Khẳng định giá trị hạt gạo

Những ngày qua, giá lúa ST tại một số tỉnh như Sóc Trăng, Bạc Liêu tăng mạnh, bình quân tăng 800 đồng/kg và dao động ở mức 12 – 13 nghìn đồng/kg. Nhiều nơi, thương lái đã tìm đến tận ruộng đặt cọc mua lúa tươi. Với những tín hiệu vui này, nông dân miền Tây tin tưởng một mùa lúa bội thu, được mùa, được giá...

Thu hoạch lúa vụ hè thu ở Đồng bằng sông Cửu Long.Ảnh: Lý Anh Lam.

Thu hoạch lúa vụ hè thu ở Đồng bằng sông Cửu Long.Ảnh: Lý Anh Lam.

Những ngày qua, nông dân vùng trồng lúa trên đất tôm (lúa – tôm) ở huyện Hồng Dân, Phước Long, thị xã Giá Rai (tỉnh Bạc Liêu) liên tục đón tin vui, giá lúa ST chủ yếu là ST24, ST25 hiện đang đạt mức giá cao nhất từ trước đến nay, dao động từ 12.000 – 13.000 đồng/kg, cao hơn cả giá lúa ST vụ lúa – tôm năm trước. Với giá lúa này, nông dân trồng lúa ST đang rất háo hức chờ đợi ngày thu hoạch.

Hiệu quả từ mô hình lúa - tôm

Ông Nguyễn Thành Nghiệp (xã Ninh Thạnh Lợi A, huyện Hồng Dân) phấn khởi cho biết: Từ khi đưa con tôm vào cùng canh tác trên đất lúa, vùng đất này như được hồi sinh, việc bà con nông dân trúng mùa lúa, tôm kiếm lãi hàng chục triệu đồng/công không phải là chuyện hiếm.

“Với hơn 2ha công đất áp dụng mô hình lúa – tôm từ năm 2020 cho đến nay, gia đình tôi thu lãi hơn từ 150 - 200 triệu đồng/năm. Trước đây vùng này người dân chỉ làm 1 vụ lúa mùa nên thu nhập bấp bênh. Tuy nhiên sau khi thực hiện mô hình trồng lúa trên đất tôm, hiện đời sống của bà con nông dân khấm khá hơn rất nhiều, việc làm gần như có quanh năm. Những ngày qua có nhiều thương lái đến đặt cọc thu mua lúa ST. Bà con rất phấn khởi, kỳ vọng vào vụ mùa năm nay đón một cái Tết sung túc” - ông Nghiệp chia sẻ.

Cùng chung tâm trạng như ông Nghiệp, nhiều nông dân cho biết, sản xuất lúa trên đất tôm dễ chăm sóc, chi phí thấp, lợi nhuận thu được cao hơn so với canh tác lúa trên nền đất truyền thống.

Ông Nguyễn Văn Chiến - Phó Chủ tịch UBND huyện Hồng Dân thông tin: Hồng Dân là một trong những địa phương có diện tích lúa trên đất tôm lớn nhất của tỉnh Bạc Liêu với diện tích hơn 24.000ha. Thời gian qua được huyện chọn là mô hình sản xuất bền vững cho nông dân vùng lúa – tôm nên hàng năm Hồng Dân luôn dành nguồn kinh phí khá lớn để hỗ trợ, khuyến khích nông dân phát triển, nhân rộng diện tích mô hình này.

Vụ lúa trên đất tôm 2024 – 2025, nông dân Bạc Liêu xuống giống hơn 18.000ha lúa ST, chiếm gần 40% diện tích lúa - tôm của toàn tỉnh. Hiện nay, diện tích lúa ST đã bước vào giai đoạn trổ bông. Nông dân cũng đang tích cực chăm sóc bổ sung bón phân hữu cơ, phun xịt dưỡng bông cho lúa. Với những điều kiện thuận lợi hiện nay cùng với trà lúa ST phát triển tốt bà con đang kỳ vọng vào một vụ mùa thuận lợi.

