Đại lễ Vesak và thông điệp 'không làm ngơ khi tượng đài hòa bình bị lung lay'

Theo Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, Đại lễ Vesak là cơ hội để lan tỏa thông điệp không nên làm ngơ trước thực trạng các giá trị văn hóa, đạo đức có nguy cơ bị vụn vỡ, nhân phẩm con người bị hạ thấp và tượng đài hòa bình bị lung lay.

Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm - Trưởng ban Hoằng pháp Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam vừa có bài viết phân tích rõ ý nghĩa của chủ đề Đại lễ Phật đản Vesak Liên Hợp Quốc 2025: “Đoàn kết và bao dung vì nhân phẩm con người - Tuệ giác Phật giáo vì hòa bình thế giới và phát triển bền vững".

Theo Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, Phật đản không chỉ tôn vinh ba sự kiện thiêng liêng - Đản sinh, Thành đạo, Niết bàn của Đức Thế Tôn mà còn nhấn mạnh vai trò của Phật giáo trong việc kiến tạo hòa bình, giải quyết các thách thức toàn cầu và xây dựng một thế giới bền vững.

Đại lễ Vesak 2025 diễn ra trong bối cảnh hân hoan kỷ niệm 80 năm thành lập nước và 50 năm thống nhất đất nước.

Thông điệp “Đoàn kết và bao dung vì nhân phẩm con người: Tuệ giác Phật giáo vì Hòa bình thế giới và Phát triển bền vững” chứa đựng những giá trị sâu sắc và là lời kêu gọi hòa bình, tình yêu thương, trách nhiệm với sự phát triển bền vững của nhân loại.

Đây là thông điệp mạnh mẽ về sự kết hợp giữa các nguyên lý đạo đức và tinh thần của Phật giáo trong việc xây dựng một thế giới hòa bình, công bằng và bền vững trước những thách thức toàn cầu như hạn hán, cháy rừng, biến đổi khí hậu; tàn phá môi trường, chiến tranh, khủng bố, bạo động, xung đột…

“Đại lễ Vesak lần này là cơ hội để chúng ta lan tỏa thông điệp về tâm từ bi, ứng xử bình đẳng và hành xử nhân văn đi vào cuộc sống thực tiễn, không nên làm ngơ trước thực trạng các giá trị văn hóa, đạo đức có nguy cơ bị vụn vỡ, nhân phẩm con người bị hạ thấp và tượng đài hòa bình bị lung lay trong đại gia đình nhân loại”, Trưởng ban Hoằng pháp nhấn mạnh.

Cũng theo Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, các nguyên lý của Phật giáo là nền tảng mạnh mẽ để xây dựng các chính sách quốc tế vì hòa bình và phát triển bền vững. Các quốc gia và tổ chức quốc tế có thể áp dụng tuệ giác Phật giáo vào các chính sách về môi trường, giáo dục, công bằng xã hội và đối thoại liên tôn giáo.

“Tuệ giác Phật giáo là 'kim chỉ nam' giúp hướng đến một thế giới hòa bình, công bằng và bền vững”, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm nhận định.

Bình Minh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/dai-le-vesak-va-thong-diep-khong-lam-ngo-khi-tuong-dai-hoa-binh-bi-lung-lay-2396042.html
Zalo