Jane Whorwood - nữ điệp viên hộ giá vua Charles I

Trong suốt thời kỳ diễn ra Nội chiến lần thứ nhất (1642-1646), bà Jane Whorwood là mật vụ dưới trướng hoàng đế Charles I. Khi nhà vua bị quốc hội bắt làm tù binh, Jane là một trong những người chủ chốt đứng sau nhiều nỗ lực nhằm phóng thích cựu hoàng thoát khỏi cảnh giam cầm trên đảo Wight, đáng chú ý là lâu đài Carisbrooke, vào năm 1648. Bà Jane là bề tôi trung thành nhất trong thời vua Charles I.

Thuở ban đầu

Jane (còn có các tên gọi khác là Janna, Jeanne, Ginne hay Jinny) chào đời ở kinh thành London và lớn lên ở một nơi gần Charing Cross. Bà là con gái của một cặp vợ chồng người Scotland gốc Đức, thân phụ là ông William Ryder, còn mẹ là bà Elizabeth de Boussy, người gốc Antwerp (Vương quốc Bỉ). Ông William nằm trong số 7 người giám sát Khu tàu ngựa của Hoàng gia Anh thuộc quyền Vua James I (1609-1625), chịu trách nhiệm cho mọi hoạt động đi lại của hoàng gia. Elizabeth là nữ thị tì lo giặt đồ cho Hoàng hậu Anne xứ Đan Mạch.

Ông William tạ thế năm 1617, và cũng chỉ 2 năm sau đó tới lượt bà Elizabeth tái hôn với ông James Maxwell, một người hầu làm việc trong các phòng ngủ của hai Hoàng tử Henry và Charles. Danh tiếng của Maxwell nổi như cồn đến nỗi ông trở thành Garter Usher (viên chức của Hoàng gia Anh) trong giai đoạn 1621 và Black Rod năm 1622.

Holton Park (sau này là Horden House) được mô tả trong cuốn sách năm 1787.

Holton Park (sau này là Horden House) được mô tả trong cuốn sách năm 1787.

Maxwell trở nên giàu có khi mua hàng loạt đồn điền, điền sản, độc quyền về thương mại và miễn thuế. Từ năm 1628 cho đến thập niên 1640, Maxwell là một trong những người lo tiền tài của nhà vua. Chính nhờ người cha dượng Maxwell mà tiểu thư Jane đã hưởng thụ đời sống thượng lưu, lớn lên gần hoàng cung. Bà cũng khâm phục tài năng của ông Maxwell trong vai trò một nhà điều hành cứng rắn, khôn ngoan, người đã lèo lái thoát khỏi những tranh đoạt quyền bính của triều đình và nghị viện, không ngừng thúc đẩy bản thân tiến bộ trong quá trình này. Những sự kiện xảy ra sau này cho thấy bà Jane có tâm lý thoải mái khi sống giữa những người vĩ đại và quyền lực. Hẳn bà Jane có gia sư riêng nên văn phong của bà khá trôi chảy, có học thức và có kiểu cách cung đình.

Không có bức chân dung nào về Jane nhưng trong báo cáo gửi cho Ủy ban Hạ viện Derby vào năm 1648, Jane được miêu tả là “quý bà cao ráo, ăn nói lưu loát, khuôn mặt tròn và nhiều lỗ rỗ (sẹo do bệnh đậu mùa gây ra) trên mặt”. Một mô tả khác dù muộn hơn đã hé lộ thêm một chút về Jane: “Bà có mái tóc đỏ y như người con trai Brome, và là người trung thành tuyệt đối với Vua Charles hơn bất kỳ lệnh bà cao quý nào trên đất Anh.

Chiến tranh và những hoạt động mật

James Maxwell nên duyên chồng vợ với bà Jane vào năm 1634, đó là cuộc hôn nhân sắp đặt. Chú rể là con trai của điền chủ Brome Whorwood, và kém vợ tương lai tới 4 tuổi. Jane nhận kha khá của hồi môn trong khi Brome được thừa kế nhiều điền sản tại Sandwell Park (Tây Bromwich, Tây Bắc Birmingham) và Holton Park (gần Oxford). Jane đã từng xung đột với gia đình chồng có lẽ vì bà là người phụ nữ tự tin, ý chí mạnh mẽ, giàu có, và có học thức, tại một địa phương còn nặng tính bảo thủ. Thêm nữa với gốc gác tổ tiên người Scotland với mái tóc đỏ đặc trưng là thứ bị người Anh căm ghét.

