Chống lãng phí ở nơi trụ cột của nền kinh tế
Những năm qua, Bộ Công Thương đã chủ động, quyết liệt triển khai thực hành tiết kiệm, chống lãng phí bằng nhiều biện pháp thiết thực, hiệu quả.
Chống lãng phí: Hiệu lệnh xuyên suốt chiều dài lịch sử
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh coi tham nhũng, lãng phí là một thứ “giặc nội xâm” cần phải loại bỏ, ngăn chặn. Đối với ngành Công Thương, tại Đại hội Chiến sĩ thi đua ngành Thương nghiệp lần thứ nhất ngày 31/5- 5/6/1956, Người cũng căn dặn cán bộ của ngành “phải tích cực chống lãng phí, tham ô, vì những sai lầm đó có hại cho Nhà nước, cho nhân dân và có hại trực tiếp cho cán bộ, nhân viên; phải thực hành tiết kiệm; quản lý tốt của công; quản lý chặt chẽ thị trường...
Thấm nhuần lời dạy của Người, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đặc biệt, những thông điệp rõ ràng của Tổng Bí thư Tô Lâm về chống lãng phí như một “hồi trống lệnh” đòi hỏi công tác phòng, chống lãng phí đang đứng trước những yêu cầu, nhiệm vụ mới rất khẩn trương, cấp bách. Mỗi ngành, mỗi địa phương, trong phạm vi quản lý của mình đều phải nêu cao tinh thần chủ động, quyết liệt. Hơn bao giờ hết, thông điệp này cần phải được triển khai quyết liệt nhằm tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội.
Đáng chú ý, trong bài viết “Chống lãng phí” mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, hiện nay, một số dạng thức của lãng phí đang nổi lên gay gắt. Cụ thể, chất lượng xây dựng, hoàn thiện pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn công cuộc đổi mới dẫn đến khó khăn, cản trở việc thực thi, gây thất thoát, lãng phí các nguồn lực.
Cùng với đó, tình trạng lãng phí thời gian, công sức của doanh nghiệp, cá nhân khi thủ tục hành chính rườm rà, dịch vụ công trực tuyến chưa thuận tiện và thông suốt. Lãng phí cơ hội phát triển của địa phương, của đất nước do bộ máy nhà nước có nơi, có lúc hoạt động chưa hiệu quả, một bộ phận cán bộ nhũng nhiễu, thiếu năng lực, né tránh, đùn đẩy công việc, sợ trách nhiệm; do chất lượng, năng suất lao động thấp.
Lãng phí tài nguyên thiên nhiên; lãng phí tài sản công do quản lý, sử dụng chưa hiệu quả, trong đó giải ngân vốn đầu tư công; cổ phần hóa, xử lý thoái vốn của các doanh nghiệp nhà nước; sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước, các dự án sử dụng nhiều tài nguyên đất và nước; thực hiện các chương trình, mục tiêu quốc gia, các gói tín dụng hỗ trợ phát triển an sinh xã hội hầu hết rất chậm. Lãng phí trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng của Nhân dân diễn ra dưới nhiều hình thức.
Tổng Bí thư nhấn mạnh, lãng phí gây suy giảm nguồn lực con người, nguồn lực tài chính, giảm hiệu quả sản xuất, tăng gánh nặng chi phí, gây cạn kiệt tài nguyên, gia tăng khoảng cách giàu nghèo. Hơn thế, lãng phí còn gây suy giảm lòng tin của người dân với Đảng, Nhà nước, tạo rào cản vô hình trong phát triển kinh tế - xã hội, bỏ lỡ thời cơ phát triển của đất nước.
Từ những yêu cầu của thực tiễn và góp phần lan tỏa hơn nữa tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư, dưới sự chỉ đạo của Bộ Công Thương, Báo Công Thương tổ chức diễn đàn với chủ đề: “Bộ Công Thương: Chống lãng phí, khơi thông nguồn lực phát triển”…
Đồng bộ giải pháp, hiệu quả thiết thực
Có thể khẳng định, không chỉ bắt đầu từ những trăn trở của người đứng đầu đất nước mà ngay từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Bộ Công Thương đã tích cực, chủ động triển khai công tác phòng chống lãng phí, thực hành tiết kiệm. Công tác này được các đơn vị triển khai và thực hiện nghiêm túc. Chương trình thực hành tiết kiệm chống lãng phí được Bộ xây dựng kế hoạch dài hạn và hàng năm để làm căn cứ cho các đơn vị thực hiện và giám sát. Đơn cử, trong năm 2023, tại 7/9 doanh nghiệp nhà nước nắm giữ trên 50% vốn do Bộ Công Thương là đại diện chủ sở hữu đã thực hành tiết kiệm nhiên liệu, năng lượng 13.987 triệu đồng, tiết kiệm chi phí quản lý 765. 901 triệu đồng. Cùng với đó, trong 2023, đại diện một số đơn vị như Văn phòng Bộ tiết kiệm chi ngân sách nhà nước lên tới 13.190 triệu đồng (tương đương 10,66% kinh phí giao).