Ông Lưu Hoàng Ly - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) tỉnh Bạc Liêu cho biết: Thời gian qua, với việc phá thế độc canh cây lúa bằng mô hình sản xuất lúa – tôm ở Bạc Liêu đã khẳng định được tính bền vững và có khả năng thích ứng với quá trình biến đổi khí hậu. Với tổng diện tích sản xuất đến nay, vượt hơn 43.600ha (chiếm khoảng 30% diện tích nuôi tôm toàn tỉnh), mô hình này được đánh giá hiệu quả và cần nhân rộng trong thời gian tới. “Mô hình lúa – tôm là mô hình sáng nhất trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng khóc liệt. Những năm trước canh tác trên 1ha nông dân có lãi từ 80 – 90 triệu/ha là mừng rồi. Nhưng trong khoảng 2 năm nay có người lãi từ 150 – 180 triệu đồng/ha, do sản phẩm tôm sạch, lúa chất lượng cao nên có giá cao kỷ lục” - ông Ly cho hay.

Mục tiêu mà ngành nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu đề ra sau 2025 đến 2030, mở rộng diện tích sản xuất lúa – tôm lên hơn 70.000ha. Để đạt được mục tiêu này, Sở NNPTNT đang đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả chuyển giao ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất lúa hàng hóa theo yêu cầu của thị trường, thực hiện tốt nhiệm vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng từng bước hiện đại, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Thu hoạch lúa ở tỉnh Hậu Giang. Ảnh: Lý Anh Lam.

Thu hoạch lúa ở tỉnh Hậu Giang. Ảnh: Lý Anh Lam.

Đẩy mạnh sản xuất lúa chất lượng cao

Dù chưa vào thu hoạch vụ lúa Đông Xuân, nhưng tại thời điểm này, giá lúa tại Sóc Trăng tăng trung bình khoảng 800 đồng/kg, cá biệt có những giống lúa tăng gần 1.000 đồng/kg so với cùng kỳ. Tại nhiều địa phương trong tỉnh, thương lái đã tìm đến tận ruộng đặt cọc mua lúa tươi với giá từ 8.500-8.700 đồng/kg.

Đã qua hơn 4 vụ sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, ông Bùi Hữu Tính, xã viên Hợp tác xã Tân Hưng Phú, xã Tân Hưng, huyện Long Phú, Sóc Trăng phấn khởi chia sẻ, gia đình có 10ha đất lúa sản xuất theo hướng hữu cơ được hỗ trợ phân bón hữu cơ, kỹ thuật canh tác giảm sâu bệnh nhờ đó mà chi phí từng vụ giảm từ 20-30%.

Ông Tính cho biết, vụ lúa Đông Xuân năm 2023-2024 vừa rồi, lúa đạt năng suất 7 tấn/ha, giá thu mua 11.000 đồng/kg lúa tươi tại đồng, trừ các khoản phí thì lợi nhuận đạt 52 triệu đồng/ha, tăng từ 10-12 triệu đồng so những năm trước. Cũng theo ông Tính, vụ Đông Xuân năm nay 10 ha đất lúa của ông tiếp tục sản xuất theo hướng hữu cơ. Ông Tính phấn khởi nói thêm: “Mấy năm trước vụ lúa Đông Xuân phải ra Tết mới thu hoạch, kiếm được chục triệu tiền lời/ha cũng đỏ con mắt. Nông dân phấn khởi lắm. Mình cố gắng làm sao cho trúng hơn mọi năm. Mong sao nhà nước đẩy mạnh xuất khẩu để giá lúa tăng cao hơn nữa”.

Theo thông tin từ Trưởng Phòng NNPTNT huyện Long Phú (tỉnh Sóc Trăng) Lâm Văn Vũ: Vụ lúa Đông Xuân 2024-2025 địa phương triển khai sản xuất trên 1.100ha ở các xã Tân Hưng, Phú Hữu, thị trấn Long Phú… Ngành chuyên môn tiếp tục hướng dẫn nông dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, sử dụng giống cấp xác nhận. Đồng thời, áp dụng theo quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ, quản lý chặt chẽ các công đoạn từ sản xuất đến thu hoạch nhằm tạo ra sản phẩm đạt chất lượng, an toàn.

Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Sóc Trăng Huỳnh Ngọc Nhã cho hay: Vụ Đông Xuân này, hầu hết nông dân sử dụng các giống lúa chất lượng cao, đạt chuẩn xuất khẩu theo sự khuyến cáo của ngành nông nghiệp, như: OM 5451, Đài Thơm 8, ST 25 nên được thương lái ưa chuộng thu mua.

