Khai thác tiềm năng du lịch Phù Yên
Nằm ở cửa ngõ phía Đông Bắc của tỉnh, huyện Phù Yên có nhiều tiềm năng phát triển du lịch, với địa hình đa dạng, tài nguyên phong phú; các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể có giá trị. Đây là điều kiện quan trọng để Phù Yên tạo sức hấp dẫn, thu hút đầu tư phát triển du lịch.
Chúng tôi cùng đoàn cán bộ Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Phù Yên đến dâng hương Đền thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Di tích lịch sử khu rừng bản Nhọt, xã Gia Phù. Di tích lịch sử cấp tỉnh được tu bổ, tôn tạo, là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ và là nơi đồng bào cả nước đến dâng hương, tưởng nhớ Đại tướng.
Ngay từ cổng vào, rất đông nhân dân và từng đoàn du khách từ mọi miền Tổ quốc cùng về dâng hương bày tỏ lòng thành kính và biết ơn sâu sắc đối với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Anh Nguyễn Minh Phương, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội đã chọn tuyến du lịch qua miền Tây Bắc để thăm Di tích lịch sử khu rừng bản Nhọt vào dâng hương Đền thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Anh Phương chia sẻ: Qua tra cứu thông tin, gia đình tôi đã chọn điểm đến đầu tiên là Di tích lịch sử khu rừng bản Nhọt, ấn tượng với khu rừng nguyên sinh được nhân dân gìn giữ, bảo vệ nguyên vẹn. Những tư liệu lịch sử trong Đền thờ Đại tướng đã giúp các thành viên trong gia đình hiểu sâu sắc hơn về Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Đến Phù Yên, ngoài các điểm di tích lịch sử, du khách còn được tìm hiểu, khám phá nhiều điểm du lịch hấp dẫn, như: Rừng thông Noong Cốp rộng 1.300 ha tại xã Quang Huy nằm ở độ cao hơn 1.000 m; khu vực núi cao Suối Tọ; đồi thông ở Suối Bau; hồ Suối Chiếu, xã Mường Thải, cách trung tâm huyện gần 10 km, có quy mô hơn 50 ha; cánh đồng Mường Tấc hơn 1.600 ha, lớn thứ 4 vùng Tây Bắc; thăm Di tích lịch sử Đèo Lũng Lô; Di tích lịch sử - văn hóa Đình Chu, xã Quang Huy...
Chia sẻ với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Viết Hưng, Bí thư Huyện ủy, cho biết: Huyện định hướng phát triển du lịch trên 3 hình thức, gồm du lịch tâm linh, du lịch trải nghiệm và du lịch sinh thái, từ đó, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của tài nguyên du lịch sẵn có. Đồng thời, nghiên cứu xây dựng các tuyến du lịch phù hợp gắn với phát triển nguồn nhân lực. Xây dựng liên kết giữa phát triển du lịch với tiêu thụ các sản phẩm nông sản đặc trưng, trải nghiệm văn hóa truyền thống các dân tộc. Từng bước đưa du lịch Phù Yên có trong bản đồ du lịch Sơn La - Tây Bắc.
Đánh thức tiềm năng du lịch, huyện Phù Yên đã mời gọi, thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực du lịch. Khảo sát, phát huy giá trị Di tích lịch sử đèo Lũng Lô kết nối du lịch với điểm Di tích lịch sử Đền thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Bước đầu hình thành tour du lịch Di tích lịch sử Đèo Lũng Lô - Di tích lịch sử - văn hóa Đình Chu - Di tích lịch sử kháng chiến khu rừng bản Nhọt, xã Gia Phù. Đặc biệt, Lễ hội Tết Xíp xí được công nhận là di sản phi vật thể cấp quốc gia giúp bảo tồn và phát huy nét văn hóa đặc sắc của người dân tộc Thái huyện Phù Yên, cũng là điều kiện để phục vụ phát triển ngành du lịch.
Bên cạnh đó, huyện đẩy mạnh quảng bá du lịch và các sản phẩm thế mạnh của địa phương thông qua các hội chợ thương mại, sự kiện du lịch - thương mại - văn hóa do các tỉnh, thành phố tổ chức. Tổ chức các lễ hội, các sự kiện văn hóa, Ngày hội Du lịch văn hóa huyện, Tết Độc lập, Lễ hội Xíp xí... với nhiều hoạt động, như: Giải đua thuyền, khôi phục một số trò chơi dân gian, biểu diễn dù lượn, lướt ván nghệ thuật; đêm hội ẩm thực giới thiệu 10 món ăn du khách nhất định phải thưởng thức khi đến với đất Phù Hoa; giới thiệu các sản phẩm OCOP, nông sản và ẩm thực đặc sắc của đồng bào các dân tộc trong huyện. Đồng thời, phát triển du lịch canh nông, du lịch trải nghiệm trên cánh đồng Mường Tấc, góp phần quảng bá hình ảnh, vùng đất, con người Phù Yên thân thiện, mến khách.
Với quyết tâm cao nhất, thực hiện chiến lược phát triển về du lịch một cách đồng bộ, tin tưởng du lịch Phù Yên sẽ khai thác được tiềm năng và lợi thế, khẳng định chỗ đứng trong bản đồ du lịch Sơn La - Tây Bắc.