Kênh đào Panama công bố doanh thu kỷ lục 4,986 tỷ USD
Kênh đào Panama vừa công bố doanh thu kỷ lục 4,986 tỷ USD trong năm tài chính 2023 - 2024 (từ 1/10/2023 đến 30/9/2024), bất chấp việc lượng tàu vận chuyển giảm mạnh do hạn hán kéo dài.
Mức doanh thu này tăng 1% so với năm tài chính trước, song tốc độ tăng trưởng đã chậm lại đáng kể. Cơ quan Quản lý Kênh đào Panama cho biết nguồn thu của kênh đào đến từ phí vận chuyển, bán điện và các dịch vụ hàng hải khác. Khoảng 50% doanh thu được sử dụng cho hoạt động và bảo trì, phần còn lại được chuyển vào ngân sách quốc gia Panama.
Thống kê cho thấy, trong năm tài chính vừa qua, lượng tàu quá cảnh qua kênh đào Panama giảm mạnh 20%, từ 14.080 tàu xuống còn 11.240 tàu. Khối lượng hàng hóa vận chuyển cũng giảm 17%, từ 511 triệu tấn xuống 423 triệu tấn.
Nguyên nhân chính của sự sụt giảm này là do hạn hán nghiêm trọng khiến mực nước tại hai hồ nhân tạo cung cấp nước ngọt cho kênh đào giảm xuống thấp kỷ lục.
Để đối phó với tình trạng khan hiếm nước, Cơ quan Quản lý Kênh đào Panama đã phải áp dụng các biện pháp hạn chế, giảm số lượng tàu qua lại hàng ngày từ 38 tàu xuống còn 22 tàu. Tình hình chỉ được cải thiện khi mùa mưa bắt đầu vào tháng 5.
Mặc dù lượng tàu và hàng hóa vận chuyển giảm, doanh thu của kênh đào vẫn đạt mức kỷ lục nhờ việc áp dụng biểu giá phí mới và tổ chức đấu giá suất qua kênh ưu tiên.
Kênh đào Panama, tuyến đường biển dài 80km nối Thái Bình Dương và Đại Tây Dương, đóng vai trò quan trọng trong thương mại hàng hải toàn cầu, với khoảng 5% lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường biển đi qua đây. Các quốc gia sử dụng kênh đào nhiều nhất bao gồm Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Chile./.