Hiện Sở NNPTNT tỉnh Sóc Trăng đang triển khai Đề án “Phát triển nông nghiệp hữu cơ tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2022 - 2025 và định hướng đến năm 2030”. Mục tiêu liên kết 4 nhà trong phát triển nền nông nghiệp hữu cơ trên nhiều loại sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Sóc Trăng. Sản xuất nông nghiệp thân thiện với môi trường gắn với kinh tế nông nghiệp tuần hoàn phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, đến năm 2030 giá trị sản phẩm trên 1 ha đất trồng trọt hữu cơ có chứng nhận cao gấp 1,5 - 1,8 lần so với sản xuất phi hữu cơ.

Chia sẻ thêm với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, chuyên gia kinh tế Trần Hữu Hiệp nhận định: Những mô hình lúa - tôm, lúa sinh thái... cần được tiếp sức, phát huy, hướng đến tới giá trị và lợi nhuận. Thật ra các mô hình này đã có từ mấy chục năm nay nhưng vấn đề là mình nhân rộng mô hình và phát huy nó trở thành ngành kinh tế của ĐBSCL. Đặc biệt là sản phẩm phải gắn với tiêu thụ, gắn với thị trường. Chính yếu tố về thị trường, tiêu thụ được sản phẩm sẽ tác động lại mô hình và nó nuôi dưỡng và phát huy được mô hình.

Ông Lưu Hoàng Ly - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bạc Liêu:

Chú trọng xây dựng thương hiệu “Lúa thơm - Tôm sạch”

Bộ NNPTNT đã đồng ý cho tỉnh Bạc Liêu xây dựng âu thuyền Vàm Lẽo - Hộ Phòng và xây dựng trạm bơm lưu động Cầu Sập để chuyển nước ngọt từ vùng Bắc qua vùng Nam, tăng thêm diện tích lúa - tôm ở vùng Nam lên hơn 18.000ha. Đồng thời chủ động được nguồn nước phục vụ cho vùng lúa - tôm dự kiến sẽ lên đến 70.000ha. Sở NNPTNT sẽ đóng vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp và nông dân trong việc bao tiêu sản phẩm đầu ra ổn định, giúp nông dân an tâm sản xuất để đạt hiệu quả cao. Bên cạnh đó là hình thành chuỗi liên kết giá trị cung ứng và bao tiêu sản phẩm vùng sản xuất tôm - lúa theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và hướng tới tạo dựng thương hiệu “Lúa thơm - Tôm sạch”.

Chuyên gia kinh tế Trần Hữu Hiệp:

Đảm bảo sức cạnh tranh của ngành lúa gạo

Ngành lúa gạo Việt Nam đang có bước chuyển rất tốt. Năm nay, có thể đạt kỷ lục xuất khẩu chưa từng có. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất không phải là sản lượng mà là giá trị và giá bán. Có những thời điểm gạo Việt đã vượt qua gạo Thái về giá bán, đó là điểm quan trọng. Ngành lúa gạo đã hình thành những mối liên kết, vùng nguyên liệu và trong đó là mô hình của vùng nguyên liệu 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp có thể được xem là hình mẫu trong phát triển về lúa gạo.

Thành tích nói trên rất đáng mừng nhưng không phải là sự đảm bảo cho thành công bền vững. Phải đảm bảo được sức cạnh tranh của ngành lúa gạo Việt Nam, đặc biệt đối với Thái Lan, Ấn Độ. Việt Nam phải thích ứng như thế nào trong bối cảnh mới mới là quan trọng.

Muốn xây dựng thương hiệu gạo quốc gia, cần có chính sách và quy hoạch vùng nguyên liệu như cách tiếp cận xây dựng 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp theo hướng tăng trưởng xanh. Ngoài ra phải ứng dụng khoa học công nghệ trong toàn bộ chuỗi giá trị lúa gạo, từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ. Đồng thời tăng cường quảng bá, tiếp cận thị trường.

Thanh Tiến

Nguyên Du

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/khang-dinh-gia-tri-hat-gao-10296791.html
Zalo