Khám phá Căn cứ Trung ương Cục miền Nam

Đến với vùng đất Tây Ninh, không thể không ghé thăm Căn cứ Trung ương Cục miền Nam. Đây được xem là 'Thủ đô kháng chiến' - nơi ghi lại những dấu son lịch sử cách mạng, với nhiều chiến công hiển hách và tinh thần yêu nước bất diệt của các thế hệ cha ông trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Thế hệ trẻ cả nước tham quan khu nhà chiến khu tại Căn cứ Trung ương Cục miền Nam. Ảnh: THÁI HÒA

Thế hệ trẻ cả nước tham quan khu nhà chiến khu tại Căn cứ Trung ương Cục miền Nam. Ảnh: THÁI HÒA

Căn cứ Trung ương Cục miền Nam tọa lạc trong cánh rừng Rùm Đuôn - Chàng Riệc (xã Tân Lập, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh), cách trung tâm TP Tây Ninh khoảng 60km về phía Bắc và cách biên giới Việt Nam - Campuchia khoảng 4km. Trong lịch sử, căn cứ với diện tích 72ha này đã tạo điều kiện thuận lợi cho quân cách mạng miền Nam lưu trú, công tác, tránh khỏi việc tầm soát quy mô lớn của quân địch.

Địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng

Hiện nay, Khu di tích lịch sử Căn cứ Trung ương Cục miền Nam gồm 3 phân khu chính là: Căn cứ Trung ương Cục miền Nam, Căn cứ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và Căn cứ Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Trong đó, khu Trung ương Cục sau khi trùng tu được quy hoạch thành 2 khu vực chính là khu di tích đã phục hồi gồm: nhà thường trực, hội trường lớn, hội trường nhỏ, nhà bảo vệ, văn phòng, bếp Hoàng Cầm, nhà ở và làm việc của các đồng chí lãnh đạo cùng hệ thống giao thông hào, ụ chiến đấu và hầm hàm ếch, phân bố đều trên toàn tuyến.

Đến thăm Căn cứ Trung ương Cục miền Nam, chúng tôi được nghe thuyết minh về quá trình xây dựng và phát triển khu căn cứ cũng như phong trào cách mạng miền Nam qua các thời kỳ. Những hiện vật đơn sơ, bình dị liên quan đến sinh hoạt trong chiến khu thời lửa đạn, nhưng lại chứa đựng nhiều ý nghĩa giáo dục cho thế hệ trẻ.

Không gian làm việc của các đồng chí lãnh đạo, từ chiếc bật lửa được làm bằng vỏ quả lựu đạn, chiếc lược làm từ mảnh xác máy bay Mỹ… như tái hiện thời kỳ sống và làm việc gian khổ, anh dũng trong lịch sử cách mạng miền Nam, qua đó giúp những người trẻ thấu hiểu hơn truyền thống cách mạng vẻ vang của quân và dân miền Nam thời kỳ đánh Mỹ.

Căn cứ Trung ương Cục miền Nam được gọi với những tên gọi khác như: R (mật danh của Trung ương Cục miền Nam); căn cứ Chàng Riệc (gọi theo tên khu rừng đặt căn cứ); căn cứ Phạm Hùng (đồng chí Phạm Hùng từng giữ chức vụ Bí thư Trung ương Cục miền Nam trong một thời gian dài); căn cứ địa Bắc Tây Ninh. Dù với tên gọi nào, Trung ương Cục vẫn là một căn cứ cách mạng, là một bộ phận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, có nhiệm vụ chỉ đạo trực tiếp cách mạng miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ. Căn cứ Trung ương Cục miền Nam là cơ quan cao nhất, có nhiệm vụ chỉ đạo và lãnh đạo trực tiếp cách mạng miền Nam đặt tại Nam Bộ.

Rời nhà trưng bày, theo con đường nhỏ quanh co uốn lượn, chúng tôi tới thăm khu nhà lá đơn sơ ẩn mình trong những rừng cây rậm rạp, bao gồm: nhà hội họp tập thể, nhà ở của các cán bộ cao cấp, nhà ở của chiến sĩ và các ban ngành. Đây là nơi mà 3 đồng chí từng giữ chức vụ Bí thư Trung ương Cục miền Nam Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Chí Thanh và Phạm Hùng cùng nhiều đồng chí lãnh đạo cấp cao khác như: Võ Văn Kiệt, Phạm Thái Bường, Phan Văn Đáng, Phạm Văn Xô, Trần Nam Trung… đã từng sống và làm việc. Tất cả căn nhà này đều được dựng bằng tre, gỗ, mái lợp lá trung quân (lá trung quân rất dai, bền, khó bị mục bởi mưa nắng, đặc biệt rất khó cháy).

Trong nhà, các vật dụng mà các đồng chí lãnh đạo đã từng sử dụng trong những năm tháng kháng chiến như: chõng tre, tủ, kệ, bàn, ghế, tài liệu, túi da, bút, đài, đèn… đều được để đúng vị trí như trước đây. Tại đây, mỗi người thắp một nén tâm hương tưởng niệm những bậc tiền bối đã đi vào cõi vĩnh hằng. Trong chiến tranh nhiều lần bị địch đánh phá ác liệt nhưng Căn cứ Trung ương Cục vẫn được bảo vệ vững chắc và trở thành biểu tượng của tinh thần quả cảm, trí thông minh, tài thao lược của quân và dân Việt Nam.

