Chàng dược sĩ bỏ phố về quê, kiếm thu nhập khủng từ mô hình khởi nghiệp độc đáo
Rời xa phố thị, nhóm bạn trẻ từ Tp.HCM đã về quê bắt đầu giấc mơ khởi nghiệp.
Rời thành phố hoa lệ về núi rừng hoang sơ
Dẫn đầu nhóm khởi nghiệp là anh Thái Minh Tiến (SN 1995), một dược sĩ có công việc ổn định tại Tp.HCM, từng là giảng viên Khoa Dược, Trường đại học Lạc Hồng. Sau 1 năm đứng lớp, nhận thấy môi trường sư phạm hơi gò bó so với tính cách và đôi chân hay đi, Tiến xin nghỉ rồi ra ngoài làm quản lý kinh doanh của nhiều công ty dược trong và ngoài nước.
Anh Tiến có tình yêu thiên nhiên và niềm tin vào tiềm năng kinh tế từ nguồn tài nguyên rừng ở quê nhà. Một ý tưởng khởi nghiệp táo bạo đã nhen nhóm bên trong chàng trai trẻ này. Tiến đã cùng 4 người bạn của mình “bỏ phố về quê” từ năm 2020 để khởi nghiệp.
Chia sẻ với PV Người Đưa Tin, anh Tiến bồi hồi kể lại lý do đưa ra một quyết định lớn trong đời như vậy. Anh cho biết, bản thân là người con của xã An Toàn, huyện An Lão (tỉnh Bình Định).
Anh biết rõ nơi đây không chỉ sở hữu cảnh sắc kỳ vĩ mà còn là kho báu dược liệu quý giá với những loại cây thuốc cổ truyền mang giá trị kinh tế cao. Nhìn thấy tiềm năng lớn về du lịch lẫn kinh tế từ dược liệu, anh không ngần ngại thử thách bản thân.
“Nhu cầu sử dụng dược liệu hữu cơ hiện nay đang tăng cao, và chúng tôi tin rằng đây là cơ hội lớn để phát triển ngành này, đồng thời tạo ra giá trị cho địa phương”, anh Tiến chia sẻ.
Nhận thấy cần có tổ chức để phát triển bài bản, nhóm bạn trẻ này đã thành lập Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp và Dịch vụ An Toàn, do anh Tiến làm Giám đốc. Hợp tác tập trung khai thác nguồn dược liệu có sẵn và phát triển thêm các loại thuốc như: nấm lim xanh, trà thảo dược insulac, chè dây dạ cẩm, cao dược liệu,…
Ngoài ra, họ còn ủng hộ người dân địa phương chuyển đổi cây trồng, chế biến sản phẩm từ dứa (còn gọi là thơm, khóm) và khoai mì thành hàng hóa giá trị cao như: dứa sấy, mật dứa, bột năng để ổn định giá thành, cung cấp cho nhiều thị trường.
Sự thay đổi này giúp bà con thoát khỏi tình trạng thu nhập bấp bênh từ việc bán sản phẩm thô, đồng thời tối ưu hóa giá trị kinh tế từ từng mảnh đất, từng khu rừng. Nhiều sản phẩm của HTX hiện đã đạt được chứng nhận OCOP cấp huyện, khẳng định chất lượng và tiềm năng vươn xa.
Mô hình du lịch sinh thái kết hợp dược liệu giúp phát triển kinh tế địa phương
Xã An Toàn có khoảng 260 hộ dân, với trên 1.000 nhân khẩu, chủ yếu đồng bào thiểu số Bana và Hre, trong đó tỉ lệ hộ nghèo chiếm trên 90%, đời sống kinh tế người dân còn rất khó khăn.
Chia sẻ với PV, một người dân cho biết, trước kia nơi đây chỉ làm nương, rẫy, trồng dứa, khoai. Tuy nhiên, thu nhập rất bấp bênh, đời sống bà con vô cùng khó khăn, chính vì vậy đến hiện tại, mô hình trồng dược liệu đã góp phần thúc đẩy kinh tế, tạo kế sinh nhai cho bà con.
Không chỉ dừng lại ngoài việc trồng dược liệu, nhóm bạn trẻ của anh Tiến cũng đã tận dụng thiên nhiên, cảnh sắc để phát triển mô hình du lịch sinh thái farmstay, tận dụng triệt để vẻ đẹp thiên nhiên của An Lão để thu hút du lịch.
Anh Tiến cho biết, du khách đến farmstay không chỉ được tham quan, nghỉ dưỡng mà còn có cơ hội trải nghiệm cuộc sống vùng núi, sử dụng các dịch vụ, sản phẩm y học cổ truyền phục hồi sức khỏe. Mô hình này không chỉ thu hút khách du lịch mà còn giúp cải thiện đời sống văn hóa và kinh tế cho đồng bào người Bana tại địa phương.
Nhóm khởi nghiệp trẻ tại xã An Toàn đã biến giấc mơ thành hiện thực, đưa dược liệu và du lịch sinh thái thành 2 mũi phát triển kinh tế. Trong thời gian tới, họ dự định nhân rộng mô hình này ra nhiều tỉnh thành khác, đặc biệt là những khu vực còn khó khăn.
Sau 2 năm phát triển, HTX của anh Tiến đã có 5 sản phẩm tiên phong ra thị trường và lên kệ các nhà thuốc trên toàn quốc.
Hiện tại, HTX liên kết với 30 hộ dân người đồng bào trồng đương quy và thường xuân. Ngoài ra, HTX đang làm giống đương quy, cung cấp cho Ban quản lý rừng đặc dụng An Toàn để trồng thí nghiệm.
Anh Tiến cho hay, sâm đương quy có giá trị cao, trồng 1 năm sẽ cho thu hoạch, với giá bán hiện tại 40.000 đồng/kg, anh và người dân có thể thu lãi 100-300 triệu đồng/ha.
Ông Đỗ Tùng Lâm, Phó Chủ tịch UBND Huyện ủy An Lão, cho biết, huyện đang lập quy hoạch phân khu để phát triển du lịch cho những địa điểm có nhiều tiềm năng.
"Công ty dược liệu đang phát triển mô hình trồng dược liệu sạch ở An Toàn trên diện tích 11ha với các loài dược liệu, gồm: thìa canh, cà gai leo, đinh lăng, chè dây, đương quy, ba kích, hà thủ ô đỏ, đảng sâm…
Ngoài ra, xã An Toàn còn có 1 HTX Nông dược liệu đang hoạt động rất hiệu quả, góp phần tạo công ăn việc làm cho người dân, giúp địa phương phát triển thêm các sản phẩm OCOP dược liệu, du lịch sinh thái", ông Đỗ Tùng Lâm chia sẻ.
Hành trình “bỏ phố về quê” chưa bao giờ dễ dàng. Ban đầu, nhóm gặp nhiều khó khăn để thích ứng với cuộc sống nơi núi rừng. Khi về đây, cuộc sống của anh Tiến và các bạn thay đổi “180 độ”, thay vì cầm bút viết, gõ laptop, anh chuyển sang cầm cuốc, cầm liềm.
Nhờ có chung niềm say mê với thiên nhiên và cây thuốc, khao khát tạo giá trị cho dược liệu Việt, công việc chế biến dược liệu đã vào guồng “nóng máy”. Với niềm đam mê và nỗ lực không ngừng, họ đã hái thành công, tạo nên những giá trị bền vững cho mảnh đất An Lão và cộng đồng địa phương.