Khai thác tiềm năng du lịch nông nghiệp
Du lịch nông nghiệp, nông thôn thời gian qua trở thành hướng đi triển vọng, giúp khai thác hiệu quả tiềm năng của vùng nông thôn và mở ra cơ hội chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng bền vững, đa giá trị tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.
Trong sản xuất nông nghiệp, những năm qua, tỉnh tập trung phát triển nhiều loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, tổ chức sản xuất theo hướng hàng hóa các sản phẩm đặc sản. Các mô hình và dự án liên kết sản xuất, chế biến nông sản, làng nghề nông thôn được đẩy mạnh, gắn kết chặt chẽ với hoạt động du lịch để tạo ra giá trị gia tăng. Tỉnh khuyến khích phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng đa giá trị tại các vùng, HTX và trang trại để kết hợp sản xuất với du lịch, trải nghiệm, bước đầu hình thành một số vùng như: Vùng bưởi đặc sản Đoan Hùng; vùng trồng chè tập trung tại xã Long Cốc (huyện Tân Sơn), xã Địch Quả (Thanh Sơn); vùng trồng rau xã Tứ Xã, trồng nho hạ đen tại xã Phùng Nguyên (huyện Lâm Thao)... Ngoài ra, các cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP như: Mì gạo, bánh chưng Hùng Lô, thịt chua Thanh Sơn... cũng từng bước được tích hợp với các hoạt động du lịch, du khách có thể tìm hiểu quy trình sản xuất, trải nghiệm thực tế và thưởng thức các sản phẩm đặc sản ngay tại địa phương.
Du khách Hàn Quốc trải nghiệm tại làng nghề làm mỳ gạo xã Hùng Lô, thành phố Việt Trì.
Trên địa bàn tỉnh đã xây dựng và hình thành một số điểm dừng chân, tham quan về sản xuất nông nghiệp trong các tour, tuyến du lịch như: Làng nghề trồng rau Tân Đức, làng nghề chế biến thực phẩm ở Hùng Lô gắn với tuyến City tour Việt Trì; các làng nghề chè Địch Quả, chè Văn Luông gắn với tuyến Việt Trì - Xuân Sơn; tham quan, trải nghiệm các sản phẩm mì, bún bánh Hùng Lô, nón lá Gia Thanh, chè Phú Hộ, nghề mộc Vân Du, bưởi Đoan Hùng...
Đến nay, toàn tỉnh xây dựng, phát triển được hơn 300 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP. Các sản phẩm OCOP trên địa bàn không chỉ đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm mà còn được các chủ thể chú trọng khâu thiết kế bao bì, mẫu mã, đảm bảo yếu tố thẩm mỹ, có tiềm năng phát triển thành sản phẩm phục vụ du lịch.
HTX nông nghiệp Lâm Thao (xã Phùng Nguyên, huyện Lâm Thao) canh tác trên 2ha nho sữa và nho Hạ Đen. Khoảng 4 năm nay, HTX phát triển mô hình du lịch trải nghiệm tại vườn. Ông Nguyễn Văn Hà - Giám đốc HTX cho biết: “Nho cho thu hoạch 2 vụ chính là vào tháng 6 và tháng 10, mỗi vụ kéo dài khoảng 2 tháng. Vào vụ, trung bình mỗi ngày chúng tôi đón khoảng 100 khách tham quan, trải nghiệm. Để mở rộng mô hình, chúng tôi chú trọng khâu chăm sóc theo hướng hữu cơ, đảm bảo chất lượng, đa dạng các sản phẩm như nho tươi, siro nho, rượu nho. Mô hình du lịch trải nghiệm tại vườn nho sẽ góp phần giới thiệu, quảng bá sản phẩm, tiêu thụ sản phẩm tại chỗ”.
Bên cạnh những kết quả đạt được, du lịch nông nghiệp vẫn còn những khó khăn như: Quy mô sản xuất nông nghiệp, các làng nghề và các điểm du lịch nông thôn còn nhỏ lẻ, sức cạnh tranh còn hạn chế, chưa có nhiều sản phẩm chất lượng có nhãn hiệu. Các sản phẩm nông sản còn đơn giản và chưa thực sự hấp dẫn du khách, sản phẩm qua chế biến còn ít, giá trị gia tăng thấp...
Để khắc phục những hạn chế trên, thời gian tới, các ngành chức năng, các địa phương trên địa bàn tỉnh tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm nông sản, kết nối sản xuất - tiêu thụ sản phẩm nông sản. Đẩy mạnh thực hiện quản lý, bảo vệ và phát triển các thương hiệu, nâng cao chất lượng, mẫu mã, bao bì sản phẩm nông sản, các sản phẩm đặc trưng có lợi thế trên địa bàn tỉnh. Hướng dẫn, đào tạo, nâng cao trình độ cho các doanh nghiệp, HTX, chủ trang trại, khu du lịch sinh thái, xây dựng văn hóa du lịch chuyên nghiệp, thân thiện, an toàn và văn minh.