Trong khoảng giữa thời gian 1635 và 1639, bà Jane có 4 người con: Brome (con trai) sinh năm 1635 (bị chết đuối năm 1657); James sinh năm 1636 (qua đời lúc mới 4 tháng); Elizabeth (con gái) sinh năm 1637 (mất khi lên 3) và một người con gái khác là Diana sinh năm 1639 (người này sống đến năm 1701).

Trong thập niên 1630, bà Jane đã chứng kiến những hục hoặc căng thẳng giữa nhà vua và quốc hội, người cha dượng Black Rod của bà đứng giữa thế đối đầu. Mùa hè 1642, chiến tranh leo thang, quốc hội nắm quyền kiểm soát London, buộc Vua Charles I phải tái thiết lập triều đình ở Oxford. Holton Park nằm ở phía Đông Oxford chỉ 6 dặm, điều này vô tình khiến cho Jane có cảm giác thân thuộc. Triều đình và trụ sở quân sự của nhà vua đặt ở Oxford cho đến khi kết thúc chiến tranh vào năm 1646. Con đường từ Oxford đến London phải băng qua sông Thame tại cầu Wheatley, cách Holton Park chỉ 1 dặm đường.

Đây cũng là con đường mà điệp viên cả hai bên cùng sử dụng để thu thập tình báo địch. Bà Jane nhanh chóng trở thành một cán bộ nòng cốt trong mạng lưới tình báo của Hoàng gia. Có lẽ bà là mắt xích quan trọng nhất giữa nhà vua với các thương nhân giàu sụ của thành London, mà đáng chú ý là đức ông Paul Pindar, nhà tài trợ tiền bạc hào phóng cho phe Bảo hoàng.

Chỉ riêng năm 1644, bà Jane đã giúp vận chuyển trót lọt 80.000 bảng Anh tiền vàng (tương đương số tiền 9,4 triệu bảng Anh theo thị giá ngày nay) từ London đến Oxford, chúng được giấu trong các thùng xà bông, được bí mật đưa đi xuyên qua các trạm kiểm soát của quốc hội. Số tiền này đã giúp tăng năng lực cho nỗ lực chiến tranh của phe Bảo hoàng và có lẽ đã giữ chân Jane ở lại Oxford và Holton Park cho đến khi phe Bảo hoàng đầu hàng vào tháng 6/1646, khi đó bà đã là một điệp viên hơn 3 năm kinh nghiệm dày dạn.

Một lời làm chứng bóc trần vỏ bọc hoạt động tình báo của bà Jane đến từ chỉ huy quân đội Nghị viện, ông Thomas Fairfax, cho rằng ông đã dùng Holton Park làm căn cứ trong 2 tháng 5 và 6 của năm 1646, thời điểm đó chắc chắn bà Jane đã hiện diện thường xuyên. Hai năm tiếp theo đó, vì mục đích của phe Bảo hoàng nên Jane đã lui vào hoạt động mật, cũng là khi Vua Charles I đàm phán với Quốc hội và với người Scotland nhằm tìm cách phục hồi quyền bính.

Jane theo dõi đường đi nước bước của nhà vua từ Newcastle và Northamptonshire, và thường quay lại London nhằm duy trì các kết nối mật thiết với giới tài phiệt kinh thành. Khoảng tháng 5/1647, Jane lấy tiền của quốc hội và cũng sắp xếp chuyển vàng cho đức vua khi ngài định cư tại triều đình Hampton. Tháng 11/1647, cựu hoàng Charles I trốn khỏi triều đình Hampton để đến đảo Wight. Những cuộc đàm phán về một giải pháp chính trị lại bắt đầu mặc dù mỗi bên có những toan tính riêng, bản thân nhà vua còn muốn thực hiện một nỗ lực đào tẩu khác mặc dù không thành công.

