Khai trương Trung tâm Báo chí Thủ đô Hà Nội
Chiều 9/5, UBND TP. Hà Nội tổ chức Lễ khai trương Trung tâm Báo chí Thủ đô Hà Nội nhằm phục vụ yêu cầu nâng cao chất lượng thông tin truyền thông trong kỷ nguyên số.
Đây cũng là bước tiến chiến lược trong quá trình chuyển đổi số, cải cách hành chính và minh bạch hóa công tác cung cấp thông tin cho báo chí, người dân và doanh nghiệp. Sự ra đời của Trung tâm Báo chí Thủ đô Hà Nội là một trong những giải pháp chiến lược giúp chính quyền thành phố chủ động nắm bắt, điều phối, xử lý và cung cấp thông tin một cách linh hoạt, kịp thời, chính xác và phù hợp với xu thế phát triển hiện đại.

Trung tâm báo chí Thủ đô được đặt tại số 17 Điện Biên Phủ, quận Ba Đình, Hà Nội.
Buổi lễ có sự tham dự của lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành Trung ương; Lãnh đạo Thành ủy - HĐND - UBND thành phố; Lãnh đạo các cơ quan báo chí trong nước và quốc tế; Lãnh đạo các Sở, ban, ngành thành phố và UBND quận, huyện, thị xã tại các điểm cầu trực tuyến; cùng đông đảo phóng viên, biên tập viên và những người làm công tác báo chí, truyền thông.
Trung tâm Báo chí Thủ đô được kỳ vọng sẽ trở thành đầu mối tập trung các hoạt động truyền thông báo chí của thành phố, là nơi tiếp nhận, tổng hợp, xử lý và cung cấp thông tin chính thống từ các Sở, ban, ngành, địa phương đến báo chí và công chúng. Qua đó, góp phần xây dựng hình ảnh một chính quyền đô thị điện tử, hiện đại, thân thiện, minh bạch và vì dân.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh, việc khai trương Trung tâm Báo chí Thủ đô Hà Nội không chỉ là sự kiện đánh dấu sự ra đời của một thiết chế báo chí hiện đại, mà còn thể hiện mạnh mẽ cam kết của chính quyền TP. Hà Nội trong tiến trình xây dựng nền hành chính công khai - minh bạch - hiện đại, hướng tới phục vụ tốt hơn người dân, doanh nghiệp và cộng đồng báo chí trong nước và quốc tế. Lãnh đạo TP. Hà Nội khẳng định, trong thời gian tới, Trung tâm Báo chí Thủ đô sẽ hoạt động thực sự hiệu quả, xứng tầm với vai trò và kỳ vọng đặt ra. Đồng thời tin tưởng Trung tâm Báo chí Thủ đô sẽ sớm trở thành hình mẫu về tổ chức và vận hành báo chí hiện đại, góp phần xây dựng Thủ đô Hà Nội giàu đẹp, văn hiến, văn minh, hiện đại.

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu tại lễ khai trương. Ảnh: H.N
Ngay trong khuôn khổ lễ khai trương, Văn phòng UBND TP. Hà Nội đã công bố Quy chế quản lý, vận hành và khai thác, sử dụng Trung tâm Báo chí Thủ đô Hà Nội, xác lập khuôn khổ pháp lý cho việc tổ chức, phối hợp và triển khai các hoạt động tại Trung tâm. Quy chế quy định rõ trách nhiệm của Văn phòng UBND thành phố trong việc vận hành Trung tâm Báo chí; cơ chế phối hợp giữa Trung tâm với các sở, ngành, địa phương trong cung cấp, chia sẻ, xử lý thông tin; đồng thời thiết lập quy trình tiếp nhận phản ánh từ báo chí và xử lý kịp thời theo phân cấp. Đây là cơ sở để đảm bảo rằng mọi thông tin đưa ra công chúng đều chính xác, có trách nhiệm và đúng quy định pháp luật…
Một điểm nhấn quan trọng của sự kiện là hoạt động ký kết chương trình phối hợp giữa Văn phòng UBND thành phố Hà Nội với Cổng Thông tin điện tử Chính phủ nhằm thiết lập cơ chế liên thông, kết nối dữ liệu và tăng cường trao đổi thông tin hai chiều, hỗ trợ báo chí tiếp cận nguồn tin chính thống nhanh chóng và thuận tiện hơn.

Ký kết chương trình phối hợp giữa Văn phòng UBND thành phố Hà Nội với Cổng Thông tin điện tử Chính phủ. Ảnh: H.N
Với việc khai trương Trung tâm Báo chí Thủ đô, Hà Nội chính thức đặt nền móng cho một hệ sinh thái truyền thông công hiện đại, lấy công nghệ làm trụ cột, báo chí làm trung tâm và người dân làm đối tượng phục vụ. Trong tương lai, thành phố Hà Nội định hướng phát triển Trung tâm theo hướng “mở” - sẵn sàng tích hợp thêm các mô hình hỗ trợ truyền thông đa nền tảng, khai thác dữ liệu mở, hỗ trợ phân tích và dự báo xu hướng thông tin, góp phần chủ động định hướng dư luận, đóng góp chung vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô và đất nước.
Trung tâm Báo chí Thủ đô Hà Nội được đầu tư đồng bộ với không gian tác nghiệp mở, linh hoạt, phù hợp với nhiều loại hình báo chí (viết, ảnh, truyền hình, đa phương tiện). Cơ sở hạ tầng kỹ thuật bao gồm: mạng truyền dẫn tốc độ cao, hệ thống lưu trữ dữ liệu số hóa, trung tâm điều phối thông tin, các studio thu - phát sóng trực tiếp, thiết bị hội nghị truyền hình, bảng điện tử cập nhật dữ liệu theo thời gian thực...hướng tới tích hợp các giải pháp công nghệ hiện đại như trí tuệ nhân tạo (AI) trong giám sát vào ra, giám sát xu hướng, phân tích thông tin trên không gian mạng, hệ thống cảnh báo tin giả, công cụ phân tích dữ liệu lớn để đánh giá mức độ lan tỏa của các chủ đề truyền thông. Đây là bước khởi đầu cho việc xây dựng một hệ sinh thái truyền thông mở, thông minh, thân thiện với người dùng và báo chí.