Khẩn cấp bảo tồn di tích Phật viện Đồng Dương

Hiện nay, di tích Phật viện Đồng Dương, còn gọi là khu di tích khảo cổ - kiến trúc nghệ thuật Chăm Đồng Dương ở làng Đồng Dương, xã Bình Định Bắc, huyện Thăng Bình, Quảng Nam đang xuống cấp nghiêm trọng.

Phần còn lại của khu di tích Phật viện Đồng Dương. Ảnh: Tấn Thành.

Phần còn lại của khu di tích Phật viện Đồng Dương. Ảnh: Tấn Thành.

Có giá trị lịch sử rất lớn

Phật viện Đồng Dương là một trong những tu viện Phật giáo Chămpa xưa, thuộc vào hàng tu viện lớn nhất ở khu vực Đông Nam Á lúc bấy giờ. Năm 2001, Phật viện Đồng Dương được công nhận là di tích quốc gia. Đến năm 2016, Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt đối với di tích khảo cổ Phật viện Đồng Dương. Do vậy, việc quy hoạch bảo vệ, quản lý và phát huy các giá trị của di tích lịch sử này là vô cùng cần thiết.

Theo sử sách ghi lại, Phật viện Đồng Dương được xây dựng vào năm 875. Tính chất Phật giáo Đại thừa được thể hiện rõ qua nội dung bia ký cũng như các tác phẩm điêu khắc ở Đồng Dương. Năm 1901, nhà nghiên cứu người Pháp L.Finot trong đề tài công bố của mình về vấn đề di tích Đồng Dương đã giới thiệu 229 hiện vật được phát hiện tại đây.

Đến năm 1902, nhà nghiên cứu H.Parmentier tiến hành khai quật trên một quy mô lớn tại Phật viện Đồng Dương đã thu hút các nhà nghiên cứu tìm về đây, đồng thời đánh giá nơi này là một trong những di tích quan trọng của khu vực Đông Nam Á. Khảo tả cho thấy, toàn bộ khu đền thờ chính và các tháp nằm lân cận phân bố trên một trục từ Tây sang Đông, dài khoảng 1.300m, khu đền thờ chính nằm trong một khu vực hình chữ nhật dài 326m, rộng 155m, chung quanh có tường gạch bao bọc, từ khu đền chính có một con đường dài khoảng 760m chạy về phía đông đến một thung lũng hình chữ nhật. Ngoài phần chánh điện được phát hiện hệ thống nền gạch của một khu tăng xá, giảng đường nối nhau trên một chu vi rộng lớn, những viên ngói dùng lợp cho các khu xây dựng cũng được phát hiện rải rác, chứng minh đây là mô hình Phật viện khép kín rất lý tưởng cho công cuộc đào tạo tăng tài.

Ông Trương Công Hùng - Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Thăng Bình cho biết, nổi bật nhất là bức tượng Phật bằng đồng cao hơn 1m được xem là nghệ thuật hoàn hảo và đẹp vào loại bậc nhất của khu vực Đông Nam Á.

“Năm 1978, người dân địa phương tình cờ phát hiện một pho tượng đồng quý giá tại khu vực di tích Phật viện Đồng Dương. Tượng cao 1,14m, đế cao 0,143m. Theo nhận định của giới chuyên môn thì đây chính là tượng Laksmindra - Lokesvara được thờ ở gian thờ của tháp thờ trung tâm tại Phật viện Đồng Dương. Đây không chỉ là tượng đồng Champa lớn nhất được biết đến mà còn là một tác phẩm thể hiện rõ nét tính phong phú, phức tạp của nghệ thuật Chămpa thuộc 1 giai đoạn phát triển năng động và giàu tính bản địa nhất trong lịch sử xứ xở này” - ông Hùng thông tin thêm.

