Người dùng Việt Nam đang cung cấp nhiều dữ liệu cá nhân lên không gian mạng
Sáng 23/4, Hiệp hội An ninh mạng Quốc gia đã tổ chức tọa đàm 'Góp ý dự thảo Luật Bảo vệ Dữ liệu cá nhân'. Đại diện Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cho rằng, người dùng Việt Nam đang cung cấp nhiều dữ liệu cá nhân lên không gian mạng.
Tọa đàm được tổ chức với mục tiêu tăng cường lấy ý kiến rộng rãi của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân, góp phần trang bị kiến thức và nâng cao nhận thức xã hội về bảo vệ dữ liệu cá nhân, đảm bảo an toàn thông tin, an ninh mạng và quyền riêng tư trong kỷ nguyên số. Đây cũng là hoạt động hoàn thiện Dự thảo Luật trước khi trình Quốc hội thông qua vào tháng 5/2025. Luật dự kiến có hiệu lực từ tháng 1/2026.

Trung tướng Nguyễn Minh Chính, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội, Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao thông tin tại tọa đàm.
Phát biểu khai mạc, Trung tướng Nguyễn Minh Chính, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội, Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) cho biết: Việt Nam đang cùng lúc quyết tâm thực hiện nhiều cuộc cách mạng mang tính bước ngoặt lớn chưa từng có, nhằm hướng tới mục tiêu kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Đó là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với sự tích hợp cao độ của hệ thống kết nối số - vật lý - sinh học, sự đột phá của Internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo, xử lý dữ liệu lớn; cuộc cách mạng đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia theo tinh thần Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị và cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị trên cơ sở tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.
Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển và ứng dụng Internet cao nhất thế giới, đứng đầu khu vực Đông Nam Á về số lượng tên miền quốc gia; có ngành công nghiệp thông tin có thứ hạng cao trong khu vực và trên thế giới; cơ sở hạ tầng số phát triển nhanh, cơ sở hạ tầng dữ liệu và mạng lưới trung tâm dữ liệu được cải thiện, Trung tâm dữ liệu quốc gia được xây dựng quy mô lớn; Chính phủ điện tử ngày càng mở rộng; dân số trẻ, có trình độ học vấn, tỷ lệ người dân dùng điện thoại thông minh và sử dụng các ứng dụng, dịch vụ trên không gian mạng, nhất là mạng xã hội ở mức cao. Việt Nam hiện có gần 80 triệu người sử dụng Internet, chiếm tới hơn 2/3 dân số, đứng thứ 7 thế giới.
“Thông tin và dữ liệu, trong đó có dữ liệu cá nhân, sẽ trở thành nguyên liệu có giá trị nhất, sức mạnh ngày càng lớn và có thể sử dụng không hạn chế về quy mô, không gian, thời gian. An ninh dữ liệu, bảo vệ dữ liệu cá nhân gắn kết chặt chẽ với an ninh con người, an ninh quốc gia và chủ quyền dữ liệu quốc gia. Công nghệ thông tin ngày càng lan tỏa vào cuộc sống con người, người dùng càng cung cấp nhiều hơn thông tin, dữ liệu cá nhân cá nhân lên không gian mạng và cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, từ những thông tin cơ bản tới thông tin phản ánh sinh trắc học, tâm lý, suy nghĩ và hành động. Mức độ phổ biến của dữ liệu cá nhân trên không gian mạng tỷ lệ thuận với hậu quả xảy ra khi dữ liệu cá nhân không được bảo vệ tương xứng, đúng cách” Trung tướng Nguyễn Minh Chính cho biết.
Trong khi đó, nhận thức về bảo vệ dữ liệu cá nhân còn hạn chế; nhiều thông tin sinh trắc học, lý lịch cá nhân, mối quan hệ, tình trạng sức khỏe, tài chính được đăng tải công khai, trở thành nguồn dữ liệu cho các chương trình thu thập thông tin tự động. Tình trạng lộ, lọt, đánh cắp, buôn bán thông tin cá nhân trên không gian mạng cũng thường xuyên diễn ra. Ngày càng nhiều chủ thể thu thập, phân tích, xử lý dữ liệu cá nhân cho mục đích khác nhau nhưng không thông báo cho khách hàng hoặc để xảy ra hành vi vi phạm về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Nhiều dịch vụ trên không gian mạng mới xuất hiện, có hoạt động thu thập, khai thác, phân tích thông tin, dữ liệu cá nhân nhưng không có cơ chế quản lý dữ liệu người dùng đặt ra nhiều vấn đề liên quan tới an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Theo Trung tướng Nguyễn Minh Chính, trên thế giới đã có hơn 140 quốc gia ban hành văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân, gần nhất là Ấn Độ, Thái Lan và Malaysia. Việt Nam cũng không thể chậm trễ hơn trong việc ban hành Luật, Bộ Công an đã khẩn trương tham mưu Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân để xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV tháng 5/2025.

