Xứ Thanh: Nguồn cảm hứng lớn cho 'Mảnh đất lắm người nhiều ma'
Đất thiêng Thanh Hóa không chỉ sản sinh nhiều 'nhân kiệt' mà còn là nơi gắn bó, góp phần dựng nghiệp cho nhiều tướng lĩnh, nhà khoa học, nhà giáo dục, văn nghệ sĩ, trong đó có nhà văn Nguyễn Khắc Trường, tác giả tiểu thuyết 'Mảnh đất lắm người nhiều ma', một trong những tác phẩm xuất sắc nhất nền văn học Việt Nam đương đại vốn lấy nguồn tư liệu và cảm hứng chủ yếu từ xứ Thanh.
1. Chớm xuân 2025, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cùng tôi từ Hà Nội vào Thanh Hóa tham dự Đại hội cơ sở Hội Nhà văn Việt Nam nhiệm kỳ XI (2025 - 2030) Khu vực Bắc Trung Bộ. Trong câu chuyện, chúng tôi nhớ về một đàn anh gần gũi với Nguyễn Quang Thiều thời làm Báo Văn nghệ là Nguyễn Khắc Trường.
Nhà văn quê gốc Thái Nguyên cũng đầy duyên nợ với Thanh Hóa. Chính vùng đất giàu truyền thống lịch sử nhưng cũng đầy thăng trầm, bề bộn, phức tạp là nguồn tư liệu, cảm hứng, năng lượng chủ yếu cho ông viết nên thiên tiểu thuyết đời mình. Đó chính là “Mảnh đất lắm người nhiều ma”, một trong những tác phẩm thời hậu chiến hay nhất nền văn học đương đại nước ta.
![Nhà văn Nguyễn Khắc Trường.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_13_285_51467669/ee7d65bc54f2bdace4e3.jpg)
Nhà văn Nguyễn Khắc Trường.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho rằng: “Tiểu thuyết “Mảnh đất lắm người nhiều ma” là một tác phẩm đóng đinh vào nền văn học Việt Nam đương đại. Những gì ông viết trong tác phẩm này giống như một lời tiên tri về một thế giới chúng ta đang sống. Một thế giới người và ma lẫn lộn. Ma hiện hình trong cả những nơi chúng ta không hề nghĩ tới”.
2. Nhà văn Nguyễn Khắc Trường sinh ngày 6/7/1946 ở xã Bình Sơn, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Bắc Thái (nay là xã Bình Sơn, thành phố Sông Công, tỉnh Thái Nguyên). Sớm tỏ ra có năng khiếu văn chương, từ năm 15 tuổi ông đã có truyện ngắn đăng trên Tạp chí Văn học do nhà thơ Nông Quốc Chấn làm Tổng biên tập.
Học hết phổ thông ở vùng miền núi Võ Nhai, Nguyễn Khắc Trường sớm nhập ngũ phục vụ trong Quân chủng Phòng không - Không quân. Từ nhân viên thông tin vô tuyến điện, ông chuyển sang làm báo của quân chủng năm 1969. Mười năm sau - 1979, ông theo học Khóa I Trường Viết văn Nguyễn Du ở Hà Nội, tốt nghiệp được Tổng cục Chính trị điều về làm biên tập viên văn xuôi tại Tạp chí Văn nghệ Quân đội.
Năm 1992, với quân hàm Trung tá, Nguyễn Khắc Trường chuyển sang làm Trưởng ban Văn xuôi rồi làm Phó tổng biên tập Báo Văn nghệ - Hội Nhà văn Việt Nam. Đến năm 2003, ông lại chuyển sang làm Phó giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Hội Nhà văn cho tới lúc nghỉ hưu năm 2009. Ông còn được tín nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng Văn xuôi của Hội Nhà văn Việt Nam khóa VIII (2010-2015).
Tên thật là Nguyễn Khắc Trường nhưng thời gian đầu cầm bút ông lấy bút danh Thao Trường. Với bút danh này ông đã xuất bản các tác phẩm: “Cửa khẩu” (tập truyện vừa, 1972); “Thác rừng” (tập truyện ngắn, 1976); “Miền đất mặt trời”(tập truyện, 1982) và thiên bút ky á“Gặp lại anh hùng Núp” đoạt Giải nhất Cuộc thi Bút ký Đài Tiếng nói Việt Nam và Báo Văn nghệ tổ chức năm 1986.
Đến năm 1990, khi trình làng tiểu thuyết “Mảnh đất lắm người nhiều ma”, ông mới chính thức lấy tên thật làm bút danh là Nguyễn Khắc Trường. Đây như một bước ngoặt chuyển mình từ bỏ lối viết cũ, đổi mới sáng tạo, và nhanh chóng tạo tiếng vang cũng như vị thế cho ông trong nền văn học Việt Nam hiện đại bằng tác phẩm này.
Nếu như bút danh Thao Trường và các tác phẩm của ông trước đây còn ít người biết thì bút danh Nguyễn Khắc Trường với tiểu thuyết “Mảnh đất lắm người nhiều ma” nhanh chóng gây tiếng vang mạnh mẽ, đưa ông trở thành một trong những cây bút văn xuôi hàng đầu.
