Khám phá bưng biền

'Khám phá bưng biền', đấy là cách nói giản tiện chứ thực tình thì câu này dài lắm, đó là được 'ngồi bè đi trong rừng tràm, vừa thong thả ngắm trời mây sông nước, vừa thò tay xuống bắt tôm bắt cá. Sau đó khoắng cho sạch rồi bỏ ngay vào nồi nước lèo đang sôi sùng sục. Lại vừa đi vừa ăn vừa được nghe đờn ca tài tử nữa chứ'.

Tham quan vườn chim Lập Điền.

Tham quan vườn chim Lập Điền.

Đón chúng tôi ngay đầu sân ngoài vợ chồng ông Sáu Sĩ - chủ nhà, còn có ông Trương Quốc Lâm - Trưởng phòng Văn hóa thể thao huyện Đông Hải và bà Út Kiềm - Chủ nhiệm CLB đờn ca tài tử của huyện. Ông Lâm cho biết: “Cô Út Kiềm đây nguyên là Phó Chủ tịch UBND xã Long Điền Tây. Nghe cổ hát vọng cổ thì không muốn về”.

Lần ấy chúng tôi về huyện Đông Hải của tỉnh Bạc Liêu. Một chuyến đi không có trong “kịch bản”, nghĩa là chuyến đi này phát sinh từ câu nói vui của anh Ba Danh, một thành viên của đoàn nghệ sĩ điện ảnh chúng tôi cũng là một hướng dẫn viên tận tụy bởi anh là người Bạc Liêu gốc.

Anh Ba Danh bảo: “Hay là chúng ta về ấp Lập Điền để khám phá bưng biền nhỉ?”. Ngỡ tưởng chỉ là câu nói kiêm câu hỏi cho vui thôi ai dè nó lại được hưởng ứng ngay. Hưởng ứng ngay bởi vì anh Ba Danh kể rằng: “Về đấy có nhiều cái thú lắm. Tôi tin rằng các anh chị ở đây, dĩ nhiên là ngoài tôi ra, chưa có ai có được cái thú đó”. Một câu nói hay là lời gợi ý đầy bí ẩn đã làm chúng tôi ồ lên, rồi đến sáng mai cả đoàn phải đi khám phá ngay.

Từ thành phố Bạc Liêu chiếc xe 29 chỗ chở đoàn chúng tôi về đến đầu xã Long Điền Tây thì dừng lại. Từ đây muốn tới ấp Lập Điền chỉ có hai cách, một là đi bộ chừng gần 2 cây số và hai là ngồi nhờ xe máy.

Ông Trương Quốc Lâm sau cái bắt tay và câu chào thì bất ngờ lên tiếng: “Dưới trăng dòng sông trôi rất mơ màng/ Như dải lụa vàng trôi về phương Đông”. Sự thực đó là một câu trong bài hát “Đêm Gành Hào nhớ điệu hoài lang” của nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển, bài hát này nổi tiếng nên chúng tôi đều biết.

Anh Ba Danh chờ ông Lâm dứt câu hát thì giải thích: “Huyện Đông Hải ở ven biển mạn phía nam tỉnh Bạc Liêu. Ở đây có con sông Gành Hào “nức nở”, dòng sông này cũng đồng thời là ranh giới giữa hai tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau”. Đấy là anh Ba Danh không giới thiệu hết chứ huyện Đông Hải có cánh đồng điện gió lớn nhất cả nước. Sáng hôm qua chúng tôi đã tới chiêm ngưỡng “những cánh tay lực sĩ” đang cần mẫn tạo ra nguồn năng lượng nhờ sức gió. Đứng nhìn cánh đồng điện gió vươn tít ra biển lòng chúng tôi thấy gợi lên bao dự báo.

Ngồi bè đi trong vườn chim Lập Điền.

Ngồi bè đi trong vườn chim Lập Điền.