Bên cạnh đó, trong những năm qua, Bộ Công Thương đã đổi mới mạnh mẽ công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế và thực thi pháp luật, coi đây là yếu tố quan trọng để phòng, chống lãng phí. Với quan điểm xây dựng pháp luật phải xuất phát từ thực tiễn, Bộ Công Thương đã tham mưu và trình hàng loạt các quy hoạch, kế hoạch mang tính nền tảng, tạo không gian phát triển cho các ngành, địa phương như: Quy hoạch điện VIII; Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia; Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản; Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Một minh chứng rõ nét đó là chỉ sau hơn 10 tháng triển khai tính từ khi có Nghị quyết của Chính phủ chiều ngày 30/11/2024, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Điện lực (sửa đổi). Đây là bước đột phá trong tháo gỡ điểm nghẽn thể chế, khơi thông các vướng mắc, thu hút đầu tư, phát triển ngành điện, đáp ứng đòi hỏi tăng trưởng hai con số trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Đặc biệt, qua nắm bắt thực tiễn, Bộ Công Thương đã kiên trì, chủ động tham mưu, đề xuất đưa việc phát triển điện hạt nhân vào Luật Điện lực, trình Chính phủ lộ trình phát triển cụ thể và các cơ chế pháp lý đặc thù để tránh nguy cơ thiếu điện, làm cơ sở để Trung ương, Quốc hội ra quyết sách kịp thời, đảm bảo an ninh năng lượng trong kỷ nguyên mới.
Thời gian qua, chúng ta nhận thấy có những dự án năng lượng tái tạo bị tạm dừng, chậm tiến độ đưa vào khai thác sử dụng. Nguồn lực này cũng rất lớn, cần nhanh chóng tháo gỡ khó khăn để đưa các dự án đạt yêu cầu vào sử dụng, chống lãng phí như tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm: phải rất khẩn trương, đồng bộ. Chính vì vậy, Bộ Công Thương đã khẩn trương tham mưu cho Chính phủ, xây dựng và triển khai Nghị quyết về chủ trương, phương hướng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo; công bố ngày 12/12/2024. Việc tháo gỡ này sẽ là cơ sở quan trọng để tăng cường nguồn điện những năm tới; khắc phục lãng phí nguồn lực xã hội đã đầu tư lên đến 13 tỷ USD và giải quyết được nhiều vướng mắc tưởng chừng bế tắc.
Không chỉ tạo ra đột phá, tháo gỡ khó khăn từ thể chế được cho là “gốc” của vấn đề, Bộ Công Thương cũng đặc biệt, quan tâm chỉ đạo, phối hợp đẩy nhanh các công trình trọng điểm không để lãng phí sức người, sức của. Theo đó, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, vượt qua những điều tưởng như không thể, Bộ Công Thương cùng sự phối hợp của các bộ, ngành, địa phương đã cùng nhau viết lên một kỳ tích mang tên dự án đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch-Phố Nối. Kỳ tích này đã được Tổng Bí thư Tô Lâm nhắc đến trực tiếp và coi đây là hình mẫu, bài học trong công tác xây dựng thể chế pháp luật để đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm.
Cùng với đó, tranh thủ tối đa thời cơ và thuận lợi, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, vươn mình, Bộ Công Thương đã chủ động phát huy nội lực trong phát triển công nghiệp, thương mại, xuất khẩu không ngừng tăng trưởng, lập kỷ lục, năm sau luôn cao hơn năm trước và tạo đột phá, đẩy nhanh khai mở các thị trường lớn, tạo thế và lực đưa đất nước tiến nhanh cùng thời đại.
Một điểm đáng chú ý, trong bài viết với tiêu đề “Chống lãng phí”, Tổng Bí thư chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương phải tập trung xây dựng, tinh gọn bộ máy để hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Nhận thức được điều này, hiện Bộ đang đề xuất phương án tinh gọn bộ máy, giảm gần 18% đầu mối. Điều này góp phần, cải cách hành chính, giảm tối đa chồng chéo trong thủ tục hành chính, phát huy hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, ngang tầm nhiệm vụ trong thời đại mới.
