Tác nghiệp giữa lằn ranh sinh tử

Gần nửa thế kỷ trôi qua, ký ức về những ngày tháng cầm máy ảnh tác nghiệp trong mưa bom bão đạn, vượt biên giới sang nước bạn Lào để 'vào hang bắt cọp' vẫn còn in đậm trong tâm trí người phóng viên chiến trường - nhà báo, thiếu tá Trương Quang Hường (TP Hà Tĩnh).

Giữa những ngày tháng Tư lịch sử, tôi có dịp được gặp gỡ, trò chuyện cùng nhà báo Trương Quang Hường (SN 1945) tại căn nhà của gia đình ông trên con phố Huy Cận (TP Hà Tĩnh). Không gian trang trọng nhất của phòng khách là một “bảo tàng” thu nhỏ với tên gọi chất chứa niềm tự hào: “Một thời để nhớ”.

 Nhà báo - thiếu tá Trương Quang Hường năm nay tròn 80 tuổi.

Nhà báo - thiếu tá Trương Quang Hường năm nay tròn 80 tuổi.

Nơi đó lưu giữ những kỷ vật vô giá đối với một nhà báo trong suốt cuộc đời cầm bút, cầm máy. Đó là bức ảnh chụp Đại tướng Võ Nguyên Giáp đang tươi cười trò chuyện cùng nhà báo Quang Hường, có kèm bút tích đề tặng của Đại tướng; nhiều bức ảnh ghi lại khoảnh khắc trong bom đạn, chân dung những đồng đội đã cùng ông vào sinh ra tử; những bài báo nóng hổi tính thời sự và cả những chiếc máy ảnh cũ đã gắn bó với ông trong suốt những năm tháng ở chiến trường. Nâng niu từng kỷ vật, ông như được sống lại một thời tuổi trẻ sôi nổi và nhiệt huyết.

Với kỹ năng chụp ảnh vốn có cùng chuyên môn được đào tạo tại Trường Lý luận nghiệp vụ Bộ Văn hóa, từ năm 1964-1968, ông đảm nhận công tác tuyên truyền của ngành Văn hóa Hà Tĩnh, từng là Bí thư Chi đoàn Ty Văn hóa. Phát huy vai trò tiên phong, cuối năm 1969, ông xung phong nhập ngũ. Sau thời gian huấn luyện tân binh, ông được điều về Đại đội Thông tin; rồi về Ban Tuyên huấn (Bộ CHQS tỉnh).

 "Bảo tàng" thu nhỏ với tên gọi chất chứa niềm tự hào "Một thời để nhớ" của gia đình nhà báo Trương Quang Hường.

"Bảo tàng" thu nhỏ với tên gọi chất chứa niềm tự hào "Một thời để nhớ" của gia đình nhà báo Trương Quang Hường.

Năm 1972, tình hình chiến sự bước vào giai đoạn ác liệt. Ở mặt trận Lào, quân phỉ Vàng Pao hoành hành khắp vùng giải phóng. Chúng còn dụ dỗ, lôi kéo một số cán bộ chủ chốt của tỉnh Bolikhămxay như: Bua Xon - Tỉnh đội phó, Khăm Còn - Phó Tỉnh trưởng và một số công an, bộ đội địa phương… tuyên truyền, lừa phỉnh người dân địa phương, xuyên tạc hình ảnh bộ đội Việt Nam.

Trước tình hình đó, tháng 8/1972, Bộ Tư lệnh Quân khu IV quyết định thành lập Bộ Chỉ huy Mặt trận 872, đóng tại huyện Khăm Cợt do Trung tá Đỗ Kế Thoa làm chỉ huy trưởng. Nhà báo Quang Hường được điều động tham gia đơn vị này.

Một kế hoạch táo bạo “vào hang bắt cọp” được bộ chỉ huy vạch ra và ông Hường cùng 2 cán bộ nữa được “chọn mặt” cho nhiệm vụ tối mật này. Đêm 3/12/1972, khi ông Hường đang ngủ thì bị đánh thức và được thông báo, ngày 4/12, Bua Xon, Khăm Còn và một số tàn quân sẽ tập trung ở bản Mường Mày (Bolikhămxay) - quê hương của Bua Xon.

 Bức ảnh nhà báo Trương Quang Hường chụp cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nhiều kỷ vật ở chiến trường được ông gìn giữ cẩn thận.

Bức ảnh nhà báo Trương Quang Hường chụp cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nhiều kỷ vật ở chiến trường được ông gìn giữ cẩn thận.

