Khẳng định vị thế của doanh nghiệp Nhà nước (Bài 1)

Nhằm góp phần thực hiện nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền về những kết quả phát triển kinh tế, chống lãng phí, Báo CAND thực hiện chuyên đề 'Hồi sinh những đại dự án' tại một số tổng công ty, tập đoàn, trong bối cảnh Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Ủy ban) đang trong quá trình chuẩn bị kết thúc hoạt động...

LTS: Lãng phí có muôn hình vạn trạng, là căn bệnh nguy hiểm mà Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ rõ trong bài viết "Chống lãng phí" gần đây… Trong số những dạng thức lãng phí, đồng chí Tổng Bí thư phân tích: "Lãng phí tài nguyên thiên nhiên; lãng phí tài sản công do quản lý, sử dụng chưa hiệu quả, trong đó giải ngân vốn đầu tư công"…Trước yêu cầu phát triển mới của đất nước và chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế 7%/năm, hướng đến mục tiêu tăng trưởng trên hai con số vào những năm tới, một trong những yêu cầu cấp bách là phát triển sản xuất, chống lãng phí, trong đó phải "hồi sinh" các đại dự án từng bị đình đốn, "đắp chiếu"… Nhằm góp phần thực hiện nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền về những kết quả phát triển kinh tế, chống lãng phí, Báo CAND thực hiện chuyên đề "Hồi sinh những đại dự án" tại một số tổng công ty, tập đoàn, trong bối cảnh Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Ủy ban) đang trong quá trình chuẩn bị kết thúc hoạt động...

Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra, đốc thúc dự án đường dây tải điện 500kV mạch 3 Quảng Trạch (Quảng Bình)-Phố Nối (Hưng Yên) đoạn đi qua địa phận Quảng Bình ngày 2/6/2024.

Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra, đốc thúc dự án đường dây tải điện 500kV mạch 3 Quảng Trạch (Quảng Bình)-Phố Nối (Hưng Yên) đoạn đi qua địa phận Quảng Bình ngày 2/6/2024.

Năm 2024, 19 tập đoàn, tổng công ty do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu đã có những bước chuyển mình, bứt phá mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào nền kinh tế đất nước, "ngược dòng" vực dậy những dự án thua lỗ, gây lãng phí trước đây.

Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban, 19 tập đoàn, tổng công ty đã tập trung nguồn lực vào việc cơ cấu lại ngành, lĩnh vực kinh doanh chính; đẩy mạnh thoái vốn đầu tư ngoài ngành, cơ cấu lại các đơn vị thành viên, sản phẩm, thị trường, kế hoạch đầu tư, nguồn nhân lực; tăng cường đổi mới, hiện đại hóa quản trị doanh nghiệp; kiện toàn bộ máy quản lý, kiểm soát, kiểm toán nội bộ... từng bước tháo gỡ khó khăn, làm ăn có lãi.

Trạm biến áp 500 kV Thanh Hóa (xã Thiệu Phúc, huyện Thiệu Hóa), nơi diễn ra Lễ khánh thành đường dây 500 kV mạch 3 tại điểm cầu Thanh Hóa.

Trạm biến áp 500 kV Thanh Hóa (xã Thiệu Phúc, huyện Thiệu Hóa), nơi diễn ra Lễ khánh thành đường dây 500 kV mạch 3 tại điểm cầu Thanh Hóa.

"Ngược dòng" bứt phá

Những năm qua, 19 tập đoàn, tổng công ty thuộc Ủy ban đã chủ động thể hiện vai trò chủ đạo bảo đảm nguồn cung, bình ổn thị trường xăng dầu; bảo đảm nhu cầu về điện sinh hoạt của nhân dân và sản xuất kinh doanh; tăng sản lượng khai thác dầu thô, than đá cho nhu cầu của nền kinh tế và góp phần bảo đảm an ninh năng lượng; gia tăng giá trị sản xuất, cung ứng sản phẩm, hàng hóa công nghiệp cho nền kinh tế về hóa chất cơ bản, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, ắc quy, thép; nâng cao chất lượng sản phẩm và khối lượng sản xuất các mặt hàng nông, lâm nghiệp đáp ứng cho thị trường trong nước và phục vụ xuất khẩu.

Petrovietnam đặt mục tiêu phát triển trở thành Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng hàng đầu đất nước và khu vực, có vị trí và vai trò nòng cốt trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Petrovietnam đặt mục tiêu phát triển trở thành Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng hàng đầu đất nước và khu vực, có vị trí và vai trò nòng cốt trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Tổng kết năm 2024, tình hình tài chính hợp nhất của các tập đoàn, tổng công ty do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu, doanh thu ước đạt 2.030.572 tỷ đồng (bằng 120% kế hoạch năm và bằng 107% so với cùng kỳ). Lợi nhuận trước thuế ước đạt 111.692 tỷ đồng (bằng 158% kế hoạch năm và bằng 156% so với cùng kỳ). Giá trị nộp Ngân sách Nhà nước ước đạt 206.206 tỷ đồng (bằng 153% kế hoạch năm và bằng 105% so với cùng kỳ). Những con số là minh chứng rõ ràng nhất cho sự tăng trưởng cả về doanh thu và lợi nhuận của các tập đoàn, tổng công ty.

