Kết quả kinh doanh giúp giảm thiểu rủi ro ngắn hạn cho thị trường chứng khoán

Sau giai đoạn bán mạnh trên diện rộng, tâm lý thị trường đã có sự chuyển biến tích cực trong nửa cuối tháng 4-2025 nhờ sự hỗ trợ đến từ tăng trưởng GDP quí 1-2025, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp khả quan và căng thẳng thương mại quốc tế dịu đi.

Ngân hàng vẫn là ngành đóng góp lợi nhuận lớn nhất, chiếm khoảng 45% tổng lợi nhuận toàn thị trường. Ảnh: LÊ VŨ

Ngân hàng vẫn là ngành đóng góp lợi nhuận lớn nhất, chiếm khoảng 45% tổng lợi nhuận toàn thị trường. Ảnh: LÊ VŨ

Lợi nhuận nhóm bất động sản phục hồi mạnh

Theo báo cáo mới đây của SSI Research, kết quả kinh doanh quí 1-2025 của các doanh nghiệp ở mức khá tích cực với lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ của toàn thị trường tiếp tục tăng trưởng tốt (tăng 23% so với cùng kỳ và tăng 6,1% so với quí 4-2024). Theo đó, quí 1-2025 trở thành quí thứ 6 liên tiếp ghi nhận lợi nhuận của các doanh nghiệp tăng trưởng dương, đưa mặt bằng lợi nhuận toàn thị trường lên mức cao nhất kể từ năm 2018 với 146.600 tỉ đồng. Trong đó, nhóm bất động sản đóng vai trò dẫn dắt đà tăng chung với mức tăng trưởng lợi nhuận lên tới 139% so với cùng kỳ, đóng góp 63% vào mức tăng lợi nhuận toàn thị trường. Nổi bật là các cổ phiếu “họ” Vingroup như VIC, VHM, VEF, VRE với tổng lợi nhuận tăng trưởng 157% (nếu không tính nhóm Vingroup, tăng trưởng lợi nhuận sau thuế toàn thị trường trong quí 1 chỉ ở mức 10,8% so với cùng kỳ). Ngoài nhóm Vingroup, một số cổ phiếu bất động sản khác cũng đạt mức tăng trưởng lợi nhuận cao là BCM (+203%), KDH (+92%), hay như KBC và NLG là những doanh nghiệp chuyển từ mức lợi nhuận âm cùng kỳ sang lãi.

Trong bối cảnh tiềm ẩn nhiều rủi ro bất định, TTCK vẫn đang nhận được sự hỗ trợ từ các yếu tố nền tảng mang tính dài hạn như chính sách quyết liệt của Chính phủ nhằm thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế ở mức cao, hệ thống KRX vận hành thuận lợi làm tiền đề cho quá trình nâng hạng TTCK...

Về giá trị tuyệt đối, ngân hàng vẫn là ngành đóng góp lợi nhuận lớn nhất, chiếm khoảng 45% tổng lợi nhuận toàn thị trường. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng đã chậm lại so với quí 4-2024, đạt mức 14%. Tín dụng trong quí 1 của các ngân hàng ước tăng 3,4% so với cuối năm ngoái và tăng 19,3% so với cùng kỳ. Biên lãi ròng (NIM) tiếp tục chịu áp lực trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt do các ngân hàng duy trì lãi suất cho vay ở mức hấp dẫn để giữ chân khách hàng. Ngoài ra, chất lượng tài sản có sự suy giảm với tỷ lệ nợ xấu tăng lên mức 2,02% (tăng 29 điểm cơ bản so với quí trước). Nhóm ngân hàng thương mại (NHTM) cổ phần dẫn đầu về tăng trưởng lợi nhuận sau thuế trong quí, với SSB (+190%), MBB (+45%), HDB (+36%), STB (+37%). Trong khi đó, nhóm NHTM gốc quốc doanh như CTG (+9,3%), VCB (+1,4%), BID (+0,5%) và một số NHTM cổ phần lớn như TCB (-4,4%), ACB (-5,8%) có mức tăng trưởng thấp hơn kỳ vọng.

Ngoài ngân hàng và bất động sản, một số nhóm ngành khác cũng ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ như nhóm tiện ích (+44,5%), hóa chất (+41%) và nhóm bán lẻ (+74%). Trong khi đó, một số nhóm ngành chứng kiến sự sụt giảm như viễn thông (-47%) và dầu khí (-58%).

