Kể chuyện lịch sử Hà Nội qua các công trình kiến trúc

Không chỉ mang giá trị của một cuốn sách nghệ thuật, với nhiều chuyên gia và độc giả, 'Kiến trúc Hà Nội - Giao thoa văn hóa Việt-Pháp' còn được xem như một công trình sử học, tôn vinh vẻ đẹp kiến trúc của Thủ đô qua các thời kỳ phát triển.

Cuốn sách “Kiến trúc Hà Nội - Giao thoa văn hóa Việt-Pháp”.

Cuốn sách “Kiến trúc Hà Nội - Giao thoa văn hóa Việt-Pháp”.

Tôn vinh kiến trúc Hà Nội qua các thời kỳ lịch sử

Lật mở từng trang sách được thiết kế độc đáo, bạn đọc như được trở về quá khứ khi khám phá cuốn sách “Kiến trúc Hà Nội - Giao thoa văn hóa Việt-Pháp”. Từng công trình được nhắc đến trong tác phẩm là những chứng nhân lịch sử, ẩn chứa giá trị văn hóa, tinh hoa di sản của mảnh đất nghìn năm văn hiến.

Dù chỉ vừa ra mắt hơn 10 ngày, nhưng cuốn sách “Kiến trúc Hà Nội - Giao thoa văn hóa Việt-Pháp” đã nhận về không ít lời khen từ các chuyên gia bởi quy mô, phạm vi thực hiện và lối thiết kế, trình bày hiện đại. Tác phẩm in song ngữ Việt-Pháp, được chia thành 3 phần, bao gồm: Kiến trúc Thăng Long-Hà Nội xưa; Kiến trúc Hà Nội thời Pháp thuộc với những phong cách điển hình; Kiến trúc Hà Nội sau năm 1954.

Đánh giá cao về sự kết hợp hài hòa giữa nội dung và hình ảnh của cuốn sách nhằm tạo cảm giác cuốn hút cho người đọc, bà Sophie Maysonnave, Tham tán Hợp tác và Hoạt động Văn hóa, Giám đốc Viện Pháp tại Việt Nam nhận định, trong cuốn sách này, tính "Việt Nam" được cảm nhận rõ nét khi đặt trong mối tương quan và sự giao thoa với văn hóa Pháp.

Bà Sophie Maysonnave phân tích: “Các công trình được lựa chọn phần lớn là những công trình công cộng, bản thân chúng thường không dễ tiếp cận. Qua từng trang sách, độc giả có cơ hội khám phá lại những giá trị kiến trúc của Hà Nội một cách chi tiết và sinh động”.

"Cuốn sách vô cùng đặc biệt, kiến trúc Đông Dương cũng như các công trình thời kỳ này không chỉ mang dấu ấn của kiến trúc Pháp mà còn phản ánh sự thích nghi với khí hậu và văn hóa bản địa. Tác phẩm đã khẳng định được tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát huy di sản kiến trúc trong bối cảnh hiện nay", bà Sophie Maysonnave khẳng định.

Chia sẻ về điểm đặc biệt của ấn phẩm, ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Công ty cổ phần Xây dựng Kiến trúc AA cho hay, cách trình bày cách hấp dẫn, dễ tiếp cận, phù hợp với đông đảo độc giả, đặc biệt là giới trẻ. "Nhiều bạn trẻ thường cảm thấy e ngại trước những cuốn sách mang tính học thuật. Vì vậy, cuốn sách được thiết kế kèm mã QR để người trẻ có thể quét và tìm hiểu thêm về quá trình làm ra cuốn sách. Đây cũng là một cách tạo sự tò mò, thu hút cho tác phẩm", ông Khanh cho biết thêm.

Mỗi công trình kiến trúc là một lát cắt lịch sử

“Kiến trúc Hà Nội - Giao thoa văn hóa Việt-Pháp” thể hiện đề cập từ nền tảng cội nguồn kiến trúc một Thăng Long hoài cổ từ trước thế kỷ 18 chuyển mình, tiếp thu nghệ thuật phương Tây ở thời kỳ Pháp thuộc như: Beaux-Arts, Art Décor, Gothique… cho đến sự giao thoa giữa tinh hoa kiến trúc thế giới với văn hóa bản địa. Mỗi cứ liệu lịch sử của từng công trình kiến trúc được diễn giải một cách dễ hiểu và cảm xúc.

Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam Phan Đăng Sơn cho biết, với mỗi đô thị trên thế giới, kiến trúc là sự biểu đạt nền tảng văn hóa, cấp độ phát triển của chính đô thị ấy. Và Hà Nội là một trong những đô thị hàng đầu thế giới thể hiện rõ điều này.

“Ở quyển sách trên, thông qua những phân giải súc tích và minh họa sống động, chúng ta sẽ tìm thấy khát vọng thể hiện sự ngời sáng kiến trúc của những người hiểu biết chuyên môn, nhiệt tâm với Hà Nội”, kiến trúc sư Phan Đăng Sơn nói.

Một số nội dung, hình ảnh bên trong cuốn sách.

Một số nội dung, hình ảnh bên trong cuốn sách.

Cuốn “Kiến trúc Hà Nội - Giao thoa văn hóa Việt-Pháp” do Nhà xuất bản Thế giới và Phanbook liên kết xuất bản. Cuốn sách có sự tham gia của Tiến sĩ Trần Quốc Bảo - kiến trúc sư, giảng viên Trường đại học Xây dựng Hà Nội viết phần tiếng Việt; dịch giả Thẩm Yến Linh chuyển ngữ tiếng Pháp; phần hình ảnh chủ đạo do nhiếp ảnh gia Lê Hoàng đảm nhiệm.

Bằng sự tìm tòi, dày công nghiên cứu, đội ngũ thực hiện ấn phẩm đã khéo léo gợi mở cho độc giả cách khám phá từng câu chuyện, công trình lịch sử. Người đọc như được ngược thời gian trở về thế kỷ 19, 20 để đi vào từng ngóc ngách của 18 công trình kiến trúc - 18 kiệt tác của Thủ đô Hà Nội. Nhiều độc giả bày tỏ sự thích thú khi được hiểu thêm về Phủ Chủ tịch, Nhà hát Lớn Hà Nội, Nhà khách Chính phủ, Nhà tù Hỏa Lò, Khách sạn Metropole Hanoi...

Nhà sử học Philippe Le Failler, Trưởng đại diện Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp tại Hà Nội chia sẻ, trong hành trình khám phá di sản kiến trúc của thành phố, tác giả đã dẫn dắt người đọc qua từng công trình nổi bật, giải thích lịch sử và phong cách kiến trúc của mỗi tòa nhà.

"Với sự chú trọng đến từng chi tiết và cách sử dụng phong phú các hình ảnh, bản đồ, bản vẽ ở cuốn sách, mỗi công trình, mỗi di tích không chỉ là một câu chuyện kiến trúc mà còn là một lát cắt lịch sử của Hà Nội", nhà sử học Philippe Le Failler thông tin thêm.

MINH ÂN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/ke-chuyen-lich-su-ha-noi-qua-cac-cong-trinh-kien-truc-post850967.html
Zalo