Khai hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc, kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ về thăm Côn Sơn
Sáng 13/2 (16 tháng Giêng âm lịch), tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc (thành phố Chí Linh), tỉnh Hải Dương phối hợp cùng Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức lễ Khai hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc 2025.
Lễ hội năm nay là một sự kiện đặc biệt mang nhiều ý nghĩa, tưởng niệm 691 năm ngày viên tịch của Đệ Tổ Trúc Lâm Huyền Quang Tôn giả (1334 - 2025) và kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ về thăm Côn Sơn (15/2/1965 - 15/2/2025) và phát động Tết trồng cây.
Trong diễn văn tại buổi lễ, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Lê Ngọc Châu nhấn mạnh, Côn Sơn - Kiếp Bạc là vùng đất "địa linh nhân kiệt", nơi hội tụ tinh hoa văn hóa của dân tộc gắn liền với những trang sử hào hùng của đất nước.
Nơi đây không chỉ có non xanh, nước biếc mà còn là nơi quy tụ nhiều bậc cao nhân, hiền sĩ ẩn tu; nơi Thánh võ Trần Hưng Đạo chọn Vạn Kiếp lập đại bản doanh chống quân Nguyên - Mông xâm lược; nơi Tam tổ Trúc Lâm ẩn tàng; nơi Tư đồ Trần Nguyên Đán mở Động Thanh Hư, và cũng là nơi anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi chọn Côn Sơn để ngẫm suy việc dân, vận nước.
![Ông Trần Đức Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương khởi trống khai hội. Ảnh: Phùng Nguyện.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_13_595_51466168/95e97ff34fbda6e3ffac.jpg)
Ông Trần Đức Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương khởi trống khai hội. Ảnh: Phùng Nguyện.
Non thiêng vẫn đấy, di tích không mờ. Biết bao anh hùng hào kiệt đã nghiêng mình trước Côn Sơn hùng vĩ, Kiếp Bạc uy linh. Và ngày 15/2/1965, trong hành trình lần cuối về thăm Hải Dương, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã dừng chân tại Côn Sơn, để lại những dấu ấn sâu đậm trong lòng mỗi người dân Hải Dương nói riêng và cả nước nói chung.
Tại khu di tích lịch sử Côn Sơn, mỗi độ Tết đến, Xuân về, đồng bào cả nước và kiều bào ở nước ngoài lại nô nức về đây trẩy hội, thắp nén tâm hương tưởng nhớ Đệ tam tổ Thiền phái Phật giáo Trúc Lâm - Huyền Quang Tôn giả.
![Ông Lê Ngọc Châu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương đọc diễn văn khai hội và phát động Tết trồng cây. Ảnh: Phùng Nguyện.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_13_595_51466168/3a0fd415e45b0d05544a.jpg)
Ông Lê Ngọc Châu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương đọc diễn văn khai hội và phát động Tết trồng cây. Ảnh: Phùng Nguyện.
Huyền Quang Tôn giả tên thật là Lý Đạo Tái, sinh năm Giáp Dần (1254) đời vua Trần Thái Tông. Ngài là một trí thức tài năng, nổi tiếng thơ văn, đỗ Tiến sĩ từ năm 21 tuổi và từng làm quan tại Viện Hàn lâm. Năm 1305, ngài xuất gia thụ giới ở chùa Vĩnh Nghiêm, được ban pháp hiệu là Huyền Quang Tôn giả.
Đến năm 1330, Huyền Quang Tôn giả kế thừa và trở thành vị Tổ thứ ba của thiền phái Phật giáo Trúc Lâm, trụ trì chùa Côn Sơn. Trong thời gian trụ trì, ngài đã mở mang cảnh chùa, lập đài Cửu Phẩm liên hoa, biên soạn kinh sách, khai đàn thuyết pháp, tiếp tăng độ chúng… Dưới sự trụ trì của ngài, chùa Côn Sơn đã trở thành một trung tâm của thiền phái Phật giáo Trúc Lâm.
