Chỉ định nhân sự chủ tịch, phó chủ tịch tỉnh sau sáp nhập đơn vị hành chính

Theo dự thảo nghị quyết sửa đổi Hiến pháp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ định chủ tịch, phó chủ tịch HĐND...; Thủ tướng Chính phủ chỉ định chủ tịch, phó chủ tịch UBND của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hình thành sau sắp xếp.

Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 đã được công bố để lấy ý kiến các tầng lớp nhân dân.

Theo đó, tại điều 110 quy định: Các đơn vị hành chính gồm tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Đối với đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Quốc hội thành lập. Việc xác định các loại đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và trình tự, thủ tục thành lập, giải thể, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính do Quốc hội quy định.

Kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện trong cả nước từ 1/7

Kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện trong cả nước từ 1/7

Dự thảo cũng sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 111 theo hướng: Chính quyền địa phương gồm có HĐND và UBND được tổ chức ở đơn vị hành chính phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Quốc hội quy định.

Trong khi đó, khoản 2 Điều 112 được sửa đổi, bổ sung theo hướng: Nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương được xác định trên cơ sở phân định thẩm quyền giữa các cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương và của chính quyền địa phương từng cấp.

Đối với khoản 1 Điều 114, được dự kiến sửa đổi, bổ sung theo hướng: UBND do HĐND cùng cấp bầu là cơ quan chấp hành của HĐND, cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, chịu trách nhiệm trước HĐND và cơ quan hành chính nhà nước cấp trên.

Lần sửa đổi này cũng được đề xuất theo hướng: Đại biểu HĐND có quyền chất vấn Chủ tịch UBND, các thành viên khác của UBND và người đứng đầu cơ quan thuộc UBND. Người bị chất vấn phải trả lời trước HĐND.

Đại biểu HĐND có quyền kiến nghị với các cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị ở địa phương. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị này có trách nhiệm tiếp đại biểu, xem xét, giải quyết kiến nghị của đại biểu.

Thủ tướng chỉ định chủ tịch, phó chủ tịch tỉnh

Về thời gian, dự thảo nêu rõ, nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025. Kể từ ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành, kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện trong cả nước.

Dự thảo cũng nêu rõ, khi kiện toàn tổ chức bộ máy của các cơ quan sau khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính và kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện trong năm 2025 thì không tiến hành bầu các chức danh chủ tịch, phó chủ tịch HĐND, trưởng các ban của HĐND, chủ tịch, phó chủ tịch, ủy viên UBND tại đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp;

Đồng thời không bầu trưởng đoàn, phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hình thành sau sắp xếp.

Căn cứ thông báo của cấp ủy có thẩm quyền quản lý cán bộ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ định chủ tịch, phó chủ tịch HĐND, trưởng các ban của HĐND, trưởng đoàn, phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hình thành sau sắp xếp;

Thủ tướng Chính phủ chỉ định chủ tịch, phó chủ tịch UBND của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hình thành sau sắp xếp;

Thường trực HĐND cấp tỉnh chỉ định ủy viên UBND của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hình thành sau sắp xếp và chỉ định chủ tịch, phó chủ tịch HĐND, trưởng các ban của HĐND, chủ tịch, phó chủ tịch UBND của đơn vị hành chính cấp xã hình thành sau sắp xếp;

Thường trực HĐND cấp xã chỉ định ủy viên UBND của đơn vị hành chính cấp xã hình thành sau sắp xếp.

Trường hợp đặc biệt, cho phép chỉ định nhân sự không phải là đại biểu HĐND giữ các chức danh lãnh đạo HĐND cấp tỉnh, cấp xã hình thành sau sắp xếp.

Luân Dũng

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/chi-dinh-nhan-su-chu-tich-pho-chu-tich-tinh-sau-sap-nhap-don-vi-hanh-chinh-post1739708.tpo
Zalo