Khám phá hồ nước trong nhất thế giới, nơi du khách phải lau giày khi tới thăm

Ẩn mình trong Công viên Quốc gia Nelson Lakes trên Đảo Nam của New Zealand, có một hồ nước tuyệt đẹp mang sắc xanh tím huyền bí và vô cùng độc đáo. Hồ nước nhỏ này có những dãy núi cao bao quanh và nhận nguồn nước từ dòng chảy của hồ Constance – một hồ băng tự nhiên.

Hồ Rotomairewhenua, hay còn gọi là Hồ Xanh, nằm ở độ cao khoảng 1.200 mét so với mực nước biển và cách khu vực văn minh gần nhất hai ngày đi bộ. Ảnh: CNN

Hồ Rotomairewhenua, hay còn gọi là Hồ Xanh, nằm ở độ cao khoảng 1.200 mét so với mực nước biển và cách khu vực văn minh gần nhất hai ngày đi bộ. Ảnh: CNN

Hồ nước này đã được bộ tộc Ngāti Apa, một nhánh của người Māori, phát hiện từ lâu. Họ đặt tên cho dòng nước là Rotomairewhenua, nghĩa là “hồ của vùng đất bình yên”. Đối với người Māori, đây là một nơi linh thiêng, nơi họ từng thực hiện nghi lễ rửa sạch xương cốt của người quá cố, với niềm tin điều này sẽ giúp các linh hồn có một hành trình an lành đến quê hương tổ tiên Hawaiki.

Trong những năm gần đây, các nhà nghiên cứu đã khám phá ra một điều kỳ diệu ở hồ Rotomairewhenua. Đó là nước của hồ có độ trong suốt hiếm có, có thể nhìn thấy đáy hồ sâu 70 đến 80 mét. Điều này đã làm cho hồ nước này trở thành “nguồn nước ngọt trong suốt nhất từng được ghi nhận”. Rotomairewhenua đã trở thành một điểm du lịch nổi tiếng, đặc biệt từ tháng 12 đến tháng 3 hàng năm – mùa hè ở New Zealand. Những bức ảnh tuyệt đẹp về cảnh vật quanh hồ cũng đã được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội. Tuy nhiên, gia tăng du khách khiến những người bảo tồn và người dân Ngāti Apa lo ngại về nguy cơ làm ô nhiễm độ trong suốt của hồ.

Độ trong suốt của hồ trước nguy cơ bị đe dọa

Một trong những mối lo lớn nhất là tảo Lindavia – một loại tảo cực nhỏ, còn được gọi là “tuyết hồ” hoặc “nước mũi hồ” do chất nhờn mà nó tạo ra lơ lửng dưới mặt nước. Loài tảo này đã xuất hiện ở những hồ gần Rotomairewhenua, như hồ Rotoiti, Rotoroa và Tennyson, có thể theo những đôi giày đi bộ đường dài hoặc bình nước của du khách mà xâm nhập vào hồ.

Hồ nổi tiếng với làn nước trong vắt, giống như nước tinh khiết, có thể nhìn thấy độ sâu từ 70 đến 80 mét. Ảnh: CNN

Hồ nổi tiếng với làn nước trong vắt, giống như nước tinh khiết, có thể nhìn thấy độ sâu từ 70 đến 80 mét. Ảnh: CNN

Theo giả thuyết của Phil Novis, nhà khoa học nghiên cứu tảo tại Viện Nghiên cứu Môi trường Landcare, lindavia - một loài tảo xâm lấn từ Bắc Mỹ - có thể đã được đưa vào New Zealand thông qua các dụng cụ đánh bắt cá. Kể từ lần đầu tiên được phát hiện vào đầu những năm 2000, loài tảo này đã lan nhanh chóng.

“Con người là tác nhân chính”, ông Novis cho biết, khi nhóm nghiên cứu của ông đã thu thập và kiểm tra mẫu trầm tích từ 380 hồ ở New Zealand và chỉ những hồ dễ tiếp cận với con người mới có tảo lindavia.

Tảo lindavia. Ảnh: Genesis Energy

Tảo lindavia. Ảnh: Genesis Energy

Mặc dù loài tảo này không gây hại trực tiếp cho con người, nhưng chất nhờn mà nó tiết ra có thể gây phiền toái, làm tắc nghẽn các thiết bị như dây câu, bộ lọc thuyền hay hệ thống thủy điện. Đặc biệt, tại Rotomairewhenua, lớp chất nhờn này có thể làm giảm đi độ trong suốt của hồ.

Bà Jen Skilton, nhà sinh thái học của Ngāti Apa ki te Rā Tō Trust, nói: “Chúng tôi thực sự rất lo lắng. Nếu loại tảo này xâm nhập vào hồ, nó sẽ có ảnh hưởng sâu rộng đến chất lượng nước và sức khỏe tổng thể của hồ”.