Tuy nhiên, sau đó những ngón tay của 2 bàn tay và 2 vật cầm tay (pháp khí) là 1 đóa sen và 1 con ốc đã bị mất. Đóa sen được cầm ở bàn tay phải, còn con ốc được cầm ở bàn tay trái. Đóa sen (padma) có 5 cánh, rộng 4cm và dài 4cm. Con ốc (sankha) dài 7cm và đường kính khoảng 10cm, được chế tác dựa theo mẫu hình của 1 loại ốc nhỏ thường thấy ở ven biển miền Trung, khác với những hình ốc to lớn thường thấy trong tay của các tượng thần Visnu trong nghệ thuật Ấn Độ giáo.

Ông Hùng cho biết, pho tượng Laksmindra - Lokesvara cũng là pho tượng Quán Thế Âm nữ thần duy nhất cầm đóa sen và con ốc đã xuất hiện trong nghệ thuật Đông Nam Á. Hiện nay, ngoài pho tượng Laksmindra - Lokesvara thì phần lớn các tác phẩm điêu khắc tìm thấy ở Phật viện Đồng Dương đang được bảo quản, trưng bày tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng.

Xuống cấp

Phật viện Đồng Dương là một trung tâm Phật giáo nổi tiếng của khu vực Đông Nam Á thời trung đại. Nhưng thật đáng tiếc, hiện nay di tích này đã không còn nguyên vẹn.

Hiện mảng tường tháp Sáng được cơ quan chức năng chống đỡ bởi những trụ sắt kiên cố để tránh nguy cơ đổ sập vào mùa mưa bão; hoa văn dưới chân tháp bị rêu bụi phủ mờ.

Ông Trà Tấn Hoa (ở thôn Đồng Dương) chia sẻ: “Dù di tích Phật viện Đồng Dương được công nhận là di tích quốc gia nhưng nơi đây cỏ cây mọc um tùm, không còn lối vào. Để chống sụp đổ, hiện khu di tích được chằng chống bằng dàn sắt làm giá đỡ. Rất mong các cấp chính quyền sớm quan tâm sữa chữa, di tu lại di tích này”.

Về vấn đề này, bà Phan Thị Hiệp - Chủ tịch UBND xã Bình Định Bắc cho biết, chính quyền địa phương chỉ có vai trò quản lý về mặt hiện trạng và tuyên truyền vận động người dân không xâm hại di tích. Địa phương cũng đã nhiều lần kiến nghị, mong các cơ quan chức năng có biện pháp bảo vệ khẩn cấp các bộ phận kiến trúc còn sót lại, đặc biệt là cổng tháp Sáng, để trở thành một di tích khảo cổ quan trọng trong tương lai.

Ông Trương Công Hùng thông tin, trong diện tích khoanh vùng bảo vệ 5,3ha của di tích quốc gia đặc biệt Phật viện Đồng Dương vẫn còn 11 nhà dân, 112 ngôi mộ cùng nhiều diện tích đất hoa màu, đất trồng rừng, cây trồng hàng năm. Mỗi năm, huyện Thăng Bình chi khoảng 60 triệu đồng để phát quang, bảo vệ khu vực xung quanh cổng tháp Sáng và đường vào di tích.

Mới đây, đoàn chuyên gia Viện Khảo cổ học Ấn Độ (ASI) đã đến khảo sát và tiến hành đánh giá ban đầu về thực trạng, định hướng công tác bảo tồn, phục dựng Phật viện Đồng Dương. Di tích này nếu không khẩn cấp có kế hoạch trùng tu, bảo vệ thì sẽ mai một dần theo thời gian.

“Nhìn vào thực tế, ai cũng sẽ thấy cổng tháp Sáng đang xuống cấp trầm trọng, gạch vữa rơi rớt, có nguy cơ ngã đổ bất cứ lúc nào. Vì vậy, bằng mọi cách phải phục dựng, bảo vệ được cổng tháp Sáng, nếu mất luôn tháp Sáng là mất luôn di tích quốc gia đặc biệt Phật viện Đồng Dương” - ông Hùng nói.

