Tiên phong thay đổi, vướng mắc tư duy

Với đề án phát triển vùng nguyên liệu cây ăn trái quy mô 10.000 ha tại khu vực Đồng Tháp Mười, địa phương kỳ vọng sẽ hình thành vùng sản xuất tập trung, gắn kết chặt chẽ với chuỗi liên kết và xây dựng thương hiệu nông sản bền vững. Thế nhưng, dù có nhiều lợi thế tự nhiên, vùng nguyên liệu này vẫn loay hoay tìm bản sắc.

Từ vựa lúa lớn của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Đồng Tháp Mười (khu vực thuộc tỉnh Long An) đang mạnh mẽ chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Hiệu quả nhưng bấp bênh

Gia đình ông Lê Văn Hậu ở thị trấn Bình Phong Thạnh đã chuyển đổi hơn 10 ha đất trồng lúa sang trồng trên 1.500 cây sầu riêng, biến vùng trũng thành vườn cây ăn trái lớn nhất tại khu vực.

Sau hơn 5 năm gắn bó với không ít “bài học xương máu”, ông Hậu đúc kết rằng, thổ nhưỡng Đồng Tháp Mười hoàn toàn có thể trồng được sầu riêng và cho trái đạt chất lượng. Tuy nhiên, chi phí cải tạo đất, xử lý phèn và đảm bảo kỹ thuật chăm sóc vô cùng tốn kém.

Ông Lê Văn Hậu, huyện Mộc Hóa đã chuyển hơn 10 ha đất trồng lúa sang trồng cây sầu riêng

Ông Lê Văn Hậu, huyện Mộc Hóa đã chuyển hơn 10 ha đất trồng lúa sang trồng cây sầu riêng

"Khi tôi sang Tiền Giang mua cây giống và nói sẽ mang về Mộc Hóa, Long An để trồng, Trung tâm cây giống miền Nam đã nói thẳng rằng đất phèn ở Long An không trồng được. Nhưng tôi vẫn quyết định mang về trồng thử 90 cây và thấy chúng cho quả cũng ngon. Thời gian đầu, tôi chưa nắm bắt được đặc tính cũng như quy trình canh tác của loại cây này, nên nhiều cây không đạt chất lượng. Thực sự, việc đầu tư rất tốn kém và khó thực hiện", ông Hậu chia sẻ.

Nhận thấy tiềm năng kinh tế cao từ cây ăn trái, nhiều nông dân tại vùng Đồng Tháp Mười đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Ông Trần Ngọc Đại, ở ấp Rộc Chanh, thị trấn Tân Hưng, huyện Tân Hưng, Long An, chia sẻ, dù gia đình không có đất sản xuất, ông vẫn quyết định thuê đất trồng mít. Sau 3 năm đầu tư, với mức giá thị trường dao động từ 15.000 – 35.000 đồng/kg, vườn mít đã thu hồi vốn và bắt đầu có lãi ngay từ vụ đầu tiên.

Thấy ông Đại làm ăn hiệu quả, nhiều hộ dân trong vùng cũng đổ xô chuyển sang trồng mít, chủ yếu là giống mít ruột đỏ. Tuy nhiên, do địa phương chưa thành lập được nhiều hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác cây ăn trái và thiếu sự liên kết với doanh nghiệp thu mua nên hầu hết việc mua bán phải thông qua thương lái.

Mít là cây trồng có diện tích chuyển đổi lớn nhất ở Đồng Tháp Mười

Mít là cây trồng có diện tích chuyển đổi lớn nhất ở Đồng Tháp Mười

Ông Đại cho biết, nông hộ phải tự thu hoạch và vận chuyển trái cây sang các tỉnh lân cận như Tiền Giang, Đồng Tháp – nơi tập trung nhiều vựa và đầu mối thu mua.

Do tình hình giao thông khó khăn, đường xá phục vụ giao thương tại Long An còn nhiều trở ngại. Điều này khiến thương lái thường ưu tiên thu mua ở các khu vực Tiền Giang, Đồng Tháp có sản lượng ổn định và điều kiện giao thông thuận tiện hơn.

Bên cạnh đó, công nghệ sau thu hoạch, sơ chế và bảo quản cũng chưa được đầu tư đúng mức, dẫn đến tỷ lệ hao hụt lớn và ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng, giá bán sản phẩm.

"Vườn này khoảng 8 ha, chúng tôi phải tự cắt, tự thu hoạch và tự bán. Chúng tôi thường chở thẳng sản phẩm xuống Cai Lậy, Tiền Giang để bán. Để đẩy mạnh sản xuất, cần thành lập hợp tác xã. Chúng tôi cũng đang suy nghĩ đến việc này, nhưng hiện tại chưa có nhiều người cùng làm và sản lượng thực tế ở đây cũng chưa nhiều. Phải đạt sản lượng ổn định vài tấn mỗi ngày mới dám thành lập HTX", ông Đại cho biết.

