Khái lược Chủ soái Tao Đàn Chiêu Anh Các

Cả lịch sử chính thức của Việt Nam và các ghi chép của người châu Âu đều ghi lại sự thịnh vượng của thời Đại Việt quốc Nguyễn chúa và Tổng binh Đô Đốc, Tổng trấn Hà Tiên, Mạc Thiên Tích.

Lễ hội kỷ niệm 289 năm thành lập Tao đàn Chiêu Anh Các (1736-2025) chính thức diễn ra từ ngày 10/02 đến 12/02/2025 (13-15/01/Ất Tỵ) tại thành phố Hà Tiên, với 14 hoạt động văn hóa, văn học, nghệ thuật, thể thao, du lịch mang nét đặc trưng của Hà Tiên.

Chúng tôi trân trọng giới thiệu đến quý đọc giả Khái lược Cuộc đời và Sự nghiệp Quốc lão Mạc Thiên Tích, người tổ chức và Chủ soái “Tao Đàn Chiêu Anh Các”, sự kiện được diễn ra vào dịp Tết Nguyên Tiêu, Rằm tháng Giêng năm Bính Thìn (Chủ nhật, ngày 26/2/1736).

Quốc lão Mạc Thiên Tích (Mạc Thiên Tứ, Mạc Tông) hiệu Thụ Đức Hiên, sinh năm Canh Thìn (1700) tại Kampot, nay là một tỉnh phía nam Campuchia; phụ thân là Thượng trụ quốc Đại tướng quân Vũ Nghị Công Mạc Cửu, Quảng Đông, Trung Hoa, và hiền mẫu là bà Bùi Thị Lẫm, người phụ nữ ở vùng Biên Hòa, Gia Định, Việt Nam.

Theo sử liệu, Mạc Thiên Tích vốn nhân từ trung thực, bản tính thẳng thắn, anh dũng đấu tranh vì chính nghĩa, song có thiên phú văn chương nghệ thuật, học rộng hiểu sâu kinh sử, lão thông bách gia chư tử. Đối với công việc nhà nước, chính sách và thái độ của ông có liên quan chặt chẽ với chế độ của Đại Việt Quốc Nguyễn chúa.

Thuở thanh xuân, Mạc Thiên Tích đã biểu lộ sự thấu hiểu, cảm thông, đặt lợi ích người khác lên trên lợi ích cá nhân và luôn nghĩ tốt cho người, luôn nhận được sự ủng hộ của nhân dân Hà Tiên. Việc Tứ lễ quan-hôn-tang-tế, ông đều thể hiện lòng hiếu thảo và sự tôn kính sâu sắc, mọi người đều quý trọng. Sau khi “Dâng sớ tấu lên triều đình” và được sự tin tưởng của thân phụ Mạc Cửu công cử, ông nhận sứ mệnh ngoại giao, đặc phái viên liên lạc với Thủ phủ của Chúa Nguyễn ở Huế.

Năm Bính Thìn (1736), ông thừa kế phụ thân nhậm chức Tổng binh Đô đốc Hà Tiên và trở thành người cai trị Hà Tiên. Trên cương vị lãnh đạo, ông tích cực thúc đẩy chính quyền dân sự trong nước để phổ biến sâu rộng và thành tựu về văn hóa giáo dục, quán triệt thực hiện chính sách quốc gia và kế tục cha mình, phục vụ chế độ của Đại Việt Quốc Nguyễn chúa.

Ở thế kỷ XVIII, tại Hà tiên, Mạc Thiên Tích đã khuếch trương một số hạn nghạch chế tác kim khí, chia đặt văn võ nha thuộc tuyển lựa quản binh, lập các cơ quan dân sự và quân sự, xây dựng các cơ quan chính quyền, dựng lâu đài, phân chia đường phố và mở chợ quán. Nói cách khác, ông đã cải thiện khả năng phòng thủ quân sự và các cơ sở hành chính của Hà Tiên. Ngoài ra, để thực hiện các bước đô thị hóa, ông “quy hoạch khu thương mại” thu hút “doanh nhân và thương thuyền nhiều nước vãng lai”, thúc đẩy thương nghiệp xã hội phát triển bền vững.