Đề nghị bảo tồn, trùng tu khẩn cấp

Theo UBND huyện Thăng Bình, năm 2016, UBND tỉnh Quảng Nam đã hỗ trợ kinh phí gần 5 tỷ đồng theo để xây dựng tường rào bảo vệ khu vực I, bao gồm 2 hạng mục: tường rào, cổng ngõ và con đường nội bộ đi vào di tích Phật viện Đồng Dương. UBND huyện đã phối hợp với Sở VHTTDL tổ chức đối chiếu giữa bản đồ và kiểm tra thực địa để phục vụ cắm mốc khoanh vùng bảo vệ di tích quốc gia đặc biệt này.

“UBND huyện đề nghị hỗ trợ kinh phí thực hiện đo đạc, lập hồ sơ đất đai (vùng lõi di tích) và những công tác liên quan với tổng kinh phí thực hiện hơn 10 tỷ đồng. Hiện nay huyện đang chờ UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí để thực hiện các hạng mục trên” - ông Hùng cho hay.

Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Quảng Nam Tào Viết Hải cho biết, Dự án bảo tồn và phát huy giá trị Di tích quốc gia đặc biệt Phật viện Đồng Dương có hạng mục thăm dò, khai quật đã được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư tại quyết định số 3490 ngày 21/12/2022, với tổng kinh phí 5,1 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh, quy mô thăm dò, khảo cổ, khai quật trong phạm vi 7,3ha, tổng diện tích đào 1.200m2, dọn dẹp, sàn bằng khu vực xung quanh di tích này. Đặc biệt là khu vực xung quanh tháp Sáng và vùng phụ cận, tổng diện tích khoảng 20.000m2, thời gian thực hiện năm 2024 - 2025, thuộc danh mục đầu tư trung hạn, tuy nhiên do hiện nay thiếu hụt nguồn ngân sách nên dự án còn đang chờ cân đối vốn.

“Đơn vị đang phối hợp với Sở Ngoại Vụ, Bộ VHTTDL, Đại sứ quán và Trung tâm Văn hóa Ấn Độ tại Hà Nội mời gọi giúp đỡ, nhưng theo Luật Di sản thì việc khảo cổ này không được tổ chức nước ngoài thực hiện mà phải là tổ chức ở Việt Nam thực hiện. Do đó việc này vẫn còn đang triển khai và phía Ấn Độ giúp tìm kiếm cơ hội đầu tư cùng với địa phương tôn tạo, thực hiện trùng tu cổng tháp Sáng” – ông Hải cho biết.

Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Quảng Nam Nguyễn Thanh Hồng cho rằng: “Cần phải có một dự án quy hoạch tổng thể về bảo tồn và phát huy giá trị di tích này, tuy nhiên muốn thực hiện dự án cần di dời hơn 120 ngôi mộ đang nằm trong vùng lõi; bồi thường đất sản xuất lâu đời của nhân dân để khoanh vùng bảo vệ, cắm mốc và cấp giấy chứng nhận; Thực hiện dự án khảo cổ, khai quật, thám sát... để có chính xác phần móng dưới lòng đất xong mới lập quy hoạch tổng thể, tỉnh đã tính hết nhưng chưa đủ nguồn lực” - ông Hồng cho hay.

Ông Nguyễn Thanh Hồng - Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Quảng Nam cho rằng: Phật viện Đồng Dương mặc dù là Di tích cấp quốc gia đặc biệt nhưng gần như là phế tích, hiện chỉ còn tháp Sáng cũng đang xuống cấp. Toàn bộ thông tin chủ yếu căn cứ vào các tư liệu nghiên cứu của Viện Viễn Đông bác cổ và các chuyên gia người Pháp để lại và qua nhiều Hội thảo khoa học của các chuyên gia, nhà nghiên cứu. Hiện tỉnh Quảng Nam đã có kinh phí và đang trình xin Bộ VHTTDL thẩm định hồ sơ để trùng tu cấp thiết tháp Sáng, chống sụp đổ. Dự kiến năm 2025 sẽ bố trí nguồn thực hiện di dời mộ và bồi thường đất sản xuất cho nhân dân, sau đó tiếp tục bố trí nguồn thực hiện khảo cổ, thám sát và khai quật…

Tấn Thành - Chí Đại

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/khan-cap-bao-ton-di-tich-phat-vien-dong-duong-10295170.html
Zalo