Kế tục, kiến tạo và khát vọng vươn mình của dân tộc Việt Nam
Trong niềm hân hoan kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, triệu triệu trái tim Việt Nam lại dạt dào xúc cảm tự hào và hạnh phúc.

Tổng Bí thư Tô Lâm
Khúc khải hoàn từ mùa Xuân năm ấy vẫn ngân vang trong từng bước chân, trong từng ánh mắt rạng ngời của nhân dân hôm nay, những người đang được sống trong hòa bình, tự do và khát vọng vươn mình mạnh mẽ.
Đúng vào thời khắc thiêng liêng ấy, bài viết Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một của Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhắc nhớ những trang sử hào hùng, khơi dậy khát vọng xây dựng và phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.
Bài viết không chỉ là sự tri ân với quá khứ, mà còn là lời hiệu triệu mạnh mẽ hướng tới tương lai, thắp sáng niềm tin và lòng tự hào trong mỗi người con đất Việt. Nửa thế kỷ đã đi qua kể từ ngày lá cờ giải phóng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, non sông liền một dải, Bắc Nam sum họp một nhà.
Sự kiện ấy không chỉ khép lại một thời kỳ chiến tranh khốc liệt mà còn mở ra một hành trình mới: Hành trình xây dựng một đất nước hòa bình, thịnh vượng, vươn mình trong kỷ nguyên mới.
Trong bài viết Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một nhân dịp 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Tổng Bí thư Tô Lâm đã khắc họa một cách sâu sắc mạch ngầm xuyên suốt của lịch sử Việt Nam: Đó là tinh thần yêu nước nồng nàn, ý chí tự lực tự cường bất diệt, và khát vọng không ngừng đổi mới, phát triển.
Từ bao đời nay, lòng yêu nước đã trở thành nguồn mạch chảy không bao giờ cạn trong tâm hồn người Việt. Từ những ngày đầu giữ nước của vua Hùng, đến những năm tháng chống ngoại xâm oanh liệt, tinh thần ấy đã hun đúc nên một dân tộc bất khuất.
Trong cuộc kháng chiến thần thánh chống Mỹ cứu nước, tinh thần ấy lại bừng cháy, để rồi toàn dân tộc hợp lực, viết nên bản trường ca giải phóng, bằng máu xương, bằng lòng kiên trung bất diệt.
Hình ảnh những đoàn quân vượt Trường Sơn, những thanh niên xung phong “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” (Tố Hữu) đã khắc sâu vào tâm khảm mỗi người con đất Việt. Ngày hôm nay, khi tiếng súng đã lùi xa, tinh thần ấy vẫn còn nguyên vẹn, trở thành nền tảng để dân tộc ta tiếp tục vững bước trên con đường đổi mới và phát triển.
Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh rằng, độc lập và thống nhất không phải là đích đến cuối cùng mà là điểm khởi đầu cho một hành trình mới, hành trình hiện thực hóa khát vọng dựng xây một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Và quả thật, từ ngày thống nhất đến nay, Việt Nam đã bước những bước dài. Từ một đất nước bị tàn phá bởi chiến tranh, Việt Nam đã vươn mình trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới.
Năm 2024, GDP của Việt Nam đạt 476,3 tỉ USD, tăng 7,09% - một con số ấn tượng giữa bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều bất ổn. Xuất khẩu đạt trên 405 tỉ USD, thặng dư thương mại gần 25 tỉ USD, đầu tư nước ngoài tiếp tục tăng mạnh, phản ánh niềm tin của bạn bè quốc tế vào tương lai đất nước.
Những con số biết nói ấy là minh chứng hùng hồn cho sức sống mãnh liệt của một dân tộc từng trải qua muôn vàn gian khó nhưng chưa bao giờ chịu khuất phục. Nhưng bên cạnh những thành tựu, chúng ta cũng phải đối mặt với những thách thức chưa từng có trong kỷ nguyên hội nhập toàn cầu và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Tổng Bí thư Tô Lâm cảnh báo rằng, trước những biến động nhanh chóng và khó lường của thế giới, Việt Nam cần phải có bản lĩnh vững vàng, tư duy đổi mới mạnh mẽ và ý chí vươn lên không ngừng.
