Tỷ giá giảm nhiệt, doanh nghiệp và ngân hàng có hết áp lực?

Tỷ giá giảm nhiệt mang lại nhiều tác động tích cực cho nền kinh tế, đặc biệt là các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu và cả ngân hàng. Tuy nhiên, ngân hàng và doanh nghiệp liệu đã hết áp lực và những nỗi lo trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu vẫn còn nhiều yếu tố bất ngờ, khó đoán định?

Theo các chuyên gia, tỷ giá giảm do tác động của nhiều yếu tố. Ảnh: ST

Theo các chuyên gia, tỷ giá giảm do tác động của nhiều yếu tố. Ảnh: ST

Nhiều yếu tố giúp tỷ giá hạ nhiệt

Thời gian gần đây, tỷ giá ngày càng rời xa mức đỉnh điểm 26.000 VND/USD, có thời điểm giảm về quanh 25.000 VND/USD - bằng với mức hồi cuối năm ngoái. Diễn biến trên thị trường tự do cũng cho thấy, giá USD chỉ còn được mua vào ở mức 25.110 VND/USD và bán ra tại 25.190 VND/USD.

Tỷ giá hạ nhiệt do tác động của một loạt yếu tố. Theo Công ty Chứng khoán MB (MBS), các động lực làm cho USD tăng mạnh trên toàn cầu đầu năm nay đã bắt đầu suy yếu. Dữ liệu lịch sử cũng cho thấy đồng USD có khả năng giảm giá khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ bằng việc cắt giảm lãi suất.

Ngoài sự thuận lợi từ yếu tố bên ngoài, nội tại nền kinh tế cũng đang hỗ trợ xu hướng đi xuống của tỷ giá. Theo TS. Châu Đình Linh - Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh, tăng trưởng kinh tế ổn định, thặng dư thương mại lớn và giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng mạnh là những yếu tố hỗ trợ niềm tin cho thị trường. Điều này cho thấy sự tin tưởng của nhà đầu tư và DN vào khả năng cạnh tranh cũng như tiềm năng của Việt Nam. Đồng thời, chênh lệch giữa giá vàng trong và ngoài nước giảm, góp phần giảm bớt các áp lực đầu cơ lên tỷ giá…

PGS,TS. Nguyễn Hữu Huân - Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh - cũng cho rằng, xu hướng đi xuống của tỷ giá phần nào liên quan đến thị trường vàng. Với nhà đầu tư vàng, khi tỷ giá cao, nhà đầu tư có xu hướng tìm đến vàng như một kênh trú ẩn do lo ngại đồng nội tệ mất giá. Tuy nhiên, đến thời điểm này, nhu cầu mua, bán vàng của người dân cũng không còn cao như trước. Mặt khác, theo PGS, TS. Nguyễn Hữu Huân, đến giữa năm, nhu cầu ngoại tệ của người dân và nhu cầu nhập khẩu hàng hóa của DN thường không cao so với đầu năm nên tỷ giá có phần hạ nhiệt.

NHNN đã có những biện pháp hỗ trợ tích cực như bán ngoại tệ nhưng đồng thời đẩy lãi suất liên ngân hàng tăng trong thời gian gần đây do cung tiền đã bị rút bớt và khiến thanh khoản thắt chặt hơn trong hệ thống. Qua đó, tỷ giá biến động trong ngưỡng cho phép, áp lực lên tỷ giá giảm.

PGS,TS. Nguyễn Hữu Huân - Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh

Một yếu tố khác giúp áp lực lên tỷ giá đồng Việt Nam giảm xuống là Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã thực hiện các biện pháp can thiệp trên thị trường ngoại hối và thắt chặt thanh khoản - các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định.

Công tác điều hành chính sách tiền tệ của NHNN cũng đã được chuyên gia Maybank Investment Bank đánh giá cao. “Thời gian qua, NHNN đã điều hành tỷ giá rất tốt. Có thời điểm tỷ giá tăng, nhưng so với các đồng ngoại tệ của các nước lớn trên thế giới cũng như trong khu vực thì mức mất giá khá nhỏ”, ông Phan Dũng Khánh - Giám đốc Tư vấn đầu tư Maybank Investment Bank - khẳng định.

