Kích hoạt tinh thần dám nghĩ, dám làm - Kỳ 3: Vượt khó vươn cao

Nhờ đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, điều động, bổ nhiệm cán bộ hợp lý đã tạo ra hiệu suất công việc cao. Nhiều cán bộ đã thể hiện được năng lực, dám nghĩ dám làm, giải quyết khối lượng công việc rất lớn, góp phần hoàn thành từng bước các nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đề ra.

Sức bật mới trong công việc

Có thể nói, chưa khi nào Khánh Hòa có khối lượng công việc nhiều như thời gian vừa qua. Sau gần 4 năm thực Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, lãnh đạo, cán bộ các sở, ban, ngành đã qua quen với kiểu làm thêm giờ, thêm ngày nghỉ. Những cuộc họp buổi tối và ngày những ngày thứ 7, chủ nhật cũng trở nên bình thường. Sau khi phải “gồng mình” khống chế dịch Covid-19, từ năm 2022 đến nay, cả hệ thống chính trị tập trung cao độ cho công tác lập quy hoạch và xúc tiến đầu tư, phục hồi nền kinh tế. Thời điểm năm 2022-2023, rất hiếm địa phương nào lập cùng lúc 4 đồ án quy hoạch lớn gồm: Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế Vân Phong đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050; Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP. Nha Trang đến năm 2040; Đồ án quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm đến năm 2045.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kiểm tra tiến độ Dự án Đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột vào tháng 4-2024.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kiểm tra tiến độ Dự án Đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột vào tháng 4-2024.

Mặc dù khối lượng công việc lớn, nhưng do Ban Thường vụ Tỉnh ủy điều động, luân chuyển cán bộ hợp lý, nhiều cán bộ trẻ, năng động được bố trí ở những vị trí công tác đúng sở trường nên khối lượng công việc được giải quyết rất lớn. Đến nay, cả 4 quy hoạch đều đã được thông qua; các địa phương, sở, ngành lại tiếp tập trung cho công tác lập quy hoạch phân khu để có cơ sở thu hút dự án đầu tư. Một số sở, ngành có khối lượng công việc cực lớn như: Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường, Ban quản lý Khu kinh tế Vân Phong…

Nói về việc công việc thời gian qua, ông Châu Ngô Anh Nhân - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, công việc của Sở Kế hoạch và Đầu tư là rất lớn. Vậy nhưng với việc sắp xếp lại bộ máy, bố trí con người hợp lý nên các phần việc cũng hoàn thành. Sở đã tiếp nhận, xử lý và tham mưu UBND tỉnh ban hành các Quyết định chủ trương đầu tư, ban hành Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với 195 dự án ngoài ngân sách, trong đó có 54 dự án cấp mới với tổng vốn đầu tư là 15.813 tỷ đồng. Các dự án đầu tư ngoài ngân sách góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, đóng góp cho ngân sách nhà nước, nâng cao chất lượng sống của người dân địa phương, trong đó có những dự án đầu tư nước ngoài từ các nhà đầu tư, tập đoàn lớn từ Nhật Bản, Nga, Singapore, Hàn Quốc, Hoa Kỳ....

Cao tốc Nha Trang – Cam Lâm đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng.

Cao tốc Nha Trang – Cam Lâm đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng.

Ngay từ đầu nhiệm kỳ, khi giao nhiệm vụ, lãnh đạo tỉnh đều yêu cầu các đơn vị phải tìm cách hoàn thành, khó đến đâu tháo gỡ đến đó, tránh tình trạng thoái thác công việc. Nhiệm vụ nào có vướng mắc, ngay trong tuần sẽ tổ chức họp các đơn vị liên quan để tìm hướng giải quyết. Sự cộng hưởng từ đổi mới phương thức lãnh đạo đã tạo luồng gió mới trong giải quyết công việc. Chỉ từ năm 2022 đến 2024, hàng loạt quy hoạch lớn được thông qua. Cao tốc Cam Lâm – Nha Trang hoàn thành, đường dây 500kV Vân Phong – Vĩnh Tân cũng về đích trước thời hạn. Đặc biệt, trong năm 2023, tỉnh đã tổ chức thành công Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Khánh Hòa năm 2023 và khai trương Cổng thông tin xúc tiến đầu tư tỉnh Khánh Hòa.

Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Khánh Hòa năm 2023.

Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Khánh Hòa năm 2023.

Bên cạnh đó, Ban quản lý Khu kinh tế Vân Phong cũng đã tiếp đón và xúc tiến đầu tư tại chỗ khoảng trên 20 đoàn khách đến nghiên cứu cơ hội đầu tư vào Khu kinh tế Vân Phong trong nhiều lĩnh vực khác nhau như điện khí, KCN, bất động sản và du lịch nghỉ dưỡng, trong đó có nhiều tập đoàn lớn như: Tập đoàn Sungroup, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (IPPG)… Sau khi Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế Vân Phong đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ban đã tập trung cao độ để lập, trình phê duyệt 19 phân khu, phủ kín toàn bộ diện tích 70.000 ha phần đất liền và đảo của Khu kinh tế Vân Phong.

Thành tích ấn tượng

Qua gần 4 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, Khánh Hòa đã đạt được nhiều thành tích ấn tượng. Theo đánh giá của đồng chí Nguyễn Khắc Toàn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, đến nay công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã có nhiều chuyển biến tích cực, khá toàn diện trên các mặt công tác. Quan trọng nhất là xây dựng được tập thể Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và Thường trực Tỉnh ủy đoàn kết, chủ động, dân chủ, kỷ cương và trách nhiệm. Cùng với đó, tình hình kinh tế - xã hội phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân, tỉnh Khánh Hòa đã có nhiều cách làm sáng tạo, chủ động, thích ứng linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế một cách ngoạn mục. Trong đó, tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân của tỉnh giai đoạn 2021-2023 đạt 7,7%/năm; trong đó GRDP năm 2022 tăng 19,8%, cao nhất cả nước và năm 2023 tăng 10,24%, đứng thứ 4 cả nước. Năm 2024, kinh tế của tỉnh tiếp tục duy trì sự tăng trưởng với mức tăng GRDP ước đạt 12,35%; tính chung giai đoạn 2021-2024 GRDP ước tăng bình quân 8,9%/năm .

Một góc TP. Nha Trang.

Một góc TP. Nha Trang.

Tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2024 ước đạt khoảng 277,5 nghìn tỷ đồng, tốc độ tăng 12,2%/năm. Tổng thu ngân sách giai đoạn 2021-2024 ước đạt 66,8 nghìn tỷ đồng, tăng bình quân 7,1%/năm; đảm bảo đạt và vượt dự toán ngân sách Trung ương giao hàng năm, đáp ứng kịp thời, đầy đủ các nhiệm vụ chi đầu tư phát triển, công tác phòng chống dịch bệnh, thực hiện chính sách an sinh xã hội, cải cách tiền lương và các nhiệm vụ cấp thiết khác.

Điểm nổi bật của tỉnh Khánh Hòa sau nửa nhiệm kỳ là sự kết nối có hiệu quả giữa chiến lược - quy hoạch - kế hoạch - đầu tư. Tỉnh đã phối hợp cùng các Bộ, ngành Trung ương tham mưu trình Bộ Chính trị thông qua Nghị quyết số 09, trong đó, khẳng định rõ phát triển kinh tế biển là nền tảng trong thời gian tới. Chỉ khoảng 2 tháng sau, ngày 21-3-2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết 42 về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị. Và sau hơn 4 tháng, Quốc hội cũng thông qua Nghị quyết 55 ngày 16-6-2022 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa. Đến nay, các nghị quyết của Trung ương đang tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục phát triển mạnh mẽ.

Cao tốc Vân Phong - Nha Trang đang được các nhà thầu nỗ lực thi công để về đích vào cuối tháng 4-2026.

Cao tốc Vân Phong - Nha Trang đang được các nhà thầu nỗ lực thi công để về đích vào cuối tháng 4-2026.

