Khám phá Ninh Vân

Hai năm trở lại đây, mô hình du lịch cộng đồng tại làng chài Ninh Vân (xã Ninh Phước, thị xã Ninh Hòa) đã thu hút được khá nhiều khách du lịch. Đi chợ buổi sáng, đạp xe khám phá vẻ đẹp của làng chài, trải nghiệm làm nông dân, lặn biển ngắm san hô, câu mực đêm… đã trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng níu giữ du khách khi tới làng chài Ninh Vân.

Trải nghiệm ở làng chài

6 giờ sáng, chúng tôi có mặt tại làng chài Ninh Vân. Trên con đường chính dẫn vào làng, dọc 2 bên đường là những cây chuông vàng nở hoa vàng rực, xen lẫn với những cây phượng hoa đỏ thắm. Dưới những tán cây lác đác quán nước, hàng tạp hóa bình dân tạo nên khung cảnh yên bình. Cuối con đường mở ra vùng biển bao la rộng lớn, được bao bọc bởi các ngọn núi như bức tranh thủy mặc. Trên mặt biển tĩnh lặng xanh ngắt là những chiếc ghe sau một đêm đánh bắt gần bờ trở về nằm yên bình đón bình minh lên.

Cảnh bình yên ở làng chài Ninh Vân.

Cảnh bình yên ở làng chài Ninh Vân.

Hỏi thăm người trong làng, chúng tôi được chỉ dẫn nhiệt tình tới cảng cá. Nơi đây khá náo nhiệt. Xen giữa tiếng xe bán tải nhỏ, xe máy tới chở hải sản mới đánh bắt về là tiếng í ới trả giá của người thu mua. Những mẻ cá, mẻ mực, mẻ tôm biển tươi rói, nhảy tanh tách được người dân nhanh chóng phân loại. Cách đó không xa là chợ Ninh Vân, như các chợ quê khác nơi đây bày bán đủ các mặt hàng nhưng thu hút chúng tôi nhất là khu vực bán đồ ăn uống. Tại đây, có nhiều món hấp dẫn, như: Bánh xèo, bánh bèo, bánh canh, phở, bún cá…

Buổi chiều, khi ánh nắng dần buông, trên chiếc xe đạp, chúng tôi lại rong ruổi khắp các con đường dẫn ra những cánh đồng trồng hoa màu của người dân. Trên các thửa đất trồng đậu phộng, trồng bắp, người dân tất bật vun trồng, chăm sóc. Đang cuốc đất vun lại các gốc bắp cao gần nửa người, chị Nguyễn Thị Cúc (thôn Đông) vui vẻ hướng dẫn chúng tôi trải nghiệm làm nông dân. Chị cho biết, chị được xã tuyên truyền về mô hình du lịch cộng đồng nên khi có du khách đến chị luôn nhiệt tình đón tiếp. Mùa nào cây nấy, khi là tỏi, bắp, khi là đậu phộng, hành…, du khách đến trải nghiệm những công việc đồng áng như: Xuống giống, làm đất, nhổ cỏ, thu hoạch. Rời khu dân cư, chúng tôi hướng về phía cầu cảng, nơi có bãi tắm với bờ cát trắng chạy dài. Tại đây, chúng tôi được người dân giới thiệu về dịch vụ lặn biển, ngắm rạn san hô hứa hẹn những trải nghiệm hấp dẫn cho những ai yêu thích khám phá vẻ đẹp của biển cả.

Khi ngư dân tập tành làm du lịch

Ngày 3-10-2023, UBND tỉnh có quyết định công nhận xã Ninh Vân có tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng. Ngay sau đó, UBND xã Ninh Vân (nay là xã Ninh Phước) đã thành lập Ban quản lý du lịch cộng đồng gồm 19 thành viên do Chủ tịch Hội Nông dân xã làm trưởng ban; các chủ hộ kinh doanh homestay, dịch vụ ăn uống, cắm trại, lặn biển… là thành viên trực tiếp tham gia. Ban quản lý tham mưu cho địa phương về công tác quản lý hoạt động du lịch cộng đồng, cùng gắn kết và chia sẻ lợi ích. Không chỉ các thành viên ban quản lý, khi làng chài trở thành điểm du lịch, cả làng cùng xắn tay vào làm. Từ các lão ngư đến phụ nữ bán hàng ăn uống ven biển cũng tập tành làm hướng dẫn viên du lịch.

Một cơ sở phục vụ lưu trú ở làng chài Ninh Vân.

Một cơ sở phục vụ lưu trú ở làng chài Ninh Vân.

