Kể chuyện làng gốm Bát Tràng
Tôi thường hay sang Bát Tràng chơi, phần vì ưa thích gốm, phần cũng vì từ nhà sang đó khá thuận tiện. Từ bến trung chuyển Long Biên, bắt xe buýt số 47A (bây giờ là xe buýt điện), tôi có dịp 'thong dong' dọc đê tả ngạn sông Hồng để ngắm cảnh và nghe gió hát.

Bảo tàng làng gốm Bát Tràng từ trên cao
Chợ làng chẳng giống chợ làng
Xuống xe ở ngay đầu chợ Bát Tràng, việc đầu tiên là ghé vào chợ. Chợ Bát Tràng chẳng giống chợ làng chút nào, bởi đó không phải là nơi bán gạo, thịt, rau, dưa, hành, tỏi... Một chợ được gọi là chợ, chuyên bán sản phẩm của làng, có người gọi đó là chợ gốm, nhưng tôi cứ thích gọi là “chợ Bát Tràng” cho vui. Trong chợ là những gian hàng gốm và nếu rẽ vào ắt khó lòng dứt ra được, thậm chí nhiều du khách bị… hút hồn luôn. Hệt như một “bảo tàng gốm” tự nhiên, nét sinh động ở chợ gốm Bát Tràng là mẫu mã, chúng dường như cũng luôn thay đổi theo mùa vụ và theo nhu cầu của khách hàng. Từ những đồ gốm đơn giản nhất tới những mặt hàng sang trọng, có giá trị lớn thì chợ đều có.

Chợ gốm Bát Tràng là điểm tập kết hấp dẫn trong hành trình du lịch Hà Nội
Hỏi chuyện một chị bán hàng, chị cứ lắc đầu quầy quậy không chịu nói tên và bảo: “Cứ gọi cô hàng gốm là được”. Ôi cái tên nghe mà thấy đượm chất quê, thấy chuyện tưởng xa xưa mà như gần đâu đó. Hồi bé tôi theo mẹ đi chợ phiên ở quê, bà ghé vào hàng cô hàng xén để mua kim chỉ. Mà cô hàng xén ở chợ quê thì cô nào cũng óng ả và nói năng dễ chịu. Cô hàng gốm ở chợ Bát Tràng hôm nay cũng vậy, cô óng ả và mời mọc rất ngọt ngào khiến khách đã ghé vào gian hàng rồi kiểu gì cũng phải mua một vài món. Gọi là “đi chợ lấy may” mà. Thực ra thì làng Bát Tràng là một cái chợ gốm khổng lồ, bởi vừa cho xe rẽ vào dốc đê là gặp ngay chợ. Rồi dọc con đường chạy xuyên qua xã, chạy xuyên qua cả làng Bát Tràng cứ san sát những cửa hàng bán gốm. Đèn đóm sáng choang, đi vào buổi tối thì thích mê đi được. Các cửa hàng đua nhau mời chào, ánh đèn như tô điểm thêm vẻ rực rỡ của gốm.
Người đi chợ có thể mua lẻ và cũng có thể mua sỉ. Nhớ ngày xưa có câu: “Ước gì anh lấy được nàng/ Để anh mua gạch Bát Tràng về xây”. Ở làng Bát Tràng bây giờ giờ hiếm thấy gạch. Sản phẩm gốm Bát Tràng bây giờ chủ yếu là đồ gốm gia dụng. Nhớ hồi mới “đổi mới”, gốm Trung Quốc tràn ngập Hà Nội, những tưởng nghề gốm Bát Tràng mai một. Vậy mà không lâu sau, gốm Bát Tràng trở lại và phát triển mạnh mẽ khiến gốm Trung Quốc phải nhanh chóng “trả sân”. Thú thực, gốm sứ Bát Tràng vẫn đẹp hơn, bền hơn, đặc sắc hơn và chắc chắn chất lượng hơn. Người tiêu dùng tinh nhạy lắm, cứ cái gì hơn thì họ dùng.

Du khách, học sinh tham quan làng gốm Bát Tràng
Gò đất cao trời mách bảo
Tôi ghé thăm đình Bát Tràng, một ngôi đình mấy trăm năm tuổi ngự bên bờ sông Hồng lộng gió. Tiếp tôi là ông Thuận và ông Đoàn trong Ban quản lý đình làng. Câu chuyện trở nên hấp dẫn khi vừa mới đây, làng nghề gốm Bát Tràng cùng với làng nghề dệt lụa Vạn Phúc được Hội đồng Thủ công thế giới vinh danh là “Thành viên Mạng lưới các thành phố thủ công sáng tạo trên toàn thế giới”. Các ông hồ hởi bảo, 1.000 năm trước (chính xác là 1.015 năm trước) Đức Thái Tổ nhà Lý (Vua Lý Công Uẩn) với “tầm nhìn nghìn năm” đã quyết định dời đô từ vùng sơn cước Hoa Lư (Ninh Bình ngày nay) ra thành Đại La (Kinh đô Thăng Long). Tham gia cuộc thiên đô mang nhiều yếu tố thời đại đó còn có 5 dòng họ làm nghề gốm nổi tiếng của làng Bồ Bát, huyện Yên Mô, phủ Trường Yên (nay thuộc huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình) là: Trần, Vương, Nguyễn, Lê, Phạm. Họ đã đem theo gia đình dời làng xuống thuyền theo Vua về kinh đô mới tìm đất lập nghiệp.