Đánh giá về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thời gian qua của Bộ Công Thương, PGS.TS Đào Duy Quát, nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng: Có thể khẳng định, những năm qua, Bộ Công Thương đã triển khai, thực hiện cuộc vận động thực hành tiết kiệm, chống lãng phí một cách quyết liệt nhât, là ngành đi đầu trong việc phát triển và thực hiện cuộc vận động thực hành tiết kiệm và chống lãng phí một cách quyết liệt nhất, triệt để có hiệu quả nhất, thực sự là tấm gương cho tất cả các ngành kinh tế khác. Điều này đã được minh chứng bằng những con số, việc làm cụ thể. Cùng với đó, Bộ Công Thương triển khai, làm tốt công tác này góp phần rất lớn, làm thay đổi, tạo thành công trong việc lan tỏa công tác thực hành tiết kiệm chống lãng phí để tạo ra cái nguồn lực cho phát triển đất nước nói chúng và và công nghiệp, thương mại nói riêng trong kỷ nguyên mới.
Lan tỏa thông điệp, triển khai đồng bộ để đất nước vươn mình
Một kỷ nguyên mới đang mở ra nhiều cơ hội lịch sử đưa đất nước vươn mình, sánh vai với cường quốc năm châu, việc phải tạo đột phá trong huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, chống lãng phí là việc làm cấp bách, đưa đất nước tiến nhanh cùng thời đại. Chia sẻ về điều này, PGS.TS Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản cho rằng: Trong bối cảnh toàn cầu và sự gia tăng của các vấn đề về nguồn lực, tài nguyên, lãng phí đã trở thành một vấn đề nghiêm trọng mà nhiều quốc gia đang nỗ lực giải quyết trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế chung đó. Tổng Bí thư Tô Lâm đã có bài viết quan trọng “Chống lãng phí” với thông điệp mạnh mẽ, mang tính thức tỉnh sâu sắc, kêu gọi đảng viên, cán bộ, nhân dân xem xét lại cách thức sử dụng và quản lý các nguồn lực trong toàn xã hội. Bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm đã phân tích sâu sắc, chỉ rõ cả hệ thống chính trị và từng người dân cần có ý thức tránh xa lãng phí, không chỉ vì lợi ích quốc gia, lợi ích của bản thân, gia đình, xã hội mà còn vì trách nhiệm với thế hệ tương lai. Tổng Bí thư đã nhấn mạnh “trước cơ hội lịch sử để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”; “thời điểm định hình tương lai của chúng ta”, công tác phòng, chống lãng phí cần được triển khai quyết liệt, đồng bộ với những giải pháp hữu hiệu, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, trở thành văn hóa ứng xử trong thời đại mới.
“Đây là thông điệp mạnh mẽ, thẳng thắn, mang tính lý luận và thực tiễn sâu sắc từ người đứng đầu của Đảng về nguy cơ tác động nghiêm trọng của việc lãng phí, gây suy giảm các nguồn lực, tạo rào cản vô hình trong chặng đường vận mệnh của đất nước, dân tộc. Cùng với việc đề ra bốn giải pháp trọng tâm, Tổng Bí thư Tô Lâm đã thúc giục mạnh mẽ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự chung tay đồng lòng của toàn xã hội, nhanh chóng thực hiện có hiệu quả những giải pháp để đạt được những thay đổi bền vững, xử lý từ gốc rễ vấn đề lãng phí”- PGS.TS Lê Hải Bình cho biết.
Nhận thức được vai trò, trách nhiệm, cùng với đó để hưởng ứng những chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm và đưa tư tưởng tiết kiệm, chống lãng phí sẽ biến thành hành động thiết thực, cụ thể, Báo Công Thương tổ chức diễn đàn với chủ đề: “Bộ Công Thương: Chống lãng phí, khơi thông nguồn lực phát triển”. Diễn đàn lần này được tổ chức để một lần nữa cùng chia sẻ kinh nghiệm và lắng nghe các giải pháp, xác định rõ các nguyên tắc trong thực hành tiết kiệm, góp phần lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa thông điệp của Tổng Bí thư và tạo sự phát triển đột phá của ngành Công Thương trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Sáng ngày mai (23/12), tại Hà Nội, Báo Công Thương sẽ tổ chức Diễn đàn '‘Bộ Công Thương: Chống lãng phí, khơi thông nguồn lực phát triển'’. Diễn đàn sẽ có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân, PGS.TS Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng - Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, TS. Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, PGS.TS. Trần Đình Thiên - chuyên gia kinh tế sẽ chủ trì Diễn đàn.
Diễn đàn còn có sự tham gia của các diễn giả: TS. Nguyễn Xuân Trường - Vụ trưởng Vụ Địa phương I - Ban Nội chính Trung ương; ông Nguyễn Hữu Sơn - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu; ông Ngô Đức Minh - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Công Thương; đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN); đại diện Tổng công ty Khí Việt Nam - PVGAS)...