Nghệ thuật tang lễ được gìn giữ từ nghĩa trang cổ

Tại thị trấn Péruwelz (Bỉ) vào một buổi sáng tháng Năm, trong làn sương mỏng còn vương lại từ đêm trước, nghĩa trang cổ kính của thành phố như chìm trong sự tĩnh lặng linh thiêng.

Các nhân viên nghĩa trang đang học cách đọc hiểu chất liệu đá, phân tích dấu vết mòn vẹt của bia mộ.

Các nhân viên nghĩa trang đang học cách đọc hiểu chất liệu đá, phân tích dấu vết mòn vẹt của bia mộ.

Nhưng ẩn sau vẻ u tịch ấy là âm thanh đều đặn của dụng cụ gõ vào đá, xen lẫn tiếng trao đổi rì rầm của một nhóm người đang tỉ mỉ quan sát, học hỏi bên những tấm bia mộ rêu phong. Họ không phải là các nhà khảo cổ hay nghệ nhân điêu khắc, mà là những nhân viên nghĩa trang, nay khoác lên mình một sứ mệnh mới: người gìn giữ ký ức bằng đá.

Những tấm bia mộ phủ rêu, chạm khắc tỉ mỉ từ thế kỷ XVIII và XIX, từ lâu đã là một phần thầm lặng của ký ức tập thể, chứng tích của nghệ thuật tang lễ đã từng được trân trọng. Nhưng theo thời gian, nhiều công trình đã xuống cấp nặng nề, có nguy cơ biến mất vĩnh viễn. Với quyết tâm ngăn điều đó xảy ra, chính quyền đô thị Péruwelz (thuộc tỉnh Hainaut) đã bắt tay với Cơ quan Di sản Wallonie (AWaP) mở một khóa đào tạo đặc biệt: hướng dẫn nhân viên nghĩa trang bảo tồn di sản tang lễ.

Trong một tuần, nghĩa trang Péruwelz bỗng trở thành lớp học ngoài trời. Những người từng quen với xẻng, với đất cát và lặng lẽ tiễn đưa người khuất, nay cẩn thận dùng bay, chổi lông, và các dụng cụ chuyên biệt để phục hồi các chi tiết điêu khắc đã bị thời gian bào mòn. Dưới sự hướng dẫn tận tình của ông Richard Thomas, chuyên gia AwaP, họ học cách đọc hiểu chất liệu đá, phân tích dấu vết mòn vẹt, và nhẹ tay xử lý từng lớp bụi thời gian.

Các nhân viên nghĩa trang học cách bảo tồn di sản tang lễ.

Các nhân viên nghĩa trang học cách bảo tồn di sản tang lễ.

“Nhìn bề ngoài, có thể nghĩ công việc này đơn giản”, ông Thomas chia sẻ trong lúc chỉ tay vào một bia mộ bị nghiêng. “Nhưng mỗi viên đá đều là một câu chuyện, và nhiệm vụ của chúng tôi là làm cho câu chuyện ấy tiếp tục được kể”.

Theo ông Thomas, nghệ thuật tang lễ ngày nay đang dần bị công nghiệp hóa. “Bây giờ người ta đặt bia mộ qua catalogue, đá granite bóng loáng từ Trung Quốc, Việt Nam hay Brazil. Nhưng trước kia, từng bia mộ là một tác phẩm độc bản. Những thợ đá thời đó làm việc thủ công, theo thiết kế của kiến trúc sư. Nhìn những đường nét ở đây, ta không thể không thán phục”, ông nói, giọng đầy tiếc nuối.

Không chỉ có Péruwelz, mà nhiều thành phố khác như Leuze, Saint-Ghislain, Antoing và Braine-l’Alleud cũng đã cử nhân viên đến tham gia khóa học này. Với họ, việc phục hồi di sản không chỉ là trách nhiệm, mà còn là niềm tự hào. “Tôi chưa từng nghĩ mình sẽ làm công việc như thế này”, anh Julien, một người đào huyệt, chia sẻ. “Tôi cảm thấy như đang góp phần giữ lại lịch sử của thành phố mình”.

Bên những ngôi mộ cũ, bóng dáng các học viên hiện lên vừa trầm mặc, vừa đầy năng lượng. Họ làm việc trong im lặng, chỉ có tiếng đá va vào nhau, tiếng chổi sột soạt quét bụi và ánh mắt chăm chú của những người lần đầu chạm vào một thế giới nghệ thuật đã ngủ quên hàng trăm năm.

Từ những người chỉ quen đào huyệt, giờ họ khoác lên mình một sứ mệnh mới: người gìn giữ ký ức bằng đá.

Từ những người chỉ quen đào huyệt, giờ họ khoác lên mình một sứ mệnh mới: người gìn giữ ký ức bằng đá.

Chính quyền Péruwelz hy vọng rằng sau khóa học này, những nghĩa trang cổ không chỉ được bảo tồn tốt hơn, mà còn có thể trở thành điểm đến cho các tour tham quan di sản, mang đến cho cộng đồng một góc nhìn mới về cái chết, không phải là điểm kết thúc, mà là nơi lưu giữ nghệ thuật, văn hóa và ký ức.

Khi hoàng hôn buông xuống, ánh sáng cuối ngày chiếu qua những bức tượng đá cổ. Dưới tán cây già, những nhân viên nghĩa trang vẫn đang kiên nhẫn lau sạch lớp bụi thời gian, như thể họ đang gột rửa sự lãng quên để trả lại cho từng viên đá tiếng nói của quá khứ.

Và ở nơi tưởng như chỉ còn lặng im, có một thứ đang hồi sinh: Đó là ký ức!

Hương Giang (P/v TTXVN tại Brussels)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/nghe-thuat-tang-le-duoc-gin-giu-tu-nghia-trang-co-20250522092316331.htm
Zalo