Vùng Đông bừng sáng

'Muốn làm giàu tìm đất có thế'! Nghiệm lại lời của tiền nhân, tôi liên tưởng đến vùng Đông Nam của thành phố - Khu Kinh tế (KKT) Chân Mây - Lăng Cô, nơi đã và đang tạo cực tăng trưởng kinh tế hấp dẫn.

 Hàng hóa qua cảng Chân Mây

Hàng hóa qua cảng Chân Mây

Không còn đất bạc

Trong hoài niệm của nhiều người, vùng Đông Phú Lộc là những trảng cát trải dài, với những hàng phi lao bạc màu hứng nắng và gió. Đường vào từ QL1A chỉ là những lối mòn nhỏ, nhà cửa hai bên chỉ vài nóc, vách tạm bợ. Phía ra biển nhịp sống có sôi động hơn, nhưng chỉ là cảnh trao đổi mua bán cá, tôm sau những chuyến ra khơi của ghe thuyền nhỏ tầm sáng và chiều.

Tôi có người bạn, nhà ở cạnh biển Bình An (Lộc Vĩnh) nhìn về hướng Nam khoảng 500m là cảng biển Chân Mây. Anh có hai người con nhưng luôn sấp mặt với biển, hễ đến đầu năm học là bở hơi tai lo tiền sách vở, quần áo. Mỗi lần thấy dáng vẻ tất bật của anh, tôi thầm nghĩ không biết bao giờ những người miền biển mới đỡ vất vả hơn chứ chưa nói đến chuyện làm giàu...

Nhưng mới đây gặp lại, anh khoe đã vào làm nhân viên ở một công ty du lịch dịch vụ ở quê. Đứa con đầu cũng làm việc ở cảng Chân Mây. Các thành viên trong nhà đều có thời gian biểu - sáng vào ca, chiều về nhà và có ngày cuối tuần nghỉ ngơi...

Trò chuyện với anh Trần Công Minh, Chủ tịch UBND xã Lộc Vĩnh, điều làm tôi vui lây khi anh nói, quê anh giờ đang chờ ngày “lên phố”. Những cái khác ấy là nhờ Chính phủ, bộ, ngành và chuyên gia kinh tế đã chọn “thế đất” vùng Đông có cảnh sơn thủy hữu tình, đất đai bằng phẳng, hình thành KKT Chân Mây - Lăng Cô; trong đó cảng biển Chân Mây trở thành “trái tim” của vùng từ cách đây hai thập niên. Từ đó, vùng Đông từng ngày trỗi dậy với lực hấp dẫn từ nhiều nguồn để hình thành hệ thống giao thông đồng bộ, kết nối thông suốt đường biển, đường bộ, cao tốc, đường sắt Bắc - Nam, đường hàng không với hai đầu không xa là Cảng Hàng không quốc tế Phú Bài và Cảng Hàng không quốc tế Đà Nẵng cũng như kết nối với tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây nối Lào - Thái Lan… Bên cạnh đó, hàng loạt công ty, nhà máy mọc lên, nhiều doanh nghiệp lớn trong, ngoài nước về đầu tư… đã làm thay đổi diện mạo vùng Đông.

Nhờ “đất có thế” ở vùng đông mà phần nhiều người dân ở Lộc Tiến, Lộc Vĩnh… trước đây sống dựa vào ruộng đồng, biển cả thì nay họ có công việc ổn định, nhẹ nhàng hơn ở các nhà máy, công ty hoặc kinh doanh dịch vụ, thương mại... Nhiều người trẻ trước đây bươn chải mong có cuộc sống đổi thay ở các thành phố lớn, thì nay họ đã trở về làm việc và sinh sống ổn định ở các công ty, tập đoàn ở quê nhà.

Trung tâm kinh tế, logistics

Tôi không phải là người địa phương, nhưng mỗi lần về công tác là thêm một lần ngưỡng vọng sự đổi thay ở vùng Đông này. Bởi thời điểm nhắc đến chuyện quy hoạch phát triển vùng Đông thì KKT Chân Mây - Lăng Cô là chủ thể. Thế nên, người dân sở tại tin rằng họ đã có thêm cơ hội làm giàu. Điều họ tin là có cơ sở, bởi mấy năm qua, từ tỉnh đến Trung ương đều tập trung nguồn lực cho KKT Chân Mây - Lăng Cô.

Chỉ riêng chuyện đầu tư mở mang đường sá thông thương đã tạo cơ hội cho người dân tính chuyện làm ăn. Ông Lê Văn Tri - chủ doanh nghiệp chế biến thủy, hải sản ở thôn Cảnh Dương, xã Lộc Vĩnh kể, nhờ đường biển kết nối ra QL1A, nên sản phẩm mắm ruốc của cơ sở ông không chỉ được trao đổi, mua bán trong vùng mà đã ra Bắc vào Nam. "Không chỉ sản vật mắm ruốc, cá tôm; những thực phẩm cây trái, hoa màu sản xuất theo mùa vụ cũng đi xa hơn; có giá trị hơn. Từ đó người làm nghề nông, thủy, hải sản cũng có thêm kinh tế dư giả để làm nhà đẹp, nhà sang…", ông Tri trải lòng.

Tại rất nhiều hội nghị, hội thảo liên quan đến việc thu hút đầu tư của thành phố, không ít doanh nghiệp, tập đoàn lớn đến từ các quốc gia châu Âu, châu Mỹ, châu Á nhận định, ở vùng Đông của Huế có những điều kiện lý tưởng mà ít nơi nào ở Việt Nam có được, nhất là để phát triển du lịch, dịch vụ biển. Khi nhắc đến lợi thế du lịch, tôi càng hiểu ra vì sao gần 15 năm trước, những chuyên gia có con mắt tinh tường, kinh nghiệm trong hoạt động du lịch của Tập đoàn Banyan Tree (Singapore) khi chọn phía đông cảng Chân Mây là thôn Cù Dù (Lộc Vĩnh) để xây dựng Laguna Lăng Cô, với vốn đầu tư lên 1 tỷ USD. Hiện nay, Laguna Lăng Cô mong muốn nâng vốn đầu tư lên 2 tỷ USD cho giai đoạn mới mở rộng quy mô hoạt động dịch vụ du lịch, tạo dấu ấn thương hiệu đẳng cấp quốc tế.

Ngoài Laguna Lăng Cô, hiện có rất nhiều doanh nghiệp lớn chọn vùng phía đông để dừng chân, trong đó phải kể đến Công ty CP Kim Long Motors Huế. Công ty này chuyên sản xuất, lắp ráp xe khách, xe tải và linh kiện phụ tùng ô tô. Đến thời điểm này, công ty đã hoàn thành các hạng mục, nhà xưởng sản xuất giai đoạn 1 với tổng vốn đầu tư 6.600 tỷ đồng, công suất đạt khoảng 108.800 chiếc/năm. Công ty đang tiếp tục triển khai giai đoạn 2, với diện tích 164ha, dự kiến đưa vào hoạt động trong năm 2025, với nguồn vốn nâng lên khoảng 25.655 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho khoảng 2.100 lao động.

Mừng là khi Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, cũng như trong Quyết định phê duyệt Quy hoạch địa phương giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, vùng Đông, đặc biệt là KKT Chân Mây - Lăng Cô được quy hoạch trở thành trung tâm kinh tế, trung tâm vận chuyển logistics xanh, đô thị biển mang tầm quốc gia và quốc tế, trước mắt tạo đột phá đưa Huế trở thành vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Song Minh

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/kinh-te/vung-dong-bung-sang-150350.html
Zalo