Đến với Căn cứ Trung ương Cục miền Nam, chúng tôi ai ai cũng cảm nhận sâu sắc hơn về những năm tháng chiến tranh ác liệt, hiểu hơn đóng góp của những người yêu quê hương, đất nước. Họ sống và chiến đấu với lòng quả cảm đáng khâm phục. Căn cứ là nơi để giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, đặc biệt là những đoàn viên, thanh niên biết và hiểu thêm về những truyền thống hào hùng của dân tộc, từ đó ra sức phấn đấu học tập, rèn luyện và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Người dân chụp ảnh lưu niệm tại bức tranh ghi lại chặng đường lịch sử hào hùng tại Căn cứ Trung ương Cục miền Nam. Ảnh: THÁI HÒA

Người dân chụp ảnh lưu niệm tại bức tranh ghi lại chặng đường lịch sử hào hùng tại Căn cứ Trung ương Cục miền Nam. Ảnh: THÁI HÒA

Niềm tự hào của người Tây Ninh và cả nước

Khu di tích Căn cứ Trung ương Cục đã được Bộ VHTT (nay là Bộ VHTT&DL) công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia vào ngày 31/8/1990. Ngân sách trung ương cũng như các tỉnh miền Nam đã đóng góp cho việc phục hồi, trùng tu tôn tạo giai đoạn 1 các công trình tại trung tâm có diện tích 72ha trong rừng Chàng Riệc, trong đó 16km xuyên rừng. Công trình hoàn thành ngày 13/4/1994 sau gần 2 năm thi công. Ngay sau đó, khu di tích đã trở thành khu điểm du lịch về nguồn của cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân ta ở khắp nơi trong nước; cùng với các di tích được tôn tạo phục hồi sau đó như Căn cứ Mặt trận, Chính phủ cách mạng lâm thời, Ban An ninh miền, đã tạo nên một quần thể di tích cách mạng trên vùng đất Tây Ninh lịch sử.

Vào giữa năm 2002, Nhà nước lại quyết định nâng cấp trùng tu tôn tạo khu di tích với số vốn hơn 6 tỉ đồng. Công trình bao gồm: khu vực tập trung các di tích gốc, khu tưởng niệm xây mới và khu bảo tồn cảnh quan tự nhiên như rừng nguyên sinh, bến tắm, suối nước… Mục tiêu là tái hiện lịch sử một cách chân thực và sinh động, đồng thời phải thể hiện được tính hoành tráng ở những công trình mới nhằm nêu bật tầm vóc của Căn cứ Trung ương Cục miền Nam - một khu di tích thiêng liêng nhất trong quần thể di tích các cơ quan đầu não cách mạng miền Nam trong kháng chiến. Công trình đã được khánh thành vào ngày 8/1/2005. Từ đó đến nay, di tích Căn cứ Trung ương Cục miền Nam đã thực sự trở thành niềm tự hào của người Tây Ninh khi muốn giới thiệu về quê hương Tây Ninh trung dũng kiên cường. Bạn bè cả nước cũng nhờ thế mà biết đến Tây Ninh.

Với vai trò to lớn cả về giá trị lịch sử lẫn giáo dục truyền thống, ngày 10/5/2012, Căn cứ Trung ương Cục miền Nam đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt.

Mỗi năm có hàng trăm ngàn du khách về đây bằng mọi cách; thăm thú, nghiên cứu; tổ chức giao lưu gặp mặt truyền thống các đơn vị; cắm trại của thanh thiếu niên trong các dịp hè hay lễ, tết…; nhiều CCB dắt con cháu về thăm nơi mình từng sống và chiến đấu. Có những cơ quan, đơn vị đã có sáng kiến về đây làm lễ kết nạp đảng viên mới.

Người Tây Ninh đã sớm nhận thức được Căn cứ Trung ương Cục miền Nam là một báu vật thiêng liêng. Do vậy, ai ai cũng có ý thức giữ gìn cho rừng nơi đây vẹn nguyên sinh thái như thuở trước. Rừng vẫn xanh, cao thăm thẳm với dáng cây kơ-nia giữa mây trời; lá trung quân vẫn phấp phới như bàn tay chào vẫy ven đường…

Căn cứ Trung ương Cục miền Nam đã nằm trong trái tim người Tây Ninh và cả nước. Những cuộc hành hương về nguồn, mãi bất tận cho tới các thế hệ mai sau.

Ông Phan Thanh Nhàn, Giám đốc Ban Quản lý các khu di tích lịch sử cách mạng miền Nam cho biết: “Nhắc đến Tây Ninh, nhiều người nghĩ đến Căn cứ Trung ương Cục miền Nam. Đây là nơi thể hiện những ngày tháng hào hùng của các thế hệ cha ông trong thời kỳ chống Mỹ, cứu nước. Người Tây Ninh tự hào về Căn cứ Trung ương Cục miền Nam và muốn người dân mọi miền đất nước về với “địa chỉ đỏ” này để có thể hiểu hơn về những sự hy sinh của cán bộ cao cấp, chiến sĩ cách mạng trong những ngày tháng gian khó của chiến tranh. Đây là những giá trị giáo dục để các thế hệ mai sau khắc ghi ý nghĩa của độc lập tự do”.

NGÔ NHẬT - THÁI HÒA

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/chinh-tri/ky-niem-50-nam-ngay-giai-phong-mien-nam--thong-nhat-dat-nuoc--30-4-1075-30-4-2025/202504/kham-phacan-cu-trung-uong-cuc-mien-nam-3c47fc2/
Zalo