Trước đó, thực hiện Quyết định số 360 ngày 17/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của cấp có thẩm quyền, Ủy ban đã chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu xây dựng, hoàn thiện Đề án cơ cấu lại giai đoạn đến năm 2025 (Đề án cơ cấu lại) trình Ủy ban phê duyệt hoặc xem xét, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đến nay, Đề án cơ cấu lại của 18 tập đoàn, tổng công ty đã được phê duyệt; các tập đoàn, tổng công ty đang khẩn trương triển khai thực hiện theo đề án đã được phê duyệt, bảo đảm hiệu quả, thực chất, tiến độ yêu cầu đã đề ra.

Một trong những mặt công tác đã tập trung quyết liệt hơn 6 năm qua chính là công tác xử lý các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương. Ngược dòng thời gian cho thấy, dư luận từng bức xúc bởi 12 dự án thua lỗ, yếu kém, chậm tiến độ thuộc ngành Công Thương có nguy cơ mất trắng hàng chục nghìn tỷ đồng gồm: Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng; nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2- Lào Cai; nhà máy sản xuất Đạm Ninh Bình; dự án cải tạo, mở rộng Nhà máy sản xuất Đạm Hà Bắc; dự án mở rộng giai đoạn 2 Gang thép Thái Nguyên; công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Dung Quất; dự án nhà máy thép Việt Trung; dự án nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ; dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Dung Quất; dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước; dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ; dự án nhà máy bột giấy Phương Nam.

 Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc với các đại biểu tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và 19 tập đoàn, tổng công ty ngày 6/12/2024.

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc với các đại biểu tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và 19 tập đoàn, tổng công ty ngày 6/12/2024.

Tính đến ngày 31/12/2017, tổng vốn chủ sở hữu của 12 dự án âm 33,41 tỷ đồng, giảm hơn 4.018 tỷ so với cùng kỳ 2016; tổng nợ phải trả hơn 58.504 tỷ (tăng 3.440 tỷ so với 2016)... Với vai trò là Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả ngành Công Thương, Ủy ban đã triển khai thực hiện 11/12 dự án. Hiện nay toàn bộ 11/11 dự án, doanh nghiệp được giao Ủy ban trực tiếp xử lý đã được Bộ Chính trị đồng ý chủ trương để thực hiện (riêng dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam do Bộ Công Thương xử lý).

Bên cạnh đó, một loạt các dự án lớn khác lâm vào bế tắc, đình trệ cũng đã được Ủy ban với vai trò được giao chủ động phối hợp với các bộ, ngành báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cấp có thẩm quyền tháo gỡ khó khăn, vướng mắc…, thúc đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành đưa vào vận hành, khai thác hoặc khởi công như: Dự án Nhà máy Nhiệt Điện Thái Bình 2; dự án Nhà máy điện Ô Môn IV; dự án đầu tư xây dựng Cảng Hàng không Quốc tế (HKQT) Long Thành giai đoạn 01- Dự án thành phần 3; dự án Nhà ga hành khách T3 Cảng HKQT Tân Sơn Nhất; dự án mở rộng Cảng Hàng không Điện Biên; dự án mở rộng Nhà ga T2 Cảng HKQT Nội Bài; dự án Xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành... Sau 6 năm, các dự án này đã có bước chuyển mình, bứt phá, phát triển theo hướng mới.

Những kết quả ấn tượng

Về tình hình đầu tư phát triển, năm 2024, giá trị thực hiện đầu tư hợp nhất của 19 tập đoàn, tổng công ty do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu ước đạt 160 nghìn tỷ đồng, bằng 130% so với cùng kỳ năm 2023. Ủy ban đã chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty thi công và hoàn thành một số dự án trọng điểm của quốc gia, tiêu biểu như dự án Đường dây tải điện 500kV mạch 3 Quảng Trạch (Quảng Bình) - Phố Nối (Hưng Yên) được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giao Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) làm chủ đầu tư, có tổng chiều dài 519km, 1.177 vị trí cột, 513 khoảng néo, đi qua 211 xã/phường của 43 huyện thuộc 9 tỉnh, với tổng mức đầu tư hơn 22.300 tỷ đồng. Đây là dự án trọng điểm, cấp bách, có ý nghĩa rất quan trọng để nâng cao sự ổn định vận hành hệ thống điện, tăng cường cung cấp điện cho miền Bắc, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Tổng Công ty Cà phê Việt Nam và Công an tỉnh Đắk Lắk ký kết Quy chế phối hợp bảo đảm an ninh, trật tự góp phần tăng cường mối quan hệ đoàn kết, gắn bó giữa Tổng Công ty Cà phê Việt Nam với đơn vị Công an và chính quyền địa phương (ngày 23/10/2024).