Doanh nghiệp, ngân hàng được hưởng lợi nhưng chưa hết nỗi lo

Tỷ giá hạ nhiệt mang lại nhiều tác động tích cực cho nền kinh tế. Cụ thể, PGS,TS. Nguyễn Hữu Huân cho rằng, tỷ giá hạ nhiệt giúp giảm áp lực lạm phát, tăng cường sức mua nội địa và củng cố niềm tin tiêu dùng, qua đó góp phần ổn định, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, từ đó xuất nhập khẩu ổn định hơn.

Tỷ giá giảm sẽ tạo thuận lợi cho việc trả nợ nước ngoài bằng đồng USD và thu hút đầu tư nước ngoài. Đồng thời, mặt bằng lãi suất tiếp tục được duy trì ở mức thấp, đặc biệt là lãi suất cho vay. Chi phí vay vốn thấp hơn là cơ sở để DN có thể hạ giá thành sản phẩm, người tiêu dùng được mua hàng hóa với giá rẻ hơn. Nhóm DN xuất khẩu nhập sẽ được hưởng lợi khi tỷ giá ổn định, đặc biệt là nhóm DN nhập khẩu sử dụng đồng USD.

Công ty chứng khoán VNDirect cũng dự báo, các nhóm ngành nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào cao như thép, xăng dầu, đồ uống, hay các nhóm có tỷ lệ vay nợ ngoại tệ cao như hàng không, điện, thép, ô tô… cũng sẽ được hưởng lợi trực tiếp.

Về phía ngân hàng, theo các chuyên gia, khi áp lực tỷ giá giảm, các nhà băng cũng dễ tiếp cận các nguồn vốn giá rẻ hơn trên thị trường, nhất là trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng đã có những dấu hiệu tích cực trở lại.

“Khi tỷ giá hạ nhiệt, NHNN không có khuynh hướng nâng lãi suất mà có thể giảm lãi suất tín phiếu, lãi suất trên thị trường mở (OMO)… Tỷ suất lợi nhuận lãi thuần (NIM) của ngân hàng thương mại có thể hồi phục và yếu tố này sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn thu nhập từ ngoại hối”, ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc khối Phân tích và Phát triển sản phẩm của Yuanta Việt Nam- nhận định.

Tỷ giá đã giảm nên NHNN sẽ giảm bớt áp lực về điều hành tỷ giá và có thể giữ nguyên lãi suất để giải quyết các lo ngại về lạm phát. NHNN có thể linh hoạt mua và bán để đảm bảo củng cố dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá theo mục tiêu tùy từng thời điểm.

Ông Suan Teck Kin - Giám đốc Khối Nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu, Ngân hàng UOB

Dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn giao dịch CME cho thấy, tỷ lệ đặt cược khả năng Fed giảm 0,5% lãi suất đã tăng lên 50% thay vì 13% như cách đây vài ngày. Rõ ràng, nhà đầu tư đang kỳ vọng Fed cắt giảm lãi suất mạnh tay. Nếu Fed cắt giảm lãi suất USD hai lần vào cuối năm nay thì theo PGS,TS. Nguyễn Hữu Huân, điều này sẽ giảm áp lực lên tỷ giá, lãi suất VND.

Các chuyên gia Ngân hàng UOB cũng kỳ vọng, tỷ giá USD/VND sẽ tiếp tục đi xuống trong nửa cuối năm 2024 và đầu năm 2025. UOB dự báo, tỷ giá USD/VND sẽ xuống 25.100 VND/USD vào cuối quý III và 24.900 VND/USD vào cuối năm nay. Đến giữa năm 2025, tỷ giá USD/VND sẽ chạm mốc 24.500 VND/USD.

Mặc dù tỷ giá được kỳ vọng sẽ tiếp tục giảm nhưng các chuyên gia cũng lưu ý, các biện pháp phòng ngừa rủi ro tỷ giá cũng như một chính sách thích ứng linh hoạt vẫn rất cần được NHNN, các ngân hàng và doanh nghiệp quan tâm, chú trọng trong thời gian tới. Bởi lẽ, nền kinh tế toàn cầu hiện nay vẫn đang phục hồi chậm và rất nhiều “cú sốc” bất ngờ, khó đoán định có thể xảy ra, tác động đến việc điều hành tỷ giá của NHNN cũng như hoạt động kinh doanh của ngân hàng và đặc biệt là doanh nghiệp xuất nhập khẩu./.

THÀNH ĐỨC

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/ty-gia-giam-nhiet-doanh-nghiep-va-ngan-hang-co-het-ap-luc-34619.html
Zalo