Hà Tiên trấn được xây dựng bởi những Hoa kiều đến từ nhiều nước khác nhau nên Mạc Thiên Tích cũng rất coi trọng việc đảm bảo cho họ được an cư lạc nghiệp. Ông đã xây dựng một khu phố đô thị lớn, xung quanh trấn lỵ dựng nhiều làng mạc, tạo điều kiện lưu trú dài hạn hoặc tạm trú cho những người dân các nước Campuchia, Trung Hoa, Malaysia, Indonesia, Nhật Bản, Hà Lan. . .

Dưới thời Mạc Thiên Tích lãnh đạo chính quyền, Phật giáo Hà Tiên rất hưng thịnh, các cơ sở tự viện Phật giáo có đông Tăng chúng tu tập; giáo lý đạo Phật và tông chỉ Thiền tông được truyền bá phổ cập trong cộng đồng. Mặc dù đứng đầu chính quyền, là một Phật tử thuần thành nhưng thái độ của Mạc Thiên Tích rất cởi mở đối với các tôn giáo khác, tạo điều kiện tốt để truyền bá giáo lý bác ái của Đức Chúa.

Quốc Chúa Đại Việt Nguyễn Phúc Chú, vị chúa Nguyễn thứ bảy của chính quyền Đàng Trong trong lịch sử Việt Nam, Nguyễn Túc Tông Ninh Vương năm thứ 11 Bính Thìn niên (1736), triều đình đã ân chuẩn cho Tổng binh Đại đô đốc trấn Hà Tiên Mạc Thiên Tích đúc tiền bằng kim loại tiền đồng xu “An Pháp Nguyên Bảo” (安法元寶) và được thông hành tại Đàng trong, miền Nam Việt Nam thời đó.

Về nhân sĩ trí thức, theo ghi chép, Mạc Thiên Tích rất hào phóng chi tiêu tiền tài để chiêu hiền đãi ngộ nhân tài ở Hà Tiên, là những bậc xuất chúng đến từ nhà Thanh, Trung Hoa và những nơi khác. Sự trỗi dậy của nền văn hóa và giáo dục ở Đông Nam bắt nguồn từ ông.

Được sự ưu ái từ các học sĩ, ông tiến hành các đại hội học thuật, biên tập trước tác các tác phẩm văn học nghệ thuật để họ thể hiện sở trường của mình. Đầu xuân năm Bính Thìn (1736), nhân ngày Khánh hạ, Tổng binh Khâm sai Đại Đô đốc Hà Tiên trấn, bố cáo cho toàn thể nhân dân trong trấn được thưởng xuân, vui Tết trong suốt hai tuần, kể từ Tết Nguyên đán cho đến Tết Nguyên tiêu (節元宵), Rằm Tháng Giêng là ngày lễ hội truyền thống của Việt Nam và Trung Hoa. Đặc biệt, đêm Nguyên tiêu (Rằm tháng Giêng Âm lịch), Tổng binh Khâm sai Đại Đô đốc Hà Tiên trấn, tổ chức hội hoa đăng tại Đông Hồ Ấn Nguyệt và khai mạc Tao Đàn Chiêu Anh Các, triệu tập các bậc văn hào, thi nhân nghệ sĩ được dịp nhả ngọc phun châu thi tài ứng đối, dùng bút nghiên cho các vị thi văn nhân sĩ thảo luận, ghi chép thư tịch và tác phẩm “Hà Tiên vịnh thập cảnh” của ông được công chúng hưởng ứng ngưỡng mộ, một phong cách văn học nghệ thuật xuất hiện lần đầu tiên nơi vùng đất cuối trời Nam Tổ quốc.

Về mặt lễ nghi học thuật, Mạc Thiên Tích “thiết kế trang phục, áo mão, xây dựng cơ sở giáo dục”, hướng dẫn người dân địa phương giữ gìn gìn bản sắc văn hóa, phong tục tập quán Hán Việt theo kỷ cương quốc thể.