Tổng Công ty Cà phê Việt Nam và Công an tỉnh Đắk Lắk ký kết Quy chế phối hợp bảo đảm an ninh, trật tự góp phần tăng cường mối quan hệ đoàn kết, gắn bó giữa Tổng Công ty Cà phê Việt Nam với đơn vị Công an và chính quyền địa phương (ngày 23/10/2024).

Quá trình thi công dự án gặp nhiều khó khăn do khối lượng công việc, kỹ thuật lớn, có vật tư phải nhập khẩu cần thời gian, nguồn nhân lực lớn, thi công trong điều kiện thời tiết bất lợi, nhất là nắng nóng gay gắt hoặc giông sét, thi công qua địa hình phức tạp ở các địa phương... Dưới sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự quan tâm, ủng hộ của các bộ, ngành, địa phương và người dân, EVN/EVNNPT đã quyết tâm, nỗ lực hoàn thành đóng điện vào ngày 25/8/2024, sau hơn 6 tháng thi công, thay vì 3 - 4 năm như thông thường. Dự Hội nghị tổng kết công tác đầu tư xây dựng dự án, ngày 8/12/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính xúc động trước sự lớn mạnh, trưởng thành của ngành Điện lực với mức tăng trưởng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước; đồng thời thành công của dự án đường dây 500kV mạch 3 là "kỳ tích", đã góp phần nâng cao vai trò, vị thế, uy tín của ngành cũng như hình ảnh người thợ điện trong lòng nhân dân...

Một sự kiện tiêu biểu khác là, Ủy ban đã tích cực chỉ đạo Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) tranh thủ thời tiết thuận lợi, đẩy nhanh tiến độ triển khai thi công dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành; báo cáo cấp có thẩm quyền khẩn trương tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để không ảnh hưởng đến tiến độ. Đến nay, các đoạn cao tốc đầu tiên của dự án đã cơ bản hoàn thành, đủ điều kiện đưa vào khai thác, gồm đoạn tư nút giao cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương (Long An) đến quốc lộ 1 (TP Hồ Chí Minh) dài 3,4km và đoạn từ nút giao Phước An đến nút giao quốc lộ 51 (Đồng Nai) dài 6,1km. Đây là bước tiến trong phát triển đường sá, kết nối các khu công nghiệp và khu đô thị, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho nhiều tỉnh, thành.

Cùng với đó, dự án xây dựng Nhà ga hành khách T3 - Cảng HKQT Tân Sơn Nhất có quy mô 20 triệu hành khách/năm với tổng mức đầu tư 10.873 tỷ đồng từ nguồn vốn hợp pháp của Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) được khởi công ngày 14/3/2024 cũng được thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả nhằm đẩy mạnh hoàn thành vượt tiến độ thi công 2 tháng, đưa vào khai thác đúng dịp chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025)...

Đoạn cao tốc Bến Lức - Long Thành qua tỉnh Đồng Nai chuẩn bị đưa vào khai thác.

Đoạn cao tốc Bến Lức - Long Thành qua tỉnh Đồng Nai chuẩn bị đưa vào khai thác.

Năm 2024, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, nỗ lực của Ủy ban, các tập đoàn, tổng công ty đạt nhiều kết quả tích cực, từng bước khẳng định thương hiệu doanh nghiệp Việt Nam trên trường quốc tế. Điển hình là, Tổng Công ty Cà phê Việt Nam (VINACAFE) đã xây dựng và đăng ký sở hữu thành công bộ nhận diện sản phẩm mới Vietnam Coffee, cùng một loạt sản phẩm cà phê qua chế biến sâu như cà phê hòa tan, cà phê rang xay... thay vì trồng, thu mua, xuất khẩu và bán tại thị trường nội địa cà phê nhân xanh như trước đây. VINACAFE cũng ký kết quy chế phối hợp với Công an một số đơn vị, địa phương, gần đây nhất là các 4 tỉnh khu vực Tây Nguyên nhằm bảo đảm ANTT, góp phần tăng cường mối quan hệ đoàn kết, gắn bó giữa Tổng Công ty Cà phê Việt Nam với đơn vị Công an và chính quyền địa phương…

Dự, chỉ đạo Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và 19 tập đoàn, tổng công ty chiều 6/12/2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc ghi nhận công tác quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp của Ủy ban trong năm 2024; công tác xử lý các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả ngành Công Thương, cũng như việc hoàn thành một số dự án trọng điểm quốc gia.

"Ủy ban và 19 tập đoàn, tổng công ty đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đề ra, đóng góp cho nền kinh tế đất nước khoảng 10% GDP, đây là sự nỗ lực rất lớn" - Phó Thủ tướng ghi nhận và dẫn chứng một số đơn vị như: Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam... đã nỗ lực sản xuất, kinh doanh, có mức tăng trưởng rất cao về doanh thu và lợi nhuận. Như vậy, việc "hồi sinh" những "đại dự án" đã góp phần tích cực chống lãng phí, sử dụng hiệu quả vốn Nhà nước, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quốc gia...

(Còn nữa)

Duy Hiển - Anh Hiếu - Quỳnh Vinh

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/kinh-te/khang-dinh-vi-the-cua-doanh-nghiep-nha-nuoc-bai-1--i754140/
Zalo