Tư duy bảo thủ, chậm thay đổi

Vùng Đồng Tháp Mười của Long An đang đối mặt với vấn đề nan giải trong tập trung hóa vùng trồng nông sản, đặc biệt là cây ăn trái. Hiện tại, mỗi địa phương trong vùng thường chỉ trồng một loại nông sản hoặc cây ăn trái chủ lực.

Tuy nhiên, đáng lo ngại là nhiều địa phương lại cùng trồng một loại cây ăn trái, nhưng diện tích lại xen kẽ với các loại nông sản và lương thực khác. Điều này khiến việc hình thành vùng trồng chuyên canh, quy mô lớn và có tính tập trung gặp nhiều khó khăn.

Những tồn tại này đã kéo dài hàng chục năm. Dù vậy, nông dân và nhà sản xuất tại đây vẫn còn giữ tư duy bảo thủ, chậm thay đổi. Tổ chức sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ, mạnh ai nấy làm, thiếu liên kết và hợp tác.

Nhà vườn ở Đồng Tháp Mười trồng bưởi chủ yếu bán cho các tỉnh phía Bắc

Nhà vườn ở Đồng Tháp Mười trồng bưởi chủ yếu bán cho các tỉnh phía Bắc

Từ vùng sản xuất thuần lúa, hoa màu, nay chuyển đổi sang nhiều loại cây trồng khác nhưng nông dân vẫn tự mò mẫm, chưa được hướng dẫn cụ thể về chuyên môn.

"Từ trước đến nay, chúng tôi làm tự phát mà không hề biết kỹ thuật hay quy trình sử dụng phân thuốc. Chắc phải có sự can thiệp của nhà nước hoặc có kỹ sư hỗ trợ, vì thực tế việc mua phân thuốc cũng rất xa. Nếu địa phương tạo điều kiện cho bà con thì bà con mới đỡ vất vả, còn hiện tại vẫn tự tìm tòi và làm theo cách của mình", ông Hồ Văn Đực, chủ vườn bưởi 3 ha tại huyện Thạnh Hóa, Long An cho biết.

Tâm lý chung của các nông hộ khu vực này là sản xuất miễn sao bán được giá, như ý kiến của ông Phạm Văn Bảy, nông hộ trồng bưởi ở huyện Tân Thạnh, Long An: "Hiện tại, chúng tôi cứ làm miễn là đủ điều kiện, có phân thuốc và kỹ thuật thì cứ mạnh dạn làm, làm theo kinh nghiệm, người này chỉ cho người kia để cùng làm".

Đối tác từ Trung Đông đến tham quan vườn chanh tại Long An

Đối tác từ Trung Đông đến tham quan vườn chanh tại Long An

Thực trạng đáng báo động này là sự thiếu vắng trầm trọng một đầu mối đủ tầm, có thể là doanh nghiệp, hay HTX quy mô để điều phối toàn bộ chuỗi cung ứng. Nhu cầu bức thiết về nông sản sạch, an toàn và việc xây dựng sản phẩm OCOP đang rất lớn, cần một "nhạc trưởng" có kế hoạch sản xuất rõ ràng và đầu ra ổn định.

Tuy nhiên, tình trạng sản xuất còn tự phát, chất lượng và sản lượng thiếu ổn định, cùng với tư duy chậm đổi mới của nông dân đang khiến các doanh nghiệp và hợp tác xã lớn e ngại. Đây cũng là nút thắt cản trở sự phát triển bền vững và chuyên nghiệp hóa của ngành cây ăn trái địa phương.

Thiếu sự dẫn dắt, nông dân Long An khó có thể tạo được bản sắc riêng cho vùng nguyên liệu cây ăn trái, bởi họ phải chịu sự cạnh tranh gay gắt từ những vùng nguyên liệu lớn lân cận ở khu vực phía Nam.

Bài viết cùng loạt bài: Tìm lối đi bền vững cho 'Vàng Xanh'' vùng Đồng Tháp Mười:

Bài 1: Tiên phong thay đổi, vướng mắc tư duy

Bài 2: Thiếu bản sắc hay thiếu định hướng?

Bài 3: Chìa khóa mở 'kho Vàng Xanh' vùng Đồng Tháp Mười

Nguyễn Quang/VOV-TP.HCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/tien-phong-thay-doi-vuong-mac-tu-duy-post1201487.vov
Zalo