Ông Lâm chìa tay mời mọi người vào trong sân, ở đó chủ nhà đã kê sẵn bàn ghế. Ông Sáu Sĩ lên tiếng: “Mời các anh các chị uống nước cho đỡ mệt”. Ông Lâm nói chen vào: “Hết mệt thì các anh các chị xuống bè đi thăm vườn chim”.

Theo như ông Sáu Sĩ thì ban đầu vườn chim này còn nhỏ. Bỗng dưng một ngày đẹp trời không biết chim chóc ở đâu bay về trú ngụ. Tôi hùa vào: “Đất lành chim đậu mà”. Mọi người cùng cười vui. Ông Sáu Sĩ cho hay tiếp: “Vườn chim này rộng lắm, cỡ 21 ha”.

Thực ra ban đầu vườn chim chỉ là mấy công ruộng của gia đình nhà ông Sáu Sĩ. Từ bữa chim bay về thì gia đình ông mới tiến hành “cải tạo” mấy công ruộng đó thành vườn chim.

Theo đó thì tận dụng rừng tràm tự nhiên sẵn có kết hợp đào rạch với mục đích lấy làm nơi chăn nuôi tôm cá. Do vậy rừng tràm ngày càng tươi tốt thêm, cây mọc cao thẳng đứng tạo thêm nơi trú ngụ cho đàn chim. Chim cứ thế mà bay về hết đàn này đến đàn khác. Nhận thấy nguồn lợi trời cho ấy nên gia đình ông Sáu Sĩ vay tiền bỏ thêm vốn để nâng cấp và mua thêm đất để mở rộng vườn chim. Con số cỡ 21 ha là từ đó mà ra.

Ông Lâm cho biết thêm: “Giờ vườn chim Lập Điền của gia đình ông Sáu Sĩ đã trở thành một trong những điểm du lịch của tỉnh. Tỉnh đang có chủ trương kết hợp với gia đình để vườn chim Lập Điền có nhiều gói dịch vụ du lịch. Du khách về huyện Đông Hải sau khi thỏa sức ngắm cánh đồng điện gió ra thì ghé vườn chim thư giãn”.

Anh Ba Danh nói chen: “Về vườn chim Lập Điền để khám phá bưng biền mới đúng chớ”. Gọi là vườn chim nhưng chính xác phải gọi là “ruộng rừng” thì mới đúng vì vườn này gốc vốn là những công ruộng của bà con trong ấp. Vườn được khoanh vùng bằng những bờ đê ngăn nước mặn, dọn bỏ những cây cỏ, các dòng kênh trong vườn được cấp nước thường xuyên nên cây cối xanh tốt hẳn lên. Thêm nữa là nguồn nước ngọt đủ đầy nên chim chóc rủ nhau bay về.

Theo đó những rãnh nước trong ruộng rừng vừa là “đường giao thông” đi lại trong rừng để tham quan, vừa là nơi gia đình ông Sáu Sĩ nuôi tôm cá. Những rãnh nước này sẽ đổ nước ra con kênh rồi nước từ con kênh này đổ vào sông Gành Hào.

Ông Sáu Sĩ cho hay: “Để giữ nguồn nước ổn định cho chăn nuôi tôm cá nên gia đình đã cho đắp một đập nhỏ. Con đập nhỏ này vừa giữ cho nước ổn định đồng thời cũng để tháo nước mỗi khi có mưa lớn. Do vậy chăn nuôi tôm cá cũng khá ổn định. Nói gọn lại đó là nguồn thu nhập chính của gia đình tôi”.

Bấy giờ cô Út Kiềm mới lên tiếng: “Nguồn thu từ tôm cá nuôi kiểu tự nhiên này khá lắm đó. Nhà ông Sáu Sĩ giờ có tiền mua ô tô, có tiền làm du lịch miệt vườn đó”.

Một buổi biểu diễn đờn ca tài tử trong khu vực có vườn chim.

Một buổi biểu diễn đờn ca tài tử trong khu vực có vườn chim.