Năm Canh Ngọ (1750), ông kiến lập ngôi già lam Phù Dung Tự. Năm 1752-1758, hai lần ông trở về quê cha đất tổ Quảng Đông, Trung Hoa, thỉnh rất nhiều tượng Phật, Bồ tát và Pháp khí, văn hóa phẩm Phật giáo; trong đó, pho tượng Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu vẫn còn nguyên vẹn, hiện thờ trên điện Ngọc Hoàng; tượng Phật bằng đồng hiện đang thờ tại chính điện Phù Dung Cổ Tự và bộ Tam tạng kinh Gia Hưng Tạng (嘉興藏), một phiên bản Đại tạng kinh mộc bản, được thực hiện từ thời nhà Minh sang đến thời nhà Thanh. Gia Hưng tạng bổ sung nhiều kinh văn không chính thức so với các phiên bản Đại tạng kinh trước đó, được xem là bộ tổng tập đầy đủ đầu tiên của Đại tạng kinh vẫn được bảo tồn rất tốt tại Tổ đình Thập Tháp Di Đà, Bình Định.

Quốc Lão Bảo Điện

Quốc Lão Bảo Điện

Năm Canh Dần (1770), cuộc khởi nghĩa Tây Sơn nổ ra ở miền Nam Việt Nam, Mạc Thiên Tích hộ giá Quốc chúa Nguyễn Ánh tỵ nạn sang Xiêm La (Thái Lan). Ông bị vua Xiêm La Trịnh Tín (Taksin) nghi ngờ và ông đã tuẫn tiết để bảo toàn khí tiết vào ngày 5 tháng 10 năm Canh Thìn (15/11/1700), hưởng thọ 81 xuân.

Sau khi ông mất, hiếu tử hiền tôn của ông tiếp tục trấn thủ Hà Tiên và bản thân ông được giới nhân sĩ trí thức Việt Nam tôn kính quý trọng. Nhiều thi nhân Việt Nam đã đến Từ đường họ Mạc và viết nhiều câu đối để tỏ lòng thành kính đối với ông.

Mùa thu, Minh Mạng tam niên (1822), Hoàng đế Đại Nam Nguyễn Thánh Tổ Minh Mạng đã truy phong Mạc Thiên Tích làm “Thần Đạt Nghĩa”:

Sắc phong Mạc Thiên Tứ (1822)

Sắc ban cho Thần Tổng binh Đại Đô Đốc Quốc Lão Sùng Quận Công Mạc Thiên Tứ hộ quốc an dân được sắc phong thờ tự, phụng sự Thế Tổ Cao Hoàng Đế của ta (tức Nguyễn Ánh - Gia Long) thống nhất trời biển, đến nay sáng chiếu khắp đất nước rộng lớn. Nay tưởng nhớ đến công ơn phò vua giúp nước của Thần nên sắc phong cho danh hiệu cao quý KHẢ GIA PHONG ĐẠT NGHĨA CHI THẦN. Chuẩn theo lệ xưa, cho phép nhân dân xã Mỹ Đức, trấn Hà Tiên tiếp tục phụng thờ Thần. Thần ĐẠT NGHĨA bảo hộ lê dân trăm họ.

Nay ban Sắc phong.

Ngày 24 tháng 9 Minh Mệnh năm thứ 3 (1822).

Hoàng đế Đại Nam Nguyễn Thánh Tổ Minh Mạng

Quốc lão Mạc Thiên Tích từng hạ bút “Văn chương khởi nguồn từ nguyên khí, sự nghiệp lưu hương nơi xứ lạ”. Mặc dù sự nghiệp của ông cuối cùng bị chiến tranh phá hủy, nhưng các thương nhân, nhà kinh doanh đã để lại dấu ấn không phai mờ trong lịch sử khu vực Đông Nam Á.

Cả lịch sử chính thức của Việt Nam và các ghi chép của người châu Âu đều ghi lại sự thịnh vượng của thời Đại Việt quốc Nguyễn chúa và Tổng binh Đô Đốc, Tổng trấn Hà Tiên, Mạc Thiên Tích. Dưới chế độ bán độc lập, Hà Tiên đã phát triển thành trung tâm thương mại quan trọng nhất Đông Nam Á.

Hà Tiên đóng vai trò hỗ trợ to lớn cho sự phát triển Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam, đồng thời cũng tích cực thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng người Hoa Đông Nam Á thời triều đại nhà Thanh, Trung Hoa.

Hà Tiên là một di sản không phai mờ trong lịch sử của cộng đồng người Hoa ở Đông Nam Á nói riêng và trong sự phát triển của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Tham khảo: 國立臺灣歷史博物館

Tác giả: Thích Vân Phong

Nguồn Tạp chí Phật học: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/khai-luoc-chu-soai-tao-dan-chieu-anh-cac.html
Zalo