Cà Mau: Người dân làm du lịch 1 tháng bằng trồng lúa cả năm

Tỉnh Cà Mau có lợi thế phát triển du lịch xanh. Cơ quan chức năng địa phương đã quan tâm, tạo điều kiện và hiều hộ dân đã mạnh dạn chuyển đổi để có thu nhập cao từ làm du lịch.

Điểm du lịch Láng Sen Garden (ấp Đá Bạc, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời) mới mở cửa khoảng nửa năm nay. Ban đầu gia đình anh Lâm Văn Huynh chỉ bày trí và làm vài tiểu cảnh xung quanh ao sen, với diện tích vài trăm m2 để thử nghiệm làm du lịch. Mới sơ khai nhưng khách đến đông, không có chỗ ngồi, gia đình đã mở rộng diện tích khai thác du lịch ra khoảng 1 ha. Ước làm du lịch mỗi tháng đang giúp gia đình anh Huynh có thu nhập hơn 100 triệu, lãi khoảng 40%.

Láng Sen Garden phát triển du lịch dựa trên nông nghiệp

Láng Sen Garden phát triển du lịch dựa trên nông nghiệp

Trước đây, gia đình anh Huynh có tổng 6ha đất làm 2 vụ lúa/năm. Lợi nhuận làm lúa mỗi năm hiện chỉ bằng lợi nhuận làm du lịch 1 tháng. Anh Lâm Văn Huynh cho biết, phát triển du lịch không khó, quan trọng là có nguồn vốn để đầu tư. Gia đình anh tái tạo lại ao sen, còn lại dựa vào điều kiện tự nhiên của địa phương để phục vụ khách đến.

“Gia đình tôi có ý tưởng làm du lịch lâu rồi nhưng sẵn xã thực hiện chuyển đổi cơ cấu nên đầu tư phát triển luôn. Ở đây thì có lợi thế nhiều cá đồng, sen, chuối và dừa; có gì thì mình tận dụng hết. Khu check in đẹp nên các bạn trẻ đến chụp ảnh nhiều. Xã có đưa đi tham quan mấy đợt để học hỏi, với việc làm thủ tục để chuyển đổi đất cũng được nhà nước hỗ trợ thuận lợi, anh Huynh cho biết thêm.

Trần Văn Thời là một trong những huyện có điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch của tỉnh Cà Mau. Đây là huyện có 2 hệ sinh thái rừng ngập mặn và ngọt đặc trưng của tỉnh. Cùng với ruộng đồng bên trong, biển bên ngoài, thậm chí có cả đảo nên Trần Văn Thời còn được mệnh danh là “tỉnh Cà Mau thu nhỏ”. Huyện đang có 6 điểm du lịch hoạt động hiệu quả. Trong đó, có 4 điểm du lịch nằm trong và gần Vườn Quốc gia U Minh hạ.

Huyện Trần Văn Thời có điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch

Huyện Trần Văn Thời có điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch

Ông Nguyễn Thế Châu, Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời cho biết, địa phương xác định du lịch sẽ là lĩnh vực tạo đột phá trong sự phát triển. Trên cơ sở nguồn tài nguyên sẵn có, huyện định hướng phát triển du lịch sinh thái gắn với du lịch nông nghiệp. Đã qua, cơ quan chức năng đã quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để người dân phát triển các loại hình này.

“Huyện đã tranh thủ sự hỗ trợ của cơ quan chuyên môn để tổ chức các chuyến đi hóc tập kinh nghiệm ở các tỉnh vùng trên như Đồng Tháp, Tiền Giang. Năm 2023, trên cơ sở các chuyến học tập kinh nghiệm đó, huyện đã hỗ trợ thành lập khu du lịch sinh thái Cà Mau Eco. Năm 2024, tiếp tục hỗ trợ để thành lập Khu du lịch Láng Sen. Ngoài ra, cũng tạo điều kiện để hỗ trợ các hộ vay vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương. Đồng thời, cũng phát triển thêm sản phẩm OCOP để phục vụ phát triển du lịch”, ông Châu cho biết thêm.

Tỉnh Cà Mau xác định phát triển du lịch xanh, dựa trên nền tảng văn hóa truyền thống

Tỉnh Cà Mau xác định phát triển du lịch xanh, dựa trên nền tảng văn hóa truyền thống

Hướng phát triển sản phẩm du lịch của tỉnh Cà Mau cũng tập trung khai thác các loại hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, với giá trị văn hóa truyền thống là nền tảng.

