phó giáo sư MacAry cho biết.
Một điểm đáng chú ý nữa là kháng thể ngăn muỗi lây lan vi rút. Phó giáo sư MacAry giải thích vì kháng thể trói buộc vi rút khiến muỗi không mang mầm bệnh khi đốt người mắc sốt xuất huyết.