Kết nối sản phẩm OCOP tại Tp. Hồ Chí Minh
Chương trình kết nối sản phẩm OCOP tại Tp. Hồ Chí Minh với chủ đề 'Lễ hội nông sản' do Trung tâm Dịch vụ Thương mại Nông nghiệp tổ chức đã khai mạc tại số 12 Phùng Khắc Khoan, Quận 1, Tp. Hồ Chí Minh.
Ông Lê Viết Bình - Trưởng Cơ quan đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khu vực phía Nam cho biết: Chương trình OCOP là chương trình trọng tâm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị. Tính đến hết tháng 11/2024, cả nước có 14.642 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, của 8.086 chủ thể chủ yếu là tổ hợp tác, hợp tác xã và doanh nghiệp nhỏ.
Sản phẩm OCOP đã và đang từng bước khẳng định được chất lượng, giá trị, góp phần nâng tầm cho sản phẩm nông thôn, phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và từng bước vươn ra xuất khẩu.
Trong đó, khu vực Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long là một trong những vùng tập trung nhiều sản phẩm OCOP, chiếm gần 25% tổng số sản phẩm OCOP của cả nước. Tuy nhiên, thực tế sản phẩm OCOP vẫn đang gặp khó khăn ở khâu thương mại và mở rộng thị thị trường tiêu thụ. Vấn đề lớn nhất là nhiều sản phẩm OCOP chưa được người tiêu dùng biết đến và kênh phân phối chưa đa dạng.
Theo ông Lê Viết Bình, tiềm năng phát triển của sản phẩm OCOP còn rất lớn, cả về mặt số lượng và giá trị. Để khai thác tiềm năng đó thành các giá trị cụ thể, cần có sự chung tay của cả cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Chương trình kết nối sản phẩm OCOP tại Tp. Hồ Chí Minh được tổ chức nhằm tạo ra một không gian trải nghiệm, giới thiệu, kết nối sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của các địa phương đến người tiêu dùng Tp. Hồ Chí Minh và đầu mối thu mua, phân phối, xuất khẩu.
Ông Đỗ Văn Tiến, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ thương mại nông nghiệp cho biết: Chương trình kết nối sản phẩm OCOP lần đầu tiên được tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh, có quy mô 60 gian hàng của các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp đến từ 17 tỉnh, thành khác nhau. Chuỗi sự kiện ưu tiên hỗ trợ các chủ thể OCOP của khu vực phía Nam, Đồng bằng sông Cửu Long nhưng cũng có một số gian hàng của các tỉnh phía Bắc tham gia quảng bá đặc sản địa phương.
Các sản phẩm được lựa chọn trưng bày, tham gia kết nối giao thương phải là sản phẩm tiêu biểu của địa phương, đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên. Tham quan khu gian hàng, người tiêu dùng có thể thoải mái lựa chọn được nhiều sản phẩm từ trái cây tươi, nông sản, thực phẩm chế biến đến các loại thảo dược.
Song song với việc giới thiệu, kết nối trực tiếp tại sự kiện từ ngày 20 - 22/12, ban tổ chức sẽ có các hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp không gian livestream riêng từ 9 giờ - 21 giờ 30 mỗi ngày, tạo điều kiện để các chủ thể tiếp cận nhiều đối tượng khách hàng hơn.
Bà Giang Thị Kim Chi, Giám đốc Công ty Bông Lúa cho biết, đơn vị chuyên sản xuất các sản phẩm bún, phở, bánh tráng từ gạo, khoai, rau củ. Ngoài tiêu thụ trong nước, doanh nghiệp cũng bắt đầu hướng đến thị trường xuất khẩu. Việc tham gia sự kiện kết nối sản phẩm OCOP là cơ hội tốt để giới thiệu rộng rãi sản phẩm đến với người tiêu dùng, đối tác tiềm năng trong nước.
Doanh nghiệp cũng kỳ vọng thông qua các chương trình này gặp gỡ được nhiều đầu mối thu mua, phân phối hoặc xuất khẩu nhằm mở rộng thị trường, từ đó tăng công suất sản xuất, tăng được sản lượng thu mua nông sản cho nông dân các địa phương.