Làng gốm Bát Tràng xưa
Chuyện xưa kể rằng, khi đoàn thuyền của những nghệ nhân làm gốm đi tới vị trí làng Bát Tràng hiện nay thì thuyền chòng chành, chao đảo. Lạ quá, đang là mùa xuân, nước sông Hồng chảy êm ả vậy mà sao tới đây lại sóng gió? Tuy băn khoăn nhưng cũng để mọi người được yên tâm nên đoàn thuyền neo vào bờ tả, chỗ ấy đất cao, dễ che chắn gió, trú tạm đợi yên sẽ đi tiếp. Và mọi người lúc lên bờ nghe ngóng đã sững sờ khi phát hiện ra chỗ họ đang đứng là một vùng đất có rất nhiều gò cao (sau này nói lại là có tới 72 gò đất). Điều lạ lùng và vô cùng quý giá là những gò đất cao ấy lại là đất trắng (đất cao lanh). Dường như trời đã mách bảo, cộng với “con mắt nghề nghiệp”, những thợ gốm Hoa Lư đã xin Vua cho được lập làng ở chính nơi này. Làng gốm Bát Tràng ra đời từ đó. Ban đầu là sản xuất gạch, ngói, đồ gia dụng, thờ cúng, chủ yếu phục vụ nhu cầu xây dựng Kinh thành Thăng Long và nhu cầu sử dụng của triều đình, dần dà khi sản phẩm làm ra đã dồi dào thì cung cấp cho các nơi khác, kể cả cho tàu buôn nước ngoài cập bến mua hàng. Điều lạ lùng nữa là, sông Hồng đoạn chảy từ kinh thành về tới điểm giáp ranh giữa xã Đông Dư và xã Bát Tràng hiện nay thì ngoặt vào bên tả tạo thành một khúc cua khá gấp. Lạ lùng là sau khúc cua ấy, dòng sông Hồng lại chảy chếch sang bên hữu nên khu vực có những gò đất trắng không bị dòng xoáy làm sạt lở. Điều đó chứng tỏ nền đất nơi này khá bền vững, tốt cho việc không chỉ lập làng mà còn duy trì lâu bền từ đời này sang đời khác. Làng Bát Tràng thành nơi an cư lạc nghiệp cho con cháu của 5 dòng họ miền Cố đô Hoa Lư ăn đời ở kiếp, làm ăn phát đạt.

Mâm cỗ đặc trưng của làng gốm Bát Tràng
Ngự trên mỏm đất cao quay mặt ra sông Hồng, đình làng Bát Tràng đã vô tình trở thành điểm nhấn, thành điểm nhìn cho các vùng lân cận, đặc biệt là cho tàu thuyền qua lại. Thời còn giao thương bằng tàu thuyền với lái buôn nước ngoài, chính bến nước đình làng là một điểm neo đậu mua gốm khá sầm uất. Ông Vũ Văn Đoàn bổ sung thêm: “Bát Tràng có nghĩa là cái sân lớn, là nơi chuyên dành để phơi gốm khi sản phẩm còn mộc, đợi se se khô mới chuyển vào lò nung”. Tựa như để tiếp nối mạch tâm linh, ông Thuận chỉ vào đôi câu đối treo ở ban chính điện: “Câu đối này có từ hồi mới xây đình, chắc cũng phải nghìn năm rồi. Trải qua nhiều phen biến cải cũng như lụt lội vẫn được dân làng Bát Tràng gìn giữ. Quý lắm đấy!”. Rồi ông trầm ngâm đọc: “Bồ di thủ nghệ khai đình vũ/ Lan nhiệt tâm hương bái thánh thần” (Đem nghề nghiệp từ làng Bồ Bát đi dựng đình mới/ Lòng thành kính tựa hương lan tạ ơn thánh thần). Câu đối vừa nói được nguồn gốc làng nghề, vừa bày tỏ lòng tri ân với đất trời tiên tổ.
Đúng như đánh giá của Chủ tịch Hội đồng Thủ công thế giới Saad al-Qaddumi trong đêm vinh danh tại Hoàng thành Thăng Long: “Việt Nam, đặc biệt là các làng nghề truyền thống tại Hà Nội, từ lâu đã nổi tiếng với những sản phẩm thủ công tinh xảo, được gìn giữ và phát triển qua nhiều thế kỷ. Từ những sản phẩm gốm sứ tinh mỹ của Bát Tràng đến những tấm lụa mềm mại của Vạn Phúc, đây không chỉ đơn thuần là kế sinh nhai mà còn là những biểu tượng sống động của văn hóa, sáng tạo và tinh thần kiên cường của người Việt Nam.