Kêu gọi cam kết khí hậu mạnh mẽ hơn trước thềm hội nghị COP30
Trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh tham vọng khí hậu trực tuyến vừa diễn ra gần đây, các nhà lãnh đạo toàn cầu từ khắp các châu lục đã cùng nhau thảo luận để tăng cường động lực hướng tới hành động khí hậu đầy tham vọng.

Các nước phải hành động quyết liệt để đối phó với biến đổi khí hậu. Ảnh minh họa: Tạp chí Điện tử Kinh tế và Môi trường
Được đồng tổ chức bởi Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres và Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva, hội nghị quy tụ 17 nguyên thủ quốc gia và chính phủ đại diện cho các nền kinh tế lớn, các khối khu vực quan trọng và các quốc gia dễ bị tổn thương.
Với sự tham gia của đại biểu từ nhiều quốc gia, hội nghị được tổ chức với mục tiêu thúc đẩy việc đệ trình các Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) mạnh mẽ hơn trước thềm Hội nghị quan trọng của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP30), dự kiến diễn ra vào tháng 11/2025 tại Belem (Brazil).
Đẩy mạnh Kế hoạch Hành động khí hậu quốc gia mới
Bất chấp những lời kêu gọi khẩn cấp, hiện chỉ có khoảng 10% trong số 196 bên ký kết Công ước Khung Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (UNFCCC) đã cập nhật đóng góp NDC. Mặc dù thời hạn ban đầu là tháng 2/2025, song thời hạn đã được gia hạn đến tháng 9 để nhiều quốc gia có thể hoàn thiện kế hoạch của mình.
Được biết, đóng góp NDC đóng vai trò trung tâm trong Thỏa thuận Paris, đại diện cho các mục tiêu về khí hậu của mỗi quốc gia nhằm hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5°C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Nhấn mạnh sự cần thiết phải có hành động cụ thể, Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva cho rằng: “Hành tinh này đã quá mệt mỏi với những lời hứa chưa được thực hiện. Năm nay, tất cả các quốc gia phải trình bày NDC mới với mục tiêu giảm phát thải Carbon vào năm 2035”.
Bên cạnh đó, Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva cũng nhấn mạnh rằng chủ nghĩa đa phương và đoàn kết quốc tế là nền tảng cho hành động ứng phó với khí hậu toàn cầu.
Trong khi đó, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cũng kêu gọi các nhà lãnh đạo đệ trình kế hoạch hành động “mạnh mẽ nhất có thể”, rằng: “Chúng ta phải đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch và thực hiện các cam kết tài trợ khí hậu. Con đường hiện tại vẫn dẫn hành tinh đến tình trạng nóng lên một cách thảm khốc”.
Cảnh báo nghiêm trọng của WMO: Ngưỡng 1,5°C đã bị phá vỡ?
Khẳng định tính cấp bách cần phải hành động, Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) đã đưa ra một bản cập nhật đáng lo ngại. Cụ thể:
* Năm 2024 có thể là năm dương lịch đầu tiên có nhiệt độ trung bình toàn cầu trên 1,5°C so với mức cơ sở tiền công nghiệp 1850-1900.
* Nhiệt độ trung bình gần bề mặt đạt 1,55 ± 0,13°C so với mức tiền công nghiệp, năm ấm nhất trong 175 năm quan sát.
* Dựa trên nhiều phương pháp khác nhau, ước tính về sự nóng lên toàn cầu dài hạn hiện nằm trong khoảng từ 1,34°C - 1,41°C.
Bất kể phương pháp nào, thông điệp vẫn rõ ràng: Mỗi phần nhỏ của một độ nóng lên đều làm tăng đáng kể rủi ro xã hội và chi phí kinh tế.
Xu hướng khí hậu báo động làm nổi bật nhu cầu hành động cấp bách
WMO đã phác thảo hàng loạt các chỉ số khí hậu quan trọng, gồm:
* Nồng độ CO2: Cao nhất trong 800.000 năm .
* Những năm ấm nhất: Mỗi năm trong 10 năm trở lại đây đều lập nên những kỷ lục mới.
* Hàm lượng nhiệt của đại dương: Mỗi năm trong 8 năm qua đều thiết lập mức cao mới.
* Băng ở biển Bắc Cực và Nam Cực: Mức thấp kỷ lục.
* Sự mất mát khối lượng sông băng: Suy giảm lớn nhất trong 3 năm từng được ghi nhận.
* Mực nước biển dâng: Tốc độ tăng gấp đôi kể từ khi bắt đầu đo đạc bằng vệ tinh.
Ghi nhận vào tháng 3/2025, lượng băng ở biển Bắc Cực đạt mức thấp nhất trong hồ sơ vệ tinh kéo dài 47 năm, trong khi Nam Cực ghi nhận mức băng tối thiểu sau mùa hè thấp thứ hai. Trên toàn cầu, tháng 3/2025 là tháng 3 ấm thứ hai được ghi nhận, chỉ sau tháng 3/2024.
Nhìn về tương lai
Theo dòng tin cập nhật, WMO có kế hoạch công bố Báo cáo cập nhật toàn diện về tình hình khí hậu toàn cầu năm 2025 tại COP30 để hướng dẫn việc hoạch định chính sách và đàm phán.
Với sự báo động của các nhà khoa học và cam kết của các nhà lãnh đạo toàn cầu, con đường đến COP30 là rất quan trọng. Các quốc gia phải biến lời hứa thành hành động, đảm bảo NDC mạnh mẽ và có thể xác minh được, đồng thời cùng nhau kiềm chế tình trạng nóng lên toàn cầu tiến gần hơn với các mục tiêu của Thỏa thuận Paris.
Trong một phát biểu của mình, Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva nhấn mạnh: “Không có thời gian để lãng phí. Thời điểm hành động là ngay bây giờ, không phải ngày mai”.