Để chứng minh cho du lịch miệt vườn của gia đình mình, ông Sáu Sĩ mời cả đoàn chúng tôi xuống bè để “đi dạo” trong vườn. Nghe nói ngồi bè đi dạo trong vườn thì ai nấy đều háo hức. Hai chiếc bè được ghép bằng những thân cây tràm nhẹ nhàng rời bến. Mỗi bè có một thanh niên trong ấp chống chèo. Chiếc bè chậm rãi đưa chúng tôi vào sâu trong rừng. Hiện là ban ngày nên chim đã bay đi kiếm ăn nên thi thoảng chúng tôi mới thấy những con chim ngủ quên đậu trên vòm cây. Ông Lâm bảo: “Nếu các anh các chị chịu ở lại thì sẽ thấy chim bay về. Chim bay về náo nhiệt cả khu ruộng rừng này. Tiếng chim ồn ã lắm nhưng rất vui các anh chị ạ”.

Ông Sáu Sĩ giới thiệu: “Hiện vườn có khoảng hơn 40 loài chim có tên trong sách đỏ Việt Nam. Những giống chim quý như soi, tràng bè, cò quắm, điên điển và nhiều giống chim khác nhưng nhiều nhất vẫn là loài cò, vạc, còng cọc, diệc, bạc má”.

Chiếc bè cứ thong dong lượn theo những vòng uốn khúc quanh những bụi cây rậm rạp. Những lần bè cua nghiêng khiến mọi người thích thú cười rõ to. Nghe tiếng người xôn xao, thi thoảng từ một bụi cây, một khóm cây bay vút lên những cánh chim. Ông Sáu Sĩ cho biết: “Những con chim này không bay đi kiếm ăn không phải vì chúng ngủ quên đâu, chúng phải ở lại tổ để ấp trứng”. Tôi buột miệng hỏi: “Vậy chim nhiều ngày một nhiều hơn rồi. Nhà mình có bán hay có sử dụng để thết đãi khách không?”.

Ông Sáu Sĩ vội nói: “Không đâu mấy anh. Chim trong vườn chỉ để nuôi cho mọi người ngắm thôi. Chúng tôi dứt khoát nói không với bán chim và ăn thịt chim. Có thế chim mới trụ lại vườn chớ”.

Thì ra là vậy. Nhớ lúc còn ngồi trò chuyện ở sân nhà, ông Sáu Sĩ đã kể: “Gia đình tôi về vườn chim đây từ năm 1993. Đây là đất của ông cha để lại. Thú thực khi dọn tới vườn cũng là để vợ chồng chúng tôi tự lập riêng mà thôi. Ai dè từ khi có người tới ở, chim chóc rủ nhau bay về”.

Chiếc bè vẫn thong dong đi dưới tán lá tràm. Tôi quờ tay xuống nước. Tôm cá nhiều vô kể, nhiều đến nỗi có thể vớt được chúng. Ông Lâm nói to: “Lát nữa tới bữa trưa chúng ta sẽ được ăn lẩu nước lèo đặc sản Bạc Liêu với chính tôm cá ở đây đó”. Nghe mà thấy đáng yêu làm sao. Ăn tôm cá tươi rồi còn được nghe đờn ca tài tử nữa. Cô Út Kiềm cho biết: “Đã chuẩn bị rồi. Đủ cả tài tử ca và tài tử đờn. Cũng cây nhà lá vườn thôi. Lát mời mấy anh mấy chị vừa ăn trưa vừa nghe ca và ca cùng chúng tôi”.

Tôi mơ màng dưới ánh nắng xuyên qua kẽ lá. Ánh nắng soi mặt nước long lanh. Chợt vẳng lên câu hát: “Tôi đến Bạc Liêu vào mùa gió chướng/ Ngồi bên em nghe bài dạ cổ/ Cung điệu bổng trầm/ Làm da diết trong ai” (Nhớ Bạc Liêu - vọng cổ).

NGUYỄN TRỌNG VĂN

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/kham-pha-bung-bien-10284415.html
Zalo