Sau một cuộc nổi loạn nhỏ ở Newport, Charles I bị giam giữ ở lâu đài Carisbrooke trong tháng 1/1648, cùng với Đại tá Robert Hammond trong tư cách cai ngục. Bà Jane đến Newport trong tháng 12/1647 và bắt tay với những nhân vật “máu mặt” khác như John Ashburnham, John Browne, Henry Firebrace, John Oglander và Silius Titus nhằm giải cứu nhà vua khỏi lâu đài Carisbrooke.

Jane đóng vai trò điều hành chính. Những lá thư được mã hóa đã được đưa ra đưa vào, mặc dù các điệp viên kép đã rò rỉ những tình tiết mà họ báo cáo cho quốc hội. Ngày 20/3/1648, nỗ lực đào tẩu đầu tiên đã thất bại khi nhà vua bị mắc kẹt giữa các song sắt cửa sổ. Nỗ lực thứ hai đã được lên kế hoạch trong đó một chiếc cưa sắt và Nitric acid đã được tuồn vào bên trong. Tuy vậy, tới ngày 20/4/1648, bà Jane khuyên ông Henry Firebrace khi viết thư rằng phải giả vờ như bỏ rơi việc giải cứu nhà vua vì bà hoài nghi có sự phản bội.

Trong lúc đó, Jane thuê một con tàu ở London và xuôi dòng sông Medway để tiến đến Queenborough nhằm mục đích đưa cựu hoàng Charles sang Hà Lan. Những người khác sẽ tháp tùng nhà vua từ lâu đài Carisbrooke vượt qua Solent và đi đường bộ đến Queenborough. Bà Jane mất 5 tuần ngóng đợi song kế hoạch ngày 29/5 cũng thất bại nốt khi các lính cai ngục ăn hối lộ buộc nhắm mắt phản bội nhà vua.

Dù những nỗ lực đào tẩu thất bại nhưng các cuộc thương thảo xa hơn đã được nhất trí. Đại tá Hammond vẫn tiếp tục giám sát cựu hoàng, cũng như nhà vua có thể tiếp khách riêng tại tư gia của William Hopkins ở Newport. Ngày 19/7/1648, Jane ở gần đó và 2 lá thư bị thất lạc của bà đã hé lộ sự phản hồi trần tục của cựu hoàng” ngài muốn gặp riêng Jane. Trong một lá thư gửi cho ông Henry Firebrace, Jane đã bày tỏ sự xung đột trong bà giữa nghĩa vụ và cảm xúc cá nhân.

Và cũng chỉ một tháng sau đó, sau nhiều thư từ qua lại do nhà vua gửi cho Jane, Đại tá Hammond đã cho phép cựu hoàng có thêm tự do cá nhân trước những cuộc đàm phán vào tháng 9. Ngày 28/8/1648, Jane gặp riêng Cựu hoàng Charles I tại tư gia của Hopkins và vài lần tương tự trong các ngày sau đó tại lâu đài Carisbrooke. Đây rõ ràng là vì vấn đề “phòng the”.

Nhà thờ giáo xứ St Bartholomew ở Holton, nơi bà Jane được an táng. Ngôi mộ của bà giờ đây không còn được đánh dấu.

Nhà thờ giáo xứ St Bartholomew ở Holton, nơi bà Jane được an táng. Ngôi mộ của bà giờ đây không còn được đánh dấu.

Cuộc đời chìm nổi

Cựu hoàng và các ủy viên nghị viện bắt đầu đàm phán vào ngày 15/9 và cả hai cùng biết rằng việc này thiếu chân thành và vô nghĩa khi những người theo đường lối cứng rắn của quân đội ở London sẽ không thể nào chấp nhận một giải pháp ôn hòa. Đến ngày 13/11, Jane cảnh báo cựu hoàng và khuyên ông đào tẩu khi bà hay tin rằng quốc hội sẽ tuân thủ những điều khoản của họ. Ngày 25/11, Jane ở Newport và đã có phương tiện để đào thoát, nhưng nhà vua trong trạng thái mệt mỏi đã bác việc đó. Cựu hoàng bị đưa về đất liền và bị quản thúc 3 tuần tại lâu đài Hurst và sau đó là chuyển về London.