Tổ chức giao nhiệm vụ cho ông Hường và anh Nguyễn Chuyến (chuyên gia quân sự tại Lào), anh Trần Văn Thái (một chiến sỹ trẻ) tìm mọi cách lọt vào hang ổ của địch, vận động bằng được bọn phỉ quay về với cách mạng.

“Đồng chí Nguyễn Chuyến là chuyên gia giỏi, hiểu biết phong tục tập quán và thành thạo tiếng nói của các dân tộc Lào, lại là anh em kết nghĩa của Bua Xon nên sẽ có lợi thế khi gặp đối phương. Anh em nhớ kết hợp chặt chẽ, dựa vào nhau để hoàn thành nhiệm vụ… Đồng chí là phóng viên, chụp ảnh tốt, thao tác nhanh, hãy phát huy nghề nghiệp trong chuyến đi đặc biệt này để thuyết phục, lôi kéo họ về với cách mạng” - ông Hường vẫn nhớ như in lời căn dặn của thủ trưởng Đỗ Kế Thoa trước khi lên đường.

Đúng 4h sáng 4/12/1972, ông Hường và 2 cộng sự gặp nhau tại địa điểm quy định. Hành trang “vào hang cọp” của 3 chiến sỹ không có bất cứ thứ gì ngoài chiếc túi đựng máy ảnh, phim, giấy và thuốc rửa ảnh.

 Những chiếc máy ảnh đã gắn bó với nhà báo Trương Quang Hường trong những năm tháng ở chiến trường.

Những chiếc máy ảnh đã gắn bó với nhà báo Trương Quang Hường trong những năm tháng ở chiến trường.

Ở vòng ngoài, chỉ huy đơn vị đã bố trí hỗ trợ trong trường hợp khẩn cấp, nhưng ai cũng tính đến tình huống xấu nhất có thể xảy ra với các anh. Vượt qua nhiều đồi cao, núi đá cheo leo, khe suối chảy xiết, phải ngụy trang để không bị bọn phỉ phát hiện, tối mịt, 3 người mới tới nơi.

Nhà Bua Xon được bọn phỉ canh gác nghiêm ngặt, trang bị đầy đủ súng ống. Đồng chí Nguyễn Chuyến cố giữ thái độ bình tĩnh, phong thái chững chạc nói bằng tiếng Lào: “Tôi là anh em kết nghĩa của Bua Xon. Nghe tin Bua Xon về, mấy anh em đến chúc mừng. Các anh cho bọn tôi vào đi!”.

Thấy ông Hường mang chiếc túi căng phồng, những tên lính râu ria rậm rạp, tay lăm lăm con dao tiến lại gần. Ông liền mở túi để chúng nhìn rõ máy móc bên trong. Thấy không có gì khả nghi, chúng cho các anh vào sau khi đã báo cáo với chỉ huy.

 Những hình ảnh, những dòng tin nóng hổi nhà báo Trương Quang Hường gửi về từ chiến trường được đăng tải trên các tờ báo lớn.

Những hình ảnh, những dòng tin nóng hổi nhà báo Trương Quang Hường gửi về từ chiến trường được đăng tải trên các tờ báo lớn.

Thấy Bua Xon, anh Nguyễn Chuyến tỏ vẻ vui mừng, lao đến ôm chầm lấy “người anh em”, rồi kéo ông Hường lại giới thiệu là phóng viên từ Hà Nội sang. Bọn chúng bắt tay ông nhưng ánh mắt đầy cảnh giác, thiếu thiện cảm.

Ông Hường nhanh trí lấy máy ảnh ra bấm lia lịa. Ánh đèn flash lóa sáng khiến chúng bất ngờ, thích thú. Bua Xon, Khăm Còn, bọn lính tráng cùng đám thanh niên, các bà, các chị đang mổ lợn, đồ xôi trong nhà cũng bị cuốn vào không khí vui vẻ đó, chen nhau cười tươi trước ống kính để được chụp ảnh.

Vừa chụp ảnh, ông Hường vừa đưa mắt quan sát địa hình, tìm hướng thoát thân trong trường hợp bất trắc. Ông ra hiệu cho đồng chí Thái lẻn ra bắt liên lạc để dặn kỹ đồng đội yểm trợ vòng ngoài.