Điểm du lịch sinh thái Cà Mau Eco (xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời) là điểm du lịch đi đầu trên địa bàn tỉnh Cà Mau tận dụng nền tảng văn hóa, lịch sử truyền thống để phục vụ du khách. Sản phẩm du lịch “Làng rừng Vồ Dơi” tại đây đang thu hút nhiều khách đến trải nghiệm.

Theo chị Ngô Huỳnh Trang, Giám đốc Điểm du lịch sinh thái Cà Mau Eco, mô hình làng rừng tái hiện lại cuộc sống thường ngày của chiến sĩ và đồng bào ta trong thời chiến. Bên cạnh không gian rừng tràm U Minh hạ mang lại giá trị sinh thái, thì sản phẩm làng rừng sẽ hướng khách đến với giá trị lịch sử. Người đến sẽ thấy được thế hệ ông cha đã trải qua khó khăn, vất vả, hy sinh lớn lao thế nào. Sản phẩm du lịch này còn hướng đến góp phần, giáo dục truyền thống lịch sử cho thế hệ trẻ, vun đắp tình yêu quê hương, đất nước.

“Tôi mong nhận được sự ủng hộ nhiều hơn nữa từ cộng đồng, các trường học, các cơ quan chức năng,… để nhiều người biết đến hơn. Đây cũng là cơ hội để mình giới thiệu truyền thống lịch sử dân tộc. Bên cạnh đó là nhắc lại, khơi lại để thế hệ sau hiểu hơn về những hy sinh của cô chú ngày xưa, chị Trang chia sẻ.

Sản phẩm du lịch tái hiện lịch sử của điểm du lịch Cà Mau Eco gây thích thú với du khách

Sản phẩm du lịch tái hiện lịch sử của điểm du lịch Cà Mau Eco gây thích thú với du khách

Ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở VH-TT&DL Cà Mau cho biết, tỉnh Cà Mau có thế mạnh và luôn hướng đến phát triển du lịch xanh. Khó khăn lớn nhất của tỉnh để du lịch phát triển là vị trí địa lý xa các trung tâm lớn, khó thu hút khách đến cũng khó thu hút đầu tư. Hiện cao tốc đang dần hoàn thành; Sân bay Cà Mau cũng đang được nâng cấp, sẽ giúp kết nối được với các trung tâm du lịch của vùng, cả nước. Từ đó, Cà Mau kỳ vọng du lịch sẽ đột phá trong thời gian tới.

“Mục tiêu của Cà Mau vẫn là phát triển du lịch xanh. Du lịch gắn với môi trường, khám phá, trải nghiệm, nghiên cứu. Chúng tôi phát triển hoạt động du lịch xanh vừa bảo vệ môi trường, vừa mang tính giáo dục cộng đồng trong chống BĐKH. Phát triển du lịch sẽ hướng tới đóng góp vào sự phát triển bền vững của tỉnh, của đất nước”, ông Hùng nói.

Tới năm 2030, du lịch sẽ là ngành kinh tế mũi nhọn của Cà Mau

Tới năm 2030, du lịch sẽ là ngành kinh tế mũi nhọn của Cà Mau

Ông Nguyễn Minh Luân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau chỉ ra, tiến độ triển khai thực hiện quy hoạch còn chậm, gây khó khăn trong công tác kêu gọi đầu tư phát triển du lịch; việc đề xuất dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn do có sự chồng chéo, chưa đồng bộ giữa các quy hoạch, thiếu quỹ đất sạch.

Ông Luân cũng cho biết, du lịch đang là ngành kinh tế quan trọng của tỉnh nhưng xác định sau năm 2030 sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Cà Mau đặt mục tiêu sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn, có uy tín và sức cạnh tranh cao; xây dựng được một số sản phẩm, loại hình du lịch đạt thương hiệu quốc gia. Để làm được điều đó, tỉnh sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, nhất là đối với các hoạt động du lịch có sự tham gia của cộng đồng dân cư; Đa dạng hóa các sản phẩm du lịch khám phá, trải nghiệm, sinh thái thế mạnh; Đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch; tạo cơ chế chính sách thông thoáng, phù hợp để thu hút đầu tư vào các dự án du lịch.

Trần Hiếu-VOV/ĐBSCL

Nguồn VOV: https://vov.vn/du-lich/ca-mau-nguoi-dan-lam-du-lich-1-thang-bang-trong-lua-ca-nam-post1143475.vov
Zalo