"Côn Sơn, Yên Tử, Quỳnh Lâm
Nếu ai chưa đến thiền tâm chưa thành".
![Thượng tọa Thích Thanh Vân, Trưởng Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Hải Dương cung tuyên văn tế Đệ Tổ Trúc Lâm Huyền Quang Tôn giả. Ảnh: Phùng Nguyện.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_13_595_51466168/da152b0f1b41f21fab50.jpg)
Thượng tọa Thích Thanh Vân, Trưởng Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Hải Dương cung tuyên văn tế Đệ Tổ Trúc Lâm Huyền Quang Tôn giả. Ảnh: Phùng Nguyện.
Ngày 23 tháng Giêng năm Khai Hựu thứ 6 (1334), Tổ Huyền Quang viên tịch tại Côn Sơn. Thái Thượng Hoàng Trần Minh Tông đã ban thụy hiệu là: Trúc Lâm thiền sư đệ tam đại, đặc phong tự pháp Huyền Quang Tôn giả. Ngày giỗ Tổ Huyền Quang đã trở thành nguồn gốc của lễ hội mùa Xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc.
Chốn tùng lâm đẹp đẽ
Ngược dòng lịch sử, cách đây 60 năm, vào ngày 15/2/1965, tỉnh Hải Dương vinh dự được đón Bác Hồ về thăm. Trong chuyến thăm, Bác đã đến nhiều địa điểm và có những lời huấn thị quý báu dành cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hải Dương.
Buổi sáng hôm đó, Bác đến thăm xã Hồng Thái (nay là xã Hồng Dụ, huyện Ninh Giang), đơn vị lá cờ đầu của phong trào làm thủy lợi toàn miền Bắc. Tại đây, Bác đã nói chuyện với cán bộ, bộ đội và nhân dân trong tỉnh.
Người căn dặn: “Là một trong những tỉnh trọng điểm lúa ở miền Bắc, Hải Dương phải phấn đấu làm cho nông nghiệp tiến bộ mạnh mẽ, toàn diện, vững chắc để cải thiện đời sống nhân dân, cung cấp nhiều lương thực và thực phẩm cho Nhà nước để góp phần tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hóa và đấu tranh thống nhất nước nhà”. Sau khi biểu dương những thành tích đã đạt được, Bác căn dặn Đảng viên và Đoàn viên phải đoàn kết nhất trí, xung phong gương mẫu trong mọi việc, làm cho Hải Dương trở thành một tỉnh gương mẫu.
![Các đại biểu, cùng đông đảo người dân và du khách thập phương dự lễ khai mạc. Ảnh: Phùng Nguyện.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_13_595_51466168/f8460b5c3b12d24c8b03.jpg)
Các đại biểu, cùng đông đảo người dân và du khách thập phương dự lễ khai mạc. Ảnh: Phùng Nguyện.
Buổi trưa, Bác tới xã Nam Chính (nay là xã Trần Phú, huyện Nam Sách), khi đó là xã có phong trào vệ sinh môi trường khá nhất tỉnh. Bác thăm hỏi đời sống nhân dân và căn dặn: “Cái gì đã khá thì phải cố gắng để giỏi hơn nữa, cái gì còn kém thì phải cố gắng để tiến lên khá… Bác mong Hải Dương có nhiều xã như Nam Chính...”.
![Các đại biểu, người dân và du khách thập phương dâng hương trước Tiền đường chùa Côn Sơn. Ảnh: Phùng Nguyện.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_13_595_51466168/ef651a7f2a31c36f9a20.jpg)
Các đại biểu, người dân và du khách thập phương dâng hương trước Tiền đường chùa Côn Sơn. Ảnh: Phùng Nguyện.