Trao đổi với chúng tôi về câu chuyện làm du lịch, ông Lê Văn Bảo, chủ nhà nghỉ Phụng Bảo chia sẻ, ông vốn là ngư dân đánh bắt thủy sản. Khi xã triển khai mô hình, ông đã đầu tư gần 400 triệu đồng để cải tạo phòng trống của gia đình thành 5 phòng nghỉ để kinh doanh dịch vụ lưu trú. “Xưa nay, gia đình tôi chỉ biết đến nghề đi biển, hiện nay được xã tập huấn kỹ năng làm du lịch, phục vụ du khách và hỗ trợ 30 triệu đồng để đầu tư cơ sở vật chất. Ban đầu còn bỡ ngỡ nhưng dần cũng có kinh nghiệm hơn. Đến nay, trung bình mỗi tháng, gia đình tôi đón khoảng 50 lượt khách, giá phòng từ 200.000 đến 300.000 đồng/phòng. Đây là nguồn thu nhập chính của gia đình” - ông Bảo nói. Con trai ông Bảo là anh Lê Phú Quốc - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Yacht Care (TP. Nha Trang) cũng bắt đầu làm tour du lịch. Từ khi mô hình đi vào hoạt động, công ty đã đưa khoảng 30 du khách trải nghiệm tại làng chài và nhận được phản hồi rất tích cực của du khách. Cả gia đình ông Bảo đều xắn tay phục vụ du khách, từ sắp xếp phòng ở, ăn, đi tham quan, tham gia trải nghiệm các hoạt động tại làng chài.

Là một trong những người tập làm du lịch mới 2 năm nay nhưng anh Hàng Lâm Kiệt cũng đã có chút vốn kinh nghiệm phục vụ du khách. Anh Kiệt chia sẻ, ban đầu anh thi lấy bằng lặn biển, được tập huấn kỹ năng và mạnh dạn mở dịch vụ lặn ngắm san hô, câu mực đêm. Với tour của anh, du khách sẽ có 5 giờ khám phá các bãi tắm và lặn ngắm các rạn san hô tự nhiên ở Hòn Bạc, đầm Ninh Vân. “Trong kinh doanh dịch vụ, ngoài đảm bảo an toàn cho du khách, chúng tôi còn giữ thói quen bảo vệ cảnh quan sạch đẹp của môi trường biển” - anh Kiệt nói.

Đồng hành với người dân

Ông Nguyễn Văn Túc - Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Phước cho biết, sau gần 2 năm triển khai, mô hình du lịch cộng đồng ở Ninh Vân đã đạt được một số kết quả nhất định, nhiều du khách trong và ngoài tỉnh đã biết điểm đến này, đặc biệt vào các dịp lễ, Tết và hè. Từ nguồn ngân sách của cấp trên, xã đã hỗ trợ cho 2 hộ dân tham gia kinh doanh dịch vụ lưu trú (30 triệu đồng/hộ); phối hợp, tổ chức tập huấn kỹ năng làm du lịch cộng đồng cho người dân, gắn biển chỉ dẫn cho khách du lịch biết, phát hành tờ rơi giới thiệu sản phẩm du lịch, đẩy mạnh công tác truyền thông trên một số Fanpage như “Ninh Vân Local”, “Vịnh Ninh Vân, Khánh Hòa” và các phương tiện truyền thông đại chúng… Du khách về đây cùng ăn, cùng ở, cùng trải nghiệm cuộc sống bình yên của làng chài; tìm hiểu văn hóa của làng quê ven biển. Người dân trong làng chài dần biết cách phục vụ khách du lịch, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường… Nhờ có doanh thu từ hoạt động du lịch, thu nhập của một số hộ dân cũng được cải thiện hơn.

Du khách trải nghiệm hoạt động trên biển.

Du khách trải nghiệm hoạt động trên biển.

Hiện nay, một số hộ dân có dự định tiếp tục đầu tư mở rộng cơ sở lưu trú, cắm trại, dịch vụ ăn uống. Tuy nhiên, một trong những khó khăn hiện nay của mô hình du lịch cộng đồng là thủ tục pháp lý liên quan đến việc xin cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về phòng cháy, chữa cháy cho cơ sở kinh doanh nhà nghỉ; chuyển mục đích sử dụng đất; kinh phí đầu tư cho các dịch vụ du lịch cao so với khả năng tài chính của người dân... Địa phương đang đồng hành với người dân kiến nghị các cấp từng bước tháo gỡ khó khăn để mô hình ngày càng phát triển hơn.

Anh Lê Phú Quốc chia sẻ, sắp tới, công ty dự kiến sẽ mở tour du lịch trải nghiệm 2 ngày 1 đêm tại làng chài. Ngoài các sản phẩm du lịch đã có như: Tham quan Khu di tích lịch sử quốc gia - Địa điểm lưu niệm tàu C235, lặn biển, đạp xe khám phá sinh hoạt tại làng, cùng người dân trải nghiệm trồng tỏi, hành và rau màu..., địa phương cần đa dạng hơn các sản phẩm du lịch. “Nhà nước có thể hỗ trợ đào tạo biểu diễn hát bội cho người dân địa phương để biểu diễn cho du khách xem tại đình làng, tạo thêm trải nghiệm vào ban đêm cho du khách, vừa phát huy giá trị văn hóa của làng biển” - anh Quốc nói.

Theo lãnh đạo xã Ninh Phước, mục đích mô hình du lịch cộng đồng là chuyển đổi nghề cho người dân từ hoạt động đánh bắt thủy sản sang làm du lịch dịch vụ. Sau thời gian triển khai, mô hình đang đi đúng hướng và có tiềm năng phát triển. Một số đơn vị lữ hành đã khảo sát để đưa các đoàn khách đến tham quan, trải nghiệm hoạt động tại làng chài. Địa phương dự kiến sẽ phát triển thêm một số sản phẩm phục vụ du khách từ lợi thế của địa phương như: Tỏi đen, cây xáo tam phân…

DUNG LY

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/phong-su/202504/kham-pha-ninh-van-f4c4a92/
Zalo