Hiện nay, tỉnh đang đẩy mạnh xúc tiến thu hút đầu tư, nhất là những dự án lớn ở 3 vùng kinh tế động lực của tỉnh, tạo đà cho Khánh Hòa phát triển trong thời gian tới. Ngoài ra, Trung ương, Quốc hội, Chính phủ và địa phương rất quan tâm đến việc đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là các tuyến cao tốc ở Khánh Hòa. Cao tốc Nha Trang - Cam Lâm và Cam Lâm – Vĩnh Hảo đã được khánh thành; tuyến cao tốc Vân Phong - Nha Trang và cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột hiện đang thi công. Bên cạnh đó, Dự án Đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT.656 tỉnh Khánh Hòa - kết nối với tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Ninh Thuận đã được UBND tỉnh tổ chức động thổ từ đầu tháng 3-2024. Hiện nay, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh (chủ đầu tư dự án) đang nỗ lực đẩy nhanh các thủ tục để sớm thi công công trình, đáp ứng kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2024. Quốc hội cũng đã thông qua chủ trương đầu tư đường kết nối giữa 2 huyện miền núi Khánh Sơn và Khánh Vĩnh, góp phần tạo hành lang liên thông với tỉnh Ninh Thuận và Lâm Đồng. Cao tốc Nha Trang - Đà Lạt cũng đã được đề xuất xây dựng với dài gần 81 km kỳ vọng sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, hình thành liên kết vùng, góp phần giúp Khánh Hòa đạt mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030. Từ nay đến cuối nhiệm kỳ này, các tuyến cao tốc bắc - nam và đông - tây qua địa bàn tỉnh sẽ cơ bản hoàn thành, mở ra nhiều dư địa và không gian phát triển mới liên kết kinh tế - xã hội giữa tỉnh Khánh Hòa với các địa phương trong khu vực và cả nước.

Ông Nguyễn Khắc Toàn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh:

Chúng ta không được chủ quan, hài lòng với những kết quả, thành tích đã đạt được mà cần tiếp tục đẩy mạnh đổi mới, nỗ lực phấn đấu, tranh thủ mọi thời cơ, thuận lợi, vượt qua mọi khó khăn, thách thức để triển khai thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ nhiệm kỳ khóa XVIII. Hiện nay tỉnh đang triển khai giải pháp tổng thể để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế bền vững gắn với tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường theo định hướng tại Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị. Chính quyền địa phương các cấp tăng cường quản lý, đầu tư sử dụng có hiệu quả các nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công gắn với trách nhiệm người đứng đầu; tiếp tục đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án trọng điểm của quốc gia, của tỉnh, các dự án ngoài ngân sách tại Khu kinh tế Vân Phong, huyện Cam Lâm, TP. Cam Ranh, dự án đường bộ cao tốc…

Ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh:

Sau khi các đồ án quy hoạch lớn được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, UBND tỉnh đã phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức thành công Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Khánh Hòa năm 2023. Qua đó, tỉnh đã kết hợp giới thiệu, quảng bá tiềm năng, lợi thế, định hướng phát triển nhằm thu hút nguồn lực đầu tư, công nghệ hiện đại, tiên tiến của các doanh nghiệp trong và ngoài nước. UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với đơn vị tư vấn rà soát cơ sở dữ liệu liên quan đến ngành, lĩnh vực quản lý để chỉnh lý, chuẩn hóa bản đồ đảm bảo kịp thời cập nhật dữ liệu lên hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch theo quy định. Thời gian tới, tỉnh còn rất nhiều việc phải làm nhằm đưa các định hướng trong quy hoạch trở thành hiện thực, tạo sức bật đột phá cho sự phát triển của Khánh Hòa, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị.

ĐÌNH LÂM - VĂN KỲ

Kỳ 1: Ngăn bệnh sợ trách nhiệm

Kỳ 2: Khơi thông nguồn lực từ công tác cán bộ

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/chinh-tri/xay-dung-dang/202409/kich-hoat-tinh-than-dam-nghi-dam-lam-ky-3-vuot-kho-vuon-cao-99743a0/
Zalo