Buổi chiều hôm đó, Bác Hồ về thăm Côn Sơn, Chí Linh như tìm về sức mạnh của cội nguồn dân tộc. Sau khi thắp hương ở Chùa và Tổ đường, Bác dừng lại bên tấm bia “Côn Sơn Tư Phúc tự bi”. Bác vừa dịch, vừa giảng giải về nội dung của tấm bia. Hình ảnh Bác Hồ đọc bia ở chùa Côn Sơn đã trở thành ký ức thiêng liêng của mỗi người dân Việt Nam, là biểu tượng muôn đời về tấm gương tìm hiểu, trân trọng di sản văn hóa của dân tộc.
Sau đó, Bác cùng đoàn lên núi Côn Sơn thăm phong cảnh Thanh Hư động và dừng chân trên Thạch Bàn, nơi Nguyễn Trãi thường ngồi đọc sách, làm thơ và suy tư việc nước. Người căn dặn: “Cán bộ và nhân dân phải bảo vệ tốt di tích lịch sử, trồng nhiều cây để Côn Sơn trở thành chốn tùng lâm đẹp đẽ”.
![Lãnh đạo tỉnh Hải Dương và các đại biểu tham quan Trưng bày chuyên đề Hải Dương in dấu chân Người tại khu vực phía trước Nghi môn nội chùa Côn Sơn. Ảnh: Phùng Nguyện.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_13_595_51466168/bb164c0c7c42951ccc53.jpg)
Lãnh đạo tỉnh Hải Dương và các đại biểu tham quan Trưng bày chuyên đề Hải Dương in dấu chân Người tại khu vực phía trước Nghi môn nội chùa Côn Sơn. Ảnh: Phùng Nguyện.
Một truyền thống tốt đẹp
Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương cho biết, tại Côn Sơn, cùng với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, các ban, Bộ, ngành Trung ương, cán bộ và nhân dân Hải Dương đã có những việc làm thiết thực, tích cực trồng nhiều cây gây rừng, làm tốt công tác bảo vệ, trùng tu, tôn tạo, mở rộng không gian di tích. Thiên nhiên, cảnh sắc khu di tích ngày càng trở nên đẹp đẽ, trở thành danh thắng nổi tiếng trong và ngoài nước.
![Lãnh đạo tỉnh Hải Dương và các đại biểu trồng cây tại khuôn viên phía trước Nghi môn đền Nguyễn Trãi. Ảnh: Tuấn Anh.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_13_595_51466168/7cf884e2b4ac5df204bd.jpg)
Lãnh đạo tỉnh Hải Dương và các đại biểu trồng cây tại khuôn viên phía trước Nghi môn đền Nguyễn Trãi. Ảnh: Tuấn Anh.
Năm 2012 đánh dấu một cột mốc quan trọng khi khu di tích vinh dự nhận hai danh hiệu cao quý: Di tích Quốc gia đặc biệt và Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia cho Lễ hội truyền thống Côn Sơn - Kiếp Bạc. Đặc biệt, các di vật gồm Bia Thanh Hư Động, Bia Côn Sơn Tư Phúc tự bi, Bộ tượng Tam Thế Phật chùa Côn Sơn đều vinh dự được công nhận là Bảo vật Quốc gia vào các năm 2015, 2017 và năm 2024.
“Những kết quả đó đã minh chứng cho giá trị to lớn của Khu di tích đặc biệt Quốc gia Côn Sơn - Kiếp Bạc về văn hóa, lịch sử, tôn giáo tín ngưỡng, góp phần quan trọng và tính xác thực cho hồ sơ đề nghị Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc UNESCO ghi danh quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc là di sản thế giới.
Với lòng thành kính và niềm tự hào sâu sắc, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hải Dương luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc, không chỉ bảo tồn những giá trị lịch sử văn hóa mà còn mong muốn phát huy tiềm năng du lịch để giới thiệu những nét đẹp truyền thống của quê hương đến với du khách trong và ngoài nước”, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Lê Ngọc Châu phát biểu.
