Khám phá những giá trị ẩn khuất trong âm nhạc Nguyễn Đình Thi
Trong công cuộc đấu tranh giành độc lập tự do của dân tộc, dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đội ngũ văn nghệ sĩ không ngừng lớn mạnh và trưởng thành, dần dần nổi lên những nhân tài có thể nói là kiệt xuất, mãi mãi lưu danh cùng những trang sử vàng cách mạng vẻ vang.
![Nhạc sĩ, nhà thơ Nguyễn Đình Thi và tác phẩm "Người Hà Nội".](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_441_51473797/70d9c0caf18418da4195.jpg)
Nhạc sĩ, nhà thơ Nguyễn Đình Thi và tác phẩm "Người Hà Nội".
Trong những nhân tài văn nghệ kiệt xuất ấy, không thể không nhắc đến một cây đại thu, đa tài: nhà thơ, nhà văn, nhà viết kịch, nhà phê bình văn học, nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi, người được Nhà nước trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật ngay từ đợt đầu tiên năm 1996. Ông đã rời xa trần thế về với cõi người hiền từ năm 2003, hưởng thọ 79 tuổi và để lại những di sản nghệ thuật quý báu được sáng tạo bởi tâm hồn và ngòi bút tuyệt vời của ông cho đời sau, cho đất nước.
Trong những đỉnh cao được các nhạc sĩ sáng tạo trong thời khắc chuyển mình của lịch sử đất nước, không thể không nhắc đến hai bài ca bất hủ của nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi. Đó là hai bài ca “Diệt phát xít” ra đời năm 1945 và “Người Hà Nội” ra đời năm 1947. Đặc biệt hơn khi viết bài “Diệt phát xít” tác giả mới vừa tròn 21 tuổi, và bài “Người Hà Nội” viết khi tác giả cũng vừa 23 tuổi. Cái hừng hực thanh xuân, căng tràn nhựa sống ấy được gửi trong giai điệu và lời ca nên khi thì hào hùng quyết liệt, khi trữ tình sâu lắng tha thiết, khi chất chứa căm hờn kìm nén, khi lại bay bổng phơi phới tự hào. Theo hồi ức của con trai ông - nhà văn Nguyễn Đình Chính, ngay cả khi sáng tác bài “Người Hà Nội” ông vẫn chưa thành thạo viết nhạc mà chỉ hát ứng tác khi cảm xúc dâng trào trong tim, rồi được người em vợ vốn rất giỏi chơi đàn piano ghi lại thành bản nhạc.
Đúng như lời người xưa đã dạy “Điều gì xuất phát từ trái tim sẽ đi đến trái tim”. Hai bài hát xuất phát từ trái tim Nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi đã không chỉ “đi đến” mà còn “ở lại” trong hàng triệu trái tim của các thế hệ người dân Việt Nam. Đồng thời, còn trở thành tượng đài, cột mốc trong lịch sử cách mạng vô cùng oanh liệt của nước nhà, có được kết quả rực rỡ viên mãn đó, theo chúng tôi, là bởi hai nhạc phẩm “Diệt phát xít” và “Người Hà Nội” bên cạnh giá trị về tính nghệ thuật cao đẹp, còn mang những giá trị vô song về tính lịch sử cách mạng, tính chiến đấu và niềm tin chiến thắng; tính tiên tri dự báo tương lai và tính độc bản duy nhất mà hiếm có nhạc phẩm nào khác vươn tới được.
Lịch sử còn ghi lại, năm 1940 phát xít Nhật đã tràn vào Việt Nam và Bán đảo Đông Dương. Nhân dân cực khổ lầm than, cùng cực, dẫn đến nạn đói khủng khiếp năm 1945 cướp đi sinh mạng của hai triệu đồng bào. Ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính hất cẳng Pháp, độc chiếm Đông Dương. Ngay sau đó, ngày 12/3/1945, hội nghị Thường vụ Trung ương Đảng họp mở rộng đã ra Chỉ thị “Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, mở đầu cho cao trào đấu tranh của quần chúng nhân dân, chớp thời cơ tiến tới Tổng khởi nghĩa Tháng Tám, giành lại chính quyền từ tay phát xít Nhật, thành lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong bối cảnh lịch sử đó, bài ca “Diệt phát xít” ra đời. Bài hát gắn với thời điểm chuyển mình của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam; đồng thời cũng gắn với sự thất bại của chủ nghĩa phát xít trên toàn thế giới. Vì thế, nó mang giá trị lịch sử không kém phần trọng đại.