Sau 1 ngày trèo đèo, lội suối, thêm 7 tiếng đồng hồ phải ăn uống, nhảy múa, hát hò cùng bà con dân bản; đấu trí với Bua Xon, Khăm Còn, các anh gần như kiệt sức. Trời càng về khuya, men rượu càng nồng, các anh chọn “đánh đòn tâm lý” với địch bằng cách thông báo tình hình chiến sự đã nghiêng về phía có lợi cho cách mạng, quân Vàng Pao đang nguy cấp, sân bay dã chiến Pha Hom lọt vào tay cách mạng, đường tiếp tế hàng không đã bị chặn…

 Ông Hường là cộng tác viên tích cực của Báo Hà Tĩnh và các tờ báo lớn trên cả nước.

Ông Hường là cộng tác viên tích cực của Báo Hà Tĩnh và các tờ báo lớn trên cả nước.

Thấy Bua Xon, Khăm Còn hoang mang, các anh tiếp tục thủ thỉ: không còn đường nào khác ngoài việc trở về với cách mạng; tết Bunpimay cũng đã cận kề, người thân đang chờ ngày sum họp... Những lời động viên chân tình như chạm vào góc sâu trong tâm hồn của kẻ lầm lỡ và những giọt nước mắt ăn năn, hối hận đã rơi xuống.

Nhận thấy thời cơ thuận lợi, 3h sáng, ông Hường mang phim ra rửa, tráng ảnh rồi in ra một loạt tấm ảnh cỡ nhỏ. Bua Xon, Khăm Còn và bọn tay chân thích thú, luôn miệng “Ngăm lái! Ngăm lái!” (Đẹp lắm! Đẹp lắm!).

Khi những tiếng gà đầu tiên trong bản gáy sáng cũng là lúc bọn chúng đồng ý giao nộp vũ khí, đầu hàng cách mạng. Ánh đèn flash trên tay người phóng viên chiến trường lại lóa sáng, ghi lại khoảnh khắc những tên chỉ huy cùng đàn em cúi mặt, lặng lẽ bước đi dưới sự dẫn độ của quân cách mạng.

“Đó là những bức ảnh quý giá nhất, những giây phút đáng nhớ, đáng tự hào nhất trong cuộc đời cầm máy của tôi. Chỉ đến khi được đứng trong vòng tay của đồng đội, chúng tôi mới thở phào nhẹ nhõm vì đã hoàn thành nhiệm vụ một cách trọn vẹn, an toàn” - nhà báo Quang Hường kể lại với cảm xúc vui sướng, tự hào.

 Nhà báo Trương Quang Hường và nhà báo Phan Thế Cải (nguyên phóng viên Báo Hà Tĩnh) thường xuyên gặp gỡ ôn lại những kỷ niệm cũ.

Nhà báo Trương Quang Hường và nhà báo Phan Thế Cải (nguyên phóng viên Báo Hà Tĩnh) thường xuyên gặp gỡ ôn lại những kỷ niệm cũ.

Sau chiến công vang dội đó, ông tiếp tục hoạt động tại chiến trường Lào, chiến trường miền Nam. Những bức ảnh chân thực, những dòng tin nóng hổi, những câu chuyện xúc động được truyền trực tiếp từ chiến trường khói lửa về Tòa soạn Báo Quân đội Nhân dân, Báo Nhân Dân, Báo Quân khu… đã kịp thời thông tin chiến sự, cổ vũ tinh thần quyết chiến, quyết thắng của quân và dân ta. Đến cuối năm 1975, khi đất nước hoàn toàn thống nhất, người phóng viên chiến trường ấy mới trở về quê hương, tiếp tục công tác tại Bộ CHQS tỉnh và Hội Nhà báo tỉnh.

Nghiệp cầm máy, cầm bút vẫn theo ông mãi những năm tháng về sau. Ông trở thành cộng tác viên tích cực của Báo Quân đội Nhân dân, Báo Hà Tĩnh. Từng bức ảnh, từng trang viết của ông vẫn tràn đầy nhiệt huyết và thấm đẫm “chất lính”.

Những ngày này, trong không khí náo nức kỷ niệm đại lễ 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nhà báo Quang Hường lại cùng những đồng nghiệp, đồng đội, những người bạn chí cốt ngồi bên nhau ôn lại kỷ niệm của những năm tháng không thể nào quên.

Video: Những kỷ niệm không thể nào quên của một phóng viên chiến trường.

Kiều Minh

Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/nguoi-chien-sy-cam-may-tac-nghiep-giua-lan-ranh-sinh-tu-post286786.html
Zalo