Do số lượng rừng ngập mặn ở Vịnh Thái Lan ngày càng giảm, Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) Thái Lan đã hợp tác với Quân đội Hoàng gia Thái Lan và một số đối tác thành lập Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên Bangpu nhân 72 năm ngày sinh Hoàng Thái hậu Sirikit.
Trung tâm này tọa lạc trên đất của Quân đội Hoàng gia Thái Lan, nơi có một trong những khu rừng ngập mặn bản địa cuối cùng ở khu vực Vịnh Thái Lan.
Theo Hiệp hội Bảo tồn chim và thiên nhiên Thái Lan (BCST), các loại cây mọc nhiều nhất tại đây là mắm biển và mắm trắng, còn các loài chim hay di cư đến đây nhất là hải âu (mòng biển), chim én đuôi đen và chim choi choi đốm vàng.
Theo Đối tác Đường bay Đông Á-Australia (EAAFP), một tổ chức về bảo vệ các loài chim di cư, địa điểm này là nơi trú ngụ của 65 loài thực vật và 60 loài động vật đáy. Ước tính, có từ 8.000 đến 15.000 con chim sử dụng địa điểm này hằng năm, phần lớn để kiếm ăn trên các bãi bồi.
Các bãi bồi của địa điểm này chứa các chất dinh dưỡng cần thiết cho rừng ngập mặn và các loài động vật nhỏ sống trong rừng ngập mặn, cũng như các loài chim thường trú và di cư. Có tới 80 loài chim thường trú và hơn 160 loài chim nước di cư đã được ghi nhận tại đây.
Địa điểm này nằm trong vùng ven biển dài 190 km thuộc Vịnh Thái Lan, được tổ chức Birdlife International xác định là Khu vực chim và đa dạng sinh học quan trọng và là một trong những địa điểm quan trọng nhất đối với các loài chim di cư ở Đông Nam Á lục địa.
Quỹ Giáo dục môi trường vì phát triển bền vững Thái Lan (FEED) và Văn phòng Chính sách và quy hoạch tài nguyên thiên nhiên và môi trường của Thái Lan (ONEP) đã tổ chức nhiều hoạt động như Ngày chim di cư thế giới, nhằm thảo luận về các kế hoạch hành động về chim di cư. Các sự kiện này thu hút sự tham gia của những người quan sát chim chuyên nghiệp và nghiệp dư, các nhà nghiên cứu và các nhà bảo tồn, các doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ, cũng như đại diện từ các tổ chức chính phủ.
Chim mòng biển thường di cư đến đây và ở lại dọc theo bờ biển trong khoảng thời gian từ tháng 11 đến cuối tháng 4. Nằm cách thủ đô Bangkok hơn 50km, Bangpu trở thành một trong những địa điểm khám phá thiên nhiên yêu thích của đông đảo người dân và du khách.
Thông qua các chương trình được thiết kế riêng cho các nhóm du khách khác nhau, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên Bangpu cung cấp kiến thức về rừng ngập mặn, hệ sinh thái bãi bồi và đa dạng sinh học. Ảnh: Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên Bangpu
Các em học sinh có thể tới đây tìm hiểu về hệ sinh thái đất ngập nước và rừng ngập mặn, đặc biệt là về các loài thực vật, mối quan hệ của những loài thực vật đó với các sinh vật khác và những lợi ích mà vùng đầm lầy mang lại. Ảnh: Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên Bangpu
Học sinh cũng có cơ hội tìm hiểu về các loài chim địa phương và chim di cư khác nhau, quan sát những loài chim đó từ tháp chim hay đi bộ dọc các con đường trong trung tâm. Các em cũng có thể tìm hiểu về hệ sinh thái ven biển và bãi bồi, mối quan hệ của hệ sinh thái này với nguồn nước, cấu trúc sinh thái và các sinh vật trong khu vực. Ảnh: Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên Bangpu
Chương trình về vấn đề rác thải đại dương kết hợp giữa giáo dục về môi trường và thực hành kỹ năng xã hội cũng thu hút rất đông các bạn trẻ tham gia. Ảnh: Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên Bangpu
Ngày 13/12, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên Bangpu thông báo vùng đất ngập nước Bangpu và các bãi bồi liên quan được chính thức công nhận là Công viên Di sản ASEAN (AHP) thứ 63 và là AHP mới nhất được công nhận của Thái Lan.
XUÂN SƠN – ĐINH TRƯỜNG Phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Thái Lan