Bài học từ lịch sử vẫn còn nguyên giá trị: Chỉ có thể chiến thắng những thử thách mới bằng chính nội lực của dân tộc, bằng ý chí kiên cường và trí tuệ Việt Nam. Trong hành trình mới này, đổi mới tư duy và sáng tạo mô hình phát triển là yêu cầu sống còn. Chúng ta không thể chỉ bằng lòng với những gì đã đạt được.
Muốn vươn xa, Việt Nam cần phải xây dựng một nền kinh tế tự chủ, dựa trên tri thức, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Không thể có phát triển bền vững nếu không có một xã hội đoàn kết, nhân văn và một nền văn hóa giàu bản sắc.
Văn hóa Việt Nam, dòng chảy liên tục từ ngàn xưa, chính là hồn cốt, là bản lĩnh để dân tộc ta hội nhập mà không hòa tan, đổi mới mà không đánh mất mình. Như lời bài hát Đất nước của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn thấm đẫm cảm xúc: “Đất nước tôi thon thả giọt đàn bầu/ Nghe dịu nỗi đau của mẹ...”.
Đó chính là hình ảnh một đất nước không chỉ biết chiến đấu mà còn biết yêu thương, sáng tạo; một dân tộc không chỉ anh hùng trong chiến tranh mà còn tự tin trong kiến thiết, hội nhập và phát triển. Chúng ta bước tới tương lai với niềm tin vững chắc vào thế hệ trẻ, những chủ nhân của ngày mai.
Chính thế hệ trẻ, với tài năng, trí tuệ, lòng yêu nước và khát vọng lớn lao, sẽ là lực lượng tiên phong trong công cuộc đổi mới, sáng tạo, đưa Việt Nam vươn cao hơn nữa.
Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: Mỗi hành động hôm nay của thế hệ trẻ cần xứng đáng với máu xương cha ông đã đổ xuống, với những hy sinh lớn lao mà cả dân tộc đã trải qua.
Họ phải mang trong mình ý chí “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, tinh thần “dựng nước và giữ nước” xuyên suốt lịch sử dân tộc, đồng thời phải hội nhập sâu rộng, làm chủ khoa học - công nghệ, vững vàng bản lĩnh để sánh vai với bạn bè năm châu.
Họ phải sống với tinh thần mà nhà thơ Tố Hữu từng tha thiết kêu gọi: “Ôi Tổ quốc ta yêu như máu thịt/ Như mẹ cha ta, như vợ như chồng...”.
Chính vì vậy, hơn bao giờ hết, chúng ta phải biết khơi dậy khát vọng Việt Nam, khát vọng đưa đất nước phát triển phồn vinh, hùng cường; phải lấy đổi mới sáng tạo làm động lực, lấy văn hóa làm nền tảng tinh thần, lấy lòng yêu nước làm ánh sáng soi đường.
Kỷ nguyên mới đòi hỏi một Việt Nam mới: Tự tin hơn, sáng tạo hơn, đoàn kết hơn, bản lĩnh hơn. Một Việt Nam không chỉ là điểm sáng kinh tế khu vực mà còn là điểm sáng văn hóa, xã hội và nhân văn. Một Việt Nam có thể ngẩng cao đầu trước thế giới, với bản lĩnh riêng, bản sắc riêng, khát vọng riêng.
Chúng ta đang đứng trước vận hội lớn. Con đường phía trước còn nhiều chông gai nhưng cũng tràn đầy hy vọng. Nếu thế hệ cha anh đã viết nên bản anh hùng ca chiến thắng năm 1975, thì thế hệ hôm nay phải viết tiếp bản trường ca của hội nhập, của sáng tạo, của khát vọng bay xa.
Trong những ngày tháng Tư lịch sử này, lắng nghe tiếng vọng non sông, ta như nghe vang lên lời hiệu triệu thiêng liêng từ bao thế hệ: “Tự hào đi lên, ôi Việt Nam!”
Và chúng ta, thế hệ hôm nay, sẽ tiếp nối, sẽ đổi mới, sẽ kiến tạo, sẽ phát triển, để Việt Nam, đất nước của những người con anh hùng, bay cao và bay xa trên bầu trời thế giới, xứng đáng với sự hy sinh vô bờ bến của bao thế hệ cha anh, xứng đáng với niềm tin yêu bất diệt của nhân dân, xứng đáng với những khát vọng thiêng liêng đã hun đúc nên hồn cốt Việt Nam ngàn đời.