Sau một phiên xét xử, nhà vua bị xử tử vào ngày 30/1/1649. Rất ít có khả năng các hoạt động của bà Jane được quốc hội biết một cách đầy đủ, tường tận. Bà có thời gian ngắn “bóc lịch” khi hành vi biển thủ tiền của quốc hội bị phát giác vào năm 1651, nhưng được thả vì mẹ bà đã trả tiền thay con gái.

Jane 39 tuổi và cuộc hôn nhân của bà có nhiều sóng gió kể từ sau cuộc chiến. Người chồng công khai sống với Kate Allen, con gái một thợ làm bánh ở Oxford, từ người hầu, người đàn bà này đã thay bà chủ Jane. Xuyên suốt thập niên 1650, người chồng trở nên vũ phu, có lần gã đánh bà đến mức bà phải chuyển tới Oxford để điều trị và nương náu. Tiếp đó là 30 năm kiện tụng ì xèo. Người chồng Brome liên tục bị chỉ trích và được yêu cầu trả tiền cấp dưỡng cho vợ cũ tương đương 300 bảng Anh mỗi năm. Gã luôn né tránh và trong lá thư năm 1657 còn viết: “Nếu bà ta (Jane) sắp chết và cần nửa xu để cứu mình, tôi cũng không thí nó”.

Vào thời kỳ Charles II phục hồi ngai vàng năm 1660, những công việc phụng sự của bà Jane cho vị tân vương đã không được ghi nhận xứng đáng, điều này thật kỳ quặc. Đàn ông thường được tưởng thưởng bằng các chức vụ trong chính phủ và đặc quyền, từ đó giúp cho họ thịnh vượng, trong khi phụ nữ chỉ được thưởng trang sức và tiền bạc. Có lẽ bà Jane không nằm trong số nhiều người đệ trình nhà vua ban cho họ chức tước và phần thưởng. Nhưng những người đồng mưu với bà trên đảo Wight như Henry Firebrace và Silius Titus lại được tưởng thưởng hậu hĩnh. Khi người chồng cũ Brome tạ thế năm 1684, bà Jane thậm chí còn không có tên trong di chúc của ông ta. Bà Jane qua đời vài tháng sau đó tại Holton năm 1684, thọ 72 tuổi. Bà sống trong tình trạng “nghèo thanh bần” với tài sản cá nhân chỉ 40 bảng Anh (tức 4.500 bảng Anh thời ngày nay).

Cuộc đời của nữ điệp viên Jane Whorwood đã được nhà viết tiểu sử John Fox ghi lại một cách xuất sắc và tỉ mỉ, song vẫn còn nhiều điều chưa được biết đến. Bà là người phức tạp tại thời điểm nhiều gia đình bị chia rẽ bởi chính trị, tôn giáo và nội chiến. Cá tính tự tin và các hoạt động mật của Jane có thể ảnh hưởng mạnh đến quan hệ gia đình; 3 chị gái và mẹ chồng đã loại bà khỏi di chúc của họ. Cuộc hôn nhân của Jane là thảm họa và bà đã chịu đựng sự sỉ nhục, vũ phu, cùng sự thiếu trung thực từ chồng mình.

Trong vai trò mật vụ, Jane đã tận tụy với sự nghiệp của nhà vua - một cam kết đã hình thành từ thuở ấu thơ - và liên tục đối mặt hiểm nguy trong thời gian phục vụ. Jane đã rất thành công khi đưa vàng bí mật nhằm phục vụ cuộc chiến của phe Bảo hoàng. Sau đó các hoạt động phóng thích cựu vương của bà Jane khỏi đảo Wight trong năm 1648 là sự phụng sự không mệt mỏi bất chấp sự theo dõi của kẻ thù.

Phan Bình (Tổng hợp)

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/ho-so-mat/jane-whorwood-nu-diep-vien-ho-gia-vua-charles-i-i759354/
Zalo