Chồng Mỹ U80 mê áo dài, muốn làm điều đặc biệt cho vợ Việt kém 37 tuổi
Chồng Mỹ U80 của chị Quỳnh Như rất thích không khí đón Tết cổ truyền của người Việt. Ông luôn muốn làm một điều cho vợ con mỗi dịp đón năm mới.
Năm 2005, ông William Andrew Maley (SN 1949, quốc tịch Mỹ) kết hôn với vợ kém 37 tuổi là chị Nguyễn Thị Quỳnh Như. Hiện vợ chồng ông sống tại Arizona (Mỹ) cùng 2 con trai.
20 năm bên nhau là 20 lần ông William đón Tết cổ truyền cùng vợ con. Ông yêu thích không khí Tết đến mức bị vợ trêu kiếp trước là người Việt Nam. Tuy nhiên, điều kiện ở Mỹ không cho phép ông trải nghiệm đầy đủ nét đẹp của Tết cổ truyền.
![Vợ chồng chị Như đều rất thích không khí đón Tết cổ truyền](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_11_23_51449354/7b7fdaa4efea06b45ffb.jpg)
Vợ chồng chị Như đều rất thích không khí đón Tết cổ truyền
Năm nay, mẹ vợ không về Việt Nam ăn Tết nên rủ vợ chồng ông nấu bánh tét. Nghe vậy, ông liền mời mẹ vợ sang vườn nhà để gói và nấu bánh bằng bếp củi.
Dù cưới vợ Việt 20 năm nhưng đây là lần đầu ông trực tiếp tham gia nấu bánh tét. Ông háo hức xen lẫn tò mò, liên tục thắc mắc và hỏi vợ đủ thứ.
![Chồng chị Như thích mặc áo dài, đón Tết cùng vợ con](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_11_23_51449354/ae0d01d63498ddc68489.jpg)
Chồng chị Như thích mặc áo dài, đón Tết cùng vợ con
Ông cùng vợ đi chợ mua nguyên liệu, ra vườn nhà cắt lá chuối. Sau đó, hai người nhận nhiệm vụ rửa, lau lá chuối và sơ chế các nguyên liệu.
Đến công đoạn nấu bánh, ông William xung phong tìm củi, canh lửa, bưng nồi nước luộc bánh… Trong lúc canh nồi bánh tét, bạn bè gọi điện đến hỏi thăm thì ông khoe đang bận nấu bánh tét.
![Ông William được phân công canh chừng nồi bánh tét](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_11_23_51449354/9b0231d90497edc9b486.jpg)
Ông William được phân công canh chừng nồi bánh tét
Chị Như chia sẻ: “Năm nay, mẹ tôi gói bánh tét nhân mặn (thịt đậu xanh) và nhân chay (chuối) với 2 kích cỡ khác nhau.
Do nấu bánh ngoài trời nên chúng tôi phải chịu cái lạnh thấu xương trong khoảng 10 giờ. Mẹ, tôi và chồng phải chia ca trông chừng nồi bánh.
Nấu bánh giữa thời tiết lạnh giá khá vất vả nhưng chúng tôi rất thích cảm giác ngồi chờ bánh chín. Hơi ấm từ bếp lửa gợi lại hình bóng quê nhà và ký ức về Tết thuở bé”.
Bánh chín, mẹ vợ cắt cho vợ chồng ông William ăn thử. Bánh dẻo thơm, màu sắc đẹp và nêm nếm vừa ăn.
Chàng rể Mỹ thưởng thức bánh tét và tấm tắc khen ngon. Tuy nhiên, ông lấy làm lạ, tại sao món bánh đơn giản nhưng nấu khá kỳ công như vậy.
![Ông William thưởng thức bánh tét trên đất Mỹ](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_11_23_51449354/2b0f9bd4ae9a47c41e8b.jpg)
Ông William thưởng thức bánh tét trên đất Mỹ
Sau đó, mẹ vợ chia cho nhà ông William 4 đòn bánh tét, số còn lại mang biếu người thân, họ hàng, bạn bè ở Mỹ.
Ngoài bánh tét, mẹ vợ ông còn làm giò thủ, củ kiệu, lạp xưởng, mứt dừa… Đặc biệt, mâm cơm Tết nơi xứ người không thể thiếu canh khổ qua và thịt kho trứng.
“Đó là 2 món ăn tôi rất thích, thích hơn cả bánh tét”, ông William chia sẻ.
Ước mong mỗi dịp Tết
Nhắc đến Tết, ông William dùng 2 từ “happy, enjoy” (tạm dịch: vui vẻ, tận hưởng) để miêu tả. Đây là cảm nhận của ông sau nhiều năm “ngắm” vợ đón năm mới.
![Chồng con chị Như trang trí nhà cửa đón Tết](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_11_23_51449354/02b3b06885266c783537.jpg)
Chồng con chị Như trang trí nhà cửa đón Tết
Còn với chị Như, Tết đang dần thay đổi, không còn nôn nao như thuở nhỏ. Tết xứ người làm sao sánh bằng không khí đón xuân ở quê nhà.
Dịp Tết nhằm thời điểm bận rộn của chồng con nên 20 năm lấy chồng, chị Như mới có 1 lần về quê đón Tết.
Dù vậy, chị thấy may mắn khi có gia đình bên cạnh, quây quần nấu bánh tét, du xuân. Đặc biệt, chồng con chị - những người chưa từng biết Tết là gì, đang cố gắng mang Tết về nhà.
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_11_23_51449354/956029bb1cf5f5abace4.jpg)
![Chồng con chị Như rất thích mặc áo dài](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_11_23_51449354/38498692b3dc5a8203cd.jpg)
Chồng con chị Như rất thích mặc áo dài
Từ chỗ thích điều vợ yêu, ông William mê luôn không khí chuẩn bị đón Tết. Ông thích mặc áo dài, cùng vợ con đi lễ chùa đầu năm.
Những ngày cận Tết, ông và 2 con trai tranh thủ tận dụng cây khô làm thành tiểu cảnh mai đào, giúp vợ dọn dẹp nhà cửa…
Ở Mỹ, tết Nguyên đán 2025 rơi vào những ngày trong tuần nên chị Như vẫn phải đi làm. Mùng 1 Tết, sau khi tan làm lúc 17h, chị Như vội vã về nhà, cùng chồng con diện áo dài du xuân.
Đầu tiên, họ đến nhà bố mẹ chị Như để xông đất và chúc mừng năm mới. Tại đây, các con của chị được ông bà ngoại lì xì.
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_11_23_51449354/34558d8eb8c0519e08d1.jpg)
![Ông William cùng 2 con đến xông đất nhà bố mẹ vợ và đi chùa](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_11_23_51449354/1ab4a26f97217e7f2730.jpg)
Ông William cùng 2 con đến xông đất nhà bố mẹ vợ và đi chùa
Trước đây, khi vợ chồng chị chưa có con thì ông William là người được nhận lì xì. Mỗi lần cầm phong bao đỏ trên tay, ông rất vui và thích thú.
Bây giờ, ông chỉ được nhận bao lì xì đỏ cầu may ở chùa. Ông rất quý món quà đó, luôn bỏ trong ví cả năm.
Nhiều năm qua, ông William luôn muốn đưa vợ con về Việt Nam đón Tết. Ông hy vọng thời gian tới sẽ có cơ hội làm được điều hằng mong mỏi.