Khẳng định thế và lực

Số liệu vừa được Cục Thống kê TP HCM công bố cho thấy bức tranh kinh tế-xã hội 8 tháng đầu năm 2024 của thành phố tiếp tục phục hồi-bao gồm sản xuất công nghiệp, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ, kim ngạch xuất nhập khẩu, giải ngân đầu tư công...

Gần đây, khi so sánh TP HCM với các địa phương khác, nhiều ý kiến cho rằng đầu tàu kinh tế đang chậm lại. Thực tế, các chỉ tiêu đóng góp của TP HCM trong bức tranh chung của kinh tế cả nước có giảm về tỉ lệ phần trăm nhưng giá trị tuyệt đối lại tăng lên rất nhiều nhờ quy mô nền kinh tế ngày càng lớn cùng với việc chuyển dịch cơ cấu, nhất là chuyển đổi kép "xanh-số". Lãnh đạo TP HCM nhiều lần nhấn mạnh quan điểm thành phố không so sánh với địa phương khác. Trong bối cảnh hiện tại của một đô thị đặc biệt, cần "phóng tầm tư duy" để suy nghĩ về những vấn đề căn cơ, đột phá ở tầm khu vực, quốc tế.

TP HCM là địa phương có khả năng thích ứng và phục hồi nhanh chóng trước những "cú sốc", đặc biệt là đại dịch COVID-19. Thành phố đã và đang có những bước đi nổi bật trong việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng, gắn kết giữa đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học - công nghệ và nâng cao năng suất lao động.

Về phía người dân, khi thu nhập tăng lên thì chất lượng cuộc sống - bao gồm đời sống tinh thần, văn hóa, giáo dục, y tế, môi trường... - cũng phải tăng lên cùng với quy mô của nền kinh tế. Cần có chỉ số so sánh phù hợp để đánh giá được chất lượng tăng trưởng, chất lượng nguồn nhân lực và chất lượng cuộc sống.

Trong buổi làm việc với TP HCM mới đây, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã đặt vấn đề: Các chỉ số an sinh xã hội của TP HCM cần ở một tầm khác. Chẳng hạn, với chỉ số y tế, thay vì tính theo số lượng bác sĩ trên một vạn dân thì mỗi người dân nên được kiểm tra sức khỏe định kỳ hằng năm. Hay chính sách cho vay đối với sinh viên cần thiết kế theo hướng tạo điều kiện cho các em có khả năng và muốn đi học sẽ được đến giảng đường.

Nhìn sang các đô thị khác trong khu vực và châu Á, rất nhiều thành phố đang tập trung quan tâm chỉ số xã hội, phúc lợi, chất lượng sống, bên cạnh chỉ số kinh tế. Ngoài ra, những chỉ số tương lai liên quan đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, xã hội học tập... cũng thúc đẩy kinh tế dịch chuyển từ phát triển dựa trên vốn, tài nguyên, thâm dụng lao động sang nguồn nhân lực chất lượng và tri thức.

Trong nhiệm kỳ này, TP HCM vừa phải nỗ lực xử lý những vấn đề tồn đọng vừa phải duy trì, thúc đẩy các chỉ tiêu kinh tế và xây dựng nền tảng cho tương lai, trong đó tập trung vào thể chế và con người. Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM cùng các quy hoạch, đề án đường sắt đô thị, trung tâm tài chính quốc tế, nền công vụ hiệu quả... là yếu tố tạo dựng nền tảng.

Cần nhìn sâu vào con số và công việc thực hiện theo từng tháng, từng tuần, thậm chí từng ngày để hình dung sự chuyển động mạnh mẽ của TP HCM trong những năm tiếp theo.

Theo TS TRƯƠNG MINH HUY VŨ
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM

(Dẫn nguồn NLĐO)

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/khang-dinh-the-va-luc-post291430.html
Zalo