Yếu tố nền tảng giúp giảm thiểu rủi ro ngắn hạn

Nhìn chung, thị trường chứng khoán (TTCK) đã phục hồi đáng khích lệ trong ba tuần cuối tháng 4-2025 với mức tăng 12% trên chỉ số VN-Index và VN30; 13,5% trên chỉ số VNMidcap và 13,7% trên chỉ số VNSmallcap. Sau tuần bán mạnh trên diện rộng, tâm lý thị trường đã có sự chuyển biến tích cực nhờ sự hỗ trợ đến từ tăng trưởng GDP quí 1-2025 (+6,9%), kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp khả quan và căng thẳng thương mại quốc tế dịu đi. Các ngành ít chịu ảnh hưởng trực tiếp từ thuế quan như truyền thông, bất động sản dân cư, bán lẻ, du lịch và giải trí có diễn biến tích cực vượt trội trong giai đoạn phục hồi. Điều này cho thấy dòng tiền đầu tư trên TTCK vẫn sẵn sàng tìm kiếm cơ hội trong các đợt chỉ số giảm sâu. Ngược lại, các ngành bất động sản khu công nghiệp, hóa chất, dầu khí, xuất khẩu có mức độ hồi phục thấp hơn thị trường, nhưng những cổ phiếu thuộc các nhóm ngành này được nhận định sẽ cho nhiều cơ hội mang tính ngắn hạn khi quá trình đàm phán thuế quan với Mỹ cho các tín hiệu tích cực.

Dựa trên số liệu thống kê kế hoạch năm 2025 của 104 doanh nghiệp niêm yết lớn (chiếm khoảng 70% vốn hóa thị trường), tổng doanh thu kế hoạch năm 2025 ước tăng khoảng 13,6% so với doanh thu thực hiện năm 2024. Về lợi nhuận, tỷ trọng doanh nghiệp đặt kế hoạch lợi nhuận tăng so với năm 2024 chiếm đến 67%, với tổng lợi nhuận kế hoạch tăng 13,3%. Trong đó, nhóm doanh nghiệp tư nhân khá lạc quan với tổng lợi nhuận kế hoạch tăng 22,4%. Nhóm doanh nghiệp nhà nước có xu hướng đặt kế hoạch lợi nhuận thận trọng hơn (như thường thấy trong quá khứ), với tổng lợi nhuận kế hoạch giảm 21,4% so với thực hiện năm 2024, nhưng vẫn tăng 20-100% nếu so với kế hoạch năm 2024. Xét theo nhóm ngành, các ngành được ban lãnh đạo doanh nghiệp kỳ vọng lợi nhuận tăng trưởng trong năm 2025 là các ngành tập trung vào thị trường trong nước và được hỗ trợ từ các chính sách như bất động sản (+54,7%), ngân hàng (+17%), tiêu dùng không thiết yếu (+19%), công nghệ thông tin (+14,1%), tài nguyên cơ bản (+6,5%), xây dựng và vật liệu xây dựng (+2,3%). Cần lưu ý là kế hoạch lợi nhuận của phần lớn doanh nghiệp đều được đặt trước thời điểm Mỹ công bố chính sách thuế đối ứng cho các quốc gia, bao gồm Việt Nam. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, chưa có nhiều doanh nghiệp điều chỉnh giảm kế hoạch kinh doanh.

Về yếu tố thông tin, để có thể tiếp tục đà phục hồi ổn định, TTCK cần đón nhận chuyển biến tích cực cụ thể hơn trong quá trình đàm phán thương mại giữa các nền kinh tế lớn, cũng như quá trình đàm phán giữa Việt Nam và Mỹ (đã bắt đầu từ ngày 7-5). Trong quá khứ, định giá thấp là một trong các yếu tố nền tảng hỗ trợ TTCK trong các đợt biến động mạnh như chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc lần 1, dịch Covid-19, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất, biến động tỷ giá và chính sách siết chặt thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong nước. Hệ số định giá P/E đã tăng 6,6% từ mức 10,5 lần vào ngày 9-4 lên mức 11,2 lần vào ngày 29-4, tuy nhiên hiện vẫn còn ở mức thấp hơn đáng kể so với bình quân 10 năm gần nhất (15,5 lần). Lợi suất ước tính một năm trên TTCK hiện ở mức 9,9%, theo đó mở ra khoảng cách hấp dẫn so mức lãi suất huy động.

Trong bối cảnh tiềm ẩn nhiều rủi ro bất định, TTCK vẫn đang nhận được sự hỗ trợ từ các yếu tố nền tảng mang tính dài hạn như chính sách quyết liệt của Chính phủ nhằm thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế ở mức cao, hệ thống KRX vận hành thuận lợi làm tiền đề cho quá trình nâng hạng TTCK... Chính những yếu tố này đã giúp neo giữ và nâng đỡ tâm lý nhà đầu tư trong giai đoạn có nhiều “cú sốc” thông tin như vừa qua. Do vậy, để có thể “sống sót” trên thị trường, các nhà đầu tư cần trang bị cho mình một tâm lý vững vàng, sự hiểu biết và niềm tin vững chắc vào triển vọng của cổ phiếu mình nắm giữ.

Bình An

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/ket-qua-kinh-doanh-giup-giam-thieu-rui-ro-ngan-han-cho-thi-truong-chung-khoan/
Zalo