Khai thác nguồn lực đất đai từ các trụ sở cơ quan không sử dụng
Tại Nghị quyết số 68-NQ/TW, Bộ Chính trị đã yêu cầu xây dựng cơ chế, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận đất đai phục vụ sản xuất, kinh doanh. Đáng chú ý, các trụ sở cơ quan không sử dụng sẽ được xem xét đưa vào khai thác.
Mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm đã thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về Phát triển kinh tế tư nhân với nhiều tư tưởng đột phá.
Trong đó, nghị quyết đã đề cập tới việc tạo thuận lợi cho kinh tế tư nhân tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất, kinh doanh. Để hiện thực hóa mục tiêu này, Bộ Chính trị yêu cầu cần có cơ chế, chính sách phù hợp, kiểm soát biến động giá đất, đặc biệt là giá đất sản xuất, kinh doanh, phi nông nghiệp.
“Chậm nhất trong năm 2025, hoàn thành xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai kết nối với Trung tâm dữ liệu quốc gia và các cơ sở dữ liệu có liên quan. Thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực đất đai; công khai, minh bạch và chủ động cung cấp thông tin tới doanh nghiệp; giảm thiểu thời gian giải quyết thủ tục thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; hỗ trợ tích cực trong giải phóng mặt bằng”, nghị quyết nêu rõ.
Đáng chú ý, Bộ Chính trị yêu cầu các cơ quan chức năng tập trung tháo gỡ khó khăn đối với các dự án vướng thủ tục, chậm tiến độ; đưa vào khai thác nguồn lực đất đai bị lãng phí, đất công, trụ sở cơ quan không sử dụng, đất trong các vụ việc tranh chấp, vụ án kéo dài. Đồng thời có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp thuê nhà, đất là tài sản công chưa sử dụng hoặc không sử dụng tại địa phương.
Ngoài ra, các địa phương có thể sử dụng ngân sách địa phương để hỗ trợ chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, vườn ươm công nghệ, trên cơ sở yêu cầu, các chủ đầu tư dành một phần quỹ đất đã đầu tư cho các doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thuê.
Các địa phương sẽ căn cứ vào tình hình thực tế, xác định quỹ đất đối với từng khu công nghiệp, cụm công nghiệp nhằm đảm bảo bình quân tối thiểu 20 ha/khu, cụm công nghiệp hoặc 5% tổng quỹ đất đã đầu tư kết cấu hạ tầng dành cho các doanh nghiệp nêu trên.
“Nhà nước có chính sách giảm tối thiểu 30% tiền thuê lại đất cho các đối tượng này trong vòng 5 năm đầu kể từ ngày ký hợp đồng thuê đất. Khoản tiền thuê đất được giảm sẽ hoàn trả cho chủ đầu tư thông qua việc khấu trừ tiền thuê đất mà chủ đầu tư phải nộp theo quy định của pháp luật; có chính sách hỗ trợ về hạ tầng mặt bằng sạch, điện, nước, giao thông, thông tin liên lạc, thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp…”, nghị quyết khẳng định.
Để ngăn chặn tình trạng tài sản công bị sử dụng kém hiệu quả và lãng phí, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành các văn bản chỉ đạo, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương rà soát và xử lý tài sản công dôi dư. Mục tiêu của các chỉ đạo này không chỉ là chấn chỉnh những tồn tại trong công tác quản lý tài sản, mà còn nhằm tận dụng tốt hơn nguồn lực sẵn có, định hướng lại mục đích sử dụng cho phù hợp, từ đó tăng thu cho ngân sách và hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội.
Một dấu mốc quan trọng trong quá trình này là việc Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định 213/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Tổng kiểm kê tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý. Cuộc tổng kiểm kê này không đơn thuần dừng lại ở việc ghi nhận số lượng tài sản, mà còn tập trung đánh giá tình hình quản lý, mức độ hiệu quả trong khai thác và khả năng tái sử dụng các tài sản này, phục vụ cho các định hướng phát triển bền vững trong tương lai.
Theo ông Nguyễn Tân Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính), đây là lần tổng kiểm kê quy mô toàn quốc đầu tiên được thực hiện trên cơ sở pháp lý đầy đủ, có ứng dụng công nghệ thông tin và số hóa dữ liệu. Các kết quả thu được sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng chiến lược, kế hoạch và là nền tảng để ra các quyết định về quản lý đối với tài sản công. Đặc biệt, những dữ liệu này sẽ là tiền đề cho việc xử lý tài sản công dôi dư và thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính.