Khắc phục 'thẻ vàng' IUU: Không bỏ lọt hành vi vi phạm khai thác
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương ven biển về việc tiếp tục thực hiện công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản tại các địa phương.
![Đoàn công tác tỉnh Phú Yên và Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 tiếp cận tàu cá của ngư dân Phú Yên để kiểm tra. Ảnh tư liệu: TTXVN phát](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_11_294_51446967/679b9b81afcf46911fde.jpg)
Đoàn công tác tỉnh Phú Yên và Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 tiếp cận tàu cá của ngư dân Phú Yên để kiểm tra. Ảnh tư liệu: TTXVN phát
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 403/TB VPCP ngày 31/8/2024 của Văn phòng Chính phủ thông báo về Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) và kết luận số 30/KL-VPCP ngày 25/01/2025 thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại Hội nghị lần thứ XII Ban Chỉ đạo Quốc gia về chống khai thác IUU. Ngày 07/01/2025, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có Công văn số 203/BNN-TS gửi UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương ven biển tiếp tục chỉ đạo, quán triệt các cơ quan, ban, ngành ở địa phương nghiêm túc thực hiện công tác xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, xử lý vi phạm hành chính liên quan đến IUU.
Ngày 28/01/2025, Văn phòng Chính phủ có Văn bản số 290/PC-VPCP về việc chuyển Văn bản số 300/KL-BTP ngày 17/01/2025 của Bộ Tư pháp về kết luận kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản tại UBND tỉnh Phú Yên.
Để đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đặt ra, hạn chế tối đa hành vi vi phạm hành chính về khai thác hải sản bất hợp pháp, thực hiện mục tiêu gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của EC hướng tới xây dựng ngành thủy sản bền vững, hiệu quả, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND các tỉnh/thành phố thường xuyên tổng hợp khó khăn, vướng mắc liên quan đến chống khai thác hải sản IUU; chủ động ban hành theo thẩm quyền hoặc có ý kiến tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền có hướng xử lý đối với quy định pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, đặc biệt là các quy định về chống khai thác IUU không phù hợp, không bảo đảm tính khả thi.
Đối với những khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng các quy định pháp luật liên quan đến IUU (đặc biệt là các quy định tại Nghị định số 37/2024/NĐ-CP ngày 04/4/2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 08/3/2019 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản và Nghị định số 38/2024/NĐ-CP ngày 05/4/2024 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản), UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan có liên quan cần chủ động, kịp thời gửi văn bản cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để phối hợp giải quyết.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cơ quan, đơn vị có liên quan của tỉnh tăng cường hơn nữa công tác tuần tra, kiểm tra, thanh tra trong lĩnh vực thủy sản; trong đó, cần xác định các địa bàn trọng điểm có đối tượng, tàu cá nguy cơ cao vi phạm về khai thác IUU, nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực này, đặc biệt là các hành vi vi phạm khai thác IUU. Đồng thời, phối hợp với các lực lượng chức năng điều tra, xác minh, xử lý đến cùng các tàu cá vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp, tàu cá vi phạm thiết bị giám sát hành trình theo đúng quy định, không bỏ lọt hành vi vi phạm.
Các tỉnh, thành phố rút kinh nghiệm trong quá trình thực hiện xử phạt vi phạm hành chính, nghiêm túc xem xét, xác định rõ sai phạm (nếu có) và xem xét trách nhiệm công vụ của người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và người có trách nhiệm tham mưu cho người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong việc áp dụng pháp luật chưa chính xác, đầy đủ, chưa nghiêm minh theo quy định pháp luật về kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức trên tinh thần bảo đảm khách quan, công khai, minh bạch, dân chủ, công bằng, đúng pháp luật.
Đối với các hồ sơ mà địa phương đã xử lý, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị rà soát và lưu ý thêm một số vấn đề: lập Biên bản xác minh tình tiết vụ việc vi phạm hành chính; thủ tục tạm giữ giấy phép, chứng chỉ hành nghề; theo dõi sát sao điều kiện thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính; xác định chính xác đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính; trong quyết định xử phạt phải mô tả hành vi vi phạm hành chính…