Khắc phục tình trạng chủ doanh nghiệp can thiệp quá sâu vào thu, chi tài chính công đoàn
Quy định kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động, là vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm của đại biểu quốc hội.
Tiếp tục chương trình kỳ họp, sáng 18/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Công đoàn (sửa đổi).
Liên quan đến điều 29 của dự thảo, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cùng một số đại biểu khác tán thành quy định: Kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động”.
Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, nên có sự linh hoạt trong việc quy định tỷ lệ phân bổ kinh phí công đoàn, không quy định cứng tỷ lệ 25% và 75% mà chỉ nên quy định tỷ lệ “tối thiểu” và “tối đa”. Nghĩa là, kinh phí công đoàn do công đoàn cấp trên quản lý, sử dụng tối đa 25%, còn lại được phân phối cho công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp.
Theo đại biểu Nguyễn Phi Thường (đoàn Hà Nội), việc thu kinh phí công đoàn bằng 2% quỹ tiền lương là điều kiện tiên quyết để công đoàn chủ động, độc lập hơn trong tổ chức và hoạt động tại cơ sở. Tuy nhiên, theo ông, nên giao cho Chính phủ thống nhất quy định cụ thể về thu, quản lý, sử dụng nguồn tài chính công đoàn.
Việc này sẽ giúp cho công tác quản lý Nhà nước về tài chính công đoàn “minh bạch, chặt chẽ và hiệu quả hơn, tránh được thất thoát, lãng phí”. Điều này cũng khắc phục được tình trạng chủ doanh nghiệp can thiệp quá sâu vào hoạt động thu, chi tài chính của công đoàn.
“Quy định như vậy sẽ thống nhất quản lý Nhà nước về thu, quản lý, sử dụng tài chính công đoàn. Tổng Liên đoàn sẽ hướng dẫn triển khai, thực hiện, thay vì phải thực hiện cả quy định của Chính phủ và cả quy định của Tổng Liên đoàn như trong dự thảo”, ông Thường cho hay.
Trong khi đó, đại biểu Trần Khánh Thu (đoàn Thái Bình) cho rằng, “thu phí công đoàn" là vấn đề không dễ quyết định, nếu như không có sự xem xét một cách cẩn trọng, thấu đáo và nghiên cứu thực tế một cách đầy đủ.
Nếu như theo dự thảo, bà Thu cho rằng, chúng ta sẽ mặc nhiên hiểu rằng, mọi người lao động có hợp đồng lao động, chủ doanh nghiệp có trách nhiệm phải trích 2% quỹ tiền lương để nộp cho cho công đoàn Việt Nam.
Thực tế hiện nay, phần lớn các chủ doanh nghiệp, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài ở Việt Nam thường cũng mong muốn sẽ hoạt động phù hợp với luật pháp và thông lệ của đất nước, phần lớn doanh nghiệp cũng chấp hành việc trích 2% này.
Thế nhưng vẫn có một số doanh nghiệp, số công nhân tham gia tổ chức công đoàn không phải là 100%. Mặt khác, rất nhiều doanh nghiệp vẫn chưa thành lập được tổ chức công đoàn.
Lý do họ thích trích 2% này, theo bà Thu, vì nó phù hợp với luật, lại được khấu trừ trước thuế thì “không dại gì người ta không thích”. Mặt khác, nguồn kinh phí này cũng có thể chuyển sang lo phúc lợi cho người lao động.
“Nếu quy định như thế này, chúng ta mặc nhiên coi như khoản 2% này là nộp cho tổ chức chức công đoàn. Đây là điều phải hết sức cân nhắc và xem xét cho nó phù hợp với thực tế và có tính khả thi”, bà Thu nêu.