![Lãnh đạo tỉnh Hải Dương và các đại biểu thực hiện nghi thức khai mạc Tuần Văn hóa Du lịch và Xúc tiến Thương mại Lễ hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc 2025. Ảnh: Phùng Nguyện.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_13_595_51466168/05b1ffabcfe526bb7ff4.jpg)
Lãnh đạo tỉnh Hải Dương và các đại biểu thực hiện nghi thức khai mạc Tuần Văn hóa Du lịch và Xúc tiến Thương mại Lễ hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc 2025. Ảnh: Phùng Nguyện.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương, lễ khai hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc 2025, tưởng niệm 691 năm ngày viên tịch của Đệ Tổ Trúc Lâm Huyền Quang Tôn giả và kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ về thăm Côn Sơn được tổ chức trong những ngày đầu xuân năm 2025 - năm có nhiều sự kiện chính trị, văn hóa trọng đại của đất nước và của tỉnh. “Trong không khí vui tươi, linh thiêng của mùa xuân và lễ hội, chúng ta không quên lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào mùa xuân năm 1959, khi Người phát động phong trào trồng cây xanh, bảo vệ môi trường”, ông Lê Ngọc Châu nhấn mạnh.
![Lãnh đạo tỉnh Hải Dương cùng các đại biểu trải nghiệm, thưởng thức trà sen Kiếp Bạc và các sản phẩm đặc sản tại Tuần Văn hóa Du lịch và Xúc tiến Thương mại. Ảnh: Phùng Nguyện.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_13_595_51466168/ae8b529162df8b81d2ce.jpg)
Lãnh đạo tỉnh Hải Dương cùng các đại biểu trải nghiệm, thưởng thức trà sen Kiếp Bạc và các sản phẩm đặc sản tại Tuần Văn hóa Du lịch và Xúc tiến Thương mại. Ảnh: Phùng Nguyện.
Chủ tịch Hải Dương phát biểu: Ghi nhớ lời dạy của Bác: 'Việc này tốn kém ít mà lợi ích rất nhiều. Nước ta phong cảnh sẽ ngày càng tươi đẹp, khí hậu điều hòa hơn, cây gỗ đầy đủ hơn. Đó cũng là một cuộc thi đua yêu nước' và 'Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người, chúng ta càng thấm thía hơn tầm quan trọng của việc bảo vệ thiên nhiên.
Tết trồng cây từ đó đã trở thành một truyền thống tốt đẹp mỗi dịp Tết đến, Xuân về, vừa ích nước, lợi nhà, vừa góp phần làm giàu và giữ gìn cảnh quan xanh, sạch, đẹp cho xã hội. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, khi tỉnh ta đang hướng tới mục tiêu phát triển xanh, hiện đại, văn minh và giàu bản sắc, phong trào trồng cây mùa xuân càng trở nên ý nghĩa hơn bao giờ hết. Theo đó, UBND tỉnh Hải Dương đã quyết định tổ chức ra quân, phát động Tết trồng cây đời đời ơn Bác đồng loạt trên phạm vi toàn tỉnh ngay trong ngày 13/2/2025.
Ông Lê Ngọc Châu yêu cầu các địa phương trong tỉnh thực hiện nghiêm túc, hiệu quả thiết thực hoạt động này. Lựa chọn chủng loại cây trồng phải đảm báo có giá trị kinh tế, bảo vệ môi trường cao, phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu và quy hoạch của tỉnh.
Năm 2025 là năm cuối thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV. Đảng bộ, chính quyền các cấp đã và đang triển khai nhiều chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp toàn diện, đồng bộ với khát vọng lớn lao, đòi hỏi sự quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt từ các cấp, các ngành, các địa phương, cơ quan, đơn vị, đặc biệt là người đứng đầu, để hoàn thành xuất sắc chức trách, nhiệm vụ được giao.
