Khẩn trương lấy ý kiến về sắp xếp bộ máy và đơn vị hành chính
Thực hiện Nghị quyết số 60, ngày 12-4-2025 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, nhằm tạo sự ủng hộ, đồng thuận trong cán bộ đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh thực hiện chủ trương của Trung ương về việc kết thúc hoạt động cấp huyện, sắp xếp tổ chức lại các đơn vị hành chính cấp xã, xây dựng chính quyền 2 cấp. Sau khi hoàn thành nội dung đề án với việc sáp nhập, sắp xếp 91 xã phường còn 36 xã, phường, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức triển khai lấy ý kiến góp ý đối với các phương án sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị hành chính cấp xã trong toàn hệ thống chính trị.
Bảo đảm dân chủ, góp ý tâm huyết
Theo đó, việc tổ chức triển khai lấy ý kiến góp ý đối với các phương án sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị hành chính cấp xã trong toàn hệ thống chính trị phải đảm bảo các yêu cầu, đó là: Tổ chức lấy ý kiến bằng các hình thức phù hợp, hiệu quả nhằm phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết, thể hiện ý chí, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, bảo đảm dân chủ, khách quan, tạo sự đồng thuận cao. Việc tổ chức triển khai lấy ý kiến phải được tiến hành dân chủ, khoa học, công khai, minh bạch, thực chất, tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ, đảng viên, nhân dân tham gia góp ý. Nội dung lấy ý kiến phải toàn diện và có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào một số nội dung quan trọng, các vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của người dân được dư luận quan tâm.

Tỉnh ủy lấy ý kiến về phương án kết thúc hoạt động cấp huyện, sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị hành chính cấp xã tại hội nghị được tổ chức ngày 14-4. Ảnh: QUỐC CHIẾN
Đối với cá nhân đóng góp ý kiến cần nêu cao tinh thần trách nhiệm; phát huy trí tuệ, kinh nghiệm thực tiễn để góp ý chi tiết, cụ thể từng nội dung nhằm góp phần hoàn thiện đề án. Việc đóng góp phải mang tính xây dựng, khách quan, bảo đảm cơ sở lý luận, thực tiễn và thời gian. Ý kiến đóng góp của cán bộ, đảng viên và nhân dân phải được tập hợp, tổng hợp đầy đủ, chính xác, khách quan, kịp thời báo cáo cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, tiếp thu giải trình nghiêm túc.
Các nội dung trọng tâm
Về lộ trình hoàn thiện đề án, sau khi dự thảo lần 1 đưa ra lấy ý kiến Tỉnh ủy (14-4-2025), tỉnh sẽ tổ chức lần 2 và lần tiếp thu hoàn chỉnh của Ban Chỉ đạo; nghe tổng hợp các ý kiến, tiếp tục tiếp thu chỉnh lý trình Tỉnh ủy quyết định lần cuối; sau đó chuyển chủ trương cho Đảng ủy UBND tỉnh hoàn chỉnh thêm một bước của đề án chuyển HĐND tỉnh họp trước ngày 25-4 để báo cáo với Trung ương trước ngày 1-5-2025...
Theo kế hoạch, nội dung lấy ý kiến tập trung vào một số nội dung trọng tâm, đó là: Tên đơn vị hành chính cấp xã mới sau sắp xếp, sáp nhập; địa giới hành chính của đơn vị hành chính cấp xã sau sắp xếp, sáp nhập; trụ sở nơi dự kiến đặt đơn vị hành chính cấp xã mới sau sắp xếp, sáp nhập…
Bên cạnh đó, hình thức lấy ý kiến gồm 3 hình thức chủ yếu, ngoài ra tùy tình hình, đặc điểm có thể có hình thức phù hợp, hiệu quả. Theo đó 3 hình thức chủ yếu bao gồm: Tổ chức hội nghị trực tiếp lấy ý kiến; thông qua phiếu khảo sát do Ban Chỉ đạo sắp xếp tổ chức bộ máy tỉnh cung cấp (bao gồm phiếu điện tử và phiếu giấy); ngoài ra phiếu khảo sát trực tiếp được triển khai thông qua các tổ chỉ đạo, hướng dẫn theo Quyết định số 2034 ngày 3-4- 2025 của Tỉnh ủy do các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy làm tổ trưởng tại các địa phương trên địa bàn tỉnh.
Đối tượng lấy ý kiến ở 3 cấp chính quyền địa phương hiện nay gồm: Cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã. Trong đó, cấp tỉnh tổ chức 2 hội nghị. Đối với cấp huyện, cấp xã do cấp ủy huyện và xã chỉ đạo việc lấy ý kiến nhân dân trên địa bàn phù hợp với tình hình thực tế, trong đó đối tượng lấy ý kiến ở cấp huyện là các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ và Ủy viên Ban Chấp hành, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị; các đồng chí nguyên Ủy viên Ban Thường vụ và nguyên Ủy viên Ban Chấp hành và nguyên lãnh đạo các đơn vị trên địa bàn huyện. Ở cấp xã lấy ý kiến các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành, lãnh đạo các cơ quan đơn vị trên địa bàn xã…
Việc tổng hợp các ý kiến góp ý cấp huyện và xã giao Văn phòng cấp ủy cấp huyện tổng hợp và báo cáo về Ban Thường vụ Tỉnh ủy (Thông qua Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy) trước ngày 23- 4-2025.
Phát biểu tại hội nghị trực tuyến quán triệt, thông báo nhanh kết quả Hội nghị Trung ương lần thứ XI; sơ kết công tác quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II năm 2025; xin ý kiến về phương án kết thúc hoạt động cấp huyện, sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị hành chính cấp xã, đồng chí Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, nhấn mạnh việc tổ chức lấy ý kiến phải thực sự tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân, không được tổ chức một cách hình thức, nhằm tạo sự đồng thuận với chủ trương lớn của Đảng về tổ chức sắp xếp bộ máy tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, hướng về cơ sở, sát dân, gần dân, sát việc để phục vụ nhân dân, phù hợp với xu thế phát triển...
Tổng số đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh hiện nay là 91. Trên cơ sở tỷ lệ giảm theo định hướng của Trung ương, tiêu chí về diện tích và dân số, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cân nhắc bảo đảm tính tổng thể, cho sự phát triển của các địa phương tiếp tục ổn định, cơ bản tán thành sau sắp xếp dự kiến còn lại 36 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 24 phường, 12 xã), đạt tỷ lệ 39,6% (giảm 55 đơn vị hành chính cấp xã, đạt tỷ lệ 60,4%), Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất xác định 10 đơn vị hành chính cấp xã là địa bàn trọng điểm của tỉnh và các địa phương cấp huyện hiện nay để tạo không gian, dư địa phát triển, nâng tầm đô thị trong tương lai...