Sau khi được trao Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1991, tiểu thuyết “Mảnh đất lắm người nhiều ma” được dịch sang tiếng Pháp, chuyển thể thành phim truyền hình “Đất và người” càng gây ấn tượng sâu rộng trong đời sống văn học nghệ thuật. Với tư liệu và nguồn cảm hứng sáng tác nên “Mảnh đất lắm người nhiều ma”, có thể nói xứ Thanh đã “khai sinh” bút danh lừng lẫy Nguyễn Khắc Trường.
3. Sinh thời, nhà văn Nguyễn Khắc Trường hay tâm sự với đồng nghiệp rằng trong chúng ta có đến tám, chín mươi phần trăm có nguồn gốc từ nông dân. Điều ấy hoàn toàn đúng. Và tình yêu đối với làng quê và người nông dân luôn canh cánh trong lòng ông. Hễ có dịp là ông trở về quê mình hay ngược xuôi đây đó trên khắp các vùng nông thôn từ Bắc chí Nam để gặp gỡ trò chuyện với người nông dân. Ông cảm thấy mình mắc nợ họ. Một món nợ tự giác ăn sâu vào tâm thức.
Ông muốn viết về người nông dân, viết về đời sống đằng sau lũy tre làng với bao hỉ nộ ái ố. Một sự thôi thúc tự nhiên từ tâm cảm của một cây bút đầy trách nhiệm. Nhưng viết về nông thôn, nông dân thì đã có rất nhiều nhà văn viết. Có người thành công. Có người thất bại. Điều quan trọng là ông muốn viết khác họ. Viết một cách nghệ thuật trên cái nền hiện thực đã và đang diễn ra ở nông thôn Việt Nam sau khi đất nước thống nhất. Viết bằng sự trung thực và chính trực. Viết bằng tấm lòng của một con người có gốc rễ nông dân. Viết bằng tâm thế của một cây bút muốn thay đổi bút pháp chính mình và đổi mới văn chương vốn đang bị trì trệ trước thời cuộc.
![Bìa cuốn “Mảnh đất lắm người nhiều ma” của nhà văn Nguyễn Khắc Trường.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_13_285_51467669/036189a0b8ee51b008ff.jpg)
Bìa cuốn “Mảnh đất lắm người nhiều ma” của nhà văn Nguyễn Khắc Trường.
Sự thôi thúc nội tâm đã giúp Nguyễn Khắc Trường quyết định xin ngừng trực biên tập ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội, lên đường làm phóng viên đi thực tế tại các tỉnh Bắc Thái, Thanh Hóa, Hải Dương suốt ba tháng liền của năm 1988.
Địa phương thu hút sự quan tâm của ông hơn cả là tỉnh Thanh Hóa. Đặc biệt là ba huyện Triệu Sơn, Thọ Xuân, Nga Sơn. Đây là những nơi bấy giờ đang có những sự việc gây xôn xao dư luận. Vừa làm ăn khấm khá nhưng ba huyện này lại vừa có những câu chuyện liên quan tới sự mâu thuẫn, đố kỵ, tha hóa, tham ô, cửa quyền, trì trệ khá phức tạp. Cái đói giáp hạt đã trở nên ám ảnh người nông dân ngay cả những vùng trù phú.
Nguyễn Khắc Trường đã dành nhiều thời gian thâm nhập tìm hiểu đời sống sinh hoạt, làm việc, tập tục văn hóa, cách ứng xử của người nông dân những nơi này. Ông muốn biết căn nguyên của những mâu thuẫn bê bối gây chia rẽ, xuống cấp đạo đức, kiềm hãm sự phát triển của nông thôn mà tập trung ở những chức sắc “cường hào mới”.
Khi có được nguồn dữ liệu phong phú từ Thanh Hóa, Nguyễn Khắc Trường cảm thấy phóng sự không thể chuyển tải hết, mà cần đến trường thiên tiểu thuyết. Và ngay trong năm 1988, tác phẩm “Mảnh đất lắm người nhiều ma” đã được hoàn thành với gần bốn trăm trang in.
Cái đói giáp hạt từ người nông dân đã “ám” sang nhà văn. Tiểu thuyết mở đầu bằng câu: “Không dè cái đói giáp hạt này lại đủ móng vuốt nhảy xổ cả vào cái xóm Giếng Chùa, xóm vẫn quen đứng đầu về cái sang cái giàu toàn xã”. Cuối tác phẩm ông ghi: “Những ngày giáp hạt năm 1988”. Cái xóm Giếng Chùa là hình ảnh thu nhỏ của nông thôn Việt Nam bấy giờ, trong đó các nhân vật chính sống với nhau hơn bốn mươi năm, mà nổi bật là hình ảnh hai dòng họ Trịnh Bá và Vũ Đình hận thù và tranh đua ngày càng sâu đậm.
Những con người của hai dòng họ này như Vũ Đình Đại, Vũ Đình Phúc, Trịnh Bá Hoành, Trịnh Bá Thủ, Trịnh Bá Hàm luôn mâu thuẫn, thù hằn, tranh giành chức tước, âm mưu hại nhau cho đến các nhân vật như lão Quềnh, cô Son, Cô thống Biệu,… đã được nhà văn xây dựng thật ấn tượng từ tính cách đến ngôn ngữ, cách hành xử. Cái xóm Giếng Chùa của Nguyễn Khắc Trường được kiến tạo thành công, điển hình cho nông thôn miền Bắc nước ta thập niên 1980, giống như làng Hoàng Xá của Ngô Tất Tố hoặc làng Vũ Đại của Nam Cao đầu thế kỷ XX.