Dịp này, thay mặt Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương kêu gọi toàn thể cán bộ, đảng viên, nhân dân Hải Dương tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng, bắt tay ngay vào những công việc cụ thể với khát vọng và khí thế mới. Mục tiêu là đạt và vượt mức chỉ tiêu, nhiệm vụ do Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra, tạo nền tảng vững chắc cho tỉnh nhà cùng các địa phương trong cả nước bước vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
![Người dân và du khách thập phương đến trải nghiệm, mua sắm các sản phẩm tại Tuần Văn hóa Du lịch và Xúc tiến Thương mại. Ảnh: Phùng Nguyện.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_13_595_51466168/26bfdba5ebeb02b55bfa.jpg)
Người dân và du khách thập phương đến trải nghiệm, mua sắm các sản phẩm tại Tuần Văn hóa Du lịch và Xúc tiến Thương mại. Ảnh: Phùng Nguyện.
Ngay sau lễ khai mạc, lãnh đạo tỉnh Hải Dương, các đại biểu, cùng người dân và du khách thập phương thực hiện dâng hương trước Tiền đường chùa Côn Sơn; tham quan Trưng bày chuyên đề Hải Dương in dấu chân Người tại khu vực phía trước Nghi môn nội chùa Côn Sơn.
Tiếp đến, lãnh đạo tỉnh Hải Dương và các đại biểu thực hiện Tết trồng cây “Côn Sơn - 60 năm thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh” kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ về thăm Côn Sơn (1965 - 2025) tại khuôn viên phía trước Nghi môn đền Nguyễn Trãi. Tại đây, có 60 cây thông cỡ lớn (cây cao 4 - 5m, đường kính gốc 10 - 15cm) tượng trưng cho 60 năm ngày Bác Hồ về thăm Côn Sơn và 300 cây thông nhỏ được Ban tổ chức trồng tại khu di tích Côn Sơn.
Cũng trong sáng nay, tại khu trải nghiệm Côn Sơn (cạnh lối đi lên đền thờ Nguyễn Trãi), Ban tổ chức Lễ hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2025 khai mạc Tuần Văn hóa Du lịch và Xúc tiến Thương mại hội xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc. Tại đây, có 42 gian hàng tham gia, trong đó có 7 gian hàng quảng bá, giới thiệu ẩm thực của Hải Dương và các tỉnh, thành trong cả nước; còn lại là các gian hàng giới thiệu về ẩm thực, nông sản tiêu biểu của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh cũng như giới thiệu các sản phẩm OCOP, du lịch, làng nghề truyền thống tỉnh Hải Dương và các tỉnh vùng Đồng bằng Sông Hồng.
Tuần Văn hóa, Du lịch và Xúc tiến Thương mại tại Lễ hội mùa Xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc năm nay do Tiểu ban Quảng bá Văn hóa, Du lịch và Xúc tiến Thương mại tổ chức diễn ra trong 4 ngày, từ ngày 13 - 16/2/2025 (tức các ngày 16,17, 18, 19 tháng Giêng âm lịch).
Tin liên quan
Những địa phương tăng trưởng hai con số ở vùng Đồng bằng sông Hồng
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_13_595_51466168/959d6a875ac9b397ead8.jpg)
Về Hải Dương trải nghiệm lễ hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_13_595_51466168/44f144eb74a59dfbc4b4.jpg)
Hải Dương phấn đấu hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát trong tháng 6
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_13_595_51466168/d9a9d8b3e8fd01a358ec.jpg)
Lễ rước nước và mộc dục độc đáo ở Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_13_595_51466168/d080d29ae2d40b8a52c5.jpg)
Ngũ Nhạc linh từ - Một nét riêng ở danh thắng Côn Sơn (Hải Dương)
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_13_595_51466168/e288e192d1dc388261cd.jpg)
Tưng bừng hội thi bánh chưng, bánh giầy tỉnh Hải Dương năm 2024
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_13_595_51466168/91699573a53d4c63152c.jpg)
Độc đáo lễ rước bánh chưng, bánh giầy tại lễ hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_13_595_51466168/c851cd4bfd05145b4d14.jpg)
Đối thoại về hồ sơ di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_13_595_51466168/ff23f939c97720297966.jpg)