Khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã

Tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức về việc xác định kinh tế tập thể (KTTT), nòng cốt là hợp tác xã (HTX) là một trong những thành phần kinh tế quan trọng trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta; phát triển KTTT, HTX là xu thế tất yếu, là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên của các bộ, ngành, địa phương…

Thu hoạch hồng để sản xuất hồng sấy bằng công nghệ Nhật Bản ở thôn Đất Làng (xã Xuân Trường, vùng ven của thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng). (Ảnh: TTXVN)

Thu hoạch hồng để sản xuất hồng sấy bằng công nghệ Nhật Bản ở thôn Đất Làng (xã Xuân Trường, vùng ven của thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng). (Ảnh: TTXVN)

Kinh tế tập thể, hợp tác xã (KTTT, HTX) luôn là vấn đề được Đảng và Nhà nước ta hết sức quan tâm trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Với gần 63 triệu người, chiếm 65,4% tổng dân số sống ở nông thôn và 40% lực lượng lao động làm nông nghiệp, nông dân là thành viên nòng cốt, KTTT, HTX có vị trí hết sức quan trọng về phát triển kinh tế, giữ vững ổn định chính trị, an ninh - quốc phòng và tham gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững.

Trong những năm qua, mặc dù có nhiều kết quả đáng ghi nhận, nhưng sự phát triển của KTTT, HTX vẫn đang gặp những hạn chế, khó khăn, vướng mắc, thể hiện trên một số khía cạnh sau:

Một là, Luật Hợp tác xã năm 2012 quy định HTX, Liên hiệp HTX (LHHTX) hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp được hưởng chính sách “Giao đất, cho thuê đất để phục vụ hoạt động của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định của pháp luật về đất đai”, tuy nhiên Luật Đất đai năm 2013 không quy định giao đất cho tổ chức kinh tế (bao gồm HTX, LHHTX) sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp, chỉ quy định cho HTX, LHHTX thuê đất.

Hai là, HTX chưa thuộc phạm vi điều chỉnh và đối tượng thụ hưởng của một số chính sách. Ví dụ, một số ngành, nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện chỉ có doanh nghiệp được phép tham gia mà HTX lại không được tham gia (điều kiện kinh doanh quy định: “là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật”), chưa bảo đảm môi trường sản xuất, kinh doanh bình đẳng với doanh nghiệp, chưa khuyến khích HTX mở rộng sản xuất, kinh doanh khi tham gia thị trường; đồng thời, làm mất đi tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của HTX. Hiện nay, nhiều HTX ở Việt Nam và trên thế giới có xu hướng mở rộng hoạt động tìm kiếm lợi nhuận giống như các tổ chức kinh tế khác, sau khi đã đáp ứng nhu cầu chung của thành viên. Nhu cầu tìm kiếm lợi nhuận là nhu cầu chính đáng để HTX tồn tại, phát triển và mang lại lợi ích cho thành viên HTX.

Ba là, chưa quy định đầy đủ các loại hình tổ chức KTTT trong thực tiễn và mối liên hệ, liên kết, hợp tác giữa các tổ chức KTTT với nhau còn yếu, dẫn đến suy giảm năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cạnh tranh toàn cầu. Tổ hợp tác có cùng bản chất hợp tác, tương trợ và đáp ứng nhu cầu chung của thành viên về kinh tế, văn hóa, xã hội, giống như các HTX. Tuy nhiên, một số quy định tại Nghị định số 77/2019/NĐ-CP ngày 10/10/2019 của Chính phủ về tổ hợp tác hiện nay còn một số bất cập như: 1) Không quy định về đăng ký Tổ Hợp tác (THT) nên nhiều THT có số thành viên lên đến hàng trăm người, có góp vốn, có hoạt động kinh doanh ổn định, nhưng không đăng ký, tiềm ẩn nguy cơ rủi ro trong quan hệ kinh tế trong nội bộ thành viên và với các tổ chức khác và THT không trực tiếp thực hiện nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước; 2) Chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho khu vực KTTT hiện nay bao gồm THT, HTX, LHHTX, nhưng Nhà nước không quản lý đăng ký THT, gây khó khăn trong việc triển khai thực hiện; 3) Thiếu các quy định, chính sách mang tính định hướng cho THT phát triển, trở thành HTX, tạo ra mối liên kết giữa các tổ chức KTTT, từ thấp đến cao, hình thành một hệ sinh thái các tổ chức KTTT.

Bốn là, HTX thường chia hết lợi nhuận, không tích lũy, dẫn đến thiếu nguồn lực, khó tăng trưởng. Tài sản không chia là một đặc trưng của HTX so với các loại hình kinh tế khác. Theo nguyên tắc số 4 của Liên minh Hợp tác xã quốc tế (ICA) thì quỹ chung không chia (hay tài sản chung không chia) cần được trích lập hằng năm nhằm phát triển tài sản chung của HTX, thu hút các thành viên tham gia, gắn bó với HTX, để phát triển phong trào HTX, đồng thời cũng hạn chế việc HTX giải thể, chuyển đổi. Tuy nhiên, Điều 48 Luật Hợp tác xã năm 2012 quy định HTX tự quyết định việc trích một phần quỹ đầu tư phát triển để đưa vào “tài sản không chia” dẫn đến thực tế rất ít HTX trích lập tài sản không chia, tài sản không chia của HTX không phát triển, không thu hút được thành viên tham gia vào HTX.