Sau khi trục phát xít Đức - Ý - Nhật tan rã, thực dân Pháp núp dưới bóng quân đồng minh quay lại xâm chiếm nước ta một lần nữa. Quyết không chịu mất nước, không cam tâm làm nô lệ, ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”. Quân dân Thủ đô Hà Nội nổ phát súng đầu tiên. “Phố giăng chiến lũy, đường xuyên chiến hào” (Tố Hữu). Chứng kiến những cảnh huyết thệ hào hùng bi tráng ấy, trong vai trò là một phóng viên báo “Cứu quốc” của mặt trận Hà Nội, với dòng cảm xúc dâng trào, Nguyễn Đình Thi đã sáng tác nên bài hát “Người Hà Nội”. Căn cứ vào khúc thức và giai điệu, có thể nói đây là bản trường ca đầu tiên của ca khúc cách mạng, và trong hàng trăm bài hát về thủ đô từ trước tới nay, có lẽ đây cũng là bản trường ca duy nhất hát về Đông Đô - Thăng Long - Hà Nội. Như vậy, bài hát - bản trường ca đó gắn liền Hà Nội với cột mốc toàn quốc kháng chiến, một giai đoạn vô cùng oanh liệt của cách mạng Việt Nam. Do đó, nó mang tính lịch sử mà không phải bài hát nào cũng có được.
Tính chiến đấu thể hiện ngay trong tiêu đề bài “Diệt phát xít”. Ở ca khúc này, với giai điệu hùng tráng, nhịp điệu hành khúc như đoàn chiến binh rầm rập bước đi, lời ca là một bản hiệu triệu toàn dân đứng lên làm cách mạng. Và lời hiệu triệu hô hào ấy còn chỉ rõ cách tập hợp lực lượng, cách trang bị vũ khí tiến công kẻ thù: “Mau mau mau vai kề vai/ không phân biệt già trẻ trai hay gái/ Vác súng gươm, ta đi lên, ta tiến lên ta diệt quân thù”. Ngày nay, đất nước hòa bình, nhân dân hạnh phúc yên vui. Nhưng hát lên hay nghe lại bài ca “Diệt phát xít”, ta vẫn như mường tượng thấy rầm rập những đoàn quân mang gươm súng, đoàn người biểu tình mang gậy gộc búa liềm, không chỉ ở Hà Nội mà lan rộng ra khắp đất nước, tràn lên đánh đuổi phát xít Nhật cùng bè lũ tay sai, tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám thắng lợi.
Với trường ca “Người Hà Nội”, sau đoạn mở đầu giai điệu êm đềm tươi sáng vẽ nên bức tranh Hà Nội ngàn năm văn hiến yêu kiều, sang đoạn tiếp theo bùng lên hình ảnh thủ đô ngập tràn khói lửa mịt mù. Và cảnh chiến đấu oai phong khốc liệt của đoàn quân cách mạng: “Bụi hè đường cuốn bốc tung bay/ Xác thù rơi dưới gót giày/ Ầm ầm cười tiếng súng vui thay”, để rồi cảm xúc vút cao lên cũng là câu kết thúc bài ca: “Tiếng cười ngày về/ Chiến thắng!”.
Không chỉ mang tính lịch sử, tính chiến đấu với niềm tin chiến thắng, hai bài hát của nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi còn mang tính dự báo tương lai, tiên đoán điều hệ trọng sắp xảy đến với dân tộc. Bài “Diệt phát xít” viết đầu năm 1945, trong bối cảnh nước mất nhà tan, phát xít Nhật, thực dân Pháp thi nhau điên cuồng đàn áp “Không phân biệt già trẻ trai hay gái” nổi dậy “Giành lại áo cơm tự do”, để “Tiến lên nền Dân chủ Cộng hòa”, “Việt Nam muôn năm!”. Và quả thực, sau khi cướp chính quyền từ tay phát xít Nhật, giữa Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản “Tuyên ngôn Độc lập” khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ở đây ta thấy có điều gì đó hình như trùng khớp giữa sự kiện vĩ đại ngày 2/9/1945 với lời ca mà tác giả đã viết như đã dẫn ở trên. Đến bài hát “Người Hà Nội” viết năm 1947, ta bắt gặp lời ca: “Mai này lớp lớp người đi thét vang vang trời: Khải hoàn”.
Vâng. Chúng ta đã đề cập đến tính lịch sử, tính chiến đấu và tính dự báo tương lai trong âm nhạc Nguyễn Đình Thi. Song tìm hiểu, so sánh kỹ hơn, chúng tôi nhận thấy, âm nhạc của ông còn mang tính độc bản, nghĩa là tác phẩm duy nhất, là “con một” trong chủ đề mà nó phản ảnh. “Diệt phát xít” là bài ca duy nhất gắn với cao trào chống phát xít Nhật năm 1945, điều đó thì không phải bàn cãi nữa. Còn “Người Hà Nội”, một trong hàng trăm bài hát của các tác giả về thủ đô ngàn năm văn hiến, có nhiều bài rất hay, nhưng tác phẩm của Nguyễn Đình Thi là một bản trường ca với hàm chứa lớn lao cả về nghệ thuật cùng nhiều phương diện khác, cũng là trường ca đầu tiên của âm nhạc cách mạng, trường ca duy nhất về Đông Đô - Thăng Long - Hà Nội, nên dĩ nhiên nó cũng là độc bản. Độc bản mà qua gần tám thập kỷ vẫn luôn chói sáng rực rỡ, thì đó là những viên ngọc quý trong dòng sông âm nhạc cách mạng Việt Nam, là di sản đáng tự hào mà nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi để lại cho chúng ta, cho xã hội hôm nay và mai sau, đồng thời là tấm gương tuyệt vời cho những người làm nghề âm nhạc như chúng tôi suốt đời học hỏi và noi theo.
Khi nói về di sản âm nhạc của Nguyễn Đình Thi, mà cụ thể là hai bài ca bất hủ “Diệt phát xít” và “Người Hà Nội”, sẽ là thiếu sót lớn nếu không đề cập đến tính nghệ thuật đỉnh cao của hai nhạc phẩm đó. Song, như phần mở đầu bài viết này đã nêu, đã có rất nhiều bài của các nhà lý luận âm nhạc, các nhà báo, các nhạc sĩ viết về điều đó. Và cũng chưa cần đến sự ca ngợi của các bài viết đó, thì giai điệu bài ca “Diệt phát xít” vẫn ngày ngày vang lên, là nhạc hiệu của Đài Tiếng nói Việt Nam suốt gần tám mươi năm qua. Còn trường ca “Người Hà Nội” không chỉ được rất nhiều nhà hát, ca sĩ dàn dựng biểu diễn thường xuyên, mà còn là một trong những nhạc phẩm quan trọng trong giáo trình thanh nhạc ở các nhạc viện, các cuộc thi tài của những giọng ca tốt nhất, ca sĩ giỏi nhất Việt Nam. Những điều đó đã đủ nói lên giá trị nghệ thuật của hai nhạc phẩm này. Vì thế ở bài viết này, chúng tôi chủ yếu chỉ nêu lên những giá trị ẩn khuất mà nhiều bài viết khác chưa đề cập đến. Đó là tính lịch sử cách mạng, tính chiến đấu với niềm tin chiến thắng, tính dự báo tương lai và tính độc bản quý hiếm, cũng là những giá trị quan trọng bên cạnh giá trị về nghệ thuật của âm nhạc Nguyễn Đình Thi, qua hai nhạc phẩm đã trở thành tượng đài ghi dấu những cột mốc chói sáng nhất trong lịch sử cách mạng Việt Nam.