Khai mạc Fesstival gốm Đồng Nai
Tối 27/4, UBND tỉnh Đồng Nai tổ chức khai mạc Festival gốm nhằm tôn vinh nghề gốm truyền thống, kết nối di sản với hiện đại, lan tỏa bản sắc văn hóa Biên Hòa - Đồng Nai đến khắp mọi miền đất nước và quốc tế.

Các đại biểu cắt băng khai mạc Festival gốm Đồng Nai năm 2025.
Festival gốm Đồng Nai diễn ra trong 4 ngày, từ 27-30/4 với nhiều hoạt động đa dạng, phong phú, hứa hẹn mang đến cho người dân, du khách những trải nghiệm thú vị về vùng đất Đồng Nai như: Tổ chức trưng bày, triển lãm sản phẩm ngành gốm; Tọa đàm “Những giải pháp bảo tồn, phát triển nghề gốm truyền thống trong thời kỳ hội nhập”; không gian trải nghiệm, điểm đến Gốm tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai; tổ chức cuộc thi “Thiết kế logo Festival, nhận diện thương hiệu Festival Gốm truyền thống Biên Hòa – Đồng Nai”; Tổ chức gian hàng thương mại quảng bá sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Đồng Nai…

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai phát biểu tại lễ khai mạc Festival gốm.
Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Dương Minh Dũng cho biết, nghề gốm Biên Hòa ra đời từ hơn 300 năm trước, gắn liền với quá xây dựng vùng đất phương Nam. Trải qua bao biến thiên của lịch sử, gốm Biên Hòa vẫn giữ được hồn cốt riêng. Những sản phẩm gốm mỹ thuật trang trí độc đáo, phong phú và đa dạng được trang trí hiện đại, tinh tế, sử dụng men nhẹ lửa, màu men thanh thoát, trong đó nét đặc trưng nhất và cũng là niềm tự hào của gốm Biên Hòa là “men xanh đồng trổ bông”. Ngoài ra, Gốm Biên Hòa - Đồng Nai còn nổi tiếng bởi các sản phẩm gốm đất nung không phủ men mang vẻ đẹp tự nhiên, rất được thị trường ưa chuộng.
Năm 1903, Trường Mỹ nghệ Biên Hòa (nay là Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai) được thành lập, nghề gốm Biên Hòa có bước ngoặt mới quan trọng trong quá trình phát triển, ghi dấu ấn bởi yếu tố mỹ thuật với tên gọi nổi tiếng “Gốm mỹ nghệ Biên Hòa”. Sự kết hợp giữa yếu tố truyền thống của gốm bản địa và kỹ thuật gốm phương Tây, gốm mỹ nghệ Biên Hòa đã nhanh chóng khẳng định ưu thế độc lập và xu hướng riêng. Không chỉ đóng góp về mặt văn hóa nghệ thuật, ngành Gốm mỹ nghệ còn đóng góp chung vào sự phát triển kinh tế của tỉnh Đồng Nai.

Người dân tham quan gian hàng trưng bày gốm Biên Hòa tại Festival gốm.
Theo ông Dương Minh Dũng, Festival Gốm tỉnh Đồng Nai năm 2025 không chỉ là dịp để tôn vinh giá trị truyền thống, tri ân các thế hệ nghệ nhân, mà còn là cầu nối để gốm Biên Hòa tiến xa hơn trên bản đồ gốm nghệ thuật thế giới, gắn kết giữa sáng tạo nghệ thuật, đổi mới công nghệ và phát triển du lịch - kinh tế địa phương; đồng thời tin tưởng nghề gốm truyền thống sẽ tiếp tục được các nhà khoa học, các cấp, các ngành hỗ trợ; các nhà đầu tư quan tâm tích cực; cộng đồng làng nghề cùng đồng thuận giữ gìn, phát triển có thể vừa bảo tồn, vừa đánh thức tiềm năng, mở ra triển vọng kết nối, nâng tầm phát triển trong khu vực và thế giới.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai khẳng định, Festival gốm Đồng Nai năm 2025 không chỉ là ngày hội của ngành gốm, mà còn là dịp để Đồng Nai lan tỏa bản sắc văn hóa đến bạn bè trong nước và quốc tế. Sự kiện mang đến thông điệp mạnh mẽ về cam kết của tỉnh trong việc xây dựng, bảo tồn và phát triển nghề gốm gắn với phát huy các giá trị văn hóa và bảo vệ môi trường, chuyển đổi số, nhằm tạo ra không gian, động lực phát triển mới cho nghề gốm phát triển nhanh, bền vững.