Bà cũng nhấn mạnh sự tổn hại này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến người dân Ngāti Apa, khi hồ Rotomairewhenua vẫn giữ một ý nghĩa văn hóa và tinh thần quan trọng đối. Mặc dù không còn thực hiện các nghi lễ xưa, nhưng hồ vẫn là một phần không thể thiếu trong bản sắc của họ.

“Chúng tôi luôn duy trì mối liên hệ với tổ tiên và cam kết bảo vệ Rotomairewhenua cho các thế hệ tương lai”, bà nói.

Biện pháp bảo vệ độ trong suốt của hồ

Kể từ khi được công nhận là hồ nước trong nhất thế giới vào năm 2013, lượng du khách đến hồ đã tăng gấp đôi, theo số liệu từ Bộ Bảo tồn New Zealand. Hồ nước này cũng trở thành điểm đến phổ biến đối với những người yêu thích đi bộ đường dài, đặc biệt là những người tham gia hành trình dài ngày, như tuyến đường Te Araroa xuyên suốt New Zealand.

Hồ nước nằm trên một ngọn núi cao, bao quanh bởi những khu rừng dốc. Ảnh: CNN

Hồ nước nằm trên một ngọn núi cao, bao quanh bởi những khu rừng dốc. Ảnh: CNN

Bà Melissa Griffin, kiểm lâm đa dạng sinh học của Nelson Lakes, cho biết sự nổi tiếng của hồ, đặc biệt là sau khi được công nhận là “hồ nước trong nhất thế giới”, đã thu hút nhiều du khách hơn bao giờ hết. Điều này đặt ra thách thức trong việc bảo vệ hồ. Để giảm thiểu tác động của con người, Bộ Bảo tồn New Zealand cùng với Ngāti Apa ki te Rā Tō Trust và Te Araroa Trust đã triển khai một loạt biện pháp bảo vệ sinh học. Họ đã lắp đặt các trạm vệ sinh dọc theo các tuyến đường mòn, yêu cầu du khách vệ sinh giày dép và đồ dùng trước khi đến hồ, nhằm ngăn ngừa sự xâm nhập của loài tảo lindavia.

Bên cạnh đó, các biển báo và video hướng dẫn trên ứng dụng Te Araroa cũng khuyến cáo du khách không nên chạm vào nước hồ, dù là để bơi hay chụp ảnh dưới nước. Điều này không chỉ liên quan đến sự an toàn sinh học, mà còn để tôn trọng sự linh thiêng của hồ.

“Nước hồ Rotomairewhenua rất linh thiêng và việc xuống nước là xâm phạm điều đó”, bà Skilton chia sẻ.

Vào mùa hè, các nhân viên quản lý của Bộ Bảo tồn hoặc đại diện Ngāti Apa sẽ có mặt tại hồ để giám sát và giải thích cho du khách về những quy tắc bảo vệ hệ sinh thái, cũng như ý nghĩa văn hóa của hồ. Dù hầu hết du khách đã tuân thủ hướng dẫn, nhưng vẫn còn một số ít trường hợp chưa nhận thức đầy đủ về rủi ro và cần được cung cấp thông tin thêm.

Cơ hội và trách nhiệm

Hồ Rotomairewhenua rất linh thiêng đối với người Ngāti Apa, bộ tộc Māori địa phương. Ảnh: CNN

Hồ Rotomairewhenua rất linh thiêng đối với người Ngāti Apa, bộ tộc Māori địa phương. Ảnh: CNN

Vì Rotomairewhenua nằm trong công viên quốc gia, rất khó hạn chế số lượng du khách đến hồ nước này. Đây cũng không phải là phương án mà Bộ Bảo tồn muốn theo đuổi. Thay vào đó, họ kêu gọi du khách đến tham quan nhưng cần cân nhắc kỹ lưỡng về tác động mà họ có thể gây ra.

Bà Griffin chia sẻ du khách gia tăng đồng nghĩa với việc tăng chi phí bảo vệ môi trường - từ dọn vệ sinh đến vận chuyển đồ dùng bằng trực thăng đến những khu vực xa xôi. Nhưng bà vẫn muốn mọi người đến đây, trải nghiệm vẻ đẹp của hồ, cảm nhận sự yên bình nơi đây.

Cuối cùng, bà Skilton nhấn mạnh: “Số lượng du khách ngày càng tăng mang đến cả cơ hội và trách nhiệm. Điều quan trọng là tất cả du khách đến đây phải hiểu được tầm quan trọng của nơi này và thực hiện các biện pháp cần thiết để giảm thiểu tác động của con người. Bằng cách tuân thủ các quy tắc và hướng dẫn, chúng ta có thể bảo vệ các đặc điểm sinh thái độc đáo của hồ và giữ gìn tầm quan trọng về mặt văn hóa của hồ nước cho các thế hệ tương lai”.

Hải Vân/Báo Tin tức (Theo CNN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/chuyen-la-the-gioi/kham-pha-ho-nuoc-trong-nhat-the-gioi-noi-du-khach-phai-lau-giay-khi-toi-tham-20250213211824165.htm
Zalo