Khách hàng đồng hành cùng điện lực trong quản lý phụ tải

Trước dự báo phụ tải tăng cao trong các tháng nắng nóng năm 2025, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị đã chủ động triển khai các chương trình quản lý phụ tải.

Vừa qua, Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC), Tổng công ty Điện lực Thành phố Hồ Chí Minh (EVNHCMC) phối hợp với Báo Tiền phong tổ chức Hội thảo “Đáp ứng điện mùa nắng nóng: Thách thức và giải pháp”.

Theo dự báo phụ tải năm 2025 có thể tăng trưởng lên đến 12,2% cho cả năm, công suất cực đại toàn quốc đạt 54.510 MW. Năm 2025 là năm diễn ra nhiều dịp kỷ niệm lớn như 80 năm ngày thành lập nước, 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước…, cùng nhiều sự kiện hoạt động chính trị, ngoại giao, văn hóa. Trong khi đó, diễn biến thời tiết khó lường, không theo quy luật và ảnh hưởng của những biến động trong môi trường quốc tế cũng gây ảnh hưởng lớn đến Việt Nam nói chung và công tác bảo đảm cung cấp điện nói riêng.

Việc bảo đảm điện cho đời sống sinh hoạt của nhân dân, các sự kiện văn hóa, chính trị quan trọng trong năm 2025 đã được lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo Bộ Công Thương quan tâm chỉ đạo từ sớm. Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 03/01/2025 về việc chủ động giải pháp bảo đảm cung ứng điện phục vụ sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân trong thời gian cao điểm năm 2025 và giai đoạn 2026-2030, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 02/CT-BCT ngày 23/01/2025 về việc bảo đảm cung cấp điện trong thời gian cao điểm năm 2025 và giai đoạn 2026-2030.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Thế Hữu - Phó Cục trưởng Cục Điện lực (Bộ Công Thương) cho biết: Nghị quyết của Đảng, Chính phủ đã xác định mục tiêu phấn đấu đạt mức tăng trưởng khoảng 8% năm 2025 và tăng trưởng hai con số trong những năm tiếp theo. Điều này cũng đặt ra những thách thức nhất định đối với ngành Điện lực.

Bộ Công Thương cơ bản đánh giá việc cung cấp điện trong năm 2025 đã được các đơn vị chuẩn bị tương đối tốt. Tiếp nối kinh nghiệm đảm bảo điện của năm 2024, các cơ quan, đơn vị và đông đảo nhân dân đã có sự chuẩn bị, tham gia tích cực vào công tác đảm bảo điện, công tác tiết kiệm điện và điều chỉnh nhu cầu phụ tải.

Ngoài ra, ông Nguyễn Thế Hữu cho biết thêm: năm 2024 nhu cầu điện tăng gần 10%, nhưng công suất phụ tải cực đại chỉ tăng hơn 7%. Đây là dấu hiệu cho thấy người dân, doanh nghiệp, cơ quan đã có ý thức tốt trong việc dịch chuyển các nhu cầu sử dụng điện chưa thật cần thiết ra khỏi những khung giờ phụ tải cao. Điều này cũng giảm áp lực cho việc cung cấp điện, tạo điều kiện cho hệ thống điện vận hành hiệu quả, kinh tế hơn.

Tuy nhiên, do nhu cầu phụ tải mùa khô tiếp tục tăng cao, đồng thời tỷ lệ các nguồn điện năng lượng tái tạo cao, hệ thống điện vẫn tiềm ẩn những nguy cơ đối với cân bằng cung cầu điện, đặc biệt là khu vực miền Bắc và miền Nam.

Ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết: trong những ngày vừa qua, cả nước, đặc biệt là khu vực miền Bắc và miền Nam đang trải qua đợt nắng nóng với nhiệt độ tại nhiều địa phương đã chạm ngưỡng 38 độ C. Điều này dẫn đến nhu cầu sử dụng điện tăng vọt, đặc biệt là điện sinh hoạt và điện cho làm mát. Đây là áp lực không nhỏ đối với hệ thống điện quốc gia, từ khâu phát điện, truyền tải cho đến phân phối điện. Để đảm bảo điện cho mùa nắng nóng, không thể chỉ dựa vào nỗ lực của ngành Điện lực, mà cần sự đồng hành, chia sẻ, phối hợp chặt chẽ từ người dân, doanh nghiệp và toàn xã hội.

Trong năm 2025, mục tiêu điện thương phẩm đạt 300,9 tỷ kWh

Trong năm 2025, mục tiêu điện thương phẩm đạt 300,9 tỷ kWh

Trong năm 2025, mục tiêu điện thương phẩm đạt 300,9 tỷ kWh, với phương án dự phòng lên tới 305,6 tỷ kWh nhằm đáp ứng kịch bản tăng trưởng cao. Công suất phụ tải cực đại toàn hệ thống dự kiến đạt 54.510 MW, tăng 11,35% so với năm 2024.

Thời tiết đầu năm mát mẻ khiến phụ tải tăng chậm lại, trong quý 1/2025, sản lượng điện thương phẩm đạt 63,645 tỷ kWh, tăng khoảng 4,43% so với cùng kỳ năm trước; nhưng xu hướng phụ tải tiếp tục tăng cao trong mùa khô và mùa nắng nóng sắp tới. Trước tình hình đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã chủ động xây dựng các kịch bản cung ứng điện phù hợp với mọi tình huống - kể cả khi nhu cầu điện tăng trưởng tới 12-13% nhằm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Để phát triển hạ tầng nguồn và lưới điện, trong toàn Tập đoàn Điện lực Việt Nam, công tác đầu tư xây dựng các công trình được đẩy mạnh. Năm 2024, giá trị giải ngân vốn đầu tư toàn EVN đạt 112.892 tỷ đồng, vượt 10,8% kế hoạch năm. Tập đoàn Điện lực Việt Nam đang triển khai 10 dự án nguồn điện, với tổng công suất khoảng 8.800 MW. Trong đó, năm 2025, EVN tập trung hoàn thành các dự án trọng điểm như: Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng, Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch I, đường dây 500kV Lào Cai - Vĩnh Yên, đường dây 500/220kV Nho Quan - Phủ Lý - Thường Tín, đường dây cấp điện lưới quốc gia cho huyện Côn Đảo…

Trước dự báo phụ tải tăng cao trong các tháng nắng nóng năm 2025, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị đã chủ động triển khai các chương trình quản lý phụ tải: dịch chuyển phụ tải, tiết kiệm điện; vận động khách hàng đồng hành cùng Điện lực.

Lê Hoa

Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/khach-hang-dong-hanh-cung-dien-luc-trong-quan-ly-phu-tai-139709.htm
Zalo