Năm là, HTX khó tăng vốn, không tách biệt rạch ròi về vốn của HTX với vốn của các thành viên. HTX là một pháp nhân, có tài sản độc lập và chịu trách nhiệm bằng tài sản độc lập đó, phân biệt với tài sản, trách nhiệm của các pháp nhân - thành viên của HTX. Tuy nhiên, Luật Hợp tác xã năm 2012 chưa có quy định khi góp vốn thì các thành viên phải chuyển quyền sở hữu tài sản được dùng để góp vốn của mình sang HTX nên xuất hiện các tình huống không tách bạch rõ ràng vốn của HTX và vốn của các thành viên. Ngoài ra, Khoản 1 Điều 42 Luật Hợp tác xã năm 2012 quy định tài sản khác góp vốn của thành viên được quy đổi ra tiền Việt Nam, nhưng chưa liệt kê đầy đủ các loại tài sản dùng để góp vốn vào HTX, như vàng, công nghệ, các tài sản khác có thể định giá được bằng tiền.

Sáu là, công tác quản lý nhà nước đối với khu vực KTTT, HTX tại các cấp địa phương chưa được quy định cụ thể trong Luật Hợp tác xã năm 2012; bên cạnh đó, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước với các tổ chức đoàn thể nhân dân chưa có sự thống nhất, cụ thể hóa thành quy định; hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong khu vực KTTT, HTX chưa cao, việc theo dõi, giám sát tình hình phát triển KTTT, HTX chưa thường xuyên.

Để khắc phúc những hạn chế, khó khăn, vướng mắc nhằm tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa KTTT, HTX ở Việt Nam trong giai đoạn tới, cần tiếp tục quan tâm tới các nhóm giải pháp sau:

Thứ nhất, tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức về việc xác định KTTT, nòng cốt là HTX, là một trong những thành phần kinh tế quan trọng trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta; vị trí, vai trò và tầm quan trọng của HTX trong bối cảnh mới; phát triển KTTT, HTX là xu thế tất yếu, là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên của các bộ, ngành, địa phương. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về KTTT.

Thứ hai, tiếp tục rà soát, nghiên cứu hoàn thiện cơ chế, chính sách về phát triển KTTT, HTX nhằm phát triển KTTT nhanh và bền vững, bảo đảm nguyên tắc tự nguyện, xuất phát từ nhu cầu, lợi ích của người dân và tổ chức tham gia với nhiều hình thức liên kết, hợp tác đa dạng, phát huy tối đa lợi thế của các vùng, miền. Rà soát, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện để KTTT, HTX phát triển bền vững phù hợp với tình hình thực tế của Việt Nam trong mỗi giai đoạn phát triển.

Thứ ba, sử dụng hiệu quả nguồn vốn ngân sách nhà nước cấp cho Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX; nghiên cứu, đề xuất đổi mới mô hình Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã của Liên minh HTX Việt Nam để tăng khả năng huy động nguồn lực từ thị trường.

Thứ tư, đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh, hiệu quả hoạt động của KTTT, HTX. Phát huy vai trò tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bảo vệ lợi ích của thành viên trong HTX; vận động HTX thu hút thêm thành viên mới; quan tâm phát triển cả HTX nông nghiệp và phi nông nghiệp; tháo gỡ những rào cản, vướng mắc nhằm nâng cao khả năng huy động và tiếp cận nguồn lực cho các HTX.

Thứ năm, phát huy vai trò tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bảo vệ lợi ích của thành viên trong HTX. Tạo điều kiện cho HTX tham gia thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Xây dựng mô hình HTX và tổng kết mô hình hợp tác xã hoạt động hiệu quả, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, chương trình OCOP; mô hình hợp tác xã quy mô cấp tỉnh, cấp vùng, miền, cấp quốc gia theo ngành hàng.

Thứ sáu, cần xác định rõ phát triển KTTT, HTX là nội hàm của cơ cấu lại nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. HTX chính là liên kết của các hộ nông dân, phát triển KTTT, HTX không làm mất đi vai trò của kinh tế hộ mà còn nâng đỡ, phát huy sức mạnh cho kinh tế hộ phát triển, là nội hàm của cơ cấu lại nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.

Thứ bảy, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ cho cán bộ, nhân viên và người lao động trong HTX, nhất là cán bộ quản lý hợp tác xã trên cơ sở đổi mới phương thức hoạt động. Phối hợp liên kết, hợp tác đào tạo với các trường trực thuộc Liên minh HTX Việt Nam để đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ quản lý HTX và đào tạo nghề cho thành viên phù hợp với tình hình mới.

Thứ tám, đẩy mạnh các hình thức hợp tác quốc tế trong phát triển KTTT, HTX. Chủ động tiếp thu kinh nghiệm tốt của các nước, vùng lãnh thổ có phong trào HTX mạnh.../.

VĂN QUÁN

Nguồn Tuyên Giáo: https://www.tuyengiao.vn/khac-phuc-nhung-han-che-vuong-mac-trong-phat-trien-kinh-te-tap-the-hop-tac-xa-146908
Zalo