Khai thác thị trường Hoa Kỳ: Đừng quên sở hữu trí tuệ
Quan tâm đến bảo vệ sở hữu trí tuệ là một trong những yếu tố quan trọng mang tính cốt lõi để doanh nghiệp Việt Nam khai thác hiệu quả thị trường Hoa Kỳ.
Thị trường tiềm năng
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê – Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 786,29 tỷ USD, tăng 15,4% so với năm trước. Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam. Trong tháng 1/2025, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Hoa Kỳ chạm ngưỡng 11,1 tỷ USD
![Ông Đỗ Tiến Thịnh phát biểu tại hội thảo. Ảnh Nguyễn Hòa](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_13_35_51470152/cd0a1d832ccdc5939cdc.jpg)
Ông Đỗ Tiến Thịnh phát biểu tại hội thảo. Ảnh Nguyễn Hòa
Theo Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương), Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 8 của Hoa Kỳ và là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 của Hoa Kỳ tại khu vực ASEAN. Chiều ngược lại, Hoa Kỳ là đối tác thương mại lớn thứ hai và là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Việc hai nước chính thức tuyên bố nâng cấp quan hệ lên mức Đối tác chiến lược toàn diện vào tháng 9/2023 đã tạo nền tảng vững chắc, giúp hoạt động hợp tác giữa hai nước đi vào chiều sâu, thực chất trên tất cả các trụ cột, trong đó trụ cột kinh tế - thương mại - đầu tư tiếp tục đóng vai trò là động lực trung tâm thúc đẩy quan hệ hai nước, đồng thời mở ra nhiều triển vọng cho hoạt động thương mại, đầu tư song phương hai nước trong năm 2025.
Triển vọng thâm nhập thị trường Hoa Kỳ của doanh nghiệp Việt Nam đang rất lớn, tuy nhiên theo các chuyên gia kinh tế chia sẻ tại Hội thảo Bảo vệ sở hữu trí tuệ và giải quyết các thách thức pháp lý: Hướng dẫn dành cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào thị trường Hoa Kỳ do Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) – Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với hai công ty luật hàng Ice Miller LLP và Duane Morris LLP tổ chức tại Hà Nội vào ngày 13/2: Hoa Kỳ là thị trường lớn, mang lại cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam trong việc mở rộng thị trường và gia tăng giá trị. Tuy nhiên, đây cũng là thị trường được đánh giá là một trong những thị trường khắt khe nhất thế giới với hệ thống pháp luật phức tạp, cùng với yêu cầu cao về tuân thủ các quy định liên quan đến sở hữu trí tuệ, đây đang là rào cản lớn đối với nhiều doanh nghiệp Việt Nam.
![Thị trường Hoa Kỳ là thị trường tiềm năng của doanh nghiệp Việt. Ảnh: Khánh Linh](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_13_35_51470152/86a75b2e6a60833eda71.jpg)
Thị trường Hoa Kỳ là thị trường tiềm năng của doanh nghiệp Việt. Ảnh: Khánh Linh
Quan tâm sở hữu trí tuệ
Chia sẻ tại hội thảo, ông Đỗ Tiến Thịnh – Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia cho rằng: Năm 2025, Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên và tiến tới tăng trưởng 2 con số trong giai đoạn 2026-2030, kỳ vọng đến năm 2045 trở thành quốc gia phát triển. Để đạt được mục tiêu trên, phát triển khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo là những yếu tố cần được quan tâm, trên thực tế, cơ chế, chính sách đối với phát triển khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo thời gian qua cũng có sự phát triển nhanh. Tuy nhiên, một trong những yếu tố trụ cột để phát triển khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo là vấn đề bảo hộ sở hữu trí tuệ.
Cũng theo ông Đỗ Tiến Thịnh, để Việt Nam vươn ra thế giới bắt buộc các doanh nghiệp Việt Nam phải tuân thủ luật chơi của sở hữu trí tuệ, đấy mới là nền tảng cho sự phát triển bền vững. Bảo hộ sở hữu trí tuệ cũng giúp doanh nghiệp giảm được sự cố, tranh chấp có thể xảy đến trong quá trình hoạt động kinh doanh tại thị trường Hoa Kỳ.
Liên quan đến vấn đề này, tiến sỹ luật Justin Swindells đến từ Công ty luật Ice Miller LLP cho rằng: Bảo hộ sở hữu trí tuệ mang tính chất ngăn chặn vi phạm sở hữu trí tuệ, vì người cố tính vi phạm sẽ phải trả giá đắt thông qua việc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Đồng thời, bảo hộ sở hữu trí tuệ cũng giúp các doanh nghiệp nâng cao vị thế.
“Việc có bằng sáng chế sẽ mang lại lợi ích rất lớn cho công việc kinh doanh của doanh nghiệp và khi sử dụng sở hữu trí tuệ một cách bài bản, có chiến lược sẽ giúp doanh nghiệp có được lợi thế cạnh tranh rất lớn trên thị trường” – ông Justin Swindells khẳng định.
Chia sẻ tại sự kiện, các chuyên gia cũng nhấn mạnh đến tấm quan trọng của sở hữu trí tuệ đối với doanh nghiệp khi thâm nhập thị trường Hoa Kỳ, đồng thời thực hiện thẩm định IP (IP due diligence) trước các giao dịch lớn, và đánh giá tự do sử dụng (freedom-to-operate) để giảm thiểu các tranh chấp pháp lý về sau.
Tiến sỹ luật Mai Zymaris - Luật sư Thành viên tại Ice Miller LLP cho rằng: "Sở hữu trí tuệ không chỉ là một công cụ bảo vệ doanh nghiệp mà còn là đòn bẩy giúp doanh nghiệp phát triển và thu hút đầu tư. Việc xây dựng một danh mục IP mạnh mẽ sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam cạnh tranh hiệu quả hơn trên thị trường quốc tế."
Hoa Kỳ là thị trường lớn nhưng khắt khe nhất thế giới với hệ thống pháp luật và có yêu cầu cao về tuân thủ các quy định liên quan đến sở hữu trí tuệ, đây đang là rào cản lớn đối với nhiều doanh nghiệp Việt Nam.