Quang cảnh tọa đàm.
Tại tọa đàm, đại diện Ban soạn thảo, Thiếu tá Đào Đức Triệu, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội, Trưởng Ban Nghiên cứu, tư vấn Chính sách và Pháp luật đã trình bày những nội dung trọng tâm trong Dự thảo, bao gồm: phạm vi điều chỉnh, nguyên tắc xử lý dữ liệu cá nhân, quyền và nghĩa vụ của các chủ thể, trách nhiệm bảo vệ dữ liệu, cơ chế xử lý vi phạm và bảo đảm quyền riêng tư trong môi trường số. Bài trình bày cũng làm rõ định hướng xây dựng luật trên tinh thần tiếp nối Nghị định số 13/2023/NĐ-CP, nhưng ở cấp độ cao hơn, đồng bộ và mang tính nền tảng.
Các chuyên gia đến từ Viện Quản trị Chính sách và Chiến lược phát triển đưa ra kiến nghị về hoàn thiện pháp luật bảo vệ dữ liệu cá nhân từ góc độ nghiên cứu và so sánh quốc tế; đại diện Tập đoàn Viettel chia sẻ những khó khăn và đề xuất hỗ trợ chính sách cho doanh nghiệp viễn thông trong quá trình triển khai Luật; trong khi Công ty VNDS trình bày kinh nghiệm thực tiễn trong việc tuân thủ các yêu cầu bảo vệ dữ liệu cá nhân tại doanh nghiệp công nghệ.
Phần thảo luận mở đã nhận được nhiều câu hỏi chất lượng xoay quanh các vấn đề quan trọng: định nghĩa và phân loại dữ liệu cá nhân, cơ chế bảo vệ dữ liệu nhạy cảm, chuyển dữ liệu ra nước ngoài, xếp hạng tín nhiệm bảo vệ dữ liệu, năng lực thực thi của doanh nghiệp vừa và nhỏ, và vai trò giám sát của cơ quan nhà nước sau khi luật có hiệu lực...
Các đại biểu đều đồng thuận rằng dữ liệu cá nhân là yếu tố gắn liền với quyền con người, quyền công dân, đồng thời có tác động sâu rộng đến an ninh mạng, an ninh quốc gia và toàn bộ hệ sinh thái số. Trong khi đó, hệ thống pháp luật hiện hành về bảo vệ dữ liệu còn phân tán, thiếu tính thống nhất. Theo thống kê, hiện có 69 văn bản quy phạm pháp luật đề cập đến dữ liệu cá nhân, nhưng mới chỉ có Nghị định 13/2023/NĐ-CP là văn bản đầu tiên cung cấp định nghĩa và nguyên tắc bảo vệ dữ liệu một cách tương đối đầy đủ.
Trong bối cảnh Việt Nam đang bước vào giai đoạn tăng tốc chuyển đổi số, việc xây dựng một đạo luật chuyên biệt về bảo vệ dữ liệu cá nhân là cấp thiết. Dự thảo Luật Bảo vệ Dữ liệu cá nhân gồm 7 chương, 69 điều, quy định đầy đủ về các nội dung: nguyên tắc xử lý dữ liệu, quyền và nghĩa vụ của chủ thể dữ liệu và bên liên quan, chuyển dữ liệu ra nước ngoài, đánh giá tác động dữ liệu, xếp hạng tín nhiệm bảo vệ dữ liệu, xử lý vi phạm và cơ chế kiểm tra, giám sát. Luật cũng điều chỉnh cả các tổ chức, cá nhân nước ngoài có hoạt động thu thập, xử lý dữ liệu công dân Việt Nam.